RSF: 2005 là năm tang thương nhất đối với các nhà báo trên toàn cầu
2006.01.05
Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Báo cáo thường niên do RSF tức Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp mới phổ biến, nói rằng 2005 là năm tang thương nhất đối với các nhà báo trên toàn cầu. Theo số liệu được công bố thì năm rồi trong lúc thi hành nhiệm vụ, có 63 phóng viên và 5 cộng tác viên phụ giúp họ về chuyên môn, thiệt mạng, ngoài ra còn có hơn 1300 nhà báo khác bị hành hung, hoặc bị hăm dọa bằng đủ cách thức.
Theo RSF thì đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm liên tiếp, mặt trận Iraq là nơi mà các nhà báo ngã gục nhiều nhất. Năm 2005 tại chiến trường này có 24 phóng viên báo chí và 5 người cộng tác về chuyên môn bị giết. Những người giúp đỡ cho các phóng viên bao gồm tài xế, thông ngôn, bảo vệ, chuyên viên chụp hình và quay phim.
Tính đến nay, từ khi trận chiến Iraq bùng nổ tháng ba năm 2003 đến giờ, đã có 76 nhà báo và cộng tác viên thiệt mạng trong khi hành nghề săn tin tức và hình ảnh tại đây.
Số người bị thiệt mạng
Số nhà báo bỏ mình tại Iraq cao hơn con số đồng nghiệp của họ chết tại chiến trường Việt Nam trong vòng 20 năm, tính từ 1955 đến 1975.
Nguyên nhân chính gây tổn thất nhân mạng đối với phóng viên báo chí ở Iraq là những vụ bị khủng bố và lực lượng nỗi dậy tấn công bằng bom đạn.
Xét về vị trí địa dư thì trong năm 2005 các nhà báo bị sát hại tại 22 quốc gia trên toàn cầu. Philippines là nước thứ 2 sau Iraq có số nhà báo tử thương cao nhất, với 7 người tất cả. Các nước Châu Á khác xảy ra những trường hợp nhà báo bị bạo quyền sát hại bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka.
Nói về những vụ hành hung, bắt bớ, đe dọa nhà báo, thì RSF đưa ra con số trên 1300 phóng viên bị đàn áp bằng nhiều hình thức sử dụng bạo lực khác nhau.
Bị giam cầm, tù đày
Về những trường hợp bị ngồi tù, thì tính đến đầu năm 2006 hiện còn 126 phóng viên và ba phụ tá của họ bị giam cầm tại 23 quốc gia.
Trung Quốc là nước có nhiều nhà báo bị bỏ tù nhất với 32 người, kế đó là Cuba với 24, Ethiopia 17, Erythree 13 , Miến Điện 5. Riêng ở Cuba hiện còn 20 nhà báo bị giam giữ từ 14 đến 27 năm ròng rã.
Xét về những trường hợp bị ngồi tù vì gởi bài lên internet vận động cho tự do, dân chủ thì Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu danh sách với 62 người, Việt Nam có 3 người, Iran và Syria mỗi nước một người.
Ba nhân vật bất đồng chính kiến từng yêu cầu Hà Nội cải tiến dân chủ trên internet nên bị phạt án tù là các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Khắc Toàn.
Mặt khác, trong số 15 quốc gia xem internet là kẻ thù có Việt Nam. Các chánh phủ được RSF nêu tên gồm có Ả Rập Xê Út, Belarus, Miến Điện, Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Iran, Libye, Maldives, Nepal, Ouzbekistan, Syria, Tunisia, Turmenistan và Việt Nam.
Tình hình tại Việt Nam
Phát biểu ý kiến về tình trạng bóp nghẹt báo chí tại Việt Nam hiện giờ, ông Julien Pain, trưởng văn phòng internet của RSF nhấn mạnh rằng là mặc dù trong thời gian qua, Hà Nội có trả tự do một bốn nhân vật bất đồng chính kiến, nhưng trên thực tế đây là những người sắp mãn hạn tù hoặc vì lý do sức khỏe quá suy kém mà được cho về.
Điều này không có nghĩa là Hà Nội cho thi hành một chính sách cởi mở hơn đối với quyền tự do ngôn luận, trái lại nhà nước Việt Nam đã tống giam từ trên 2 tháng nay, cả 3 người tham gia diễn đàn Paltalk.
Vẫn theo ông Julien Pain thì tương tự như ở Việt Nam hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh nới tay với những người truy cập hay sử dụng internet, vì ở Hoa Lục phương tiện tin học này vẫn còn bị công an theo dõi ráo riết và kiểm soát gắt gao.
Về tin tức cho hay là chánh phủ Phnom Penh đang gia tăng bắt bớ, mới tống giam trước sau, một chục nhân vật đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, đồng thời gán ghép cho họ tội phỉ báng thủ tướng Hun Sen, ông Vincent Brossel, giám đốc điều hành RSF ở Paris nhận định rằng:
“Lâu nay, Cambodia được dư luận thế giới đánh gía là một quốc gia tôn trọng quyền tự do ngôn luận, báo chí được tương đối tự do sinh hoạt, nhưng thời gian gần đây thì chánh phủ Phnom Penh lại đối xử mạnh tay hơn với làng báo. Đã có nhiều phóng viên phát thanh và báo chí cũng như các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền bị bắt giam vì bị cáo buộc tội phỉ báng thủ tướng Hun Sen. Sự thật là họ chỉ muốn phơi bày trước công luận rằng, ông này bán nhượng một phần đất đai Xứ Chùa Tháp cho Hà Nội.”
Những bài liên quan
- 15 quốc gia bị xem là kẻ thù của Internet
- RSF phản đối sự hợp tác của các công ty cung cấp dịch vụ Internet với các chế độ độc quyền toàn trị
- Tổng cục Cảnh sát VN sa thải nhân viên cảnh sát còng tay nhà báo
- Ông Robert Menard, sáng lập viên và đương kiêm Tổng thư ký RSF, viếng thăm RFA
- Tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí phát hành cẩm nang cho người bất đồng chính kiến
- Diễn viên Hàn Quốc Song Hye-kyo khởi kiện 3 tờ báo Việt Nam
- Hội luận trong-ngoài về Ðại Hội Nhà Báo Việt Nam lần thứ 8
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Nhận định của cựu Ðại tá Bùi Tín về tình hình báo chí tại Việt Nam
- Dự luận nghĩ gì về sinh hoạt báo chí tại Việt Nam ngày nay?
- Nhận xét của cựu Đại tá Phạm Quế Dương về Đại hội Nhà báo Việt Nam
- Đại hội kỳ 8 Hội nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ 11 đến 13-8
- Phản ứng trước thông tư 02 về quy định quản lý Internet
- Hội luận về tình hình tự do ngôn luận và dân chủ ở trong nước (III)
- Philippines, Iraq, Colombia, Bangladesh và Nga là những nơi nguy hiểm nhất cho giới ký giả
- Việt Nam đứng thứ 161 trên 167 nước trong bản xếp hạng về Tự Do Báo Chí của RSF
- Ngày 3-5 hàng năm, ngày Tự do Báo chí Thế giới
- Viện Kiểm Sát quyết định đình chỉ điều tra nữ phóng viên Lan Anh
- Nhận xét của RSF về sinh hoạt báo chí tại Việt Nam hiện nay
- Ông Phạm Quế Dương chia sẻ kinh nghiệm làm báo tại Việt Nam qua vụ ký giả Lan Anh