Chất lượng giáo dục ở Việt Nam?

Lên tiếng mới đây tại buổi làm việc với Trường Đại học Nông nghiệp 1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố kế họach tăng học phí đại học công lập lên gấp đôi, cho rằng đây là một bước đột phá tài chính cho giáo dục đại học, và "nếu không tăng học phí thì không thể giải quyết được vấn đề chất lượng".
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2007.10.16


HoangTuy150.jpg
Giáo sư Hoàng Tụy. Photo courtesy Vietnam Net.

Như vậy câu hỏi trước tiên là việc tăng học phí có thực sự giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục ở Việt Nam không ? Qua cuộc trao đổi sau đây với Thanh Quang, nhà giáo dục hàng đầu tại Việt Nam, giáo sư Hoàng Tụy từ Hà Nội, cho biết:

Giáo sư Hoàng Tụy: Ở đây tôi nói về đại học thôi. Việc tăng học phí có đi đôi với việc tăng chất lượng hay không, đó là vấn đề, vì không phải người dân không sẵn sàng trả học phí để học đại học tốt, nhưng người ta muốn đồng tiền bỏ ra phải có hiệu quả, thế mà hiện nay thì tinh hình đại học như sau:

Chất lượng ở các trường đại học công lập cũng đã kém rồi mà chất lượng ở các trưòng đại học tư thục lại càng kém hơn nữa, kém lắm so với trường đại học công. Trong lúc đó học phí tại các đại học tư thục chưa cao gì lắm mà nhiều trường đại học tư thục cũng đã có lãi tương đối khá.

Tức là các trường đại học tư thục thu được lợi nhuận cho tới bây giờ hầu hết đều đạt chất lượng rất kém so với trường đại học công. Vậy mà họ nói rằng một phần do học phí không đủ, nhưng mà riêng tôi thì tôi nghĩ là không phải vậy.

Các trường đại học tư thục lấy sinh viên vào nói chung là rất kém, và thầy giáo ở các trường đại học tư thục thì ra sao? Rất ít trường đại học tư thục có được một đội ngũ giáo sư cơ hữu đạt được chất lượng. Để có thành phần giảng huấn, các trường thường vay mượn, thỉnh giảng, liên kết, v.v. cho nên nói chung chất lượng dạy học rất là tồi.

Ở đây tôi nói về đại học thôi. Việc tăng học phí có đi đôi với việc tăng chất lượng hay không, đó là vấn đề, vì không phải người dân không sẵn sàng trả học phí để học đại học tốt, nhưng người ta muốn đồng tiền bỏ ra phải có hiệu quả

Còn ở các trưòng đại học công thì chất lượng dĩ nhiên là khá hơn đại học tư, nhưng chỉ khá hơn khi so với trong nước mà thôi, chứ còn so với các nước ngay trong khu vực thì chất lượng đại học công của mình cũng rất là kém.

Thanh Quang : Như vậy theo Giáo Sư thì giới hữu trách nên có giải pháp nào ?

Giáo sư Hoàng Tụy: Phải đầu tư thêm ở đại học công. Nhưng, theo tôi nghĩ, tiền đầu tư đó chủ yếu là từ nhà nước. Vì sao? Bởi vì nếu ta nói tăng học phí ở trường công gấp đôi gấp ba gì đó để tăng chất lượng, thì điều đó người dân tỏ ra rất nghi ngờ.

Thứ hai nữa hiện nay quản lý tài chánh trong ngành đại học, nói chung là trong ngành giáo dục, nói rộng ra nữa là trong nhiều ngành khác, quá ư là kém, bị thất thoát rất nhiều, lãnh phí rất nhiều, tham nhũng cũng không kém. Vậy thì nếu tăng thêm học phí rồi để không tăng được gì chất lượng thì như vậy dĩ nhiên người dân không chịu.

Cho nên phải tìm giải pháp thế nào, tôi nghĩ trước mắt là nhà nước phải đầu tư thêm. Và đi đôi với việc đầu tư đó, cơ bản là phải cải tổ quản lý, nhất là về mặt tài chính, để cho khoản đầu tư mới đó phát huy được hiệu quả.

Còn về lâu về dài thì tôi vẫn nghĩ rằng ở những trường đại học công dù nhà nước đầu tư bao nhiều đi nữa thì phần đầu tư đấy là phần thuế của toàn dân cho nên không được lấy học phí quá cao để cho chỉ có những con em của các gia đình có thu nhập cao mới có thể đi học được.

Vậy những trường đại học công sau này dù có đầu tư thêm nhiều nữa để nâng cao chất lượng thì vẫn phải giữ một học phí thấp vừa sức chi trả của đại đa số người dân. Đấy là nói về đại học công.

Thanh Quang : Như thế thì thưa Giáo Sư, có những gia đình có tiền sẵn sàng đóng học phí cao cho con em của họ được học tại các đại học đúng tiêu chuẩn thì sao?

Giáo sư Hoàng Tụy: Nếu chúng ta nói rằng trường công dù có chất lượng bao nhiêu đi nữa thì học phí cũng phải thấp thì tất nhiên không thể mở được nhiều trường công như vậy được. Cho nên để thoả mãn nhu cầu đấy thì phải khuyến khích mở những trường đại học tư, nhưng phải là đại học tư vô vị lợi. Còn đối với những đại học tư vị lợi ấy thì họ có thể lấy học phí cao tuỳ ý theo chất lượng của họ. Họ làm được, người ta vào học. Họ không làm được thì người ta bỏ họ.

Hiện nay ở trong nước có thể nói rằng ít nhà hảo tâm có đủ khả năng tài chính để hỗ trợ những trường đại học tư thục như vậy. Nhà nước có thể có biện pháp là cho vay. Nghĩa là trường đại học tư thục nhưng không vị lợi, tỷ như các trường đại học lớn ở Mỹ. Còn bên cạnh đấy các trường đại học tư hiện nay phát triển lên, những trường nào vô vị lợi thì nhà nước tìm cách hỗ trợ hoặc là họ có thể tìm thêm nguồn hỗ trợ chỗ này chỗ khác để họ tăng chất lượng lên.

Nếu chúng ta nói rằng trường công dù có chất lượng bao nhiêu đi nữa thì học phí cũng phải thấp thì tất nhiên không thể mở được nhiều trường công như vậy được. Cho nên để thoả mãn nhu cầu đấy thì phải khuyến khích mở những trường đại học tư, nhưng phải là đại học tư vô vị lợi. Còn đối với những đại học tư vị lợi ấy thì họ có thể lấy học phí cao tuỳ ý theo chất lượng của họ. Họ làm được, người ta vào học. Họ không làm được thì người ta bỏ họ.

Còn những trường đại học tư vị lợi, tức kiếm lời, thì tôi nghĩ là nhà nước không nên hỗ trợ gì cả. Hãy để họ làm, nếu họ đưa ra một chất lượng quá thấp thì dĩ nhiên là xã hội không chấp nhận. Và rồi đây các đại học tư ở nước ngoài họ cũng sẽ vào nữa. Khi đó những đại học tư trong nước mà chất lượng quá tồi thì tất nhiên là không thể tồn tại được.

Và nó tự nhiên sẽ biến mất đi. Nhứ thế dần dần trong khối tư thục sẽ hình thành một loạt những trường đại học tư thục kiểu như các trường đại học tư lớn ở Mỹ, chấp nhận tương đối mà đồng thời không lợi nhuận. Còn trưòng đại học công thì luôn luôn phải giữ mức học phí thấp, thích hợp với sức chi trả của người dân. Đồng thời cộng thêm khả năng nhà nước cho sinh viên vay, sau này ra trường sinh viên đi làm trả lại.

Thanh Quang : Thưa, Giáo Sư nhận xét như thế nào về chế độ học bổng ở đại học công?

Giáo sư Hoàng Tụy: Đã là trường đại học công mà lại thu học phí cao, rồi lại không cho vay, rồi lại theo chế độ học bổng thì người dân thiếu tin tưởng ở chế độ học bổng này bởi vì muốn thực hiện chế độ học bổng cho có kết quả thì phải biết được đích xác mức thu nhập của các tầng lớp xã hội, của các gia đình.

Mà hiện nay ở nước ta thì không thể kiểm soát được mức thu nhập của người dân. Có nhiều người rất giàu như ngay trong đám công chức có rất nhiều người có mức lương rất thấp mà thu nhập thì cực kỳ cao bởi tất cả đều do trốn thuế. Vì thế mà việc thực hiện chế độ học bổng rất khó có hiệu quả.

Cho nên tốt nhất là học phí thì đồng đều hết, không phân biệt giàu nghèo ở đây. Giàu nghèo có phân biệt để thực hiện công bằng thì phải ở nơi thuế má. Người nào thu nhập cao thì phải trả thuế cao và khi đóng thuế cao như vậy tức là họ đã đóng góp phần cao của họ rồi. Khi con cái của họ vào đại học công thì việc ấy ở nơi trường đại học thì tôi nghĩ không nên thắc mắc chuyện giàu nghèo, mà học phí thì nên phù hợp với sức chi trả của toàn dân.

Vã lại trong việc đóng thuế như vậy, ngưòi ta đã có tính tới khả năng nhà nước cho vay nữa. Như vậy ta có thể loại trừ việc dùng tiền thuế của toàn dân để ưu tiên phục vụ tầng lớp có thu nhập cao.

Thanh Quang : Thưa Giáo Sư, có một điểm nữa là thực trạng giáo dục Việt Nam lâu nay bị mang tiếng về nhiều hình thức tiêu cực, như bệnh chạy theo thành tích, nạn học từ chương, chạy trường, chạy lớp, học giả bằng thật, gian lận trong thi cử, v.v. vậy liệu kế hoạch tăng học phí có giải quyết được tình trạng tiêu cực vẫn còn đáng ngại này hay không?

Giáo sư Hoàng Tụy: Cái này thì tôi đã có ý kiến từ lâu rồi và đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đã viết nhiều bài báo, và tôi cũng đã một lần nữa có nói chuyện với ông bộ trưởng mới, thì tôi nói rằng hiện nay khuyết điểm trầm trọng nhất nó làm nảy sinh tất cả những chuyện bê bối khác, là việc trả lương cho giáo viên, cho giáo sư, tức cho người thầy giáo là không đường hoàng.

Một mặt tiền công quỹ, loại trừ các chi tiêu cần thiết về xây trường này nọ tất cả các thứ, còn lại thừa đủ để cấp cho người giáo viên, người giáo sư một số tiền lương có thể gấp đôi gấp ba thậm chí gấp tư số lương thực tế hiện nay.

Nhưng mà họ lại không được cấp số lương đấy mà họ chỉ được cấp một phần nhỏ trong số lương đấy, còn phần lớn bị tiêu pha vào chuyện này chuyện nọ mà những chuyện tiêu pha đấy thì theo như kết quả của cuộc kiểm toán vừa qua thì phần lớn rất là lãng phí và thất thoát vào tư túi của rất nhiều người.

Thí dụ như Bộ Khoa Học Công Nghệ, trong 4-5 năm liền riêng tiền trà nước và giấy bút đã là 53 tỷ đồng, nghiã là trung bình một tháng tốn 1 tỷ đồng tiền trà nước và giấy bút. Với 1 tỷ đó chúng tôi tính ra bằng 300 lần lương của một giáo viên.

Những chuyện như vậy cần phải chấn chỉnh, rồi từ đó chấn chỉnh tất cả những mặt khác. Nếu vẫn còn giữ như vậy thì không tài nào giải quyết được tất cả những bê bối khác trong nền giáo dục.

Thanh Quang : Dạ, xin cảm ơn Giáo Sư Hoàng Tuỵ rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.