Nhiều loại dịch bệnh đang đe doạ hoành hành ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Nhiều loại dịch bệnh đang đe doạ hoành hành ở Việt Nam ngay đúng vào tháng Tết. Nguy hiểm nhất là hai loại bệnh có thể gây tử vong cho người lây nhiễm đó là dịch tả, dịch cúm gia cầm H5N1. Đây là đề tài chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

HospitalDoctorPatient200.jpg
Một phụ nữ bị nhiễm dịch tiêu chảy đang được vào phòng cấp cứu tại bệnh viện ở Hà Nội hôm 2-11-2007. AFP PHOTO>> Xem hình lớn hơn

Vietnam Net đưa tin dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tái xuất ở Hà Nội, từ ngày 25/12/2007 tới thời điểm 7/1/2008 nhiều bệnh nhân đã nhập viện. Theo Cục Y Tế Dự Phòng, giám sát dịch tễ ghi nhận 22 ca tiêu chảy trong đó có 17 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm. Riêng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thì nói rõ hơn là 6 bệnh nhân đang điều trị đều bị nhiễm vi khuẩn tả.

Như vậy Việt Nam chưa thực sự khống chế được đợt dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra từ cuối tháng 10/2007 ở miền Bắc. Dù rằng ngày 10/12/2007 Bộ trưởng y tế Nguyễn Quốc Triệu đã chính thức công bố hết dịch, khống chế thành công đợt dịch kéo dài 40 ngày ở 14 tỉnh thành trong đó nghiêm trọng nhất là thủ đô Hà Nội.

Dịch tả

Lúc ấy Bộ trưởng Nguyễn Quốc triệu tuyên bố rằng, điểm xuất sắc của Việt Nam trong lần dập dịch này là khống chế được dịch trong thời gian rất ngắn, và không có trường hợp nào tử vong. Cùng thời điểm, ông Nguyễn Huy Nga Cục Trưởng Y Tế Dự Phòng cũng nhận định với chúng tôi:

“Hành động được đánh giá cao nhất là đã nâng cao được ý thức người dân, ăn chín úông sôi rửa tay bằng xà phòng. Tức là người dân đã cảnh giác rất cao. Thứ hai là đã kịp thời hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm, loại bỏ những nguồn thực phẩm nghi ngờ hoặc hạn chế sử dụng.

Tóm lại điều quan trọng là sự cam kết của chính quyền và tất cả xã hội đã vào cuộc, mọi người mọi tổ chức xã hội, mọi người dân cũng như những người lãnh đạo chính quyền cơ sở, những người ở xã thôn phường họ đã hành động quyết liệt.”

Hành động được đánh giá cao nhất là đã nâng cao được ý thức người dân, ăn chín úông sôi rửa tay bằng xà phòng. Tức là người dân đã cảnh giác rất cao. Thứ hai là đã kịp thời hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm, loại bỏ những nguồn thực phẩm nghi ngờ hoặc hạn chế sử dụng.

Tuy vậy chỉ 15 ngày sau, kể từ 25/12/2007 tới tuần lễ đầu năm 2008 dịch đã trở lại, tỷ lệ 17 ca dương tính tiêu chảy cấp nguy hiểm trong số 22 bệnh nhân nhập viện là một sự kiện báo động. Lần này, dù sau nhiều sự phê bình của công luận và báo chí, Bộ y tế Việt Nam vẫn gọi đợt dịch này là tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Một cư dân thủ đô đưa ra nhận xét với chúng tôi về chính danh tên gọi dịch bệnh:

“Vì dùng cái từ kia người ta kinh sợ nhớ lại năm 45,46 Việt Nam xảy trận dịch tiêu chảy sau nạn đói… .trên Đài truyền hình trên báo dùng cái thuật ngữ cho nó sạch sẽ trong sáng tiếng Việt. Nhưng mà người dân họ biết hết.”

Theo Vietnam Net chiều ngày 7/1/2008 Bộ trưởng y tế Nguyễn Quốc Triệu đã ký công điện khẩn gởi các tỉnh thành toàn quốc, cảnh báo nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể quay trở lại trong dịp Tết Mậu Tý.

Ông bộ trưởng y tế yêu cầu các địa phương phải nghiêm khắc xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước và vệ sinh môi trường để đảm bảo cho người dân ăn Tết an toàn. Sau nữa, chính quyền các tỉnh thành phải giám sát chặt chẽ, liên tục để phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm từ ban đầu, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Ông Nguyễn Quốc Triệu còn nhấn mạnh rằng, Uỷ Ban Nhân Dân các cấp sẽ chịu trách nhiệm trước chính phủ nếu để dịch lan rộng trên địa bàn phụ trách. Ngoài ra, sẽ có chiến dịch tuyên truyền thường xuyên trong dịp Tết và sau Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động đến từng hộ gia đình về an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Ý thức cảnh giác của người Hà Nội

Người Hà Nội không phải ai cũng có ý thức và cảnh giác như nhà doanh nghiệp mà chúng tôi từng tiếp xúc:

“Chúng tôi thì thường ngày đã giữ vệ sinh nhưng bây giờ thì tích cực hơn, đun sôi bát đũa trước khi ăn, rửa tay thường xuyên… thôi không ra ngoài ăn uống, không dự liên hoan ăn nhậu nữa… phải thực hiên ‘ 6 không’ không ăn sống phải uống chín”

birdflu200.jpg
Việt Nam bố trí lực lượng để kiểm soát vận chuyển gia cầm, gia súc, tăng cường ngăn chặn gia cầm gia súc nhập lậu qua biên giới. Photo: AFP

Tình trạng ăn uống mất vệ sinh, nhất là tại những quán ăn vỉa hè được Vietnam Net đưa lên mạng ngày 8/1/2008. Nhà báo ghi nhận thói quen ăn uống vô tư không quan tâm tới vệ sinh an toàn thực phẩm ở bất cứ đường phố nào của thủ đô.

Phần lớn các món ăn mà người Hà Nội ưa thích đều có mắm tôm, hiện nay loại gia vị này không còn bị cấm. Bún riêu, bún thang, chả cá, thậm chí món thịt chó nếu không có mắm tôm thì không thành vị.

Một ngày sau công điện khẩn của Bộ trưởng Y Tế, Nhà báo Vietnam Net ghi nhận hình ảnh hàng rong, quán vỉa hè tấp nập khách ăn. Chừng như sự tuyên truyền chưa thực sự nâng cao ý thức của người dân. Lớp trẻ học thức có vẻ phần nào lưu tâm tới những khuyến cáo của chính quyền:

“Tránh ăn uống không sạch ngoài quán xá, trước đây tụi em hay ăn bún phở ngoài đường hay ăn rau sống, bây giờ phải hạn chế. Ở nhà thì rác thải các thứ phải dọn dẹp sạch sẽ vệ sinh…Nói chung phải cảnh giác.”

Ở đợt dịch cuối tháng 10 kéo dài đến 10/12/2007, ngành Y tế Việt Nam qui tội cho mắm tôm là nguồn gốc lây lan dịch tiêu chảy cấp, dù sau đó nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm khác biệt. Trong đợt dịch hiện nay thực phẩm nghi ngờ gây tiêu chảy được ghi nhận đa dạng hơn.

Theo Vietnam Net, ngày 8/1 Phó giáo sư tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ y tế cho biết, qua kiểm tra có thể ghi nhận rau sống tiềm ẩn nguy cơ lớn. Theo lời ông, người trồng rau thường dùng nước thải, nước phân tươi để tưới rau. Cục trưởng Trần Đáng kể lại rằng, mới đây khi kiểm tra một chợ rau củ lớn vào ban đêm, đã phát hiện người bán dùng nước bẩn, nước cống phun vào rau để giữ cho rau tươi.

Thậm chí người sử dụng cũng không rửa rau cho sạch, theo lời ông Trần Đáng, ngay cả nhà hàng có uy tín khi được kiểm tra cũng lộ ra là dùng một chậu nước rửa nhiều lần nhiều loại rau. Trong khi đó, vi khuẩn tả có thể tồn tại trên rau sống từ 3 tới 10 ngày, khuẩn E-Coli sống được một tuần và thường kèm theo các vi khuẩn đường ruột khác, các ký sinh trùng như trứng giun.

Theo sự nhận xét của Cục trưởng Trần Đáng các loại rau thơm, xà lách, húng chó, mùi là các loại rau nhiều nguy cơ gây bệnh đường ruột hơn cả. Ngoài ra giới chức này vẫn khuyên phải thận trọng khi sử dụng mắm tôm vì đây vẫn là thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Có thông tin bên TQ đang có dịch bệnh cúm gia cầm, để ngăn chặn nhập lậu qua đường biên giới dài hơn ngàn cây số là hết sức khó khăn. Nhưng chúng tôi hết sức cố gắng, hiện nay không chỉ có ngành thú y, nông nghiệp mà có nhiều đơn vị ban ngành của 12 Bộ cùng tham gia.

Dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát

Trong khi dịch tả đang trở lại miền Bắc và có khả năng lan rộng, thì Việt Nam lại phải đối diện với một nguy cơ khác. Báo Tuổi trẻ Online ngày 6/1 trích lời ông Hoàng Văn Năm Phó cục trưởng Cục Thú Y nói rằng, dịch cúm gia cầm và dịch bệnh ở gia súc trong phạm vi cả nước có nguy cơ tái phát rất cao, dù hiện nay đang được khống chế.

Theo đó chỉ còn Trà Vinh và Thái Nguyên có dịch. Bộ trưởng Cao Đức Phát trưởng ban chỉ đạo qúôc gia đề nghị các tỉnh thành tiếp tục thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về chăn nuôi an toàn, thực hiện nghiêm chỉnh tháng tiêu độc khử trùng hết tháng Giêng 2008.

Đặc biệt bố trí lực lượng để kiểm soát vận chuyển gia cầm, gia súc, tăng cường ngăn chặn gia cầm gia súc nhập lậu qua biên giới.

Trả lời chúng tôi ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng dịch tễ Cục Thú Y nhận định: "Có thông tin bên TQ đang có dịch bệnh cúm gia cầm, để ngăn chặn nhập lậu qua đường biên giới dài hơn ngàn cây số là hết sức khó khăn. Nhưng chúng tôi hết sức cố gắng, hiện nay không chỉ có ngành thú y, nông nghiệp mà có nhiều đơn vị ban ngành của 12 Bộ cùng tham gia.

Vừa rồi Bộ trưởng chúng tôi (Cao Đức Phát) họp giao ban có các Bộ tham dự như Bộ Công Thương, Bộ Công An. Do có liên quan bộ đội biên phòng nên đã có công văn yêu cầu cùng tham gia vấn đề giám sát vòng ngoài ở biên giới với Trung Quốc. Vì vậy tôi tin rằng khả năng vấn đề phòng chống buôn lậu qua biên giới sẽ được tăng cường và có hiệu quả hơn.”

Đối với nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát. Điểm đáng lưu ý là cúôi năm 2007, xảy ra trường hợp một bé trai 4 tuổi tử vong vì cúm H5N1. Bệnh nhi này ở Mộc Châu Sơn La, nơi không có dịch cúm gia cầm, tuy nhiên gia đình em có ăn thịt gà bị rù và xung quanh nhà có gà bệnh chết. Các giới chức Cục Thú không loại trừ nguyên nhân chim di cư mang mầm bệnh tới Sơn La.

Để có thể đón Xuân Mậu Tý an bình, người dân và chính quyền Việt Nam sẽ phải đồng tâm hiệp sức phòng chống dịch tả và dịch cúm gia cầm và triệt để cảnh giác về an toàn vệ sinh thực phẩm.