Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Sau nhiều tháng thảo luận, vấn đề cấp chứng minh nhân dân theo mẫu mới vừa được quyết định. Tuần qua, nhà nước công bố chứng minh thư loại mới sẽ được cấp vào giữa năm sau. Chứng minh nhân dân sẽ bao gồm các thông tin như hộ khẩu, tên cha mẹ, và tôn giáo cần được nêu ra. Yêu cầu này khiến nhiều người dân bức xúc.

Dư luận phản ánh những gì; xin mời quí thính giả theo dõi các trao đổi của Nhã Trân với người dân và giới thẩm quyền về việc này.
Theo quan điểm của mọi nước, chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân cần thiết cho việc di chuyển, giao dịch hàng ngày của dân, nhờ các thông tin cá nhân trong đó có tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ và đôi khi cả dấu vân tay.
Nghị định 05 năm 1999 giao việc hướng dẫn thủ tục cũng như ấn hành chứng minh nhân dân cho Bộ Công an. Cơ quan này vừa trình Chính phủ báo cáo về kết quả đúc kết việc bổ sung các thông tin ghi trong giấy tùy thân. Qui định mới buộc chứng minh thư mới phải có đầy đủ các thông tin như sổ hộ khẩu: các điểm giúp nhận diện cá nhân như tên họ, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, địa điểm thường trú, quốc tịch, dân tộc và tôn giáo… phải được khai rõ.
Ðiều riêng tư
Dư luận cho rằng việc khai báo tôn giáo trong chứng minh nhân dân là không có cơ sở, vì tín ngưỡng là một điều riêng tư, chưa kể tự do tôn giáo đã được luật pháp nhà nước công nhận, ghi rõ trong hiến pháp.
Một cư dân thành phố Hồ Chí Minh nói dữ liệu này không có lý do gì phải bị kê khai trong giấy tùy thân vì theo Luật dân sự các thông tin trong chứng minh thư là quyền nhân thân, gắn với cá nhân, và việc họ theo tôn giáo nào không ảnh hưởng gì đến an ninh của xã hội, và cương quyết:
Tôi không tán thành việc khai tôn giáo trong chứng minh nhân dân vì việc này có thể giúp nhà nước theo dõi, quản lý người dân. Lúc trước trong giấy của tôi, tôi đã khai là không tôn giáo tuy điều này không đúng sự thật; để khỏi bị kiểm soát, theo dõi.
“Tôi không tán thành việc khai tôn giáo trong chứng minh nhân dân vì việc này có thể giúp nhà nước theo dõi, quản lý người dân. Lúc trước trong giấy của tôi, tôi đã khai là không tôn giáo tuy điều này không đúng sự thật; để khỏi bị kiểm soát, theo dõi.”
Khi được hỏi tại sao việc khai báo tôn giáo trong sổ hộ khẩu không bị phản đối, người dân bảo không tán thành qui định này tuy nhiên cho là dù sao việc ghi rõ tôn giáo trong hộ khẩu cũng còn có thể chấp nhận được, đặt trường hợp nhà cầm quyền muốn có một thống kê về phần trăm dân theo tôn giáo toàn quốc; còn sự kiện tôn giáo phải được nêu rõ trong chứng minh thư là không hợp lý.
Dư luận trong nước phản đối việc nêu rõ tôn giáo của họ trong chứng minh nhân dân. Người Việt ở nước ngoài cũng đồng ý yêu cầu của nhà nước không có cơ sở:
“Theo ý kiến của tôi thì từ bao giờ tất cả mọi người ai cũng đều biết cái thẻ căn cước, hay chứng minh nhân dân, hay identification, là một cái thẻ để xác định tên tuổi, ngày sinh, có thể là có dấu tay lăn trên đó. Chứ còn tôi chưa thấy một cái thẻ căn cước phải khai tôn giáo. Tôi không biết chính phủ Việt Nam muốn dân khai tôn giáo trên chứng minh nhân dân là có mục đích gì?”
Về phía chính quyền
Trong khi quần chúng có những suy nghĩ như thế, phía chính quyền giải thích ra sao về đòi hỏi khai báo tôn giáo trong chứng minh thư?
Khi được hỏi thêm chi tiết, các quan chức phòng phụ trách chứng minh nhân dân, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, từ chối cho biết lý do và bình luận: "Cái đó tôi không biết, và không được hướng dẫn để trả lời, xin thông cảm".
Phía chính quyền không lý giải tại sao tôn giáo lại phải được khai rõ trong giấy tùy thân cá nhân của công dân. Chứng minh nhân dân mới dự kiến sẽ được ấn hành và được sử dụng vào khoảng giữa năm sau.
Kế hoạch cấp và quản lý chứng minh nhân dân bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng từ lâu. Cho đến nay tiến trình ấn hành giấy tờ tùy thân này chỉ còn lại khâu lựa chọn tổng thầu để hệ thống được hoàn chỉnh.
Nhiều người khẳng định việc cưỡng ép khai báo tôn giáo trong chứng minh thư là xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng cũng như đời tư của họ.