Chuyện khủng khiếp: Hà Nội bán rác thải y tế cho con buôn

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Dư luận chưa hết bàng hoàng về sự kiện nước thải y tế ở hầu hết các đô thị Việt Nam không qua xử lý và được xả thẳng ra nguồn nước. Nay lại phát hiện hầu hết các bệnh viện lớn ở Hà Nội đã bán rác thải y tế độc hại cho người buôn phế liệu. Nhiều loại đồ nhựa, chai lọ trên thị trường đã được tái chế từ nguồn rác thải y tế mang đầy mầm bệnh nguy hiểm.

garbage200.jpg
Những người phụ nữ đang phơi khô bao ny lông xài rồi để bán lại cho các công ty tái chế. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM>>See larger image

Một phụ nữ ở Hà Nội phát biểu: "Ối giời ơi, ở đây cái gì mà người ta chẳng làm, vì miếng cơm manh áo cả thôi."

Trong những ngày cuối tháng 8, các báo điện tử trong nước đồng loạt đưa lên mạng nhiều thông tin liên quan tới sự kiện Việt Đức Bệnh Viện Ngoại Khoa nổi tiếng ở Hà Nội bị phát hiện đã nhiều năm bán rác thải y tế độc hại chưa khử trùng tiệt khuẩn cho tư thương thu gom. Những loại rác thải y tế nói chung, theo qui định phải được giao cho Công Ty Môi Trường Đô Thị tiêu huỷ trong lò đốt chuyên dụng.

Nguy cơ bệnh tật cao

Trước khi trở lại vụ việc ở Bệnh Viện Việt Đức, theo VN Express ngày 28/8, Cục Phó Cảnh Sát Môi Trường, Đại Tá Lương Minh Thảo cho biết là hầu hết các bệnh viện đều bán rác thải y tế tương tự như Bệnh Viện Việt Đức, trong đó có Bệnh Viện K , Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, Bạch Mai, Đống Đa. Theo ông Thảo chỉ có số ít như Bệnh Viện Thanh Nhàn và Bệnh Viện 19-8 là tuân thủ tốt.

Rác thải y tế nói chung cả rác thải rắn lẫn nước thải đều có nguy cơ cao đối với sức khoẻ cộng đồng, như nhận xét của một giảng viên đại học ở TP.HCM: " Nguy cơ tiềm ẩn rất nguy hiểm là vì dịch bệnh nếu lan tràn thì mầm bệnh đã tiềm tàng từ các bệnh viện."

Theo các báo điện tử Vietnam Net, VN Express, Tiền Phong Online, Sự kiện Bệnh Viện Việt Đức bán rác thải y tế ra ngoài bị phát hiện nằm trong chuyên án của Cục Cảnh Sát Môi Trường Bộ Công An, một đơn vị mới ra đời hồi tháng 5/2007.

Nguy cơ tiềm ẩn rất nguy hiểm là vì dịch bệnh nếu lan tràn thì mầm bệnh đã tiềm tàng từ các bệnh viện.

Ngày 10/8 các nhân viên của Cục đã kiểm tra hai xe tải, phát hiện khoảng 1 tấn rác y tế như kim tiêm, ống nhựa truyền dịch, vỏ thuốc, chai lọ thuỷ tinh. Lái xe và chủ hàng khai nhận là đã mua rác thải của Bệnh Viện Việt Đức với giá 6.000 đồng/kg nhựa và 1.500 đồng/kg chai lọ thuỷ tinh. Cả hai chủ hàng này đều ở làng Triều Khúc Huyện Thanh Trì Hà Nội, làng này có hàng trăm hộ chuyên buôn đồng nát, xử lý đồ nhựa thành nhựa nguyên liệu để tái chế thành đồ dùng bán trên thị trường.

Một trong hai chủ hàng là bà Triệu Thị Quý khai nhận là đã mua rác thải y tế của Bệnh Viện Việt Đức từ năm 2002, tổng lượng ước tính khoảng 300 tấn. Bà Qúy cho biết hầu hết các hộ làm nghề thu gom phế liệu tại Triều Khúc đều mua rác thải y tế của các bệnh viện ở Hà Nội, Hà Tây về nghiền thành hạt nhựa để bán, những người làm nghề này thật sự không có ý thức gì về vấn đề độc hại hoặc có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ cộng đồng.

Theo các báo, khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện Việt Đức phụ trách về việc chuyển giao rác thải y tế cho Công Ty Môi Trường Đô Thị để xử lý, thế nhưng các nhân viên được giao nhiệm vụ đã hợp đồng bán cho tư thương. Giám Đốc Bệnh Viện Việt Đức ông Nguyễn Tiến Quyết và trưởng khoa chống nhiễm khuẩn Lê Văn Bình nói là không biết việc bán rác bệnh viện cho tư thương, dù việc này kéo dài trong 5 năm.

Ban lãnh đạo Bệnh Viện Việt Đức thừa nhận là chưa quản lý chặt chẽ vấn đề rác thải y tế. Trăm dâu đổ đầu tằm, người nữ nhân viên phụ trách bán rác đã bị đuổi việc lập tức. Sau phát súng lệnh của Cục Cảnh Sát Môi Trường, Bệnh Viện Việt Đức đã bị phạt 20 triệu đồng. Chiều 29/8, trao đổi với VN Express, một thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, thừa nhận rằng lâu nay việc quản lý rác thải bệnh viện chưa chặt chẽ. Theo qui định, chất thải từ sinh hoạt bệnh viện xử lý theo qui trình bình thường. Nhưng rác trong quá trình điều trị được liệt vào diện độc hại vì dính bệnh phẩm, trong đó có kim tiêm có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Thực tế cuộc sống

Người dân Việt Nam có thể là quá quen với thực tế cuộc sống, như người phụ nữ ở Hà Nội nói một cách bình thản:

“ Mình sống ở đây trong môi trường không khí ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm thì như thế đấy, nhưng ăn cứ ăn uống cứ uống, rồi trời có kêu ai thì nấy dạ…”

Để có thể hình dung sự việc một cách rõ nét. Xin trích bài ‘ Xay kim tiêm bệnh viện, nấu thành…xô chậu bát dĩa…’ trên Vietnam Net ngày 30/8. Bài báo dẫn nhập, Vỏ chai truyền dịch, ống chích, can đựng chất thải từ các bệnh viện ở Hà Nội được thôn ‘ đồng nát’ Triều Khúc xay nhỏ, chuyển đến các xưởng tái chế nhựa.

Riêng găng tay của các bác sĩ, y tá, sau khi được giặt nước lã, đập bột đá, bán tại nhiều tiệm thuốc tây giá 5 ngàn đồng một đôi cho các đầu bếp muốn bảo vệ da tay. Nhà báo có phần thêm chút khôi hài, nhưng đây lại là điều được một người thu gom phế liệu ở Triều Khúc phát biểu.

Mình sống ở đây trong môi trường không khí ô nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm thì như thế đấy, nhưng ăn cứ ăn uống cứ uống, rồi trời có kêu ai thì nấy dạ…

Phóng viên Công Thanh đã kiểm chứng sự việc tại các tiệm thuốc tây ở khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám, các đôi găng tay y tế bằng cao su đã ngả sang màu vàng được bao bì và bán với giá 5 ngàn đồng một đôi. Trả lời nhà báo, người bán hàng nói rằng, các bà nội trợ mua găng này về rửa bát để khỏi bị xà phòng làm khô tay hoặc quán ăn mua về để chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh.

Theo bài viết của Vietnam Net, cả làng Triều Khúc xay rác thải bệnh viện, hơn hai tuần sau khi Cảnh Sát Môi Trường phanh phui vụ việc rác thải y tế của Bệnh Viện Việt Đức được bán cho dân đồng nát, thì nhá báo ghi nhận là ở thôn Triều Khúc, Xã Tân Triều, Huyện Thanh Trì Hà Nội mọi việc… vẫn y nguyên. Cả làng vẫn tiếp tục thu gom phế liệu, nhựa phế thải để xay như chưa có chuyện gì xảy ra.

Theo sự mô tả của nhà báo, trên đường vào thôn Triều Khúc, có hàng chục điểm phơi nhựa đã xay nhỏ, bỏ mặc dưới nắng mưa chờ người đến mua. Một người thu mua nhựa phế liệu cho biết, nhựa xay vụn được các chủ xưởng sản xuất đồ nhựa mua về, nấu chảy ra, đổ vào khuôn ép thành xô chậu, bát đĩa, lược chải đầu…Nói chung là thành đồ dùng hàng ngày bán cho người tiêu thụ.

Trong một bài khác, phóng viên VN Express trích lời kể của một dân trong nghề nhựa tái chế. Theo đó giá hạt nhựa nguyên liệu nhập khẩu quá đắt đỏ trong khi đồ nhựa tiêu thụ rất mạnh. Vì thế nhựa rác bán chạy lắm, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Các chủ cơ sở ở Triều Khúc ngoài các nguồn thu mua lẻ, còn mua rác y tế theo hợp đồng từ các bệnh viện, theo hình thức tương tự ở Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức.

Nhận thức con người

Rác từ bệnh viện về sẽ được xử lý bóc tách vỏ nhựa và lớp cao su nếu có. Sau đó rác nhựa được phân loại theo màu vàng xanh, đỏ trắng trước khi đưa vào nghiền vụn. Theo lời một chủ cơ sở tái chế nói với nhà báo, công đoạn khử trùng cho rác thải y tế khá đơn giản, nhựa được rửa bằng xà bông giặt, xả nước vài lần.

VN Express trích lời tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, trưởng phòng vật liệu Polymer Viện Hoá Học, các khâu nấu ép để tái chế nhựa chỉ cần nhiệt độ khoảng 160 độ tới 170 độ C. Ở nhiệt độ này mầm bệnh chưa thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Một bác sĩ ở Viện các Bệnh Truyền Nhiễm và Nhiệt Đới Quốc Gia thì khẳng định phải ở nhiệt độ trên 200 đô C và sau 20 phút thì mới sạch bệnh hoàn toàn.

Các chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ bệnh tật không chỉ có ở những người trực tiếp sử dụng đồ nhựa tái chế từ rác thải y tế, mà mà mầm bệnh còn lây lan ra môi trường xung quanh trong quá trình súc rửa, hoặc phát tán dưới dạng bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân và người dân sống xung quanh cơ sở tái chế.

Một trí thức chuyên gia ở TP,HCM nhận định rằng vấn đề rác thải ô nhiễm môi trường ở Việt Nam rất khó giải quyết vì vấn đề này liên quan chủ yếu đến nhận thức con người:

Nói chung điều quan trọng nổi lên trên hết là ý thức của cộng đồng, không chỉ dân mà cả những người có trách nhiệm, những đối tượng hưởng lợi…họ chưa có ý thức cao đối với cộng đồng, cái lợi riêng cho cá nhân vẫn là chính…

“Nói chung điều quan trọng nổi lên trên hết là ý thức của cộng đồng, không chỉ dân mà cả những người có trách nhiệm, những đối tượng hưởng lợi…họ chưa có ý thức cao đối với cộng đồng, cái lợi riêng cho cá nhân vẫn là chính…”

Thật ra nếu các bệnh viện thực hiện đúng qui định của Bộ Y tế thì tất cả rác thải y tế phải được bệnh viện phân loại theo hạng mục và mức độ nguy hiểm, đựng trong bao bì có ký hiệu khác nhau. Công Ty Môi Trường Đô Thị là đơn vị duy nhất ở Hà Nội có chức trách xử lý rác thải y tế tiếp nhận từ các bệnh viện.

Rác y tế được đưa vào lò đốt ở nhiệt độ 1050 độ C tất cả chất thải đều ra tro mầm bệnh vi sinh cũng bị tiêu diệt. Xin nhấn mạnh rằng đây là một dịch vụ phải trả tiền, mỗi bệnh viện ký hợp đồng với Công Ty Môi Trường Đô thị sẽ phải chi phí khoảng 100 triệu đồng mỗi tháng cho dịch vụ xử lý rác.

Ngày 30/8 theo Vietnam Net, thứ trưởng Bộ y Tế Nguyễn Thị Xuyên thừa nhận một số khâu trong qui trình xử lý chất thải y tế chưa được các đơn vị kiểm tra giám sát chặt chẽ. Vì thế đã có hiện tượng nhân viên thu gom chất thải bán cho các cơ sở tái chế chất thải y tế chưa qua xử lý.

Trước thực trạng trên, Bộ Y Tế yêu cầu các đơn vị y tế trong cả nước khẩn trương, kiểm tra, kiểm soát và thắt chặt quản lý, kiểm soát xử lý rác thải theo Qui chế quản lý chất thải y tế. Đồng thời báo cáo về Bộ trước ngày 30/9.

Thưa quí vị và các bạn nghe đài, câu chuyện rác thải y tế cả chất thải rắn và nước thải không được xử lý, đã tồn tại từ hàng chục năm qua. Tương tự như sự kiện bệnh viện quá tải, hai ba bệnh nhân nằm chung một giường. Tân Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Quốc Triệu muốn chấn chỉnh ngành y tế quả là một thử thách đầy cam go.