Thị trường trứng gia cầm sa sút vì tin có chất sudan gây ung thư

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Trứng gia cầm có chất tạo màu có thể gây ung thư cho người dùng, xì dầu nước tương cũng có phụ gia tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được báo chí nói nhiều như vậy.

birdfluEgg200b.jpg
AFP PHOTO

Câu chuyện trứng gà trứng vịt và trứng muối có dư lượng chất phẩm màu sudan đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội, đây là đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng hôm nay.

Khi thông tin không bị che dấu, người tiêu dùng có phản ứng tích cực. Thị trường trứng gia cầm Saigon nói chung giảm hẳn một nửa ngay sau khi báo chí đưa tin phát hiện chất tạo màu công nghiệp mang tên sudan trong trứng gà, trứng vịt và trứng vịt muối.

Ông Trần Văn Quân một cư dân Bình Thạnh phát biểu: "Tôi thường ăn trứng như trứng gà ốp-la, thỉnh thoảng ăn hột vịt lộn và trong ngày Tết món khoái khẩu của tôi là củ kiệu trộn hột vịt bắc thảo.

Nhưng bây giờ với thông tin trong trứng có chất sudan gây ung thư, cả nhà tôi không ai còn dám đụng tới một quả trứng nào nữa. Chúng tôi phải chờ tới khi mọi việc rõ ràng thì mới có thể ăn trứng trở lại.”

Còn một nhà doanh nghiệp TPHCM ông Phạm Văn Minh thì xác nhận tình trạng sa sút của thị trường tiêu thụ trứng gia cầm:

“Mức tiêu thụ trứng ở các vựa và các chợ với nguồn trôi nổi thì giảm rất mạnh. mức tiêu thụ của nguồn này đang giảm khoảng 50% . Nói chung thị trường trứng đang giảm, dù mức tiêu thụ trong siêu thị cửa hàng lại tăng 20 tới 30%.”

Chất sudan trong trứng gia cầm

Tôi thường ăn trứng như trứng gà ốp-la, thỉnh thoảng ăn hột vịt lộn và trong ngày Tết món khoái khẩu của tôi là củ kiệu trộn hột vịt bắc thảo. Nhưng bây giờ với thông tin trong trứng có chất sudan gây ung thư, cả nhà tôi không ai còn dám đụng tới một quả trứng nào nữa. Chúng tôi phải chờ tới khi mọi việc rõ ràng thì mới có thể ăn trứng trở lại.

Câu chuyện về chất sudan trong trứng gia cầm âm ỉ đã lâu trong những ngày đầu năm, nhất là sau khi Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong kong thu hồi nhiều triệu trứng gia cầm vì người chăn nuôi trộn chất phẩm màu sudan vào thức ăn chăn nuôi, mục đích là tạo cho lòng đỏ trứng có màu đẹp hơn, còn da gà và chân gà sẽ vàng hơn. Chất sudan ở một liều lượng nào đó có thể gây ngộ độc và là tác nhân gây ung thư cho người sử dụng.

Vn Express ngày đầu tháng 2 trích lời ông Nguyễn Xuân Mai, phó viện trưởng vệ sinh y tế công cộng TP.HCM xác định rằng, sudan là một hoá chất dùng trong công nghiệp, chủ yếu là để nhuộm vải, lưới cũng như vật liệu bằng sắt. Chất này hoàn toàn không có trong danh mục phụ gia được phép dùng trong thực phẩm. Vì vậy, nếu phát hiện chất này trong thức ăn thì bất kể liều lượng bao nhiêu cũng được coi là không an toàn.

Dư luận bắt đầu nóng dần lên trong tuần lễ cuối cùng của tháng Giêng. Ngày 28 Tuổi Trẻ đưa lên mạng thông tin về sự kiện trứng gia cầm nhiễm chất độc đang được mua bán trên thị trường. Tờ báo tường thuật cuộc họp ngày 27/1/2007 giữa Sở Khoa Học Công Nghệ Môi Trường TP.HCM cùng các sở ngành chuyên môn, một số nhà khoa học và đại diện các phòng thí nghiệm.

Tại buổi họp giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, chủ tịch Hội Hoá Học TP.HCM cũng là giám đốc Trung Tâm Đào Tạo và Phát Triển Sắc Ký đã báo cáo là qua phân tích 18 mẫu trứng mua tại các chợ ở TP.HCM và các tỉnh, kết quả cho thấy có 9 mẫu tức một nửa số mẫu, có sự hiện diện của chất phẩm màu sudan 1 và sudan 4 với các hàm lượng khác nhau.

Trong số này một mẫu có dư lượng chất sudan trên 20 ngàn microgram/ kg, tức là rất cao. Vẫn theo báo Tuổi Trẻ nhóm nghiên cứu cũng phân tích tám mẫu trứng gia cầm được lấy tại các siêu thị lớn nhưng không phát hiện chất sudan. Đồng thời cũng phân tích rộng ra một số mẫu thức ăn chăn nuôi gia cầm, nhưng chưa phát hiện có sự hiện diện của chất phẩm màu sudan.

Tờ Thanh Niên Online vài ngày sau xác định rằng những mẫu trứng mà nhóm nghiên cứu phát hiện chất sudan bao gồm trứng vịt muối lấy từ chợ ở Bình Dương, ở Đồng Tháp, chợ chân Cầu Ông Lãnh Saigon và cả trứng gà trứng vịt tươi ở Chợ Bến Thành Saigon, ở Cần Thơ và Vĩnh Long.

Theo tờ báo nguồn trứng vịt xuất xứ vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn trứng gà chủ yếu ở các tỉnh miền Đông, từ Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Hầu hết các mẫu trứng lấy trên thị trường là dạng không bao bì không rõ nguồn gốc. Duy nhất mẫu trứng vịt tươi lấy ở chợ Bến Thành là có bao bì, nhãn hiệu của một cơ sở ở TP.HCM, và mẫu này có dư lượng chất sudan.

Nguồn gốc của các mẫu trứng

Nhận định về nguồn gốc các mẫu trứng bị phát hiện chất sudan, ông Phạm Văn Minh giám đốc công ty Phú An Sinh TP.HCM chuyên kinh doanh sản phẩm gia cầm, chăn nuôi và giết mổ công nghiệp cho rằng:

Ở Việt Nam tuy không nhiều, nhưng một số đơn vị nhỏ cũng múôn cái màu lòng đỏ trứng phải đỏ để mà xuất khẩu trứng vịt muối chẳng hạn. Nên đã đặt hàng những nơi làm ra lọai trứng có lòng đỏ như thế, từ đó người nuôi vịt mới đi mua những chất tạo màu. Thật ra tôi nghĩ họ cũng không biết đó là chất sudan có thể gây ung thư , là chất cấm ảnh hưởng sức khoẻ con người.

“Ở Việt Nam tuy không nhiều, nhưng một số đơn vị nhỏ cũng múôn cái màu lòng đỏ trứng phải đỏ để mà xuất khẩu trứng vịt muối chẳng hạn. Nên đã đặt hàng những nơi làm ra lọai trứng có lòng đỏ như thế, từ đó người nuôi vịt mới đi mua những chất tạo màu. Thật ra tôi nghĩ họ cũng không biết đó là chất sudan có thể gây ung thư , là chất cấm ảnh hưởng sức khoẻ con người.”

Về phần mình giáo sư Chu Phạm Ngọc sơn xác định rằng mẫu trứng làm phân tích là thu thập ngẫu nhiên trên thị trường, vì thế không thể xác định chính xác nguồn gốc trứng gia cầm bị nhiễm là nguồn chăn nuôi trong nước hay trứng nhập lậu từ Trung Quốc.

Giáo sư Sơn nhấn mạnh rằng, số mẫu thu thập vẫn còn ít, chưa đủ tính đại diện nên chỉ mang tính tham khảo chứ không đủ tính pháp lý , thông báo của nhóm nghiên cứu chỉ mang tính cảnh báo, đánh động các cơ quan chức năng để họ vào cuộc.

Sau vài ngày bối rối và bất ngờ với thông tin trứng có dư lượng chất sudan, Bộ Y tế, Cục Thú Y mới xác định rằng ngành chức năng sẽ vào cuộc. Ngày 30/1 SGGP Điện Tử đưa tin, Bộ Y tế sẽ lấy thêm 30 mẫu trứng để xét nghiệm và sớm đưa ra kết luận về việc trứng gia cầm có chất sudan.

Cục an toàn vệ sinh thực phẩm đánh giá kết quả phân tích của các nhà khoa học TP.HCM là đáng tin cậy, nhưng Cục cho rằng chưa thể dựa vào đó xem như là kết luận sau cùng. Bộ y tế giải thích rằng, các cơ quan trực thuộc chưa bao giờ lấy mẫu trứng gia cầm để xét nghiệm chất sudan hoặc các chất tương tự, lý do là chưa có thông tin về việc này.

Bài học

Đáp câu hỏi của chúng tôi về việc có thể xem cuộc khủng hoảng thị trường tiêu thụ trứng gia cầm là bài học cần rút kinh nghiệm. Nhà doanh nghiệp Phạm Văn Minh ở TP.HCM nhận định:

“Tôi nghĩ rằng tương lai thì các cơ quan chức năng và nhà quản lý sẽ vào cuộc sớm hơn nữa, không phải đợi phát hiện để dư luận đánh động rồi mới tham gia vào. Họ phải xây dựng qui trình tổng thể chặt chẽ ngay từ đầu để có thể kiểm soát sớm.

Tôi cũng rất mừng vì vừa rồi chính phủ đã mạnh mẽ hơn về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, trước đây họ chưa quan tâm lắm. Bây giờ đã lập ra hẳn một Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm với chức năng hoạt động rõ ràng.”

Tuổi Trẻ Online ngày 31/1/2007 đưa tin Cục Trưởng Thú Y Bùi Quang Anh đáp máy bay vào TP.HCM để tìm hiểu tình hình và gặp gỡ giáo sư tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn và các nhà khoa học thuộc Trung Tâm Đào Tạo và phát triển sắc kí TP.HCM. Ông Quang Anh nói rằng, cách đơn giản nhất cho người tiêu dùng để nhận biết trứng có chất sudan hay không đó là phân biệt qua màu đỏ khác thường của lòng đỏ trứng.

Với tư cách nhà quản lý của ngành thú y, ông Bùi Quang Anh xác định rằng, trong tình hình hiện nay có hai việc phải làm ngay, là siết chặt công tác kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các tỉnh biên giới, nhất là vùng biên giới giáp với Trung Quốc, bởi vài tháng trước đây báo chí nước này cũng đưa tin về việc phát hiện chất su dan trong trứng gà.

TP.HCM 8 triệu dân mỗi ngày tiêu thụ cả triệu quả trứng gia cầm, nên câu chuyện trong trứng có dư lượng chất sudan đang trở thành một thông tin mang tính chính trị nhạy cảm. Chính vì vậy UBNDTPHCM về mặt chính thức chưa xác nhận vấn đề này, mặc dù rằng kết quả phân tích ban đầu là nỗ lực của ban ngành và các nhà khoa học thành phố.