Hợp đồng tiêu thụ nông sản không phải luôn luôn được nông dân và doanh nghiệp tôn trọng

Trường Văn, phóng viên đài RFA

FishFarmer150.jpg
Hồ nuôi cá ở vịnh Hạ Long. AFP PHOTO

Tuy đã có quyết định số 80 của chính phủ từ năm 2002 về việc ký hợp đồng bao tiêu nông sản nhưng trong thời gian qua việc tuân thủ hợp đồng đã ký kết giữa nông dân và các doanh nghiệp thu mua vẫn còn những lấn cấn cần phải giải quyết.

Nông dân và doanh nghiệp bên nào cũng chỉ muốn thi hành hợp đồng khi thấy mình được lợi cho nên đã xảy ra tình trạng bẻ giá, ép giá gây thiệt hại cho nông dân nhiều hơn là phía doanh nghiệp. Xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn.

Nông dân thua thiệt

Trong những năm qua báo chí Việt Nam nêu ra rất nhiều trường hợp hợp đồng mua bán nông hải sản không được tuân thủ nhất là về phía các doanh nghiệp thu mua.

Điển hình như việc nông dân trồng mía huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng phải đốn bỏ vụ mía 2003-2004 vì không có công ty nào đến thu mua.

Hoặc như có lúc nông dân nuôi cá tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đồng lọat giữ cá lại trong ao không bán vì thấy giá cá trên thị trường đang trong cơn sốt tăng giá.

Lôi nhau ra Tòa thì có vụ hai hộ nông dân trồng Nha đam tại xã Tân Lý Đông huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, vào tháng 4 năm nay đã đệ đơn kiện Công ty Rau quả tỉnh Tiền Giang yêu cầu bồi thường 90 triệu đồng thiệt hại vì công ty đã không thu mua Nha đam theo như hợp đồng. Tuy nhiên việc nhờ luật pháp để giải quỵết các vi phạm về hợp đồng không phải là chuyện thường xảy ra và nhiều khi nông dân đành chịu sự thiệt hại về phía mình.

Một người nuôi cá tra tại Thốt nốt phát biểu: "Giá tuột thì công ty không chịu bắt, họ kiếm chuyện họ chê, bớt giá; mình chịu bớt giá họ mới bắt. Có một hầm của anh kia thì đấu tranh nhưng đa số bà con nó ép tới đâu thì bán tới đó chứ đâu có ai cự lại. Mình nghĩ nó muốn làm gì nó làm chớ nông dân có thưa kiện gì đâu. Dù hợp đồng có ký nhưng hợp đồng là hình thức gạt mấy người dốt."

Nguyên nhân

Đề cập đến hiện tượng hai bên mua bán đều không tôn trọng hợp đồng, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, trước là phó chủ tịch đặc trách về nông nghiệp có nhận xét:

“Cái này là do sản phẩm chưa ổn định lắm còn bấp bênh nên đua luật pháp vào việc này thì chưa được tốt do đó cần phải có thời gian làm ăn lần lần mới điều chỉnh bằng luật pháp bởi vì tất cả những hợp đồng rất lỏng lẻo, không có ràng buộc chế tài gì cả.

Hai bên cũng thích kiểu đó, họ làm như vậy nên chính quyền can thiệp không được. Chớ còn đưa vô hợp đồng có điều khoản rõ ràng, có chế tài đưa ra tòa án xét xử thì cũng tốt. Cái này phải có thời gian từ từ vì dân mình chưa quen việc đó.”

Ông Nhị cho biết thêm là sở dĩ có chuyện này xảy ra là vì phía quản lý của nhà nước chưa tốt:

“Đầu vào tức là sản lượng nuôi không ổn định, khi tăng, khi giảm nhiều quá vì vậy công ty cũng lượng trước tình hình nông dân tự phát nuôi nhiều quá nên giá rẽ cái này cũng phần trách nhiệm trong quản lý qui họach và sản xuất theo kế họach không bảo đảm nên có tình trạng khi thừa khi thiếu nguyên liệu. Đây là phần trách nhiệm của chính quyền.”

Để giải quyết việc này ông Nhị đề nghị phải đưa vào hợp đồng những điều khoản qui định chế tài cụ thể:

“Phải đưa vào điều khoản chế tài. Nông dân cũng như công ty chưa quen vấn đề này nên có tình trạng đó. Còn nếu đưa vô rõ ràng đàng hòang xét xử thì dần dần cũng giáo dục cho người ta tôn trọng pháp luật, tôn trọng hợp đồng.”

Tình trạng không tôn trọng hợp đồng trong sản xuất và tiêu thụ nông hải sản nếu vẫn còn kéo dài và không được chấn chỉnh sẽ tạo ra tình trạng sản xuất không bền vững gây thiệt hại cho nông dân cũng như doanh nghiệp và cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung nhất là trong tình trạng hội nhập sắp tới.