Du Tử Lê – 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu
2007.12.02
Hiền Vy, thông tín viên RFA
Ngày 18 tháng 11 năm 2007, hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam, tại Houston, đã tổ chức một chương trình vinh danh nhà thơ Du Tử Lê, với chủ đề “Du Tử Lê – 50 Năm Trên Ngọn Tình Sầu”.
Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, Bắc Việt, là cựu học sinh Chu Văn An và sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn. Bài thơ với bút hiệu Du Tử Lê đã được mọi người biết đến lần đầu, vào năm 1957, lúc ông mới 15 tuổi. Ông đã có 46 tác phẩm được xuất bản gồm thơ, truyện, tùy bút. Thơ Du Tử Lê đã được dịch ra nhiều sinh ngữ như Anh, Pháp, Đức và được dùng để giảng dậy tại nhiều đại học ở Hoa Kỳ và Âu Châu.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết lý do Hội VHKHVN đã chọn chủ đề cho chương trình vinh danh Du Tử Lê:
“Trên Ngọn Tình Sầu do Từ Công Phụng soạn vào cuối thập niên 60 vẫn là ca khúc được ưa chuộng nhất. Năm 1993 kỷ niệm nửa thế kỷ âm nhạc Việt Nam, hội âm nhạc trong nước đã công bố 50 ca khúc hay nhất, theo sự chọn lựa của quần chúng thì trong số này có Trên Ngọn Tình Sầu.”
Những tranh luận về thơ Thơ Du Tử Lê
Sự sáng tạo trong Thơ Du Tử Lê, lúc đầu, cũng gặp nhiều sự chống đối trong giới văn nghệ sĩ.
Năm 1967, khi giai phẩm Xuân của tạp chí Văn đăng bài thơ lục bát, “Bài Cuối 66” của Du Tử Lê với lối ngắt chữ rất mới và phá luật,
Phố cao, gió nổi, bóng mờ, đêm lu, trời nặng, tôi gù lưng, đi
thì nhà văn Mai Thảo đã cho rằng Du Tử Lê làm thơ Lục Bát rất kỳ cục, có người lại bảo Du Tử Lê lập dị, kẹt chữ, hay là chỉ vì một sự tình cờ …
“Thứ nhất là hoàn toàn không do tình cờ. Cách đây khoảng 40 năm, khi bài thơ đầu tiên tôi ngắt nhịp đi của lục bát, thì thời gian đó chiến tranh đã đến miền Nam Việt Nam rất nhiều. Thế hệ của tôi là thế hệ mà không biết được ngày mai như thế nào cả. Tôi muốn nói thi ca phải phản ánh cái đời sống thực của người thi sĩ.
Ngày xưa cha ông chúng ta làm thơ Lục Bát êm đềm theo nhịp đều, tức là nhịp 2/2, nhưng đến thời tôi là thời của chiến tranh và nếu tôi tiếp tục làm thơ Lục Bát theo kiểu cha ông của chúng ta, thì tôi cho là nó không phản ảnh cái hiện trạng đời sống của chúng ta thời hiện đại, cho nên tôi đã ngắt nhịp đi của nó, tức là tôi cho Lục Bát những nhịp lẻ, hay nói theo âm nhạc là nhịp chỏi.
Mà khi nó chỏi như vậy thì tôi cho rằng nó phản ảnh được cái bấp bênh, cái gập gềnh của đời sống chúng ta qua thi ca, nhất là thể lục bát...”
Giải thưởng Văn chương 1973
Năm 1973, Du Tử Lê đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc với tác phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967 – 1972” Trong tập thơ này có bài “Khi Cuộc Tình Đã Chết” bị nhà phê bình văn học Hà Nội, Hoài Thanh lên án là làm suy yếu tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam.
Khi được hỏi lời phê bình của Hoài Thanh có ảnh hưởng đến việc sáng tác của ông không, Du Tử Lê cho biết, lời phê bình chỉ làm ông thất vọng:
“Lời phê bình ấy hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc sáng tác của tôi cả. Có điều tôi cực kỳ thất vọng vì ông Hoài Thanh là đồng tác giả của cuốn Thi Nhân Việt Nam, xuất bản từ thập niên 40, và tác giả thứ hai là Hoài Trân. Đó là tác phẩm đầu tiên trong giòng văn học của Việt Nam mà phê bình văn học, là cuốn viết về các nhà thơ tiền chiến mà cá nhân tôi rất là quí trọng, yêu mến.
Tôi nghĩ đó là một người có một trình độ thưởng ngoạn thi ca rất là đáng trân trọng, nhưng khi ông ấy biến bài thơ “Khi cuộc tình đã chết” của tôi thành một bài mà ông ấy viết, khi phát thanh trên đài phát thanh Hà Nội vào đêm 30 Tết năm 1973, và gán cho tôi, thứ nhất là lãnh tiền của Mỹ Ngụy, thứ hai là dùng thơ văn lãng mạn để làm suy yếu tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam VietNam thì phải nói là tôi cực kỳ thất vọng.
Tôi không nghĩ một người phê bình văn học như vậy mà nhìn một tác phẩm của tôi như vậy, mà có thể kết luận một cách hoàn toàn chính trị, một cách vô lối.
Ông ta có thể trích một bài thơ khác trong tập thơ của tôi và nói tôi chống cộng đi, thì nó hợp lý hơn là khi ông trích bài “Khi cuộc tình đã chết” là một bài hoàn toàn tình cảm, không có một ẩn dụ chính trị nào trong đó cả .”
Năm 1997, nhà xuất bản Đồng Nai tại ViệtNam phát hành tập thơ Lục Bát Tình, là một tuyển tập những bài Lục Bát hay nhất trong thi ca VietNam, trong đó có bài “Khi Trông Thư Thụy Châu” của Du Tử Lê.
Năm 2001, tập thơ “Vì Em Tôi Đã Làm SaDi” ra đời, có những câu như:
xuống tóc. Theo em khép cửa đời vào thiền chỉ để thấy viền môi yêu nhau ai bảo tâm không trụ ? quên hết. Nhìn nhau Nhất quán rồi
Hay:
nước mắt em trên chánh điện tình nở hoa siêu độ hoá tâm kinh đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ và thấy trong kinh đủ bóng, hình
đã gây nhiều tranh cãi trong giới thưởng ngoạn, thì đến năm 2003, trong bài thuyết trình tại Phật Học Đường Vạn Hạnh, DTL đã nhấn mạnh đó là tập “Thơ Thiền Tính”, chứ không phải tập “Thơ Thiền”:
Sở dĩ tôi nhấn mạnh là tập thơ Thiền Tính, tức là những bài thơ trong tập thơ đó, có tính Thiền, tức là tính chất Thiền. Tôi quan niệm khi thật sự là “Thiền” thì người ta không thể nói thành lời được, và càng không thể chuyển hóa nó thành thi ca được.
Những lời phê bình dù khen hay chê, tôi đều biết ơn. Riêng với cá nhân tôi, tập thơ “Vì Em Tôi Đã Làm SaDi” là tập thơ rất là mỏng, do nhà xuất bản Tấn Châu ở Toronto xuất bản, thì đó là một trong những tập thơ đáng kể, trong cái sự nghiệp thi ca, nếu tôi được phép nói như vậy, của cá nhân tôi.”
Hơn 300 bài thơ được phổ nhạc
Có lẽ không ai không đồng ý rằng Du Tử Lê là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Vâng, với trên 300 bài thơ đã được các nhạc sĩ viết thành ca khúc, trong đó có một số bài đã được nhiều nhạc sĩ cùng phổ. Như bài “Khúc K Riêng Của Chàng” đã được ít nhất là 7 nhạc sĩ viết thành ca khúc. Nhạc sĩ Đăng Khánh viết thành “Khúc K của Lê” nhạc sĩ Phạm Anh Dũng chọn đề tựa “Tôi Xa Người”, với lý do:
“Bài thơ có nhiều nhạc tính nên chỉ nhìn vào bài thơ là thấy phổ nhạc được rồi. Thơ ý tưởng hay, DTL lại là người có sắc thái mới về thơ…”
Nhạc sĩ Đăng Khánh lại linh động hóa việc phổ nhạc, từ thơ Du Tử Lê, như những câu chuyện kiếm hiệp thần kỳ của Kim Dung:
“Trên con đường đi tìm một hôn phối giữa thơ và nhạc, người nhạc sĩ vô hình chung đã làm một cuộc Hoa Xuân Luận Kiếm với một môn phái của thi ca, mà thi ca Du Tử Lê là một Võ Đang, một Thiếu Lâm của thi ca Việt Nam cận đại và hiện đại. Nhạc tính, ngôn ngữ và thông điệp chất chứa trong thơ tình Du Tử Lê là một cái bẫy vô cùng quyến rũ…”
Ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu được Từ Công Phụng phổ từ bài thơ “67 Khúc Thêm cho Huyền Châu” của Du Tử Lê trong một trường hợp rất là ngẫu nhiên:
“Có một người bạn của tôi, mà cũng là bạn của Lê nói với tôi là trong tập thơ tình của Du Tử Lê có một bài thơ dễ thương quá, ông coi có ý nhạc nào để phổ nhạc, tôi về xem lại thì thấy quả thật là bài thơ có nét nhạc lạ lắm mà hình ảnh cũng lạ, thí dụ như “Bầy sẻ cũ hom hem,” ông ấy dùng hình ảnh rất gợi hình.
Khi đọc, tôi thấy hay và từ đó tôi có nguồn cảm hứng. Có những hình ảnh trong bài thơ đập vào trí tưởng tượng của tôi nên tôi bắt đầu viế t“Trên Ngọn Tình Sầu” là ý kiến của tôi, tôi đưa ra một số tựa đề cho Du Tử Lê chọn. Du Tử Lê thích Trên Ngọn Tình Sầu, và chúng tôi đồng ý.
Trong bài thơ đó, nếu đọc lại nguyên bản thì thấy thay đổi khá nhiều, thí dụ câu “Bầy sẻ cũ hom hem, chiều mái xám” thì tôi thêm chữ “rêu xanh” để câu nhạc đầy đủ. Với lại cái “rêu xanh” nó gây ấn tượng thời gian nữa…”
Nhà thơ Du Tử Lê lại cho rằng những câu thơ vần trắc của ông, không thích hợp cho việc phổ nhạc, tuy nhiên ông cho biết, khi bài thơ được phổ nhạc, thì bài thơ như được chắp thêm một đôi cánh nữa.
“Riêng cá nhân tôi thì tôi thấy thơ của tôi khá trúc trắc, tôi thường hay mở đầu bài thơ của mình bằng những âm trắc. Và theo tôi, thì tôi nghĩ nó không thích hợp với âm nhạc. Tôi rất biết ơn những nhạc sĩ đã tìm đến với thơ của tôi, vì khi bài thơ được gắn thêm phần âm nhạc, thì tôi nghĩ là nó có thêm đôi cánh khác nữa, ngoài đôi cánh tự thân của nó là đôi cánh thi ca, thì nó sẽ đi xa hơn.”
Mặc dù đã thành danh và là một trong những nhà thơ lớn của thi ca VietNam, Du Tử Lê vẫn khiêm nhường cho rằng sự thành công của ông, phần lớn là do sự may mắn và sự hỗ trợ của gia đình và bằng hữu …
Trong chương trình hôm nay, HienVy đã gửi đến quí vị tiếng hát Duy Trác, Thu Phương và Khánh Hà. Xin cám ơn nhà thơ Du Tử Lê, quí nhạc sĩ và ca sĩ đã góp tiếng trong chương trình hôm nay
HiềnVy tuờng trình từ Houston, Texas
Các tin, bài liên quan
- Blog và Youtube, những web cá nhân có khuynh hướng thông tin như một trang báo tại Việt Nam
- Blog, nhu cầu mới của người sáng tác chuyên và không chuyên ngày nay ở Việt Nam
- Tác phẩm “Cánh đồng bất tận” được chuyển ngữ và phát hành tại Hàn Quốc
- Nhà báo Phan Khôi, người mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 2)
- Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 1)
- Nhà văn Minh Ngọc và những điều chưa kể
- Nguyễn thị Minh Ngọc: nhà văn, diễn viên, đạo diễn và nhà biên kịch (phần 1)
- Nhà văn Hoàng Đạo và Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn