Văn Hóa Tuyển Dụng tại Việt Nam

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Vào những ngày qua báo chí trong nước đưa ra những nhận xét chính xác về việc nhiều doanh nghiệp khi đăng tải những trang tìm người đã lộ ra những khiếm khuyết có tính chất kỳ thị người lao động cũng như việc tiếp xúc, phỏng vấn người xin việc còn vấp phải nhiều tính tự mãn cá nhân của những ông chủ gây ra nhiều dư luận không tốt cho doanh nghiệp.

YouthJob200.jpg
Nhân viên của các dịch vụ tìm việc phân phát những cuốn sách mỏng tại hội chợ việc làm ở Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Báo chí gọi đây là Văn Hóa Tuyển Dụng. Mặc Lâm ghi nhận và trình bày sau đây.

Báo chí Việt Nam có thói quen nhìn sự việc nào có một chút quan trọng hay ảnh hưởng trực tiếp đến người dân đều có một tiêu đề chung mang hai từ văn hóa. Văn hóa từ chức, văn hóa xếp hàng, văn hóa xin lỗi... và mới đây trên trang nhà của nhiều tờ báo điện tử xuất hiện thêm một từ mới: Văn Hóa Tuyển Dụng.

Để giải thích tại sao tuyển dụng nhân viên vào làm việc cần phải có văn hóa, Tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam khai thác những sự việc xảy ra nhan nhản trên khắp các trang quảng cáo tuyển dụng nhân viên làm việc của nhiều công ty lớn trong nước.

Hãy bắt đầu bằng câu văn ngắn ngủi sau đây: Công ty cần tuyển một nữ nhân viên thư ký văn phòng tuổi từ 20 đến 25 nhân dạng dễ nhìn, giọng nói tốt. Trình độ học vấn lớp 12 có hộ khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh. Lương thỏa thuận.

Mẩu quảng cáo tuyển dụng này thể hiện quá rõ tính chất phân biệt về tuổi tác, giới tính, ngoại hình của ứng viên. Tuy nhiên một vấn đề khác mà bất cứ một người đi tìm việc nào tại Việt Nam đều đã kinh qua và rất lo lắng trước khi kiếm được một việc làm: vấn đề hồ sơ phỏng vấn và được phỏng vấn.

Hồ sơ phỏng vấn được nhiều công ty đòi hỏi một cách ngây ngô và thường thì quá sức của ứng viên. Nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi bản sao bằng cấp có công chứng, giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú, lý lịch cá nhân, quyết định thôi việc của hợp đồng lao động cũ.v...v...Bao nhiêu giấy tờ này nếu chưa đủ làm nản chí ứng viên thì sẽ có bước thứ hai, đó là lúc mà ứng viên được gọi đến phỏng vấn.

Quyền quyết định

Dĩ nhiên người hỏi có quyền quyết định về những gì họ cần biết cho một vị trí sắp thu nhận chẳng hạn như khả năng nghề nghiệp, số năm kinh nghiệm và những kỹ năng phụ trợ cho nghề nghiệp của ứng viên. Thế nhưng nhiều người đi xin việc gặp cảnh đối xử kém nhã nhặn của người phỏng vấn qua những câu hỏi có tính cách vặn vẹo, tra vấn người xin việc trong tâm thế "xin" và "cho" chứ không phải trong tinh thần hợp tác.

Người phỏng vấn tuy không không phải là chủ doanh nghiệp nhưng tự cho mình cái quyền sinh sát như chủ và không hề chịu thua kém chủ nhân trong quan hệ chủ tớ. Những thái độ khiếm nhã này dễ dàng tìm thấy không những trong những doanh nghiệp gia đình mà xuất hiện đầy rẫy tại những doanh nghiệp tầm cỡ.

Cách giao tiếp với người đến xin việc vẫn còn đậm chất phong kiến và không có một chút chuyên nghiệp nào. Cho một thí dụ, sau khi phỏng vấn ra về người xin việc không bao giờ nhận được một giấy báo không được thu nhận hay một lời cảm ơn nào theo đúng cách xử xự thông thông thường của một công ty tầm cỡ.

Đọc lại mẩu quảng cáo tuyển dụng vừa rồi người ta thấy sự tôn trọng phẩm hạnh của người xin việc của doanh nghiệp đăng mẩu quảng cáo trên hoàn toàn không có. Doanh nghiệp không hề để ý đến những điều gây sốc cho người đọc miển sao mục đích thuê người của họ đạt được.

Chúng tôi liên lạc với một Sở Lao Động và thương binh xã hội để tìm hiểu thêm xem đây có phải là chủ trương của bộ Lao Động hay không. Khi được hỏi tại sao trên báo chí xuất hiện những mẩu quảng cáo tuyển dụng có tính chất phân biệt tuổi tác như vậy, ông Lâm Văn Nên phó thanh tra của sở này trả lời: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Không đồng tình với ông trong cách nhìn sự việc một chiều như vậy chúng tôi tiếp tục tìm hiểu vấn đề cặn kẻ hơn qua việc hỏi thăm một chuyên viên tư vấn của hệ thống tìm việc tại Việt Nam mang tên VietWorks có hoạt động tuyển dụng rộng rãi trên báo chí và internet. Chị Trần Thúy cho chúng tôi biết cách làm việc của công ty tuyển dụng này như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhân phẩm của người lao động

Cả hai phía nhà nước và công ty tuyển dụng đều cùng chung một quan điểm. Người xin việc vẫn phải bươn chải trong tư thế bị xem thường nhân cách dù gián tiếp hay trực tiếp. Mọi trông cậy vào sự can thiệp của nhà nước ít ra trên hình thức quy định lại những mẩu quảng cáo tuyển dụng cho xứng tầm với một quốc gia đang có ước vọng trở thành con hổ của châu Á vẫn còn nằm trong ngăn kéo của các nhà làm luật.

Trong khi đã từ lâu, tây phương vẫn xem trọng nhân phẩm của người lao động bằng cách quy định rõ những gì bị xem là phân biệt, hoặc kỳ thị và buộc xã hội phải thi hành khi đăng những mẩu quảng cáo tuyển dụng người. Chính điều này đã bộc lộ được một nền văn hóa nhân bản, xem phẩm giá con người làm trọng khác với một nền văn hóa xem sự thăng hoa kinh tế là mục tiêu, bất kể nhân phẩm người lao động bị xem thường đến độ rẻ rúng.

Cũng như các nước châu Á khác, chính phủ Singapore chưa hề ban hành một đạo luật nào chống lại sự kỳ thị hay phân biệt đối xử trên những mẩu quảng cáo tuyển dụng, thế nhưng mới đây, tập đòan truyền thông lớn nhất đảo quốc này vừa ra một thông cáo mang tính cách mạng về văn hóa tuyển dụng đó là:

Kể từ đây doanh nghiệp nào muốn đăng tuyển dụng trên báo giấy, báo điện tử của họ, trong đó có tờ nhật báo lớn nhất Singapore là tờ The Straits Times sẽ không được ghi giới hạn về tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tình trạng hôn nhân và khả năng ngoại ngữ.

Hy vọng giới chức thẩm quyền trong ngành lao động Việt Nam đọc được thông báo này và đem áp dụng vào doanh nghiệpViệt Nam, những con hổ tương lai của châu Á.