Giải pháp nào cho tình trạng thất thoát lúa sau thu hoạch

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Khối lượng lúa thất thoát sau thu hoạch ở Việt Nam mỗi năm lớn đến mức không ngờ. Vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2005 thu hoạch hơn 19 triệu tấn lúa, nhưng thất thoát trung bình cho ba vụ khoảng 15 tới 20%. Số lúa này đủ để cung cấp lương thực cho một quốc gia dân số trung bình.

RiceFarmer150.jpg
Lượng lúa thất thoát sau thu hoạch đủ cung cấp lương thực cho một quốc gia dân số trung bình. AFP PHOTO

Nam Nguyên phỏng vấn Tiến Sĩ Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn của Việt Nam, các câu hỏi đặt ra liên quan đến những giải pháp để cải thiện tình trạng vừa nói cũng như nâng cao thu nhập của nông dân.

Nam Nguyên: Thưa ông, vùng đồng bằng sông Cửu Long thất thoát mỗi năm đến bốn, năm triệu tấn lúa. Đây là sự lãng phí rất lớn trong khi nông dân những người làm ra hạt lúa còn rất nghèo. Để đối phó với thất thoát sau thu hoạch, Việt Nam đã đề ra chiến lược nào hay chưa ?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Thất thoát sau thu hoạch thì Việt Nam đã được cảnh báo nhiều lần , qua nhiều nghiên cứu từ trước đến nay. Để xử lý nó, một số giải pháp được đưa ra trong đó có giải pháp về mặt kỹ thuật, về đầu tư.

Tuy nhiên để xử lý dứt điểm vấn đề này đòi hỏi phải có những hệ thống giải pháp thấu đáo hơn, chẳng hạn như việc tổ chức lại sản xuất, rồi về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá kho tàng bến bãi. Đây không chỉ là chuyện hoạch định một chiến lược mà phải cả về vấn đề tổ chức, về chính sách và cả đầu tư nữa.

Nam Nguyên: Thưa cũng liên quan tới thu hoạch, báo chí cũng nói nhiều về tình trạng các vùng sản xuất lúa của Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông cửu long năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong mùa gặt, nhất là trong mùa chạy lũ. Tại sao có tình trạng này và hướng giải quyết sẽ như thế nào?

Tuy nhiên để xử lý dứt điểm vấn đề này đòi hỏi phải có những hệ thống giải pháp thấu đáo hơn, chẳng hạn như việc tổ chức lại sản xuất, rồi về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá kho tàng bến bãi. Đây không chỉ là chuyện hoạch định một chiến lược mà phải cả về vấn đề tổ chức, về chính sách và cả đầu tư nữa.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Ngày xưa ở những vùng lũ ấy, trước đây chỉ trồng một vụ lúa nổi thôi, sau đó thì chuyển sang hai vụ thậm chí có vùng chuyển sang ba vụ. Họ chuyển từ giống lúa nổi địa phương sang các giống lúa cao sản ngắn ngày, những giống lúa này năng suất cao hơn nhiều và đòi hỏi lao động lớn hơn nhiều, có thể gấp ba gấp bốn lần so với loại giống cũ. Cho nên tiến bộ kỹ thuật về sản xuất, tổ chức sản xuất nhanh hơn so với chuyện sắp xếp lại dân cư , cũng như tổ chức lại đời sống nhân dân.

Vì thế tại những vùng này, ngay cả chuyện bố trí lại dân cư cho phù hợp sản xuất cũng còn rất khó khăn. Để chống lũ người ta phải thiết lập những vùng cho dân ở tránh lũ, khi lũ về trẻ em được an toàn và người dân cũng có thể chăn nuôi trồng trọt được. Nhưng những chuyện này chưa bắt kịp thực tế và đòi hỏi một thời gian xa nữa.

Chính vì thế, tương tự như thế dẫn tới vấn đề lao động, ở những vùng vừa nói mật độ dân số không cao, trước đây làm một vụ lúa nổi tới mùa gặt dân ở các vùng khác họ chèo thuyền tới rất đông để làm thuê. Còn bây giờ với các vụ sản xuất quanh năm cần nhiều lao động như thế phải sử dụng lao động tại chỗ mà bản thân lao động tại chỗ lại không có nhiều.

Hiện nay những nhà máy công nghiệp ở vùng ven đô Saigon, nhất là miền đông nam bộ phát triển mạnh thu hút lao động về đó với giá tiền công lao động cao hơn nhiều, tạo cho tình trạng thiếu lao động ở địa phương càng gay gắt hơn. Cho nên có thể nhìn thấy hai yếu tố, một là có sự thay đổi hệ thống sản xuất và thứ hai là quá trình công nghiệp hoá.

Nam Nguyên: Vâng thưa ông, như thế vấn đề sẽ phải giải quyết theo hướng nào?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Chắc chắn cách giải quyết tốt nhất mà các nước khác người ta vẫn đang làm, đó là phải tiến đến cơ khí hoá. Hiện nay những vùng này người ta bắt đầu sử dụng máy gặt, hoặc là máy gặt của Nhà nước hoặc của dân. Họ đã tiến hành thu hoạch bằng máy.

Tuy nhiên thu hoạch bằng máy chỉ tốt trong mùa khô, mùa mưa thì không hoạt động được tốt, vẫn phải dùng sức người. Cho nên xảy ra tình trạng thuê muớn giá lao động cao mà vẫn thiếu người làm. Về lâu dài, có lẽ phải bố trí lại mùa vụ tập trung vào trong mùa khô để sử dụng máy, bớt thu hoạch trong mùa nước đi, và để bớt căng thẳng về nhu cầu lao động đi.

Nếu quá tốn kém vì giá lao động cao thì tới một lúc nào đấy thì giá lúa bán ra sẽ không chịu nổi giá thành. Đến lúc đó người ta sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng.

Chính vì thế, tương tự như thế dẫn tới vấn đề lao động, ở những vùng vừa nói mật độ dân số không cao, trước đây làm một vụ lúa nổi tới mùa gặt dân ở các vùng khác họ chèo thuyền tới rất đông để làm thuê. Còn bây giờ với các vụ sản xuất quanh năm cần nhiều lao động như thế phải sử dụng lao động tại chỗ mà bản thân lao động tại chỗ lại không có nhiều.

Nam Nguyên: Thưa TS, hiện nay nông dân Việt Nam vẫn còn nghèo trong khi Việt Nam xuất khẩu gạo rất nhiều đứng hàng thứ nhì thế giới. Vậy tầm nhìn trong tương lai để giải quyết vấn đề này là như thế nào?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn: Sản xuất lúa gạo với giá cả hiện nay trên thế giới thì không thể làm giàu được. Ngay cả nông dân Thái Lan họ trồng lúa thuận lợi hơn và qui mô sản xuất của họ rộng hơn, chi phí của họ ít hơn, nhưng so với người chế biến người kinh doanh thì người nông dân Thái Lan sản xuất lúa cũng không giàu.

Sự kiện này càng rất rõ đối với người nông dân Việt Nam, cho nên chủ trương của Việt Nam hiện nay là sản xuất lúa ở mức độ vừa phải, ở mức độ hiệu quả nhất, những vùng có có khả năng trồng lúa tốt thì trồng, còn những vùng có thể trồng những loại có giá cao hơn thì nên chuyển đổi.

Bây giờ theo cùng với mức sống tăng lên, người ta bắt đầu ăn hoa quả trái cây, rau đậu rồi là thưởng thức hoa cây cảnh nhiều hơn. Vì thế rất nhiều nơi họ đã chuyển sang các loại cây trồng khác, hoặc là chuyển sang chăn nuôi hoặc làm thuỷ sản.

Chủ trương của Việt Nam là tạo điều kiện để cho người ta chuyển bớt một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang những sản phẩm khác có lợi ích hơn. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một bước, bước thứ hai là phải rút bớt người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang những sản xuất khác, đầu tiên là những ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, thế rồi từng bước mới chuyển bớt về thành thị hoặc là công nghiệp. Theo tôi chỉ có cách đó mới tăng được thu nhập cho dân lên.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Đặng Kim Sơn về thời giờ ông dành cho RFA.