Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Người dân thị xã Đông Hà tỉnh Quảng Trị ngạt thở vì nước thải công nghiệp. Đây là đề tài đọc báo trên mạng tuần này trình bày một bài viết trên VietnamNet và phần sau là phản hồi của ông Nguyễn Trường Khoa, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Quảng Trị qua phỏng vấn của Nam Nguyên.

Ô nhiễm vì nước thải công nghiệp
Ô nhiễm vì nứơc thải công nghiệp, nứơc thải y tế được đổ thẳng ra môi trường không qua xử lý từng được dư luận báo động không ngừng nghỉ tại Việt Nam. Những vấn đề của lưu vực sông cầu sông Đáy sông Nhuệ ở miền Bắc hay lưu vực sông Đồng Nai ở Nam Bộ, là những chuyện lớn đến nỗi quốc tế phải ra tay giúp đỡ.
Bài báo chúng tôi đọc hôm nay xảy ra ở Đông Hà thị xã trung tâm của Quảng Trị, một tỉnh ở khu vực chưa được đầu tư nhiều về sản xuất công nghiệp.
Báo điện tử VietnamNet trong chuyên mục “Tuần Việt Nam”, hôm 4-8 đưa lên mạng bài “Quảng Trị: Ngạt thở vì ô nhiễm MDF” của một cư dân địa phương là Phan Hà Linh. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh u tối về môi trường sống của thị xã Đông Hà 10 vạn dân trong tổng số hơn 60 vạn dân số toàn tỉnh Quảng Trị.
MDF là tên gọi sản phẩm ván tấm làm từ dăm gỗ sử dụng trong xây dựng. Tên đầy đủ của nhà máy đang gây ô nhiễm là Geruco MDF, Geruco là tên tiếng Anh của Tổng Công Ty Cao Su Việt Nam. Bài viết trên VietnamNet mô tả:
“Bình quân mỗi ngày, nhà máy gỗ Geruco MDF ở Khu Công nghiệp Nam Đông Hà thải ra môi trường một lượng nước thải khổng lồ từ quá trình chế biến gỗ, nhưng không qua xử lý, làm cho cả vùng đất rộng lớn xung quanh nhà máy trở nên đục đen và hôi thối. Hơn 10 vạn dân của thị xã Đông Hà thường xuyên hít phải mùi hôi độc hại đó.”
Dân chúng phải sống chung với ô nhiễm
Theo tác giả bài viết, khu công nghiệp Nam Đông Hà được chính phủ cho phép thành lập năm 2003. Sau gần 4 năm triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, đến nay chỉ có duy nhất nhà máy gỗ Geruco MDF đi vào hoạt động. Song khu công nghiệp một nhà máy này đã trực tiếp gây ra nhiều sự cố, ảnh hưởng đến đời sống của người dân thị xã Đông Hà do ô nhiễm môi trường.

Sau nhiều lần báo chí lên tiếng phản ánh, người dân ở hàng chục khu phố mang đơn đi kiện, chính quyền tỉnh Quảng Trị cùng ngành chức năng buộc nhà máy phải đóng cửa nếu không xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
Bài viết ghi nhận rằng, năm 2006, nhà máy này đóng cửa thật nhưng không phải để xây dựng hệ thống nói trên, mà bán lại cho một đơn vị khác là Geruco. Khi đơn vị này cho nhà máy hoạt động trở lại, người dân thị xã Đông Hà tiếp tục khiếu kiện, đồng thời huy động bà con đắp đê ngăn không cho nước thải tràn vào khu dân cư.
Có điều, ngăn chỗ này, nước lại tràn ra chỗ kia, toàn bộ khu đất phía Tây nhà máy trở nên đen hơn mực. Ở đó lớp nước mặt đặc quánh hơn keo dán, cứ lờ đờ chảy từ cao xuống thấp và chảy ở bất kỳ chỗ nào có thể!
Ông Nguyễn Văn Hạnh, một người dân ở phường Đông Lương cho biết, lúc nhà máy mới hoạt động, ống xả nước thải ra khu phố 3. Nhưng sau một thời gian bị bà con phản đối, ống xả đó được quay sang khu phố Lai Phước (phường Đông Lương). Cứ thế, bị nơi này phản đối, nó được chuyển quay sang nơi kia và ngược lại.
Hiện tại, mùi hôi ấy không chỉ còn trong phạm vi vài phường nữa, mà đã bao trùm toàn bộ thị xã Đông Hà. Mùi hôi nhất nặng là khu dân cư Nam Đông Hà và toàn bộ khu dân cư nằm về phía Tây đường Hùng Vương dài hàng cây số.
Nhất là lúc trời lặng gió, nhà nào cũng phải đóng kín cửa tránh mùi hôi, trẻ con không chịu nổi khóc đến khản giọng. Có lần người dân không chịu nổi, hè nhau bịt nắp cống thoát nước nhưng nhà máy lại cho người đập đi để xả nước thải...
Vẫn theo bài viết trên Vietnam Net một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Trị cho biết, trung bình mỗi ngày Nhà máy gỗ Geruco MDF thải ra môi trường trên 150 mét khối nước thải. Trong đó, một phần tràn vào các khu dân cư kể trên, phần khác đổ thẳng xuống sông Vĩnh Phước, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 vạn dân của thị xã Đông Hà. Nguy hiểm nhất là lượng hoá chất độc hại trong nước thải được pha trộn trong quá trình chế biến gỗ là rất lớn.
Quan điểm của chính quyền
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Phúc đã nhiều lần trực tiếp đến nhà máy và yêu cầu xây dựng hệ thống xử lý chất thải, tuy nhiên lãnh đạo nhà máy chỉ tuân thủ lúc đó rồi thôi!
Nam Nguyên đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn trường Khoa, phó giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường chung quanh bài viết của tác giả Phan Hà Linh trên VietnamNet, thì được cho biết, giới chức phụ trách lãnh vực môi trường tỉnh Quảng Trị cho rằng những tình tiết báo đăng là chuyện hồi cuối 2006, còn nay tình trạng đã được cải thiện.
Tuy nhiên PGĐ Khoa xác nhận là mùi hôi thối vẫn còn tồn tại, chủ mới của nhà máy ván dăm đã xây dựng hệ thống xử lý nứơc thải nhưng chưa hoàn thiện. Ông Khoa xác định rằng vấn đề ô nhiễm môi trường ở thị xã Đông Hà sẽ được nỗ lực giải quyết trong năm 2007 này. Mọi doanh nghiệp không tuân thủ vấn đề xử lý nứơc thải sẽ bị đề nghị rút giấy phép. Từ nay về sau tỉnh sẽ không cho phép bất cứ một dự án đầu tư nào được vận hành sản xuất nếu chưa có hệ thống xử lý nứơc thải.
Theo ông Khoa, tỉnh Quảng Trị đã rút kinh nghiệm về nạn ô nhiễm ở thị xã Đông Hà, không chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi giá và luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường song hành với phát triển kinh tế.
(xin theo dõi cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh phía trên)
Thưa quí thính giả, Quảng Trị là tỉnh cho đến nay mới chỉ manh nha 2 dự án khu công nghiệp và cũng mới chỉ có một nhà máy thực sự hoạt động. Bài học ô nhiễm môi trường từ nhà máy ván dăm là một kinh nghiệm cay đắng cho tỉnh Quảng Trị, và có thể cũng là của nhiều nhiều địa phương khác ở Việt Nam.