Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thông tin minh bạch và quyền được thông tin gần đây trở thành vấn đề nóng trên báo chí. Đọc báo trong nước trên mạng Internet hôm nay, chúng tôi sẽ trình bày đề tài này cùng quí thính giả. Báo Tuổi Trẻ Điện Tử ngày 8 tháng 12, tại mục Đọc Gì Hôm Nay, nhà báo Hữu Khánh có bài nhận định với tựa đề Thông Tin Minh Bạch. Phần dẫn nhập được toà soạn trình bày khá thận trọng rằng, minh bạch như mọi người đều biết, cần cho thị trường và cho chính trường.

Theo đó, nếu trong kinh tế thị trường, thông tin minh bạch giúp hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp tăng cao, các doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng thực hiện thông tin minh bạch thì trong chính trị, quyền tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước hay đối với công chức nhà nước, theo nhà báo là vấn đề tỏ ra phức tạp hơn nhiều.
Thông tin minh bạch
Bài nhận định của Tuổi Trẻ diễn giải rằng, trên phương diện thị trường, nếu không có thông tin minh bạch thì sẽ bị đối tác và khách hàng quay lưng lại, hậu quả nhãn tiền là bị thua thiệt, thậm chí bị phá sản. Không minh bạch tài chánh thì không mong vay được vốn của nước ngoài, doanh nghiệp không lên sàn giao dịch chứng khoán được.
Nhà báo cho rằng, trong không ít trường hợp, sự hạn chế thông tin nhằm phục vụ lợi ích riêng tư của những người nắm trong tay quyền bính. Nhà báo đưa thí dụ, nhờ che giấu thông tin về qui hoạch đô thị, một số quan chức và những người thân của họ đã mua được những miếng đất giá hời và trở thành tỷ phú. Hoặc giả theo nhà báo, vì lợi ích bè phái thì không thể thực hiện minh bạch trong vấn đề nhân sự.
Bài nhận định của Hữu Khánh báo Tuổi trẻ cho rằng, cải cách kinh tế vì vậy bao giờ cũng dễ dàng hơn cải cách chính trị. Theo nhà báo, trong chế độ gọi là dân làm chủ thì ngoài hệ thống luật pháp, giám sát và chế tài, việc thực hiện cải cách chính trị còn đòi hỏi phải hội đủ hai yếu tố rất cơ bản, mà theo nhà báo là không dễ có được. Đó là điều mà nhà báo gọi là, quyết tâm chính trị thật sự mạnh mẽ và sự mẫu mực của người lãnh đạo. Nếu chưa thực hiện đột phá ở hai địa hạt này thì chưa có sự tham gia tích cực và hiệu quả của người dân trong chống tham nhũng, trong cải cách chính trị.
Báo Tuổi Trẻ cho rằng, ở nhiều nước để góp phần vào điều này, người ta thực hiện định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm và phát huy vai trò của báo chí và các tổ chức điều tra dư luận. Nói phải đi đôi với Làm, cán bộ nhà nước luôn luôn bị sức ép của dư luận để không quên điều này.
Cuối cùng tác giả bài nhận định về vấn đề thông tin minh bạch đưa ra kết luận rằng, luật phòng chống tham nhũng vừa được Quốc Hội Việt Nam thông qua, xác định rất cụ thể trách nhiệm và quyền của báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Theo tác giả Hữu Khánh sự kiện Ban Nội Chính Trung Ương Đảng Cộng Sản mới đây công bố kết quả điều tra về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là những cố gắng theo hướng vừa nói.
Quyền Được Thông Tin
Trên Tuổi Trẻ Điện Tử một thời gian trước đó, tờ báo có đăng tải ý kiến của bạn đọc Huỳnh Duy về Quyền Được Thông Tin của người dân. Theo đó, quyền được thông tin của người dân là một trong những quyền cơ bản và cần phải được tôn trọng. Bạn đọc Huỳnh Duy cho rằng một nhà nước tốt phải là một nhà nước công khai minh bạch. Một nhà nước xấu là một nhà nước giấu diếm, che đậy mọi khuyết điểm lỗi lầm.
Ông Huỳnh Duy kết luận rằng, để quyền được thông tin của dân được tôn trọng, trên thực tế cần phải có những qui định thật cụ thể và rõ ràng về việc cung cấp thông tin, và cả những biện pháp xử lý mang tính răn đe nếu quyền vừa nói bị cán bộ nhà nước vi phạm.
Nông dân Việt Nam quá nghèo

Ngày 8/12 Vietnam Net đăng bài phỏng vấn thủ tướng Phan Văn Khải, nhưng không nói rõ là thực hiện khi nào và nhân dịp nào. Trong bài tường thuật mang tựa đề Chính Phủ Lo Cho Dân Hàng Ngày, Vietnam Net trích lời ông Phan Văn Khải nhìn nhận là nông dân Việt Nam quá nghèo dù là thành phần có công lớn với đất nước. Thủ tướng Khải xác định là nông nghiệp như hiện nay cứ phát triển sản lượng mà chất lượng kém thì bán không được bao nhiêu.
Theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam thì nông nghiệp phải đưa công nghệ sinh học vào để có năng suất cao, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá cũng cao nữa. Thjeo ông Phan Văn Khải cái chính là làm sao chuyển dịch cơ cấu để tạo ra vùng nông sản tương đối tập trung, đi vào nông nghiệp hiện đại.
Mặt khác Việt Nam Express loan tin năm 2005 Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo các loại, trị giá hơn 1 tỷ 300 triệu đô la. Đây là tin vui của nhà nước, nhưng đời sống của người nông dân Việt Nam vẫn chưa chưa khá lên được.
Ông Hoàng Thanh Phong, chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam nhận định: " Được giá tốt nhưng thu nhập người nông dân không cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long người dânlàm lúa với diện tích ít lắm, một hộ làm chẳng được bao nhiêu."
Dịch cúm gia cầm
Phần cuối mục đọc báo mạng hôm nay chúng tôi cập nhật một số thông tin về dịch cúm gia cầm tại Việt Nam. Tiền Phong Online và nhiều báo điện tử khác đưa tin bộ trưởng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Pháp đang tìm biện pháp, để có thể tiêu thụ 200 triệu gia cầm sạch bệnh đang tồn đọng trên toàn quốc.
Ông Phát đã kiến nghị chính phủ, khẩn cấp từ nay cho tới ngày 31/1/2006, hỗ trợ vốn cho các cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm để các đơn vị này thu mua gia cầm sống, trứng sống của những nơi đã qua kiểm dịch, chế biến, trữ đông và tiêu thụ. Đây là hình thức TP.HCM đã thực hiện qua ba công ty sát sinh và chế biến công nghiệp.
Ông Phạm Văn Minh giám đốc công ty Phú An Sinh TP.HCM phát biểu: "Thay vì đền bù tiêu huỷ để đem chôn gia cầm, thì hãy dùng tiền đó giúp nông dân duy trì đàn gia cầm, hoặc giết mỗ, trữ đông chế biến làm thực phẩm cung cấp cho xã hội."
Trong khi đó, Vietnam Net bản tin vắn ngày 8/12, cho biết phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm vừa chấp thuận đề xuất của Bộ trưởng nông nghiệp phát triển nông thôn, tiêu huỷ toàn bộ tổng đàn thuỷ cầm tức vịt ngan ngỗng gồm 62 triệu con trên cả nước. Nguyên do là vì thuỷ cầm mang mầm bệnh H5N1 và là nguồn lây nhiễm cho gia cầm.