RSF yêu cầu tân chủ tịch nước Việt Nam trả tự do cho 2 người tù lương tâm


2006.06.30

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổ chức ký giả không biên giới RSF vừa gửi bức thư ngỏ đến tân chủ tịch nước Việt Nam, Nguyễn Minh Triết, yêu cầu trả tự do cho 2 người tù lương tâm đang bị giam cầm là Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình. Trà Mi trao đổi ông Julian Pain, chuyên gia về tự do ngôn luận trên Internet thuộc RSF, và được ông cho biết.

RSFweb200.jpg
Trang web của Reporters Without Borders

Ông Julian Pain: Chúng tôi hết sức quan tâm về trường hợp của hai tù nhân lương tâm này vì họ đã bị giam giữ khá lâu rồi, đặc biệt là tình trạng sức khoẻ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn đang rất tồi tệ và chúng tôi e rằng ông có thể qua đời trước khi được phóng thích.

Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chính quyền Hà Nội nên khoan hồng trả tự do cho hai nhà bất đồng chính kiến này và chứng tỏ thái độ tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi hy vọng rằng tân chủ tịch nước của Việt Nam, người được cho là có tư tửơng cải cách, sẽ chấp thuận lời đề nghị của chúng tôi và có một quyết định khôn ngoan, cần thiết.

Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gửi thư yêu cầu chính phủ Hà Nội phóng thích cho các tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Chúng tôi đã làm điều này một lần rồi, tuy nhiên, không nhận được sự hồi âm nào từ vị cựu chủ tịch nước, và thực tế là họ đã từ chối khoan hồng cho những người tù lương tâm ấy.

Chúng tôi kỳ vọng ông tân chủ tịch nước sẽ rộng lượng hơn, cũng như sẽ nhận ra rằng những tù nhân chính trị này không làm gì sai trái cả. Họ chỉ bày tỏ những suy nghĩ của mình trên mạng Internet mà thôi.

Trà Mi: Chính phủ Hà Nội vẫn một mực khẳng định rằng tại Việt Nam không có tù nhân lương tâm, chỉ những người nào vi phạm pháp luật mới bị giam cầm mà thôi, để bảo đảm an ninh quốc gia. Ông nghĩ sao về điều này?

PhamHongSon150.jpg

Ông Julian Pain: Xét trường hợp của Phạm Hồng Sơn chẳng hạn, ông ta bị tù tội chỉ vì đã dịch một bài viết về dân chủ đăng trên website của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam. Thế thì chúng ta nên gọi hành động này là gì? Bác sĩ Sơn phạm tội gì? Ông ta quả là một tù nhân lương tâm. Cá nhân tôi rất muốn được đối thoại trực tiếp với giới chức trách Việt Nam để xem họ giải thích ra sao về việc này?

Nhà bất đồng chính kiến, Nguyễn Vũ Bình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông bị vướng vào vòng lao lý chỉ vì một số bài viết đăng tải trên mạng Internet phê bình đảng và nhà nước và kêu gọi cho dân chủ. Đó không phải là một tội phạm.

Phê bình, chỉ trích chính quyền, hay kêu gọi nhà nước cải cách không phải là một cái tội. Ông Bình chỉ thực thi quyền công dân được tự do bày tỏ ý kiến của mình mà thôi. Vì vậy, ông ta cũng là một người tù lương tâm. Cho nên, nếu nhà cầm quyền Việt Nam khẳng định điều ngược lại, tôi rất muốn được đối chất với họ để rõ trắng đen.

Trà Mi: Nếu phía Hà Nội trả lời rằng các hành động ấy có thể không được coi là tội ở các nước khác, nhưng là những điều không thể chấp nhận được ở Việt Nam thì ông nghĩ sao?

Ông Julian Pain: Nhà nước Việt Nam đã từng lên tiếng và lập lại rất nhiều lần rằng họ tôn trọng quỳên tự do ngôn luận của người dân, rằng mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến và tại Việt Nam không có ai bị giam cầm vì đã xúc phạm đến chính quyền hay vì phát biểu trên mạng Internet.

nguyenvubinh_150.jpg
Anh Nguyễn Vũ Bình. File Photo

Trong sách trắng nhân quyền mà chính phủ Hà Nội công bố hồi năm ngoái cũng khẳng định rõ là chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do bày tỏ quan điểm cũng như các quyền căn bản khác của con người. Thế nhưng tất cả những gì họ đang làm chứng tỏ là họ không tôn trọng ngay cả những điều chính họ đã cam kết. Và đó là điều mà chúng tôi đang kêu gọi vị tân chủ tịch nứơc nên xem lại.

Chúng ta không thể chấp nhận chính sách nứơc đôi như thế. Một mặt Hà Nội tuyên bố với cộng đồng quốc tế là tôn trọng nhân quyền, nhưng song song cùng lúc lại giam cầm các nhân vật cổ võ dân chủ. Thật là vô lý. Theo tôi, tân chủ tịch nứơc nên có thái độ đúng đắn hơn thể hiện qua việc trả tự do cho Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình.

Trà Mi: Ông có tin tửơng rằng lần này nhà cầm quyền Việt Nam sẽ cân nhắc lại trường hợp của hai tù nhân này chăng?

Ông Julian Pain: Tôi không biết nữa, nhưng tôi hy vọng ông tân chủ tịch nước sẽ xem xét khoan hồng cho Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình vì đó là quyết định khôn ngoan và hợp lý.

Tôi có thể khẳng định với cô là nếu họ không phóng thích hai người tù lương tâm này thì Việt Nam sẽ vẫn lưu lại trong danh sách 15 quốc gia bị xem là kẻ thù của Internet. Nếu Hà Nội muốn lấy tên ra khỏi danh sách đó thì họ nên nhanh chóng trả tự do cho hai nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình.

Trà Mi: Còn nếu như họ vẫn tiếp tục như cũ thì Tổ chức phóng viên không biên giới dự tính sẽ làm gì?

Ông Julian Pain: Chúng tôi sẽ kiên trì bênh vực cho những nhà đấu tranh dân chủ ấy và tiếp tục lên tiếng tố cáo với quốc tế về các hành động vi phạm nhân quyền và tự do ngôn luận của nhà cầm quyền Việt Nam.

Tôi có thể khẳng định với cô là nếu họ không phóng thích hai người tù lương tâm này thì Việt Nam sẽ vẫn lưu lại trong danh sách 15 quốc gia bị xem là kẻ thù của Internet. Nếu Hà Nội muốn lấy tên ra khỏi danh sách đó thì họ nên nhanh chóng trả tự do cho hai nhà dân chủ Phạm Hồng Sơn và Nguyễn Vũ Bình.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

Thông tin trên mạng

- Open letter to new president about two imprisoned cyber-dissidents

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.