Các tổ chức quốc tế lên án Trung Quốc đàn áp nhân quyền trước Olympic 2008

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Hôm qua tại Bắc Kinh, RSF tức Tổ chức Các Nhà Báo Không Biên Giới đã bất ngờ căng một tấm biểu ngữ lớn, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do báo chí. Tấm biểu ngữ được căng ngay bên ngoài trụ sở của Ủy Ban Tổ Chức Olympics Bắc Kinh 2008.

RobertMenard200.jpg
Ông Robert Menard, tổng thư ký RSF, bên cạnh tấm biểu ngữ lớn, phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc không tôn trọng quyền tự do báo chí hôm 7-8-2007. AFP PHOTO

Năm vòng tròn biểu tượng cho thể thao thế giới được vẽ bằng hình những chiếc còng số 8, ám chỉ nhà nước Hoa Lục vẫn chủ trương chính sách đàn áp người dân, và tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Một số nhà báo nước ngoài đến làm tin về sự kiện này cũng bị công an Bắc Kinh gây khó khăn, tạm giữ họ khoảng 2 giờ đồng hồ mà không cho biết rõ lý do vì sao.

Chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh 2008

Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sẽ khai mạc đúng vào ngày mồng 8 tháng 8, năm 2008, và đây là sự kiện trọng đại đối với uy thế chính trị, ngoại giao và cũng là hình ảnh tốt đẹp mà Trung Quốc muốn đánh bóng và phô trương đối với công luận quốc tế.

Trong suốt thời gian vận động, dự tranh gay go với nhiều quốc gia khác để được tuyển chọn, giao cho trọng trách tổ chức cuộc tranh tài thu hút vận động viên và du khách khắp hòan vũ, nhà nước Trung Quốc đã hứa hẹn và long trọng cam kết rằng, họ sẽ cải tiến tình trạng nhân quyền và cho phép báo chí được tự do sinh họat.

Bắc Kinh cũng hứa sẽ tạo điều kiện để các ký giả, phóng viên quốc tế được hòan toàn tự do khi đến Trung Quốc săn tin và hành nghề trong lúc diễn ra Olympics 2008.

Tuy nhiên, theo RSF thì chỉ còn đúng một năm trước khi thế vận hội khai mạc, nhà cầm quyền Hoa Lục vẫn hạn chế quyền tự do ngôn luận, theo dõi chặt chẽ các nhà báo, cũng như các nhân vật bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh vì dân chủ, hầu ngăn cản không cho họ phổ biến tài liệu, quan điểm, lập trường trên mạng Internet.

Hơn 100 nhà báo bị cầm tù

Lên tiếng với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi từ Bắc Kinh, ông Vincent Brossel, đại diện tổ chức Các Nhà Báo Không Biên Giới, và là một trong những người hiện diện trong toán biểu tình trước trụ sở của Uỷ Ban Tổ chức Thế Vận Hội 2008, sáng thứ Hai vừa qua, nhấn mạnh rằng: "Thật là một chuyện hoàn tòan vô lý và không thể nào chấp nhận được khi đại hội thể thao tòan cầu sẽ diễn ra ở một đất nước là nơi hiện vẫn cầm tù trên một trăm nhà báo cùng nhân vật bất đồng chính kiến, đấu tranh ôn hòa."

Vẫn theo ông Vincent Brossel, các đồng nghiệp thuộc RSF và cá nhân ông không đến Trung Quốc lần này để yêu cầu các nước tẩy chay Olympics, mà chính là để mãnh mẽ đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải thực thi đúng đắng những gì họ đã cam kết, tức là trả tự do cho tù nhân chính trị, cho phép người dân được tự do truy cặp các trang web và công khai sử dụng mạng Internet.

Trả lời câu hỏi của đài Á Châu Tự Do chúng tôi, vì sao RSF cử nhân viên đến tận Bắc Kinh để phát động chiến dịch đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải cải thiện tình trạng nhân quyền và tôn trọng tự do báo chí, ông Vincent Brossel đáp:

“Sở dĩ RSF cho phát động chiến dịch này ngay tại Hoa Lục, đúng một năm trước khi khai mạc Olympics 2008 vì tổ chức này hy vọng là trong 365 ngày trước mặt, Trung Quốc sẽ đáp ứng lời kêu gọi liên tục, sự thuyết phục của công luận quốc tế, và họ sẵng sàng trả tự do cho tù nhân lương tâm, chấm dứt việc phong tỏa Internet, cũng như việc phá sóng các đài phát thanh quốc tế, trong đó có đài RFA.”

Hơn nữa theo thông báo do Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái thì phóng viên quốc tế được phép tự do đi lại khắp nơi, được thực hiện các cuộc phỏng vấn mà không cần sự chấp thuận trước của nhà chức trách, trong khoản thời gian từ mồng một tháng giêng đến giữa tháng 10, năm 2008. Tuy nhiên, quy định vừa nói sẽ không được áp dụng đối với các nhà báo của Trung Quốc.

Cũng trong ngày hôm quay, từ London, Anh Quốc, Amnesty International tức Tổ Chức Ân Xá Thế Giới lên tiếng nhắc lại rằng Chính Phủ Trung Quốc không thực hiện đúng cam kết cải tiến nhân quyền như đã hứa khi họ nộp đơn xin đăng cai Olympics 2008.

Một trong những bằng chứng được Amnesty International đưa ra cho thấy Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về con số các tử tội bị mang ra hành quyết mỗi năm, mà người ta nghi là có thể lên tới 8,000 sinh mạng.