Dự án quốc tế giúp nạn nhân buôn người ở Việt Nam tái hòa nhập xã hội (phần 1)


2007.11.08

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Dự án thử nghiệm có tên là Phục hồi Niềm tin và Vượt thắng mặc cảm để giúp nạn nhân buôn người tái hoà nhập xã hội, kéo dài 16 tháng, vừa kết thúc ở Hà Nội, phối hợp giữa Cơ Quan Di Dân Quốc Tế, gọi tắt là IOM, và các tổ chức ngoài chính phủ NGO ở trong nước.

HumanTraffickingConfCali200.jpg
Hội nghị quốc tế chống nạn buôn người Việt Nam tổ chức tại California. RFA file photo

Cơ quan Di dân Quốc tế IOM có văn phòng hoạt động tại hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Cambodia, Việt Nam, v.v...

Từ khi tệ nạn buôn người vào đường mãi dâm được khuyến cáo là đã lan rộng trên thế giới hơn một thập niên qua, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, Tổ Chức Di Dân Quốc Tế IOM chuyên trách thêm phần vụ cảnh giác và phòng chống tệ nạn buôn bán con người, một hình thức tội ác mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từng lên án là nạn nô lệ thời hiện đại.

Phục hồi Niềm tin và Vượt thắng Mặc cảm

Trở lại với dự án mang tên Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm ở Hà Nội, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ, thì những đối tượng cần được phục hồi nhân phẩm để có thể vượt qua nỗi ám ảnh từ các tì vết đau đớn không may trong cuộc sống là những cô gái trẻ Việt Nam bị buôn qua bán lại để hành nghề mãi dâm ở trong hay ra ngoài nước.

Ông Andy Bruce, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Về Giới Tính, Gia Đình , Phụ Nữ Và Người Lớn Tuổi trong Cơ Quan Di Dân Quốc Tế ở Hà Nội cho hay với sự tài trợ của Phòng Dân Số, Tị Nạn Và Di Dân thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ , ba mươi sáu nạn nhân Việt Nam đã được tư vấn, hổ trợ và giúp đỡ trong thời gian qua.

Mời qúi vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện với ông Andy Bruce, cũng là trưởng dự án Phục Hồi Niềm Tin, Chiến Thắng Mặc Cảm. Từ Hà Nội, ông Bruce cho biết:

Họ là những người rất cần sự giúp đỡ vào khi thể xác và tâm hồn bị đè nặng bởi mặc càm và tì vết từ một giai đoạn của đời sống mà nghĩ đến thì cảm thấy vô cùng tủi nhục. Hơn ai hết họ biết mình bị xã hội kỳ thị khinh rẻ. Chính vì bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi mà những thiếu nữ không may ấy phải tiếp tục sống một đời sống vô nghĩa, xa lánh mọi người, sợ hãi nhiều thứ.

Andy Bruce: Tôi làm việc ở đây đã 4 năm, thực ra IOM tập trung nhiều vào vấn đề di dân an toàn , làm sao để con người có thể được di dời mà không bị tổn hại, từ đó dự án có tên Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm là một trong 4 năm chương trình mà IOM thực hiện với các tổ chức ngoài chính phủ ở địa phương, tức những nhóm chuyên hoạt động phòng chống buôn người liên quan đến phụ nữ. Những chương trình này được hổ trợ tài chính từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Thanh Trúc: Xin ông giải thích rõ hơn về mục đích và việc làm của dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm đối với các nạn nhân của tệ nạn buôn người?

Andy Bruce: Đây là một dự án đặc biệt. Qua làm việc chúng tôi tin và cũng giúp nhiều người nhận thức được thực trạng là có không ít thiếu nữ Việt Nam bị buôn ra khỏi nước đã tìm đường trở về từ những đường dây buôn người đó.

Họ là những kẻ rất cần sự giúp đỡ vào khi thể xác và tâm hồn bị đè nặng bởi mặc càm và tì vết từ một giai đoạn của đời sống mà nghĩ đến thì cảm thấy vô cùng tủi nhục. Hơn ai hết họ biết mình bị xã hội kỳ thị khinh rẻ. Những suy nghĩ đó là lý do khiến nạn nhân khi trở về chỉ muốn lẫn trốn ở một nơi nào cho yên thân hơn là đi tìm sự giúp đỡ .

Chính vì bị dày vò bởi mặc cảm tội lỗi mà những thiếu nữ không may ấy phải tiếp tục sống một đời sống vô nghĩa, xa lánh mọi người, sợ hãi nhiều thứ kể cả sợ đàn ông, không bao giờ muốn nói hay chia sẻ gì về mình với người khác.

Thực tế trong xã hội Việt Nam, những thiếu nữ nạn nhân của tệ buôn người một khi tìm đường quay lại với một tâm hồn thương tích thì chẳng những không được thông cảm mà còn bị cả làng trên xóm dưới dèm pha chê trách. Tình trạng đó khiến nạn nhân không đủ can đảm bước ra để tìm sự tư vấn giúp đỡ.

Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng đáng buồn này với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và được tài trợ để tìm kiếm các nạn nhân ấy thì chúng tôi càng tin tưởng hơn vào một phương án giúp đỡ, bởi vì qua dự án chúng tôi đã khám phá có rất nhiều người đáng thương mà không bao giờ muốn bị ai biết hay bị ai thương hại.

Thanh Trúc: Ông cho rằng dự án thử nghiệm này đã thành công như sự mong đợi lúc ban đầu?

Andy Bruce: Đúng, tôi cho là thành công, điều quan trọng hơn nữa là từ sự thành công đó mà chúng tôi nhận thức rằng đang có không biết bao nhiêu thiếu nữ bị buôn vào đường mãi dâm mà nay thoát ra được thì trách nhiệm của xã hội là giúp đỡ họ hoàn lương, trở về cuộc sống bình thường.

Thành công của dự án thí điểm tạo cho chúng tôi niềm phấn khởi để tiếp tục thực hiện những chương trình Phục Hồi Niềm Tin Và Vướt Thắng Mặc Cảm tại những vùng miền khác trong nướctrong những ngày tới.

HumanTraffickingReport200.jpg
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ theo dõi các hoạt động buôn người trên thế giới và hàng năm đều công bố phúc trình đầy đủ về tình trạng tại mỗi nước.

Tệ nạn buôn người vào đường mãi dâm ở Việt Nam

Thanh Trúc: Thưa ông, chúng tôi biết dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm có mục đích nâng cao năng lực cho nạn nhân bằng cách tư vấn giúp đỡ từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra còn tạo cho họ sự tự tin rằng họ có khả năng tự sống tốt đẹp như mọi người khác. Với kinh nghiệm bốn năm làm việc ở Việt Nam, ông có nghĩ rằng có sự khác biết nào trong tệ nạn buôn người vào đường mãi dâm ở Việt Nam so với tệ nạn này ở các nước khác?

Andy Bruce: Nếu có thời gian thì tôi có thể nói từ giờ này qua giờ khác. Riêng về nạn buôn người ở Việt Nam hãy để tôi phân tích ngắn gọn thế này: có những cô gái quê Việt Nam tự chọn con đường ra khỏi làng xóm, tìm đến Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh là nơi họ tin có thể kiếm được việc làm nhiều tiền, cuối cùng thì họ sa chân vào những chốn gọi là nhà thổ hay nhà chứa.

Cũng có trường hợp người chị lớn trong gia đình, luôn nghĩ rằng trách nhiệm của chị cả là kiếm tiền giúp cha mẹ và nuôi nấng em út. Nếu thiếu may mắn thì thì chính người chị cả đó sẽ bị lường gạt vào những mạng lưới buôn người mà bọn bất lương sẳn sàng giương ra để lừa đảo các cô gái quê mùa chất phát ấy. Đây là những đối tượng bị bán qua Trung Quốc, ra khỏi biên giới, đến khi biết mình bị gạt vào đường mãi dâm thì đã muộn.

Một trường hợp khác gần như phổ cập ở vùng biên giới Việt Nam giáp với Campuchia và cả trên đất nước Campuchia, là cha mẹ vì nghèo mà đem bán con gái còn nhỏ của mình đi. Em nhỏ càng thanh tân thì càng bán được giá hơn. Ai bỏ tiền ra mua những đứa bé ngây thơ đó, chắc chắn không phải những gia đình bình thường cần con cái mà là những chủ chứa của những động mãi dâm trá hình.

Một điều đáng buồn khác là cha mẹ đã nhồi vào đầu trẻ rằng chúng phải hy sinh để trả hiếu, còn nạn nhân khi bị buộc vào đường mãi dâm cũng không dám kêu ca chống trả vì yến chí rằng chuyện đương nhiên phải xảy ra như thế. Đây là hình thức buôn người khủng khiếp mà bình thường chúng ta khó thể tưởng tượng ra.

Một hình thức khác mà tôi muốn nói là tại Việt Nam hiện nay, con gái miền quê tới tuổi cập kê mà chưa có tấm chồng thì thường suy nghĩ hay đôi khi bị người môi giới rủ rê sang Trung Quốc hoặc một nước khác để may ra kiếm tấm chồng rồi còn gởi tiền về giúp bố mẹ. Có gì bảo đảm hay giữ gìn cho họ không bị vướng vào những đường dây mãi dâm đầy dẫy tại những nơi đó.

Về một mặt nào đó, xã hội miền quê Việt Nam có thể nhận định rằng những cô thiếu nữ gọi là phải hy sinh để giúp gia đình bằng con đường mãi dâm dù muốn dù không, những cô gái bị cha mẹ mang đi bán cho bọn buôn người, phần nào đã mang tiền về cho gia đình họ không ít thì nhiều, có thể nhờ thế mà gia đình họ khá ra chút đĩnh. Những nếp nghĩ như vậy vô tình tạo thuận lợi cho hành động buôn người, nghĩa là tự bán mình đi hoặc bị cha mẹ hay kẻ lừa gạt bán đi.

Phục hồi Niềm tin và Vượt thắng Mặc cảm

Thanh Trúc: Điểm quan trọng nhất của dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm mà IOM đang cùng các tổ chức ngoài chính phủ thực hiện là gì thưa ông?

Andy Bruce: Trước hết phải xây dựng lòng tin tưởng nơi các nạn nhân vào chương trình giúp đỡ tư vấn này, nhấn mạnh rằng mọi chi tiết của cuộc đời họ là những điều được bảo mật tối đa mà không nhân viên nào được quyền tiết lộ. Như tôi đã trình bày, những người trở về luôn sống trong tự ti và sợ hãi, không muốn ai biết quá khứ của mình, cũng không muốn ai thấy mình đang liên lạc tiếp xúc với những người hay những nhóm có hoàn cảnh giống mình.

Trong nhiều gia đình VIệt Nam, luôn nghĩ rằng trách nhiệm của chị cả là kiếm tiền giúp cha mẹ và nuôi nấng em út. Nếu thiếu may mắn thì thì chính người chị cả đó sẽ bị lường gạt vào những mạng lưới buôn người mà bọn bất lương sẳn sàng giương ra để lừa đảo các cô gái quê mùa chất phát ấy. Đây là những đối tượng bị bán qua Trung Quốc, ra khỏi biên giới, đến khi biết mình bị gạt vào đường mãi dâm thì đã muộn.

Thanh Trúc: Như vậy theo ý ông tạo dựng niềm tin và cho đối tượng biết rằng họ có thể tuyệt đối tin tưởng nơi sự bảo mật của tổ chức là khó khăn ban đầu?

Andy Bruce: Vâng, đó là cái khó đầu tiên khi chúng tôi khởi sự chương trình, cho đến khi có bảy nạn nhân thuận hợp tác trong vai trò chia sẻ và khuyến khích người đồng cảnh ngộ tham gia thì dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm mới cất cánh, dần dần đến được với ba mươi hai cô gái trở về và muốn hoàn lương.

Chương trình thí điểm kết thúc cũng là lúc các nạn nhân đủ tự tin để lập nhóm tương trợ lẫn nhau. Những phụ nữ trẻ này bày tỏ với tôi rằng đây là lần đầu tiên họ có thể nói thẳng nói thức về đời mình mà không sợ bị phê phán, rằng Dự Án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm mang lại cho họ sức mạnh để có thể sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Tôi thật cảm động trước những lời thổ lộ đó. Tôi có thể đoan chắc là dựa vào báo cáo này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tài trợ cho những dự án tương tự trong những ngày tháng tới.

Thanh Trúc: Câu hỏi cuối xin được nêu ra với ông Andy Bruce là nâng cao năng lực và khả năng sống cho nạn nhân của tệ buôn người, xoá bỏ mặc cảm cho họ là điều tốt nhưng thiết tưởng mới chỉ là mặt nỗi. Mặt chìm là phải truy ra nguyên nhân của tệ nạn buôn người, có phải do nghèo đói, thiếu ý thức, hay đó là hệ lụy của phát triển kinh tế?

Andy Bruce: Câu hỏi hay là sự băn khơan này không có gì sai. Tôi đang ở Việt Nam, tôi thấy chính phủ Việt Nam đã nhận thức được mức độ tệ hại của nạn buôn người và đang tiến tới việc thực thi luật pháp để ngăn ngừa tệ nạn này.

Trở lại nghi vấn là phải chăng do nghèo đói, thiếu ý thức hay do hệ lụy của qúa trình phát triển kinh tế thì tôi e rằng câu trả lời đôi khi không hoàn toàn chính xác.

Buôn người là một vấn đề phức tạp, nhiều phần nghèo đói và vô ý thức là nguyên nhân. Nhưng nói làm sao khi chính cha mẹ tự ý đem bán hết đứa con gái này tới đưa con gái khác mà không áy náy, hoặc giải thích thế nào khi một cô gái trưởng thành tự động hay tự nguyện tìm đường qua biên giới để kiếm việc làm?

Phát triển kinh tế là nguyên nhân khiến người ở quê bỏ làng ra tỉnh kiếm việc, không may lắm kẻ mắc vào mạng lưới mãi dâm ở chốn thị thành hoa lệ đó.

Theo tôi, dù như chính phủ đã có luật và thi hành luật một cách nghiêm túc thì quan trọng vẫn là ý thức của người dân, tôi muốn nói bên cạnh luật pháp phải có một nền gíao dục cộng đồng vững chắc để nâng cao ý thức cũng như cảnh giác trước những hình thức buôn ngừời ngày càng trở thành tinh vi hiện nay.

Thanh Trúc: Quí vị vừa nghe bài phỏng vấn về dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm do Cơ Quan Di Dân IOM ở Hà Nội phối hợp thực hiện cùng các tổ chức ngoài chính phủ để hổ trợ cho nạn nhân buôn người hoà nhập trở lại cuộc sống bình thường.

Trong mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi kỳ tới, mời quí vị cùng gặp gỡ giám đốc phía Việt Nam và ba nạn nhân tham gia dự án Phục Hồi Niềm Tin Và Vượt Thắng Mặc Cảm này. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.