Giới khoa học và dân chúng phản đối việc xây dựng khu du lịch sinh thái Tam Đảo 2

0:00 / 0:00

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào cuối tháng 9 vừa qua, một hội thảo khoa học đuợc tổ chức tại Hà Nội để đưa ra ý kiến cho dự án du lịch sinh thái mang tên 'Tam Đảo 2' mà tỉnh Vĩnh Phúc cùng hai đối tác đầu tư nước ngòai có kế họach thực hiện tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Hầu như ý kiến của giới khoa học và người dân trong vùng đều phản đối dự án du lịch sinh thái đó. Lý do đầu tiên là không nên vì lý do kinh tế mà hy sinh hệ sinh thái của vùng. Đây là đề tài của chuyên mục Khoa học & Môi trường kỳ này.

Dự án Tam Đảo 2

Hẳn không người Việt nào chưa một lần nghe đến tên Tam Đảo. Dãy núi Tam Đảo tại trung du bắc phần là ranh giới giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Vườn quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1986. Diện tích 19 ngàn hécta, cách Hà Nội 75 km về phía bắc - tây bắc. VQGTĐ là vùng núi cao, khí hậu cận nhiệt đới với nhiều cảnh quan độc đáo, hệ sinh thái đa dạng. Có 904 loài thực vật thuộc 478 chi, 213 họ, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới như pơmu. Có 307 loài động vật, trong đó có 239 loài chim, hầu hết các loài chim có lợi, nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen, vv. Có một loài lưỡng cư đặc hữu chỉ phân bố ở các hồ nhân tạo và suối trong VQGTĐ là cá cóc Tam Đảo (Paramesotriton delousteli). Lâu nay trong khu Vườn quốc gia này có thị trấn Tam Đảo rộng chừng 300 héc ta là nơi mà nhiều nguời đến để huởng không khí trong lành, giải tỏa những áp lực công việc và sự xô bồ náo nhiệt của chốn thị thành. Đây được xem như dự án Tam Đảo 1. Gần đây theo thông báo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thì họ đang có ý tưởng biến 200 héc ta đất tại vùng lõi Vườn Quốc gia Tam Đảo thành một khu nghỉ mát cao cấp. Nơi đó sẽ có khu biệt thự, sân đánh gôn và cả sòng đánh bạc. Hai nhà đầu tư nước ngòai hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc trong dự án này được cho biết là Công ty Belt Collin Hawaii Ltd. Và Vietnam Patres LLC của Hoa Kỳ. Tổng vốn đầu tư được cho hay là gần 300 triệu đô la Mỹ. Phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khi đưa ra ý tưởng xây dựng dự án Tam Đảo 2 thì cho rằng đây là dự án du lịch sinh thái, và tại đây không còn gì để bảo tồn. Phó giám đốc Sở Xây Dựng Vĩnh Phúc thì nói rằng sau nhiều lần đi khảo sát thấy đây là nơi không gian bằng phẳng, không còn cây đại thụ chỉ là rừng lúp xúp.

Giới khoa học nói gì?

Tuy nhiên theo những nhà khoa học tham gia hội thảo vào ngày 25 tháng 9 vừa qua về dự án Tam Đảo 2, thì chưa nên tiến hành dự án này. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam là một trong những nguời tham dự hội thảo và ông có ý kiến về dự án Tam Đảo 2 như sau:

“Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên & Môi Trường Việt Nam chúng tôi rất là quan ngại các vấn đề về môi trường, về đa dạng sinh học, và một số vấn đề về lịch sử, văn hoá, thành ra chúng tôi đang có ý kiến với các cơ quan liên quan. Các nhà khoa học thấy rằng về phương diện nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, về bảo vệ môi trường, và các vấn đề liên quan khác về môi truờng xã hội, môi trường nhân văn, thì ngưòi ta thấy là có một số mặt tác hại mà cần phải được xem xét và đánh giá đầy đủ.

Tuy nhiên, du lịch sinh thái đối với vườn quốc gia này thì cần phải được phát triển. Các công cuộc nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ rất là phức tạp, trong đó có những việc có thể dự đoán được, có những việc cần phải tiếp tục được điều tra, nghiên cứu.

Về mặt môi trường, ở đó có thể có một số khả năng tác hại chưa lường hết được ảnh hưởng của nó, vì thứ nhất là đối với việc điều tiết nguồn nước. Đó là một vùng trũng trên đỉnh núí, giống như một cái phễu gom một lượng nước rất lớn từ các đỉnh núi tại đó.

Sau đó, do cấu tạo địa chất đặc biệt của vùng này, một lượng nước rất lớn sẽ qua vùng trũng đó mà thẩm thấu dần xuống đất, tức là xuống các núi đó và cung cấp nước cho các dòng sông về mùa thiếu nước.

Nếu bây giờ xây dựng ở trên đó mà không nghiên cứu kỹ thì chắc chắn sẽ làm mất đi khả năng tự nhiên đấy. Và như vậy nó có thể làm thay đổi chế độ nước ở đó theo hướng là về mùa khô sẽ thiếu nước và hướng thư hai là về mùa lũ thì gây ra ngập úng và có thể có cả lũ quét.

Thứ hai nữa là việc xây dựng như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc đang ổn định trên địa hình rất là dốc. Sự sụt lỡ đất đá sẽ phá hoại tất cả cảnh quan phía bên dưới nó, cho dù là giải pháp tốt đến đâu đi nữa. Hơn nữa, khi mà đã làm sụt lỡ phía đỉnh (phía trên) thì tất yếu là các cảnh quan ở phía dưới, sườn dốc ở phía dưới sẽ bị ảnh hưởng theo.

Thứ ba nữa, vì ngưòi ta dự kiến rằng nếu như dự án đó được thực hiện thì sẽ phải có các hoạt động dịch vụ cung cấp cho hàng nghìn người trên một đỉnh núi cao như vậy, cùng với sân golf 9 lổ, rồi những dịch vụ khác nữa về chơi trồng, về vật nuôi, v.v...

Như thế tất cả những thứ đó làm phát sinh ra chất thải mà việc xử lý không phải đơn giản. Ví dụ như các chất chăm sóc sân golf 9 lổ trên 30 hecta ở ngay trên đỉnh núi thì là một vấn đề không hề đơn giản. Những dây chuyền đó, những sự phức tạp về ô nhiễm đó sẽ làm hỏng các nguồn nước bên dưới. Những vấn đề môi trường có thể có khả năng xảy ra nếu như người ta thực hiện ý tưởng trên kia”.

Gia Minh: Thưa ông, ngoài vai trò rất là quan trọng về phương diện nguồn nước mà ông vừa mới đề cập đến của khu vực dự án Tam Đảo 2 thì lâu nay khu vực đó còn có những tác dụng gì cụ thể cho môi trường của khu vực ở đó?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Nếu như bình thường thì sự việc không có vấn đề gì lớn cả và cũng chưa có ai có những tác động gì lớn để có thể dạng như làm cho người ta thấy là nếu mà xảy ra như thế thì sẽ có những phản ứng dây chuyền, trừ một cái đoạn 2-3 kilomet đường người ta làm từ thị trấn Tam Đảo hiện nay theo hướng lên khu vực đó.

Người ta thấy rằng chỉ 2-3 kilomet đó làm trong vòng năm bảy năm nay thì bây giờ nó đều sụt lỡ rất là nghiêm trọng và đó sẽ là hình ảnh tương lai của con đường mà ngươì ta dự kiến sẽ làm không khéo thì nó cũng sẽ gây ra những tàn phá tương tự như vậy.

Gia Minh: Lâu nay mọi người đang sử dụng vùng đó như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Đây là một khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt vê mặt lý thuyết, tức nó là trung tâm, là vùng lõi của Vườn Quốc Gia Tam Đảo, cho nên về nguyên tắc là không được khai thác, sử dụng vùng này, trừ những hoạt động mà pháp luật cho phép như là nghiên cứu, khảo sát, điều tra, du lịch sinh thái, nghĩa là du lịch không gây ảnh hưởng gì tới cảnh quan và môi trường và đa dạng sinh học của nó. Nhưng mà trên thực tế thì cũng giống như là nhiều vườn quốc gia khác, có thể đâu đó có những hoạt động trái phép, thì dụ như là đánh bắt côn trùng, tìm các loại gỗ quý hay các cây thuốc, v.v. Đấy là có những những hoạt động như vậy.

Gia Minh: Hội có thấy vấn đề nghiêm trọng lắm ở trên vùng đó không?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Chúng tôi cũng chưa nhận các thông tin gì thật là đầy đủ về các chuyện này. Một số nhà nghiên cứu cũng có thể có sự xâm hại nào đó, ví dụ như là có thể có vụ chặt gỗ. Ví dụ như thế. Thế thì lại có ý kiến khác phản bác nói rằng gỗ thì ở phía dưới là nhiều hơn nhiều, tại sao người ta lại leo lên tới cái độ cao nghìn mốt nghìn hai mét như vậy để làm gì? Sao lại lấy gỗ ở trên đấy?

Cho nên có thể kết luận được là chắc không phải là chặt gỗ mà người ta tìm kiếm lấy phong lan, lấy cây quý hiếm gì đó thôi. Còn chắc ở đó không phải vì mục đích khai thác gỗ. Bởi vì từ dưới độ cao một trăm hai trăm mét đã có gỗ rồi mà lại leo lên một nghìn mét nữa để đẳn mấy cây gỗ thì hằn là không phải như vậy. Đấy chỉ là nhận định thôi.

Gia Minh: Trước những quan ngại của giới khoa học như thế, bên phía nhà đầu tư và tỉnh Vĩnh Phúc lại đưa ra những lập luận như thế nào để họ xây dựng dự án Tam Đảo 2, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Chúng tôi không được biết ý kiến gì về nhà đầu tư cả. Thực tế thì người ta cũng đang tìm hiểu và mới đưa ra ý tưởng thôi. Theo như tôi hiểu thì như vậy. Còn Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Phúc thì người ta nói rằng đây là một vốn quý và người ta cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và người ta xin phép bộ, ngành cũng như cấp trên. Nếu cho phép thì người ta mới làm. Và nếu như ảnh hưởng đến môi trường thì người ta cũng sẽ không làm.

Gia Minh: Nói tới ý tưởng của dự án Tam Đảo 2 thì đối với dự án Tam Đảo 1 vừa qua theo Hội và theo những người quan tâm tới vấn đề môi trường thì Tam Đảo 1 có gây ra những ảnh hưởng gì không?

Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Sinh: Như tôi hiểu thì chúng tôi chưa có những nghiên cứu đầy đủ về các tác hại của thị trấn Tam Đảo mà bây giờ ta tạm gọi là Tam Đảo 1 đó. Để có kết luận đối với nó thì cũng phải nghiên cứu đầy đủ. Nhưng mà bằng mắt thấy thì một thị trấn lớn trên 2.000 hecta ở trong một khu bảo tồn thiên nhiên như vậy, trong một khu vườn quốc gia như vậy, thì chắc chắn là nó không tốt lắm về phương diện bảo tồn.

Và nếu như không có các giải pháp thoả đáng để quy định cho các hoạt động có thể tiến hành trong khu vực thị trấn Tam Đảo đó thì nhất định những tác hại của nó, những hoạt động của con người về mặt tiếng ồn, về mặt giao thông, rồi việc xây dựng, v.v. nó sẽ phá hoại cảnh quan và nó sẽ tác hại không tốt cho việc bảo tồn khu vườn quốc gia rất quan trọng này.

Cho nên qua nghiên cứu vừa rồi chúng tôi cũng thấy rằng có lẽ phải có những đánh giá đầy đủ để nêu lên rõ những mặt không được của một thị trấn gần 2.000 hecta trong vườn quốc gia như vậy.

Quan ngại thì nó có nhiều loại. Có những cái, thí dụ như tôi thấy việc xây dựng trên đó là không hài hoà với thiên nhiên về mặt kiến trúc, về mặt xây dựng, hay là phát triển quá ồ ạt. Thứ hai nữa là về mặt xử lý chất thải thì như tôi quan sát tôi cũng thấy là không ổn, chưa được tổ chức tốt theo yêu cầu của một thị trấn bình thường chứ chưa nói là một thị trấn trong khu vườn quốc gia.

Tất nhiên, nếu bây giờ người ta cứ mỗi người phát triển theo hướng của mình thì nhất định nó sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt. Thí dụ như bây giờ trên đó người ta đã lấn vào những diện tích không được lấn để trồng su su - một thứ trái cây cũng chỉ như một loại rau cỏ thôi, nhưng mà nó lại chiếm diện tích rất lớn để phục vụ thức ăn cho cả thị trấn đó. Đó là những việc nhất thiết trước sau gì cũng cần phải có giải pháp để mà quản lý, tổ chức cho nó tốt.

Nhưng tôi thấy là cần thiết bây giờ phải đánh giá cho nó rõ để rồi còn rút kinh nghiệm cho những dự án tương tự.

Vẫn còn nhiều bất đồng

Gia Minh: Lâu nay nguời dân địa phuơng sống trong các khu bảo tồn thường bị cáo buộc đã khai thác một cách thiếu ý thức các lọai thực và động vật tại đó.

Tuy nhiên, đối với dự án Tam Đảo 2, biến một khu vực của khu sinh thái Tam Đảo thành một địa điểm với các công trình xây dựng hiện đại, thì nguời dân tại đó cũng có ý kiến chưa đồng thuận. Một người dân cho biết:

“Cái dự án du lịch sinh thái thì cũng làm được, nhưng mà làm khách sạn ở khu Tam Đảo này thì phải nghiên cứu lại cái dự án, bởi vì nếu thành lập các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, sân golf các cái thì phải chặt phá cây cối trên ấy thì thật là gay. Rừng cho người dân chúng tôi hưởng lợi đấy bởi vì nếu không có rừng ngăn chận ở đầu nguồn thì chắc chắn là không có nước rồi đấy. Phá hết đi là hết nước đấy.

Người ta đã phá một thì bây giờ phá rất nhiều. Mà cái quy hoạch của tỉnh cũng như của nhà nước thì phá nhiều quá cũng không quản lý được. Sạt lỡ rất nhiều rồi đấy. Cái chỗ dự định làm dự án Tam Đảo 2 đấy, năm ngoái năm kia bao nhiêu nước cuốn toàn đất sét đất cát chảy xuống chỗ chúng tôi thôi. Chúng tôi không dám nói này khác đâu bởi chúng tôi không có ăn học, không nghiên cứu được cái này”.

Tạp chí Khoa học và Môi trưòng kỳ này xin dừng lại tại đây và hẹn tái nggọ cũng quý vị vào giờ này thư tư tuần sau. Mời quý vị nhớ đón nghe.