Giáo sư Nguyễn Châu với công cuộc duy trì và phát huy nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam
2007.03.19
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Quý vị đang nghe âm thanh réo rắt của đàn tranh trong bài “Hoa thơm bướm lượn”. Người thể hiện bài dân ca Quan họ Bắc Ninh này, là Giáo sư Nguyễn Châu.
Xem video clip Nhạc bản "La Paloma" của Tây Ban Nha do Việt Hải đàn bầu và Phạm Hồng Hạnh đàn dương cầm. Courtesy Đoàn Lạc Hồng
Thy Nga có trên tay cuốn CD “Hòa tấu dân ca Việt Nam” mà bài “Hoa thơm bướm lượn” đang gửi đến quý thính giả là một trong 12 nhạc bản, đều do giáo sư Nguyễn Châu biên soạn, hòa âm và trình tấu. Hiếm khi được nghe dân ca ba miền trình bày qui mô như vậy, nên Thy Nga xin chia sẻ cùng quý thính giả.
“Hoa thơm bướm lượn” …
Lựa chọn các bài dân ca tiêu biểu của đất nước, gom vào trình tấu trong CD là điều mà giáo sư Nguyễn Châu mong muốn thực hiện đã lâu.
Nghe tựa đề CD là hòa tấu, ai nấy tưởng là do nhiều nhạc sĩ trình bày nhưng hóa ra, do giáo sư Nguyễn Châu đàn hết, ông đánh các bè rồi hòa âm, như ông cho biết trong câu chuyện với Thy Nga.
Giáo sư Nguyễn Châu: Hòa tấu thường thường gồm nhiều nhạc sĩ đánh, nhưng mà CD này, một mình tôi đánh tất cả từ đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ, đàn bầu, đàn nhị, vân vân … rồi sau đó mix lại (hòa âm).
Thy Nga: Người nghe, thấy nhiều tiếng đàn nhưng mà do một mình giáo sư đánh các bè khác nhau?
Giáo sư Nguyễn Châu: Dạ thưa phải.
Thy Nga: Đoàn Lạc Hồng sử dụng bao nhiêu loại nhạc cụ cổ truyền Việt Nam?
Giáo sư Nguyễn Châu: Về nhạc khí dây và thổi thì có 8, 9 thứ. Còn lại là bộ gõ với trống, chiêng, phách, mõ, vân vân …
Thy Nga: Ở nước Mỹ này, tìm sao cho ra được những nhạc cụ nhiều như vậy?
Giáo sư Nguyễn Châu: Lúc đầu thì cũng rất khó khăn trong cái vấn đề nhạc cụ.
Mười mấy năm nay, thường thường chúng tôi phải đặt từ Việt Nam nhưng sau này, nhiều phụ huynh thích cho con học nhạc cụ thì họ đặt bên đó và mang sang đây, thành ra bây giờ, vấn đề nhạc cụ không thiếu thốn lắm. Ngay cả những cái trống chiêng to lớn thì chúng tôi cũng sắm được rất nhiều.
Thy Nga: Có nhạc cụ, thế nhưng mà để trình bày, phải có nhiều bài bản …
Giáo sư Nguyễn Châu: đó là một việc khó khăn và là một sự hy sinh của chúng tôi là khi, ví dụ như chúng ta muốn học guitar hay violon, piano thì có sẵn bài bản từ thời nhạc cổ điển, bán cổ điển, hay nhạc hiện đại.
Muốn hòa tấu thì có các bản giao hưởng. Nhưng mà khi chúng tôi muốn theo tiêu chuẩn như thế, thì chúng tôi phải hoàn toàn sáng tác ra hết. Để mà dạy nhạc cụ Việt Nam, kể ra mình phải làm từ đầu, rồi mỗi năm mình bổ sung thêm, sửa chữa thêm.
Hòa tấu thường thường gồm nhiều nhạc sĩ đánh, nhưng mà CD này, một mình tôi đánh tất cả từ đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ, đàn bầu, đàn nhị, vân vân … rồi sau đó mix lại (hòa âm).
Nói chung là phải làm, phải viết từ đầu đến cuối, soạn cũng hơi cực đấy nhưng mà tôi hy vọng tương lai về sau, chúng ta sẽ có nhiều sáng tác mới cho các bộ môn nhạc cổ truyền Việt Nam.
“Bèo giạt mây trôi” dân ca Quan họ, qua tiếng đàn Nhị của giáo sư Nguyễn Châu …
Đàn Nhị (tức đờn cò) là nhạc cụ đầu tiên mà Nguyễn Châu tìm đến, tập kéo vào năm mới lên 8. Năm sau đó, cậu học sinh này thi vào trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn để trau dồi môn đàn Nhị và học môn đàn Nguyệt nữa.
Giáo sư Nguyễn Châu: Tôi hồi xưa, học cái đàn cò, đàn kìm hay đàn tranh thì mình sợ bạn bè chọc ghẹo là học cái nhạc cổ, nhạc đám ma, hay là nhạc chèo … mặc cảm học nhạc cổ truyền …
Năm 16 tuổi, tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc, được nhà trường mời dạy các lớp Quốc nhạc. Biến cố 30 tháng Tư 1975 xảy tới khi ông đang theo học trường Quốc gia Hành chánh. Học hành gián đoạn tuy nhiên, ông tiếp tục dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc tới năm 1987 thì sang Hoa Kỳ định cư.
“Lý chiều chiều” dân ca miền Nam độc tấu đàn Nguyệt (tức đàn Kìm) …
Ngay năm sau đó, trên vùng đất mới, giáo sư Nguyễn Châu bắt tay vào việc thành lập các lớp nhạc cổ truyền Việt Nam. Cùng với một giáo sư đồng nghiệp từ trường Quốc gia Âm nhạc là bà Nguyễn thị Mai, lập ra ban Lạc Hồng tại Quận Cam, Nam California.
Từ 10 nhạc sinh buổi đầu, ban dần được sự tín nhiệm của phụ huynh để rồi đến năm 1992, trở nên Đoàn Văn nghệ Lạc Hồng. Tiếp đến, được sự tham gia của vũ sư Lưu Hồng, đoàn phát triển thêm môn Vũ, để với những màn vũ đặc sắc, thu hút khán giả thưởng ngoạn hơn nữa.
“Nhất quế nhị lan” dân ca Quan họ, độc tấu đàn Hồ (còn được gọi là đàn gáo)
Thy Nga: Được biết là giáo sư soạn bài bản qua hình thức nhạc Tây phương, là như thế nào ạ?
Giáo sư Nguyễn Châu: Nguyễn Châu: Hồi xưa là hồ xự xang xê cống, truyền khẩu hay viết ra. Học trò phải đến học, rồi ông thày đánh ra cho trò nghe xem. Phương pháp tuy là truyền thống nhưng không được khoa học chính xác lắm, thành ra chúng tôi dịch ra theo phương pháp của trường Quốc gia Âm nhạc thành những nốt Do, Ré, Mi, Fa, Sol, La, Si. Chúng tôi viết những nốt nhạc đó xuống rồi có hàng, có kẻ, vạch nhịp, có nốt trắng, nốt đen, nốt tròn, vân vân …
Cái lợi thứ hai nữa là viết theo nốt nhạc Tây phương thì chúng ta viết bài hòa tấu được dễ vì có nhiều bè, viết nó chồng lên giống như một cái tổng phổ bên Tây phương thì chúng ta mới viết hòa tấu cho các em tập được, chứ nếu viết hồ xự xang xê cống thì rất khó.
Chúng tôi thời xưa là các giáo sư dạy Quốc nhạc tại trường Quốc gia Âm nhạc cũ. Trong Đoàn Lạc Hồng ở đây, hiện cũng có một số giáo sư cộng tác như giáo sư Nguyễn thị Mai và những giáo sư trẻ sau này. Chúng tôi vì thông thạo nhiều nhạc cụ, có thể thành lập một ban nhạc để hòa tấu chung nên có mở lớp vào cuối tuần.
Kỳ tới, Thy Nga sẽ đề cập chi tiết về đoàn Văn nghệ Lạc Hồng, và gửi đến quý thính giả các đoạn vidéo về chương trình ca vũ nhạc “Đông Tây hòa điệu” do đoàn trình diễn vào tháng 9 năm ngoái, lần công diễn hàng năm của Đoàn.
Trong âm thanh bài “Người ơi người ở đừng về” độc tấu đàn Nhị, Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả
“Người ơi người ở đừng về” …
Theo dòng câu chuyện:
- Đoàn Văn nghệ dân tộc Lạc Hồng
Những bài khác trong mục Âm Nhạc Cuối Tuần
- Tưởng nhớ La Sương Sương
- Cuộc tuyển lựa tài năng của đài truyền hình SBTN và Trung tâm Asia
- Cuộc tuyển lựa ca sĩ của Trung tâm Thúy Nga
- Mừng Tết Đinh Hợi 2007 !
- Đón mừng lễ Valentine và Tết Đinh Hợi
- Sinh hoạt ca nhạc hải ngoại trong năm Bính Tuất
- Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê và những nét độc đáo tiềm ẩn của bộ môn hát bội
- Lily, nữ ca sĩ Canada với những ca khúc tiếng Việt
- Mùa cưới (phần 2)