Về chuyến công du Cộng Hoà Czech của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

0:00 / 0:00

Việt Hùng, thông tín viên RFA

Sau chặng dừng chân tại Liên bang Nga, ngày thứ Tư (12-09) vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng đã tới Praha, thủ đô Cộng hòa Czech để mở đầu cho chuyến công du trong hai ngày 12-14-09. Từ Cộng hòa Czech, phái viên Việt Hùng của Ban Việt ngữ có bài tường trình gửi về sau đây.

NguyenTanDungVnCzech200.jpg
Tổng thống Cộng hòa Czech Václav Klaus và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Praha hôm 13-9-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Chuyến công du của ông Nguyễn Tấn Dũng diễn ra vào thời điểm theo đánh giá của các nhà quan sát "quan hệ hai nước đang trên đà phát triển nhất là kể từ sau chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Czech Václav Klaus hồi năm ngoái 2006".

Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Czech

Tuyên bố trước các phóng viên báo chí, đại diện nước chủ nhà Thủ tướng Mirek Topolánek cho rằng, "trong quan hệ hai nước kể từ năm 1994 (thế kỷ trước) cho đến nay chưa bao giờ quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Czech lại tiến triển tốt như hiện nay"

Vẫn theo lời ông Thủ tướng Cộng hòa Czech thì chuyến công du lần này của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư từ Cộng hòa Czech đến Việt Nam.

Trong số 7 hợp đồng với tổng số vốn đầu tư là 3,5 tỷ US đôla mà hai bên đã ký đáng kể nhất là hợp đồng trị giá 3 tỷ đôla do hai đại công ty Skoda Praha và CEZ của Cộng hòa Czech đầu tư vào nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Trà Vinh, theo ghi nhận sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013.

Bên cạnh hợp đồng xây nhà máy nhiệt điện mà ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang về cho Việt Nam là những hợp đồng khác trong lãnh vực xây cất, lọc nước, xử lý rác và chất thải, thủy tinh pha-lê và những trang thiết bị y tế…

Trong những buổi làm việc hai bên cũng đã đề cập đến mức thâm thủng trong kim ngạch xuất nhập khẩu. Tính cho đến năm ngoái mức thâm thủng là 13 triệu đôla, trong khi Việt Nam xuất sang Cộng hòa Czech 90 triệu thì Cộng hòa Czech chỉ xuất được 77 triệu.

Nếu căn cứ vào chỉ số xuất-nhập khẩu của cả hai bên đưa ra chưa đạt tới ngưỡng 100 triệu đôla hàng năm có thể nói quan hệ giao thương này vẫn ở hàng thứ yếu. Cộng hòa Czech cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những bạn hàng quan trọng trong những hoạch định về kinh tế của Cộng hòa Czech trong niên khóa 2006 – 2010.

Trong khi Việt Nam lại nhắm tới các nhà đầu tư từ Đông Âu trong các lãnh vực như xây cất, công nghiệp thực phẩm và trong chuyến công du Việt Nam năm ngoái của Tổng thống Václav Klaus, Cộng hòa Czech đã đầu tư xây một nhà máy sản xuất xi măng và lắp đặt một dây chuyền sản xuất Beer tại Việt Nam.

Khối người Việt từ Đông Âu

Liên quan đến chuyến đi lần này của ông Nguyễn Tấn Dũng tại Cộng hòa Czech, báo giới tại đây cũng đề cập đến số lượng đáng kể những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Czech. So với những cộng đồng người Việt ở một số quốc gia trên thế giới thì con số 50.000 người không mấy đáng kể, nhưng đối với một quốc gia nhỏ ở vùng Trung Âu như Cộng hòa Czech thì con số 50 ngàn trong tổng số hơn 10 triệu dân Czech thì cũng là một con số khá đáng kể.

Trong vài năm đổ lại đây, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội dường như đã nhận thấy "tiềm năng về tài chánh" của khối người Việt từ Đông Âu gửi về hàng năm cũng như những dấu hiệu gần đây cho thấy không ít người Việt tại Đông Âu cũ đã mang tiền về đầu tư tại Việt Nam trong các dịch vụ khách sạn, những khu nghỉ mát tại Nha Trang, Mũi Né, Đà Nẵng và Phú Quốc.

Trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Czech, tưởng cũng cần nhắc lại, quan hệ này chỉ được khai thông kể từ năm 1994 khi chính khách của cả hai bên bắt đầu bằng những chuyến công du ngỏ hầu nối lại sau nhiều năm gián đoạn nếu lấy cái mốc kể từ năm 1989, bùng nổ Cuộc Cách mạng Nhung, khi người dân Tiệp Khắc đứng lên "giải thể" chủ thuyết cộng sản tại Tiệp Khắc nói riêng và Đông Âu nói chung.

Người ta còn nhớ trước năm 1989 quan hệ Việt Nam - Tiệp Khắc khá "mật thiết" trên tinh thần "anh em xã hội chủ nghĩa" phần vì cùng hệ thống những quốc gia cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, phần vì những toan tính của những người cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến 1975 nên Tiệp Khắc đã viện trợ cho Hà Nội một số lượng lớn vũ khí và đạn dược trong ý đồ dùng Bắc Việt như bàn đạp để "bành trướng chủ thuyết cộng sản xuống vùng Đông-Nam-Á".

Sau năm 1989, Tiệp Khắc đã thay đổi thể chế chính trị, chuyển sang thể chế tự do-dân chủ. Không ít lần các nhà lãnh đạo Việt Nam từng được "nhắc nhớ" về những giá trị về nhân quyền cũng như lên tiếng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho các vị lãnh đạo tinh thần Tôn giáo cũng như những phản ứng về những bản án bất công đối với các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Đáng kể nhất phải nói đến vai trò của cựu Tổng thống Václav Havel và nhiều chính khách khác, cũng như từ các thành viên Chater 77, một tập hợp văn nghệ sĩ, trí thức, tôn giáo và những người cộng sản cấp tiến trong việc tạo dựng thành công cuộc Cách mạng Nhung năm 89.

Một điểm cũng đáng chú ý, trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay, không ít người từng du học hay tu nghiệp tại Tiệp Khắc điển hình là ông Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, ông Vương Đình Huệ, Tổng kiểm toán nhà nước cùng một số viên chức hiện đang nắm giữ nhiều vị trí then chốt trong guồng máy điều hành tại Việt Nam.

Theo những tin tức được ghi nhận, song hành với chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là những hoạt động văn hóa thông qua những buổi đại nhạc hội của các văn nghệ sĩ đến từ Việt Nam trong thông điệp mà nhà nước Việt Nam muốn thể hiện tới cộng đồng người Việt tại Đông Âu về cái gọi là "nối dài khúc ruột xa ngàn vạn dặm".

Việt Hùng, tường trình từ Praha.