Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Xã hội nào cũng có cách biệt giàu nghèo, nhưng gần đây có dư luận đánh giá là khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng lớn tuy đất nước đã hết chiến tranh và đang trong thời kỳ phát triển. Nhận định này dựa trên cơ sở nào, Nhã Trân có thêm chi tiết.

Vài thập niên đã qua kể từ khi Việt Nam tuyên bố chiến tranh kết thúc và đất nước mở đầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hoà bình và tái xây dựng.
Sau mấy mươi năm phát triển, nhất là trong những năm gần đây Việt Nam không ngừng công bố những thành quả về kinh tế và xã hội. Theo nhiều báo cáo của chính quyền, đời sống dân chúng được cải thiện, vùng thôn quê được hưởng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật và chương trình xoá đói giảm nghèo liên tục đạt tiêu chí, giúp nhiều người thoát hoàn cảnh cảnh bần cùng thiếu thốn.
Nghèo thì quá nghèo
Tuy nhiên trong ít năm trở lại đây có dư luận rằng thực tế chứng minh hiện nay cách biệt về bình quân thu nhập đầu người ở Việt Nam dường như ngày càng lớn.
Nhiều nhận định cho là có những người ngày càng trở nên giàu có vì được nhiều cơ hội kiếm tiền, bằng mọi cách từ lương thiện cho tới đáng đặt vấn đề, trong khi đại đa số dân chúng thuộc trong hàng từ đủ ăn đến thiếu thốn, nghèo đói cùng cực.
Một trong những người có nhận xét về tình trạng giàu nghèo của xã hội bây giờ là chị Bùi Thanh Phương, người điều hành một hội từ thiện ở Hoa Kỳ nhằm mục đích cứu giúp trẻ em nghèo tại Việt Nam:
Việt Nam sao mà nghèo quá. Có một lần tôi đang ngồi ăn phở ở vỉa hè, có một em khoảng 8 tuổi tới hỏi “cô ơi cho con đánh giày”…. Bên Việt Nam có những người giàu thì rất giàu, người nghèo thì quá nghèo…
“Việt Nam sao mà nghèo quá. Có một lần tôi đang ngồi ăn phở ở vỉa hè, có một em khoảng 8 tuổi tới hỏi “cô ơi cho con đánh giày”…. Bên Việt Nam có những người giàu thì rất giàu, người nghèo thì quá nghèo…”
Đây cũng là nhận xét của công chúng khi chứng kiến hàng ngày sự tương phản của cảnh khổ và cảnh giàu ở mọi nơi. Hình ảnh những hành khất ốm o rách rưới hoặc những trẻ em, người lớn dãi nắng dầm mưa bán vé số, đánh giầy là một đối chọi với hình ảnh những người chỉ mặc hàng hiệu, đi xe ô tô xe gắn máy hạng sang và đôi khi chi cho một bữa ăn bằng cả tháng lương của một gia đình công nhân.
Giàu thì quá giàu
Không chỉ người Việt mới thấy và cho rằng khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam ngày nay quá rõ rệt mà dường như có những du khách, sau khi đến Việt Nam cũng mang ý nghĩ này. Mới đây hãng thông tấn AP vừa đăng một bài báo, ký tên ngoại quốc. Bài báo có tựa đề “Việt Nam yêu thích Vuitton”.
Người viết thuật lại trường hợp túi xách hiệu Louis Vuitton, một hiệu sang trọng và rất đắt tiền ngay cả ở nước ngoài và đối với người ngoại quốc, vẫn bán chạy ở Hà Nội.
Một phụ nữ trung niên đã mua một lúc không chỉ 1 mà là 5 cái với giá 1 ngàn đô la mỗi chiếc. Tác giả trích dẫn lời một tài xế tắc xi ở Hà Thành, giải thích rằng giá tiền một chiếc ví này đủ để thay đổi cuộc sống nghèo khó của một gia đình nông dân:
“Những người giàu trở nên giàu hơn, và số còn lại phải vất vả để kiếm đủ sống. Số tiền người giàu mua một chiếc ví hiệu Louis Vuitton đủ để tậu nhiều con bò cho một gia đình nông dân và kéo họ ra khỏi cảnh nghèo đói”
Ngừơi viết bài báo trình bày rằng một trong những điều cải cách kinh tế và thị trường tự do, khai sinh kể từ những năm cuối thập niên 80, mang lại là cung cách tiêu xài đắt đỏ của thế hệ trẻ.
Tác giả nói rõ rằng tuy nói chung bình quân đầu người đã tăng gấp đôi trong 5 năm nay mức thu nhập của đại đa số dân chúng chỉ vào khoảng 1 tới 2 đô la mỗi ngày, và sự tiêu xài sang trọng như mua những chiếc ví hàng hiệu tới 5 ngàn đô la, làm sao những người nghèo không thấy tủi thân và bức xúc?
Đành rằng ít xã hội nào được xem là hoàn toàn bình đẳng về phương diện vật chất, và thu nhập cá nhân tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên nguyên nhân chênh lệch quá lớn về bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, đến nỗi tạo ra cách biệt giai cấp quá đáng có lẽ đã đến lúc cần được chú ý hơn.