Việt Hùng, thông tín viên đài RFA
Nói về chuyến công du mới đây của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Việt Nam, mục sư Phạm Đình Nhẫn, phó Chủ tịch Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam, kiêm Tổng quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam đưa ra nhận định trong câu chuyện với Việt Hùng của đài chúng tôi như sau.

Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Phái đoàn của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế Hoa Kỳ đến Việt Nam lần này chúng tôi thấy chương trình làm việc ở tại Việt Nam cũng khá dài ngày và cũng có sự đón tiếp của nhà nước Việt nam khá qui mô từ Hà Nội, Sài Gòn.
Trước đó chúng tôi đã được Tòa lãnh sự Hoa Kỳ báo trước về cuộc gặp gỡ của phái đoàn với một số mục sư đại diện các Hội thánh tư gia khác nhau và ngày 24-10 vừa rồi chúng tôi đã gặp các thành viên của phái đoàn trong vòng 2 tiếng đồng hồ bởi vì họ đến là để tìm hiểu về tình hình tôn giáo và tình hình sinh hoạt của các Hội thánh ở tại Việt Nam.
Việt Hùng: Như vậy trong buổi gặp đó có đại diện của những Hội thánh nào khác thưa mục sư?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Buổi gặp gỡ hôm đó của chúng tôi kéo dài 2 giờ đồng hồ có sự hiện diện của đại diện của một số Hội thánh Tư gia trong đó có Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam, Liên hữu Báp-tít Việt Nam, Hội thánh Liên hiệp Truyền giáo là hội thánh của chúng tôi và đại diện của một số Hội thánh Tư gia khác nữa.
Việt Hùng: Như vậy nội dung xoay quanh những vấn đề gì trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ trao đổi thưa mục sư?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Trước hết là phái đoàn USCIRF cũng bày tỏ mục đích chuyến đi để tìm hiểu về tình hình sinh hoạt tôn giáo ở tại Việt Nam để về báo cáo lại với Quốc Hội cũng như chính phủ Hoa Kỳ.
Về phía chúng tôi cũng bày tỏ một số ghi nhận từ lần thăm viếng trước của đoàn tức là từ năm 2002 thì bắt đầu có một số những thay đổi về tình hình sinh hoạt tôn giáo ở tại Việt Nam. Và lần này chuyến viếng thăm lần thứ hai sau gần 5 năm thì chúng tôi ghi nhận từ đó đến này có khá nhiều thay đổi.
Cụ thể là trước đây các hội thánh không được nhà nước quan tâm và thừa nhận và nhiều năm qua chúng tôi bắt đầu lên tiếng rồi từ bên ngoài có những cuộc thăm viếng và từ năm ngoái trở đi một số địa điểm trong các hội thánh tư gia đã bắt đầu nhận được những giấy chứng nhận sinh hoạt.
Về phía chúng tôi cũng bày tỏ một số ghi nhận từ lần thăm viếng trước của đoàn tức là từ năm 2002 thì bắt đầu có một số những thay đổi về tình hình sinh hoạt tôn giáo ở tại Việt Nam. Và lần này chuyến viếng thăm lần thứ hai sau gần 5 năm thì chúng tôi ghi nhận từ đó đến này có khá nhiều thay đổi.
Không phải tất cả, nhưng một vài điểm nhóm cũng đã nhận được thì đó cũng là những tín hiệu đáng mừng, có nghĩa là từ chỗ nhà nước không thừa nhận, không quan tâm thì bây giờ đã bắt đầu có sự quan tâm. Chúng tôi cũng ghi nhận gần đây có những thay đổi như việc in ấn Kinh sách, Kinh Thánh, một số điểm nhóm tư gia cũng bắt đầu nhận được giấy phép, rồi vào những dịp lễ lớn như Phục sinh, Giáng sinh thì chúng tôi cũng được phép tổ chức những buổi nhóm lại với qui mô như từ 500 – 700 - 1000 người thì đó là những tiến bộ đáng kể.
Bên cạnh đó chúng tôi không phải là hoàn toàn được tự do đâu bởi vì vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn thí dụ trong việc đăng ký đặc biệt là tại các địa phương làm việc rất tùy tiện và gây nhiều khó khăn cho những điểm nhóm tư gia của chúng tôi.
Việt Hùng: Qua sự trình bày của mục sư người ta có cảm tưởng trong thời gian vừa qua những Hội thánh tư gia vẫn còn gặp khó khăn?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Công bằng mà nói có rất nhiều thay đổi khá cởi mở, nhưng nói như vậy không có nghĩa là hết khó khăn, bởi vì như tôi đã nói ở các địa phương họ làm việc tùy tiện khác nhau, cụ thể là tại tỉnh Long An có một vài địa phương thí dụ như ở xã Long Thạnh thuộc huyện Thủ Thừa và xã Thạnh Lợi thuộc huyện Bến Lức của tỉnh Long An trong tháng 8 vừa rồi chính quyền xã lại tổ chức liên tiếp 2 - 3 buổi họp dân lại để tuyên bố đạo Tin Lành là không được phép theo, thậm chí còn nêu tên một số mục sư và nói những lời lẽ thiếu tôn trọng hay còn nhục mạ nữa khiến chúng tôi rất bức xúc.
Việt Hùng: Mục sư đánh giá hành động của chính phủ Việt Nam đồng ý cho phái đoàn USCIRF đến Việt Nam như thế nào?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Chúng tôi cũng có nhận xét có lẽ chuyến viếng thăm lần này so với chuyến đi lần trước vào năm 2002 của phái đoàn thì nhà nước Việt Nam có cởi mở hơn trong việc để phái đoàn đi đây đi đó và những cuộc gặp gỡ, nhưng mà chúng tôi cũng nhận xét nhà nước Việt Nam vẫn còn khá quan ngại trong việc tiếp xúc của phái đoàn với những chức sắc , với những đại diện khác nhau của Hội thánh.
Việt Hùng: "…khá quan ngại đối với những cuộc tiếp xúp…" tức là mục sư muốn nói đến dư luận báo chí tại Việt Nam đã có những bài viết "đả phá" chuyến đi của phái đoàn USCIRF tại Việt Nam?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Về việc này tôi nghĩ quí vị cũng có thể nhận thấy được bởi vì xoay quanh chuyến đi của phái đoàn chúng tôi thấy nhà nước cũng đưa tin về việc phái đoàn thăm viếng, bên cạnh đó nhà nước cũng đưa tìn về việc các tổ chức Tin Lành được thừa nhận, rồi ở một số địa phương một số người chuẩn bị được mời gặp phái đoàn thì chúng tôi được biết cũng được sự "thăm viếng, quan tâm" của các cấp chính quyền thành ra tôi nghĩ là có sự quan ngại của nhà nước Việt Nam với chuyến thăm viếng của phái đoàn…
Việt Hùng: Đến vào thời điểm sau khi Việt Nam đã được Hoa Kỳ bỏ tên khỏi danh sách những quốc gia có thành tích đàn áp tôn giáo (CPC), với cái nhìn của mục sư tiến triển của những Hội thánh tư gia diễn tiến sẽ ra sao?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Tôi nghĩ sau chuyến viếng thăm lần này có lẽ nhà nước Việt Nam sẽ khéo léo hơn và chắc chắn dưới áp lực của quố tế chắc chắn sẽ có một số thay đổi, tuy nhiên theo cảm nhận của tôi những thay đổi trong lần này sẽ không nhiều bằng những năm trước đây, bởi vì chúng tôi thấy có những dấu hiệu như về phía các cấp chính quyền ở cấp Trung ương khi chúng tôi có những nan đề trong các địa phưong thì chúng tôi mạnh dạn thẳng thắn trao đổi và thậm chí tranh luận nữa thì chúng tôi thấy là về phía Trung ương thì có đối thoại, trao đổi, trong khi thực tế tại các cấp địa phương họ vẫn làm theo ý họ…
Việt Hùng: Qua những diễn tiến mà mục sư trình bày từ chỗ không chấp thuận cho những Hội thánh tư gia họat động đến chỗ dần dần công nhận, mục sư có cho rằng đó là một thiện chí của các cấp chính quyền không?
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Thực ra cho đến giờ phút này như chúng tôi nói là chúng tôi ghi nhận có một số thiện chí từ phía chính quyền Trung ương, nhưng theo chúng tôi như vậy vẫn chưa đủ, phải co chính sách rộng khắp từ trung ương đến địa phương thì tô nghĩ rằng tình hình tự do tôn giáo mới được thuận lợi hơn mới tiến triển rõ ràng hơn.
Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của đài cám ơn Mục sư Phạm Đình Nhẫn:
Mục sư Phạm Đình Nhẫn: Xin trân trọng cảm ơn quí đài.