Tăng học phí trường công là đi ngược lại nguyên tắc xã hội chủ nghĩa?

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Đề án tăng học phí trường công gấp ba lần được chính quyền TP.HCM chấp thuận trên nguyên tắc. Tuy vậy công luận đã phản bác mạnh mẽ một chủ trương được xem là đi ngược lại nguyên tắc xã hội chủ nghĩa.

TeacherStudent150.jpg
AFP PHOTO

Dư luận trí thức, nhân sĩ, người dân, cũng như khoảng 90 đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM không đồng lòng với đề nghị tăng học phí gấp ba lần của Sở Giáo Dục đào Tạo và Sở Tài Chính. Mục đích của việc tăng học phí là để có tiền trả lương giáo viên, ngân sách không thể bù đắp và mức thu học phí hiện hành được xây dựng từ năm 1998.

Một cán bộ hưu trí ở TP.HCM đưa ra nhận định của mình: " Ưu việt của xã hội chủ nghĩa là đi học miễn phí, nhà thương miễn phí Cái đó nhà nước phải lo…. Bây giờ lo con đi học ở Việt Nam là cả một vấn đề."

Nhận xét tương tự như người cán bộ hưu trí cao tuổi, ông Đinh Phong, nguyên chủ tịch hội nhà báo TP.HCM góp ý tại hội nghị Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc cuối tháng 6 rằng, các lãnh vực giáo dục y tế cần chứng tỏ bản chất xã hội chủ nghĩa là lo cho người nghèo. Vẫn theo lời ông Đinh Phong thì trước đây Việt Nam còn khó khăn, nhưng từng áp dụng chế độ giáo dục và y tế miễn phí, nay cuộc sống đã khá hơn sao lại tăng mức thu.

Vị cựu chủ tịch Hội Nhà Báo TP.HCM có quan điểm tương đồng với nhiều nhân sĩ trí thức khác, đó là phải phân định rõ ràng trường công, trường tư, trường quốc tế. Trường công lập thì phải có mức học phí thật rẻ để con em gia đình lao động nghèo có thể được được đi học.

Khoảng cách giàu nghèo

Đối với loại hình nhà trường không phải công lập thì có thể có mức học phí cao để phục vụ những gia đình có tiền. Điều này có thể hàm ý tới khoảng cách giàu nghèo đang chia cắt các tầng lớp xã hội, đây cũng là nhận xét của vị cán bộ hưu trí cao tuổi ở TP.HCM:

“ Bây giờ người thu nhập thấp thì nhiều, còn người thu nhập cao thì quá cao và là thiểu số .Cho nên xã hội mất quân bình ở chỗ này.”

Nhiều người cho rằng bây giờ là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên Nhà nước không còn bao cấp mà để thị trường góp phần chi phối. Những ý kiến như thế bị cho là lạc lõng, vì trước năm 1975 miền Nam theo kinh tế tư bản, nhưng giáo dục công lập miễn phí hoàn toàn ở cả ba cấp tiểu trung và đại học. Điểm khác biệt là trường công thi tuyển chặt chẽ, trình độ học sinh sinh viên thường cao hơn tư thục. Báo chí Việt Nam còn đem nước bạn Thái Lan làm ví dụ, ở Xứ Chùa Vàng học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 hệ công lập hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên thành phần giàu có trong xã hội có thể cho con em đến các trường tư thục đắt tiền, thậm chí cả các trường nước ngoài hoạt động tại Thái Lan.

Chúng tôi xin thêm rằng, ở Việt Nam chế độ giáo dục tư thục bị cấm chỉ sau khi miền Bắc thống nhất đất nước. Những thay đổi từ khi Việt Nam mở cửa đến nay cũng chỉ là những mô thức kết hợp chưa hoàn toàn rõ ràng. Vì thế nhóm từ giáo dục tư thục ít khi được đề cập một cách rành mạch, dù đã manh nha một số loại hình mẫu giáo nhà trẻ tư nhân hoặc một vài thí điểm về đại học tư thục

Trở lại sự kiện Uỷ Ban Nhân Dân TP.HCM chấp thuận trên nguyên tắc đề án tăng học phí công lập gấp ba lần. Một doanh nhân trẻ ở TP.HCM cho rằng vấn đề tăng học phí quá nhiều sẽ chưa thể thực hiện trong niên học 2007-2008:

“Tăng học phí nhiều như thế không khả thi, tuy cũng có những người dư tiền đóng học phí cao như thế, nhưng còn những người lao động, người thu nhập bình thường họ không thể nào kham nổi. Sẽ đưa đến tình trạng nhiều học sinh bỏ học, mà như thế thì chính phủ sẽ không cho thực hiện tăng học phí đâu…”

Dư luận báo chí ghi nhận từ giới lao động, công nhân nghèo và công chức có thu nhập trung bình tin tưởng rằng, chính quyền sẽ phải thận trọng xem xét lại một đề nghị không hợp lòng dân. Tương tự như đề án cổ phần hoá Bệnh Viện Bình Dân từng phải dừng lại vĩnh viễn.