Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Nhiều báo xuất bản ở Việt Nam vào cuối tuần cho hay là sau cơn lũ số 5, giá cả tăng bất thường tại những địa phương bị bảo hoành hành. Thiên tai đã qua rồi, nhưng tác động và hậu quả của Lekima vẫn còn kéo dài, đồng thời gây xáo trộn cho cuộc sống của dân chúng tại các tỉnh bị ngập lụt ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Hơn một tuần sau khi cuồn phong tai hại nhất từ 45 năm qua tan biến, mọi sinh hoạt đang hồi phục dần, nhưng điều đáng ngại là vật giá các mặt hàng thiết yếu ở khu vực bị bảo tàn phá đang tăng cao so với thời gian trước.
Báo chí cho hay, tại Sơn La, ở các xã ven vùng lũ giá gạo tăng từ 200 đến 300 đồng một kí, thịt heo tăng từ 2000 đến 4000 ngàn đồng một kí, trứng gà, trứng vịt, cá khô, dầu ăn, đường, muối, rau cải, đều nhích lên.
Hai mặt hàng tăng mạnh là các loại rau xanh, hoa quả tươi, có loại tăng giá gần 50% so với thường ngày. Sản phẩm lúa và rau xanh thu hoạch tại địa phương đã bị lũ cuốn trôi, phá hủy hoàn toàn.
Nguyên nhân của việc tăng giá nhu yếu phẩm là do vấn đề vận chuyển từ vùng đồng bằng, các tỉnh miền xuôi lên miệt cao, xe cộ phải chạy vòng quanh co, xa hơn vài chục kí lô mét, so với tuyến đường quốc lộ 6 đi từ Hà Nội lên Mộc Châu, Sơn La.
Chị Thìn, một cư dân ở Sơn La kể về sinh hoạt tại đây, chị cho biết giá cả có tăng, nhưng người ta hy vọng mọi việc sẽ trở lại bình thường.

Trong khi đó tại Nghệ An, tính đến tối hôm thứ thứ năm 11 tháng 10, trời vẫn mưa, tình trạng ngập úng kéo dài, nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng.
Tại các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Anh Sơn, các loại gạo thường, tăng từ 5000 lên 7000 đồng, một kí, mì tôm tăng từ 40 000 lên 47 000 đồng, một thùng 30 gói, rau muống 1500 một bó, nay lên 2000 đồng.
Sang tỉnh Thanh Hóa thì tin tức cho hay tại 9 huyện vùng ngập lụt nặng, giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, vì gạo, mì ăn liền, dầu thắp, quần áo, vật dụng gia đình, tấm lợp, giá cả đều tăng từ 30%, có khi đến gấp 3 hay 4 lần so với các khu vực không bị lũ.
Bà Hằng, công chức thuộc ủy ban nhân dân Thanh Hóa cho biết về sinh hoạt tại địa phương này hiện giờ, cũng như những nỗ lực của chánh quyền trong công tác cứu trợ và vào giai đoạn trước mắt.
Theo các báo thì hiện nay nhiều tuyến đường giao thông đến các thôn, ấp, bản làng, vẫn còn bị ách tắt, do đó các doanh nghiệp thương mại chuyên cung cấp, vận chuyển hàng hóa, hoạt động trong tình trạng nhỏ giọt, cung không đáp ứng đủ với cầu, hậu quả đơn giản là các loại bao bì đựng thóc giống, phân bón, trước đây thường bỏ đi, nay cũng bán được giá từ 1000 tới 2000 đồng một cái.
Đỗ Hiếu, RFA, BKK, Thái Lan.