Phản ứng của giới trẻ về vụ tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa (phần 1)
2007.12.12
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Việc Trung Quốc thành lập đơn vị hành chính để quản lý ba hòn đảo ở Biển Đông là Hoàng Sa, Trường Sa, và Trung Sa đã khơi dậy ngọn lửa phẫn nộ vốn âm ỉ trong lòng người Việt khắp nơi trước các hành động lấn áp ngang ngược của Bắc Kinh từ trước đến nay.
Liên quan đề tài này, Trà Mi ghi nhận phản ứng của giới trẻ trong nước qua cuộc hội luận với 4 thanh niên từ hai miền Nam-Bắc là Vỹ và Minh từ Hà Nội, Tài và Hùng tại Sài Gòn. Mời quý vị theo dõi kỳ thứ nhất:
Minh : Chào chị Trà Mi. Chào các anh chị. Tôi là Minh từ Hà Nội.
Vỹ: Xin chào mọi người. Tôi là Phạm Hùng Vỹ ở Hà Nội ạ.
Hùng: Mình tên Hùng đang sống ở Sài Gòn.
Tài: Tôi là Tài. Tôi đang ở Sài Gòn.
Trà Mi: Cảm ơn các anh rất nhiều đã bỏ thời gian tham gia vào chương trình ngày hôm nay nói vêc cảm nhận của người trẻ trước sự việc Hoàng Sa và Trường Sa là một vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận cộng đồng nguời Việt ở trong lẫn ngoài nước. Trước tiên Trà Mi có nghe nói về cuộc biểu tình mà đa số là người trẻ tham gia diễn ra vào Chủ Nhật 9-12 vừa qua ở Hà Nội và Sài Gòn. Không biết các anh ở đây có anh nào đã tham gia vào cuộc biểu tình đó không?
Hùng: Cuộc biểu tình ngày 9 tháng 12 thì trước đó một hai hôm trong các diễn đàn trên Yahoo! đều có những cái tin và những thông báo biểu tình vào ngày mùng 9. Thực sự lúc đó mình cũng không có nghĩ là nó sẽ xảy ra cho nên mình cũng không tham dự cái buổi ngày hôm đó.
Trà Mi: Dạ. Ở đây có anh nào có dịp tham gia vào cuộc biểu tình cho dù là ở Sài Gòn hay ở Hà Nội gì đó chăng?
Vỹ: Mình rất tiếc là tại cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đó thì mình cũng không có mặt ở Hà Nội, nhưng mình và các bạn bè của mình là một trong số rất nhiều người trẻ Việt Nam đã rất tích cực hỗ trợ cho phong trào đó, và còn nhiều nhiều hành động khác thông qua các diễn đàn Yahoo Messenger mình và các bạn đã rất là tích cực trưyền bá cái thông tin về việc Trung Quốc xâm lấn Trường Sa và Hoàng Sa. Mình rất là tiếc là đã không được tham gia biểu tình!
Trà Mi: Vâng cảm ơn anh Vỹ. Các anh cho biết là rất tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội đó, không tham gia. Và anh Hùng nói là bán tín bán nghi trước thông tin đó khi nó vừa được tung lên. Trà Mi thắc mắc là tại sao các anh cảm thấy tiếc nuối hoặc là cảm thấy nghi ngờ trước thông tin về một cuộc biểu tình diễn ra trước Toà Lãnh Sự hoặc là Toà Đại Sứ Trung Quốc tại Việt Nam?
Hùng: Cho mình trả lờì trước câu hỏi này.
Trà Mi: Xin mời anh Hùng.
Hùng: Lý do mình bỏ lỡ là vì mình không tin tưởng những cái tin trên mạng.
Trà Mi: Còn tại sao các anh có cảm giác tiếc là đã không tham gia vào những cuộc biểu tình như vậy?
Vỹ: Tôi xin phép tham gia vào cái phần này. Tất cả chúng tôi đều tiếc vì đây là một thử nghiêm, một xét nghiệm về cái ý thức công dân của tất cả mọi người, không phải chỉ riêng đối với giới trẻ. Cái kết quả đạt được cũng như là ý nghĩa của hoạt động này đã được các giới thông tấn quốc tế đánh giá rất là mạnh, thì đó cũng là điều làm chúng tôi cảm thấy rất là tiếc khi mà chúng tôi không thể hiện diện trong một hoạt động ý nghĩa như vậy.
Trà Mi: Vâng. Anh nói về kết quả của hoạt động biểu tình này thì cũng xin anh cho biết rõ thêm là qua sự việc hai cuộc biểu tình diễn ra trước Toà Lãnh Sự cũng như Toà Đại Sứ Trung Quốc ở Việt Nam thì cái tác dụng cho tới hiện nay mà người trẻ ghi nhận được là gì?
Vỹ: Cái tác dụng đầu tiên nó muốn nhắc nhở mọi người là tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc của người Việt. Cái yếu tố thứ hai nữa là giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn có sự rất là phức tạp về quan hệ. Phải nói rằng là một trăm phần trăm số người Việt Nam luôn luôn có một tâm lý bị kèm nén, bị ức chế đối với cái chính sách, biện pháp mà Trung Quốc đã áp đặt trong lịch sử cũng như hiện tại đối với người Việt Nam. Cuộc biểu tình này là một cái việc mở "van" đúng thời điểm và rất kịp thời.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Vỹ.
Minh: Và anh Vỹ vừa nhắc tới thì mình cũng ở cương vị người Việt Nam thì tôi thấy Trung Quốc một nghìn nắm trước đã xâm chiếm Việt Nam, đang xâm chiếm Việt Nam và sẽ xâm chiếm Việt Nam. Đúng là cái dã tâm của Trung Quốc rất là lớn. Đó là lý do tại sao mà mình rất là tiếc nuối đã không thể tham gia vào cuộc biểu tình để thể hiện lòng yêu nước của chúng ta. Một tiếc nuối nữa là ở Việt Nam chúng ta không có nhiều cơ hội để có thể tập trung lại và thể hiện ý kiến của mình một cách công khai như thế. Đó là một điều tiếc nuối nữa.
Hùng: Tôi có ý kiến bổ sung với hai anh vừa rồi. Trước sự kiện vừa qua, theo tôi, nó đánh động cái ý thức của giới trẻ hiện nay trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Cho nên đây là một sự kiện thực sự là rất tốt, đánh động ý thức dân tộc là thứ nhất, ý thức trách nhiệm với xã hội là thứ hai. Và vừa rồi tôi đã nhận được nhiều lời mời là ngày 16 tháng 12 này sẽ có những cuộc biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội nữa. Và tôi sẽ tham gia.
Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Hùng. Hành động vừa qua của chình phủ Trung Quốc được cho là một hành động cụ thể chứng minh là họ đang thực hiện kế hoạch chính thức hoá việc cai trị của họ đối với Trưòng Sa và Hoàng Sa là những vùng đảo mà tranh chấp bấy lâu nay giữa Việt Nam và Trung Quốc cùng với một số nước khác trong khu vực, thì quan điểm của các bạn nói riêng cũng như phản ứng của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung trước sự việc này ra sao theo ghi nhận của các bạn? Mong các bạn chia sẻ thêm. Mời anh Tài.
Tài: Chào chị. Em có ý kiến. Hoàng Sa và Trường Sa ngoài cái tiềm năng về dầu khí nó còn có vị trí cực kỳ quan trọng trong việc khống chế Biển Đông cũng như là đường hàng hải qua eo biển Malacca, thì Trung Quốc có tham vọng là chiếm lãnh hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa nhằm mục đích thứ nhất là tìm thêm nguồn năng lượng cho mình, thứ hai nữa quan trọng hơn là sẽ khống chế được Biển Đông. Biển Đông của Việt Nam tức là Biển Nam Trung Hoa.
Nếu Trung Quốc đạt được điều đó thì thật sự là Việt Nam mình sẽ không còn đường đi ra ngoài đại dương nữa, không còn đường đi ra thế giới nữa. Việt Nam mình lúc đó nó giống như mảnh vườn của Trung Quốc thế thôi. Tham vọng của Trung Quốc là như thế đó.
Trà Mi: Và phản ứng của người trẻ Việt Nam nóí chung trước sự việc này ra sao? Xin ghi nhận ý kiến của các anh.
Tài: Cái ý đồ bành trướng của Trung Quốc mấy ngàn năm nay vẫn không thay đổi. Trung Quốc vẫn nuôi tham vọng làm bá chủ trong vùng Châu Á mà cụ thể là sẽ áp đặt sự thống trị, ít nhất cùng là một ảnh hưởng nặng nề cho vùng Đông Nam Á này.
Trà Mi: Xin mời ý kiến đóng góp của các anh khác.
Vỹ: Từ trước đây thì những thông tin như thế này thường là trong phạm vi rất hạn hẹp, thường được nói dưới dạng gọi là tin đồn truyền miệng và đa phần không chỉ giới trẻ mà đại bộ phận người dân Việt Nam đã không được biết những thông tin rất quan trọng đến quốc gia như vậy. Đây là một điều rất đáng tiếc và rất đáng trách.
Nhưng khi mà Trung Quốc đã chính thức hoá bằng một động thái gọi là thông qua Quốc Vụ Viện thì nó thể hiện đây là hành động mang tính chất nhà nước xâm phạm lãnh thổ và rất may là trong thời đạị thông tin toàn cầu này thì những hoạt động của bất kỳ một tổ chức, một cá nhân hay chính phủ nào đều được loan tin trên toàn cầu.
Giới trẻ Việt Nam tương đối nhanh nhạy với thông tin trong thời đại này, đã tiếp nhận thông tin rất nhanh và đã có phản ứng rầt mạnh mẽ. Theo tôi quan sát cũng như là tổng hợp trong thời gian vừa qua thì không những ý kiến được bày tỏ trên các diễn đàn internet, trên blog, rồi các chat-room, mà ở ngay cuộc sống ngoài đời thí dụ như công chức văn phòng, rồi các bạn học sinh - sinh viên - thanh niên cũng theo đuổi đề tài rất là sôi nổi.
Và tâm lý chung mọi người đều thể hiện một điều rằng những gì thuộc về Việt Nam: lãnh hải, lãnh thổ là thiêng liêng, và mọi người Việt Nam phải có hành động để bảo vệ những gì cha ông mình đã đổ máu đổ xương để giành được trong 4 nghìn năm qua.
Trà Mi: Có lý luận cho rằng âm mưu bành trướng của Trung Quốc được dựa trên cơ sở là mạnh được yếu thua, thì ta so với Trung Quốc thì ta quá nhỏ bé, làm thế nào có thể cản được, ngăn được việc này xảy ra? Ý kiến của các bạn như thế nào?
Hùng: Tôi xin trả lời câu hỏi này. Hiện nay ở khu vực Đông Nam Á này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không riêng gì Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp. Hiện giờ có tới 5 nước, 6 nước tranh chấp quần đảo đó, thì nếu như những nước nhỏ như Việt Nam, Mã Lai, Philippines... nếu mà có thể gộp lại đứng chung một chiến tuyến, có thể họ không giành được chủ quyền nhưng không để cho Trung Quốc chính thức hoá việc này, đó là thứ nhất.
Thứ hai, thiết nghĩ hành động cụ thể nhất của từng người dân từng nước và cụ thể là giới trẻ Việt Nam nên tẩy chay hàng Trung Quốc. Chí có cách đó thì mình mới biểu thị được cái cách để phản kháng lại chính phủ Trung Quốc, cho họ thấy được sức mạnh của người dân, trong tình hình là chính phủ Việt Nam hiện nay rất là lặng lẽ. Tôi nói lặng lẽ ở đây là vì sao? Vì hầu như họ không có động thái nào ngoài lời phát ngôn ngoại giao, những lời phát ngôn ngoại giao thì chúng tôi nghe rất là nhiều rồi.
Trà Mi: Vâng. Thế nhưng nguyên nhân của sự lặng lẽ đó là gì, theo ý kiến và ghi nhận của người trẻ? Mời quý vị đón nghe phần trao đổi tiếp theo trong buổi phát thanh tới.
Các tin, bài liên quan
- Quan điểm của Bắc Kinh về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa
- Công ước Quốc tế và vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc
- Sinh viên tổ chức biểu tình trả lời phỏng vấn RFA
- Việt Nam cần có phản ứng như thế nào trước sự xâm lấn của Trung Quốc?
- Sinh viên, thanh niên biểu tình tại Hà Nội, Sài Gòn phản đối Trung Quốc
- Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hòang Sa
- Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Việt Nam gặp nhau tại Singapore
- Việt Nam cam kết thúc đẩy phát triển quan hệ Trung Quốc-ASEAN
- Ðại Hội Ðảng lần thứ 17 của ĐCSTQ sẽ đưa Hoa Lục đưa về đâu?