Chim Yến về trời

Nhà văn Hoàng Khởi Phong

Chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt phát hành tại California, là tờ báo hiện diện lâu nhất và có nhiều độc giả nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã qua đời. Lễ an táng sẽ đựơc cử hành tại quận Cam trong vòng vài giờ đồng hồ nữa.

DoNgocYen150.jpg
Nhà báo Đỗ Ngọc Yến. Photo of Nguoi Viet Online.

Nhà văn Hoàng Khởi Phong vốn trong ban biên tập nhật báo Người Việt, có bài viết về người bạn mà anh hằng kính trọng mang tựa đề, “Gửi với theo anh hồn Đỗ Ngọc Yến” như sau.

Ý chí đúc bằng thép

Tên anh là một loài chim, một con chim Yến lúc nào cũng bay ở vị trí đầu đàn, và ở bất cứ nơi nào anh có mặt người ta luôn nghe được tiếng cười, ngay cả trong những nghịch cảnh mà nhiều người khác có thể sẽ phải khóc. Vào hồi 4 giờ 28 phút ngày Thứ Năm 17 - 8 - 2006 vừa qua, người sáng lập và là con chim đầu đàn của tờ Người Việt cất cánh bay vào vùng vô định.

Như bất kỳ một nhân viên nào của công ty Người Việt, cũng như rất nhiều người đã từng quen biết anh, chúng tôi biết rất rõ sức khỏe của anh. Có thể nói anh đã đơn thân chiến đấu với tử thần từ nhiều năm nay, kể từ lúc tờ báo còn ở trụ sở cũ và anh bắt đầu phải đi lọc máu mỗi tuần ba lần.

Nhưng với anh dù khỏe hay không, anh vẫn quan tâm tới hướng phát triển của tờ báo, quan tâm tới các người cộng sự, cho tới khi phải cắt đi dù chỉ là hai ngón của một bàn chân, anh mới hoàn toàn nằm dưỡng bệnh tại nhà.

Hãy tưởng tượng một tuần ba lần lọc máu, cộng với những lần thăm bác sĩ bất thường, vị chi một năm có tới gần hai trăm lần phải đối diện với một lưỡi hái thấp thoáng phía xa xa.

Thế mà anh đã trải qua tám, chín năm trời như thế. Có lẽ nếu quả có một vị thần ghi sổ tử như Nam Tào, chắc hẳn cái ông Nam Tào này sẽ phải phiền nhiễu vô cùng, vì nhiều lần bị lỡ bộ nếu trên thế gian này có nhiều người như Đỗ Ngọc Yến.

Phải là một ý chí đúc bằng thép trong tình trạng sức khỏe mỗi ngày mỗi cạn kiệt, mới có thể an nhiên xem một phòng tranh, nghe một buổi hòa nhạc, coi một cuốn phim, dự một buổi ra mắt sách, tham gia một cuộc hội thảo. Đó là chưa kể tới những sinh hoạt quan hôn tang tế mà những người thân của anh, ai nấy đều muốn có sự hiện diện của anh.

Phải là một phép lạ mới có thể đi từ nơi lọc máu, sang nơi lọc máu khác, từ ông bác sĩ chuyên môn này, tới ông bác sĩ chuyên môn khác, thế mà vẫn giữ được phong độ an nhiên tự tại với cuộc sống và với con người.

Bạn ở khắp nơi

Tôi quen với Đỗ Ngọc Yến vào năm 1978, khoảng thời gian anh từ Texas về chơi Cali, rồi ở lì lại làm báo. Thành thử năm 1993, trước khi chính thức trở thành một biên tập viên cho tờ báo, một nhân viên của công ty Người Việt, tôi có một thời gian 15 năm dài quen biết anh.

Đỗ Ngọc Yến có nhiều loại bạn, bạn thiếu thời vui buồn có nhau trên một nửa thế kỷ từ khi còn học ban C ở Pétrus Ký là Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh. Trần Đại Lộc đã đi tiền trạm cách đây bẩy năm, nay chỉ còn Phạm Phú Minh, từ nhiều năm nay lúc nào chả sát cánh với Đỗ Ngọc Yến, trong cương vị Chủ Bút tờ Thế Kỷ 21 và Giám Đốc Đài Phát Thanh VNCR

Bạn thời niên thiếu của Đỗ Ngọc Yến còn có thể kể thêm Đỗ Quý Toàn, và Phan Huy Đạt. Cả ba cùng sinh hoạt Hướng Đạo. Đỗ Quý Toàn hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Chủ Biên của Nhật Báo Người Việt.

Bạn hoạt động, cùng làm việc với nhau cách nay ba, bốn chục năm trong các chương trình thanh niên, sinh viên thời thập niên của 60, 70 của Đỗ Ngọc Yến giờ đây còn lại quanh quẩn trong trụ sở của tờ Người Việt gồm có Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Việt Anh, Nguyễn Khả Lộc, Phạm Quốc Bảo, Hà Tường Cát.

Bạn thời thanh xuân của Đỗ Ngọc Yến hầu như giờ đây có mặt rải rác ở nhiều nơi, từ Việt Nam sang Pháp, Úc, Canada và nhiều tiểu bang trong lòng nước Mỹ.

Để lại khoảng trống lớn

Trong lễ an táng, bên cạnh gia đình anh, tôi biết sẽ có hàng trăm người đã từng làm việc với Đỗ Ngọc Yến từ khi còn ở Việt Nam hay sau này cộng tác với anh tại Mỹ. Tôi tin chắc một điều: Khi ra đi anh đã để lại một khoảng trống khá lớn cho những người còn ở lại.

Tôi tin là nhiều người hiện diện trong tang lễ có nợ với anh. Món nợ nhiều khi chỉ là những chia sẻ bằng lời, trong những hoàn cảnh không một ai có thể chia sẻ được. Cũng có nhiều người nợ anh những món nợ không thể trang trải nổi, đành trả nợ anh với những nụ cười.

Thế nhưng riêng với bản thân anh, tôi biết là anh tự cho mình còn mắc nợ nhiều người, nhất là những người đã lao vào nghề báo, mà không được huấn luyện chuyên môn từ bất cứ một trường sở nào, và đã theo anh từ căn garage của căn nhà số 1005 đường Euclid, cho tới mọi trụ sở của Người Việt từ bấy tới nay.

Anh đã từng thố lộ với tôi, và với nhiều người khác trong tòa soạn nỗi băn khoăn về tương lai của các nhân viên, nhất là với những người đã bước vào tuổi sáu mươi, và đã làm việc cho tờ Người Việt mấy chục năm đằng đẵng.

Trong tang lễ của anh, tôi tin là qua những cơn gió nhẹ vờn trên những bó hoa rải rác chung quanh nơi anh yên nghỉ, anh còn đương muốn gởi lại cho các bạn hữu, người thân và nhân viên những lời trăn trối cuối cùng. Anh chưa kịp nói, song tôi tin là mọi người đã nghe, đã cảm nhận được cái tâm của anh, lo lắng cho những người còn ở lại.

Anh Yến thân. Tôi đã cùng nắm tay với anh và nhiều người khác khi đưa tiễn Trần Đại Lộc về bên kia thế giới. Ngày đó trước khi hạ huyệt, chúng ta cùng hát bài "Shalom", một điệu dân ca Do Thái, mà dân Hướng Đạo mỗi khi từ biệt nhau thường hát, nhằm chúc người ra đi trong bằng an.

Tôi không biết trong chương trình tang lễ sắp tới, các bạn cũ có ai còn muốn tiễn anh bằng lời ca yên bình này, và ai sẽ là người bắt giọng.

Anh Yến thân,

Tên anh là một loài chim, một con chim Yến lúc nào cũng bay ở vị trí đầu đàn. Đã đến lúc anh phải lìa đàn vượt thoát một mình. Hãy bay vút lên cao, cao hơn cả tầng trời xanh thẳm. Trước khi chọc thủng trần mây, anh cũng chẳng cần ngoái đầu nhìn lại cõi nhân gian bé tí teo làm gì. Cõi nhân gian khi nào mà chẳng nhỏ nhoi và ti tiểu.

Hãy bay vút lên cao, cao hơn nữa. Nhiều bạn đã chờ anh ở đó.... Nhiều người nữa đang chờ anh ở đó. Đừng bịn rịn, băn khoăn. Đừng ngoái đầu lại.

Hãy bay đi, bay đi, bay đi. Hãy bay đi, bay đi, bay đi.

Hoàng Khởi Phong Green Lantern Village 22 - 8 - 2006