Ý kiến của giới luật sư và đại biểu quốc hội về cuộc biểu tình của người dân

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Cuộc biểu tình khiếu tố đất đai của người dân các tỉnh trước trụ sở Quốc Hội 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh đã bước sang tuần lễ thứ ba nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào từ nhà nước cho thấy một quyết định hay phương án thỏa thuận với những yêu cầu chính đáng khả dĩ được đưa ra giải quyết phần nào những bức xúc của họ.

LawLawyer200.jpg
Hình của Tiếng Dân Kêu.

Mặc Lâm tiếp tục lấy ý kiến của nhiều người trong giới luật sư và đại biểu quốc hội để tìm hiểu sự việc, mời quý thính giả theo dõi.

Tuần lễ thứ ba sắp trôi qua, trước cửa trụ sở Quốc Hội vẫn còn những hình ảnh của người dân từ các tỉnh kéo về ngồi chờ. Qua các bức hình của các hãng thông tấn nước ngoài người xem chạnh lòng trước sức kiên nhẫn của những người phụ nữ Việt Nam đã không quản ngại khó khăn tranh đấu cho những điều mà họ cho là bất công áp bức lên gia đình họ. Không một đại diện dân cử nào có mặt để lắng nghe hay nhận những đơn thư của họ.

Nhiều hãng thông tấn đưa tin rằng không có dấu hiệu đàn áp nào từ phía chính quyền và đây là dấu hiệu tốt chứng tỏ có sự thay đổi rõ rệt trong cách đối phó với người dân trong những trường hợp được xem là nhạy cảm này. Chúng tôi liên lạc với ông Dương Trung Quốc, nhà sử học nguyên đại biểu Quốc Hội Việt Nam để hỏi ông về vấn đề này. Ông cho biết những ghi nhận của ông trước đây về các hành xử của cơ quan công quyền:

“Theo tôi biết thì những gì tôi quan sát được ở Hà Nội thì tôi thấy không có trường hợp nào gọi là công an đàn áp trực tiếp cả. Phần lớn người ta tạo điều kiện cho các địa phương theo cách nói dân gian là "rước về"! Các lãnh đạo địa phương ra gặp những người dân và đưa về địa phương để giải quyết và trung ương theo dõi sau đó.”

Khi chúng tôi đưa ra những băn khoăn về kết quả đạt được có vẻ khiêm tốn so với số lượng đơn thư, ông Dương Trung Quốc cho biết:

“Tất nhiên đó là lý thuyết còn thực tế thì có những khác biệt vì có nhiều địa phương không giải quyết được cho người dân. Riêng lần này thì cá nhân tôi tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải có một cái luật biểu tình để cho người dân được biểu tình trong khuôn khổ mà pháp luật quy định. Có lẽ các nước đã có những luật về biểu tình và ta cũng phải có. Tôi đã thấy người ta đã bàn về vấn đề này.

Theo tôi biết thì những gì tôi quan sát được ở Hà Nội thì tôi thấy không có trường hợp nào gọi là công an đàn áp trực tiếp cả. Phần lớn người ta tạo điều kiện cho các địa phương theo cách nói dân gian là "rước về"! Các lãnh đạo địa phương ra gặp những người dân và đưa về địa phương để giải quyết và trung ương theo dõi sau đó.

Còn những việc khiếu kiện mà kéo dài thì tôi cho nó nằm trong cái cơ chế, đúng về luật thì có quy định về luật khiếu nại khiếu tố nhưng bộ máy thực hiện cái luật này nó vẫn còn hết sức chưa có hiệu quả, cho nên có những trường hợp về nguyên tắc của những địa phương thì có chỗ nhiều có chỗ ít, đặc biệt những việc liên quan đến đất đai thế nhưng vì hệ thống luật chưa hoàn chỉnh cũng như bộ máy địa phương chưa hoàn chỉnh trong việc thực hiện luật này. Người dân thì có quan niệm của người ta, về quyền lợi của người ta.”

Khi nghe chúng tôi hỏi, đứng trên quan điểm của một đại biểu Quốc Hội ông có những nhận định gì về các vụ khiếu nại đất đai này. Ông có ghi nhận đặc biệt gì về những trường hợp mà ông biết rõ hoặc đã từng tham gia trực tiếp giải quyết khi đang nhiệm chức không? ông Dương Trung Quốc cho biết:

“Tôi cũng đã tham gia một số trường hợp giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân thì ai cũng có lý cả, người dân cũng có lý mà chính quyền cấp dưới cũng có lý. Địa phương đã đưa ra các quyết định mà họ đã giải quyết cho thấy cũng có lý vì cho rằng như vậy là mức đền bù thiệt hại như thế là đã thỏa đáng. Chính vì sự không gặp nhau ở đây đã kéo dài làm cho sự khiếu kiện của dân không được giải quyết một cách dứt điểm.”

Chúng tôi đưa ra trường hợp hiện tại trước cửa Quốc Hội 2 để so sánh với việc làm của ông và những đồng viện với ông trong nhiệm kỳ trước, khi trực tiếp nhận đơn thưa của người dân khiếu kiện và truy cứu các bên liên quan. Tuy nhiên lần này thì người dân không gặp một đại biểu Quốc Hội nào đại diện nhận đơn thưa của họ cả. Ông Dương Trung Quốc cho biết cảm nghĩ của ông rằng:

“Có thể chuyện đó xảy ra như vậy tôi cho rằng lẽ ra nên có những đại biểu Quốc Hội nên ra tiếp cận với người dân. Đây là quan niệm của tôi và tôi nghĩ tất cả đều phát xuất từ nơi mình còn thiếu luật cho nên mọi người đều không thực hiện hết cái quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tôi cho rằng phải co luật biểu tình để người dân biểu tình một cách hợp pháp, trong luật đó phải quy định tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan.”

Chúng tôi quay sang Canada, tỉnh bang Octawa để hỏi chuyện ông Vũ Đức Khanh, một luật sư trẻ đang hành nghề tại đây và được biết ông cũng từng có ý định ứng cử Quốc Hội Việt Nam khóa 12 nhưng bất thành.

Khi được hỏi là một Luật sư ý kiến của ông thế nào trước việc một nhóm dân chúng từ các tỉnh kéo về trước Quốc Hội 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh khiếu kiện đất đai bị trưng thu mà không bồi thường thỏa đáng, luật sư có nghĩ rằng hành động của họ là phù hợp với luật pháp VN hay không? Luật sư Khanh trả lời:

“Theo như tôi biết thì tôi không rành về luật pháp Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng cái quyền được khiếu nại khiếu tố với chính quyền đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam vì vậy tôi nghĩ rằng vấn đề này không có gì trái với pháp luật cả.

Theo như tôi biết thì tôi không rành về luật pháp Việt Nam nhưng tôi nghĩ rằng cái quyền được khiếu nại khiếu tố với chính quyền đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam vì vậy tôi nghĩ rằng vấn đề này không có gì trái với pháp luật cả.

Nếu có trái pháp luật thì trước đây các cơ quan an ninh của Việt Nam đã giải tán rồi. Theo như những gì tôi được biết thì Hà Nội đã dự kiến là sẽ có những cuộc đối thoại với những người đang khiếu kiện tại Thành Phố Hồ Chí Minh.”

Chúng tôi hỏi tiếp rằng trước đây Luật Sư cũng từng có ý định ứng cử vào Quốc Hội Việt Nam khóa 12. Cho một thí dụ là hiện nay ông đang là đại biểu Quốc Hội và đứng trước vụ này thì trong tư cách đại biểu Quốc Hội ông sẽ ứng phó như thế nào? Nhận đơn và chuyển đi? nhận đơn và tìm hiểu nguyện vọng của dân chúng và trực tiếp giải quyết hay sẽ không làm gì cả? Luật sư Khanh cho biết:

“Câu hỏi của anh cũng hơi khó cho tôi vì tôi không phải là đại biểu Quốc Hội Việt Nam tuy nhiên với tư cách là một công dân Việt Nam tôi nghĩ rằng nếu như tôi làm đại biểu quốc hội tôi sẽ bước ra để lắng nghe nguyện vọng của người dân và nhận đơn của họ và sau đó với tư cách đại biểu quốc hội tôi sẽ đệ trình lên các ủy ban có liên quan để giải quyết cho họ.”

Một luật sư khác là Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng là người từng nộp đơn ứng cử đại biểu Quốc Hội khi được chúng tôi hỏi cùng một câu hỏi với luật sư Khanh, ông Cù Huy Hà Vũ thẳng thắng trả lời:

“Người dân có quyền lên bất cứ nơi nào để đệ đơn khi cần thiết, còn cái chuyện xử lý đơn như thế nào là vấn đề thứ hai. Tôi thấy người ta tập trung chỗ văn phòng Quốc Hội người ta đưa đơn kiến nghị điều đó khẳng định hai diều: thứ nhất người dân ý thức hơn việc Quốc Hội là đại diện cho tôi vậy thì không có lý do gì ngăn cản tôi được! thứ hai là người dân đã đưa đến nhiều cơ quan cao cấp nhưng không hiệu quả nên người ta mới đến Quốc Hội.”

Những câu trả lời từ nhiều phía đều tập trung đến trọng tâm: là đại biểu Quốc Hội thì không lý do gì không có mặt đúng lúc để giúp người dân trong thẩm quyền của mình. Dân còn đứng trước cửa Quốc Hội ngày nào thì bức xúc của xã hội vẫn còn nguyên ngày ấy. Nhiều nhà quan sát thời cuộc Việt Nam đều cho rằng lý do chính làm cho vấn đề khiếu kiện còn tồn tại là việc các đại diện dân cử vẫn chưa thực thi được hết chức năng của mình khiến sự mâu thuẩn ngày càng chồng chất.