Quyền của phụ nữ Việt Nam trong việc sử dụng đất đai

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Theo thông tin của Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, trụ sở ở Hà Nội, thì hiện nay ở Việt Nam, nhiều phụ nữ vẫn không có quyền bình đẳng trong vấn đề sử dụng đất cũng như quyền lợi của họ trong việc phân chia đất đai. Đối với các chị em đã ly hôn hay goá chồng thì việc này còn tệ hại hơn gấp bội.

WomenDanOanProtest200.jpg
Hình ảnh đoàn người khiếu kiện từ các tỉnh mang biểu ngữ trước ngực và mặc áo vẽ chữ đi biểu tình tuần hành trên đường phố hô to khẩu hiệu ngay giữa cố đô Hà Nội. Dân oan Lâm Đồng. Hình của Tiếng Dân Kêu >> Xem hình lớn hơn

Ngay sau khi chồng chết hay ly dị thì liền bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà và các chị em này đành phải trở về nhà bố mẹ ruột. Nhưng, hầu hết đều không có đất sống vì không được chia đất đai, nhà ở trước khi lập gia đình.

Mặc dù nhà nước đã ra sức tìm biện pháp để bênh vực và giúp đỡ họ. Thế nhưng, trên thực tế, tất cả luật lệ đều không hiệu quả. Kỳ này, Phương Anh xin gửi đến qúi vị một số thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất của phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Hoàn toàn lệ thuộc vào nhà chồng

Trước hết, để tìm hiểu việc phân chia đất đai, nhà ở cho chị em như thế nào trong gia đình của họ, Phương Anh đã hỏi thăm chị Nga, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, chị cho biết:

“Lấy chồng thì bố mẹ chia cho một phần rất nhỏ, nhưng ở nông thôn thì phụ nữ ít được chia. Người phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào nhà chồng.

Đi lấy chồng thì nhà mình không cho gì. Cho nên, đa số sống rất lệ thuộc và thường là cam chịu, chứ không dám ly hôn…bởi vì khi ly hôn thì về nhà mình rất khó khăn. Chẳng hạn như chị, bố mẹ chị cho một miếng đất, và chị xin cơ quan một miếng đất nữa. Nhưng khi thành vợ thành chồng sát nhập là tài sản chung. Khi ly hôn thì nhà chồng cũng cướp luôn.

Đi lấy chồng thì nhà mình không cho gì. Cho nên, đa số sống rất lệ thuộc và thường là cam chịu, chứ không dám ly hôn…bởi vì khi ly hôn thì về nhà mình rất khó khăn. Chẳng hạn như chị, bố mẹ chị cho một miếng đất, và chị xin cơ quan một miếng đất nữa. Nhưng khi thành vợ thành chồng sát nhập là tài sản chung. Khi ly hôn thì nhà chồng cũng cướp luôn.

Trong khi mình đóng góp vào nhà chồng thì chẳng được cái gì hết. Đất đai nhà chồng thì cứ nói là “cho mày đấy” nhưng đâu có giấy tờ gì…Cứ bảo là về xây đi, đến khi ly hôn thì nó đuổi ra khỏi nhà ngay.”

Còn cô Minh, ở Tiền Giang, thì cho hay rằng tùy theo mỗi gia đình mà bố mẹ chia cho các con. Nhưng bao giờ cũng thế, người con trai trong nhà luôn được chia đất đai, nhà ở nhiều hơn. Cô nói:

“Tùy bố mẹ chia cho ai thì chia, nói chung thì người phụ nữ chia ít hơn, còn chia cho con trai vì con trai ở với ba mẹ nên được chia nhiều hơn, và tự thoả thuận chứ không tranh chấp…”

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, viện phó Viện Nghiên Cứu Phát Triển Xã Hội, trụ sở ở Hà Nội, thì cho biết rằng mặc dù Việt Nam đã ban hành luật đất đai từ năm 2003, trong đó, xác định đất canh tác nông nghiệp và đất ở là tài sản của hai vợ chồng thì người phụ nữ cũng được quyền sử dụng và có quyền quyết định. Thế nhưng, trên thực tế, người phụ nữ thường bị thiệt thòi rất nhiều, nhất là ở nông thôn.

Bà nói: "Hiện nay, ở nông thôn đất được chia theo nhân khẩu và người phụ nữ cũng được quyền hưởng một diện tích đất nào đó, được quyền quyết định và trồng cấy để nuôi sống bản thân. Ví dụ ở đồng bằng Bắc Bộ, trung bình, người phụ nữ cũng như nam giới, một người, tức là một nhân khẩu, thì được khoảng 360 m2 tức là một sào, vì đất canh tác, đất nông nghiệp ít, bình quân ruộng đất ở miền Bắc rất thấp. Ở miền Nam thì phần lớn đất canh tác là đất của tư nhân trước đây.

Khi chúng tôi đi nghiên cứu ở Cần Thơ thì thấy rằng cũng có quyền được sử dụng đất nông nghiệp và hầu như người phụ nữ nào cũng có, trừ những gia đình nghèo, cả gia đình đều không có đất thì người phụ nữ cũng không có đất. Chúng tôi thấy rằng quyền sử dụng đối với đất nông nghiệp không có vấn đề gì lớn lắm. Nhưng, có lẽ vấn đề nghiêm trọng hơn là đất ở. Quyền của người phụ nữ, quyền sử dụng cũng như quyền sở hữu đất nhà ở có nhiều vấn đề ở các điạ phương.

Tập tục của Việt Nam là phụ nữ khi đi lấy chồng thì sang nhà chồng ở, nhất là ở miền Bắc và gia đình Việt Nam thì không chia đất cho con gái. Cho nên, trong những trường hợp người phụ nữ đi lấy chồng và sau đó có những khó khăn như phải ly dị hay chồng chết, thì nhiều trường hợp không có chỗ để ở nữa. Chúng tôi thấy đấy là vấn đề nghiêm trọng hơn cả.”

Tình trạng “trọng nam kinh nữ”

Vì tình trạng “trọng nam khinh nữ”, muốn có con trai nối dòng, thờ cúng, và để thừa kế đất đai, nhà ở nên đã dẫn đến tỉ lệ sinh con trai nhiều hơn con gái ngày càng cao. Đồng thời, quan niệm “con trai là con của mình, con gái là con của người ta”, lấy chồng là hết nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thi hành luật pháp về quyền sử dụng đất của phụ nữ. Bà nói tiếp:

Hiện nay, ở Việt Nam, cũng đang báo động vì tỉ suất giữa con trai và con gái ở các cháu bé mới sinh cao, trung bình cứ 110 bé trai thì có 100 bé gái. Đó là tỉ lệ chung của quốc gia. Còn một số vùng thì tỉ số rất cao, có nơi đến 120 bé trai trên 100 bé gái. Xu hướng có nhiều con trai đang bắt đầu xuất hiện.

“Hiện nay, ở Việt Nam, cũng đang báo động vì tỉ suất giữa con trai và con gái ở các cháu bé mới sinh cao, trung bình cứ 110 bé trai thì có 100 bé gái. Đó là tỉ lệ chung của quốc gia. Còn một số vùng thì tỉ số rất cao, có nơi đến 120 bé trai trên 100 bé gái. Xu hướng có nhiều con trai đang bắt đầu xuất hiện.

Nhưng điều này nguyên nhân không phải là vì đất đai mà vì cả một truyền thống trọng nam khinh nữ của người Việt. Theo luật của nhà nước hiện nay thì cả con trai và con gái đều được hưởng tài sản của cha mẹ ngang bằng như nhau. Nhưng việc thực hiện luật của nhà nước thì rất khó vì văn hoá của Việt Nam thì vẫn trọng con trai hơn.

Chúng tôi hay nói đếm “luật tục” tức là nói đến tục lệ, truyền thống của các gia đình ở Việt Nam, nhất là ở vùng Đồng Bằng Bắc Bộ, hầu như người ta không chia tài sản cho con gái. Trong trường hợp những gia đình không có con trai, phần lớn tài sản lại được dành cho người con trai nào đó trong họ hàng của người chồng.

Ví dụ con của anh chồng, hay con của em chồng để cho những đưá này tiếp tục cúng giỗ hương hồn của gia đình này, may mắn lắm thì những người con gái được chia một phần nhỏ nào đó, phần lớn đất đai phải dành cho người con “thừa tự”. Đấy là lý do tại sao người ta muốn có con trai, vì không muốn đất đai tài sản của người ta lại rơi vào tay người khác, nên bằng mọi giá phải có con trai. Đó là một sự bất bình đẳng rất lớn với phụ nữ.”

Bà cũng cho hay rằng: có rất nhiều trường hợp, sau khi ly hôn hay chồng chết, các chị em phụ nữ cũng không thể nào quay về nhà bố mẹ ruột vì đất đai, tài sản của bố mẹ cũng đã để dành cho anh, em trai. Có người phải sống nhờ ở họ hàng, hay phải ở nơi công cộng trong tình trạng rất tồi tệ.

“Phép vua thua lệ làng”

Mặc dù tự bản thân họ cố gắng mưu sinh, vất vả kiếm sống để dành dụm mua một mảnh đất nào đó sinh sống thì đó vẫn chỉ là một giấc mơ mà thôi. Khi được hỏi về việc các cơ quan hữu trách đã can thiệp như thế nào, bà trả lời:

“Về nguyên tắc, chính quyền điạ phương họ bênh vực và những đoàn thể khác như Hội Phụ Nữ, những tổ chức khác, họ đứng ra giúp đỡ, nhưng ở nông thôn, cái “luật tục”, cái truyền thống văn hoá cũ rất mạnh, mạnh hơn cả luật pháp của nhà nước.

Ông bà ta có câu “Phép vua thua lệ làng”, đến bây giờ cái đó nó vẫn còn ở rất nhiều nơi. Mặc dù luật pháp thì yêu cầu là người phụ nữ phải được quyền bình đẳng về mặt tài sản, vấn đề ly hôn sẽ được giải quyết đảm bảo chỗ ở cho người phụ nữ.

Nhưng trong thực tế, rất khó để vượt qua cả một rào cản của cả họ hàng, làng xóm. Ở một số điạ phương, họ có một quỹ đất dự phòng để mà có thể bán với một giá rẻ cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, ví dụ những phụ nữ ly hôn hay chồng chết, mà gia đình chồng không chấp nhận.

Nhưng không phải là người phụ nữ nào cũng có khả năng để mua mặc dù cái giá không cao…Thực tế, sức ép của dân số lên tình trạng đất đai, đặc biệt là ở miền Bắc, rất lớn, nên không phải điạ phương nào cũng có quỹ đất để dành ra. Nhiều khi đất đai chật đến mức không còn chỗ nào để chia nữa.” Thế còn vai trò của Hội Phụ Nữ thì sao? Liệu họ có giúp gì được hay không? Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết:

“Ở nhiều điạ phương, Hội Phụ Nữ làm việc rất mạnh. Họ bênh vực những phụ nữ ly hôn, goá chồng, hoặc không chồng mà có con... Nhưng tất nhiên, nguồn giúp đỡ của họ cũng ở mức độ vừa phải, không được nhiều. Họ cũng can thiệp với chính quyền để chính quyền giải quyết công bằng…

Mặc dù họ cũng có uy tín đáng kể với chính quyền, nhưng về mặt tổ chức thì họ cũng chỉ là một đoàn thể xã hội thôi. Sự giúp đỡ của họ cũng chỉ hạn chế trong chén cơm manh aó hay tác động thêm. Họ không phải là người đứng ra để xử lý hay xử kiện, xử phạt…”

Tôi nghĩ là cuộc đấu tranh về đất đai là cuộc đấu tranh máu lửa nhất. Cho nên nói là thực hiện luật đất đai thì cũng còn rất lâu dài mặc dù ai cũng mong muốn bình đẳng, ai cũng mong muốn tất cả những điều tốt đẹp nhưng đụng đến quyền lợi tài sản của người ta thì không phải là chuyện dễ.

Cuộc đấu tranh máu lửa nhất

Cũng theo ý kiến của tiến sĩ Khuất Thu Hồng, hiện nay, nhà nước Việt Nam đã nghĩ đến các giải pháp bênh vực cho các phụ nữ qua việc ban hành luật đất đai, luật tài sản, luật bình đẳng giới. Nhưng để thực hiện và thi hành luật lại là một chuyện khác. Bà nói:

“Để thực hiện những luật đó thì phải cả một quá trình rất dài và có thể luật ở trên cấp trung ương thì rất tốt, nhưng về điạ phương để người ta thực hiện luật đó như thế nào thì lại là một câu chuyện nó khác hẳn. Vì ở điạ phương không phải chỉ quan hệ đơn giản giữa chính quyền và dân, mà ở làng xóm nông thôn Việt Nam…đó là vấn đề của họ hàng, dòng tộc, nó phức tạp hơn rất nhiều.

Nhiều khi người ta đặt lợi ích của dòng tộc, của gia đình cao hơn những luật lệ của nhà nước. Việc thực hiện luật pháp ở nông thôn Việt Nam rất khó khăn. Người Việt Nam của mình nhận thức về pháp luật vẫn còn thiếu rất nhiều.”

Khi được hỏi rằng vậy liệu đến bao giờ thì phụ nữ Việt Nam mới thực sự có được quyền sử dụng đất và quyền lợi của họ được phân chia một cách công bằng, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho hay:

“ Tôi nghĩ là cuộc đấu tranh về đất đai là cuộc đấu tranh máu lửa nhất. Cho nên nói là thực hiện luật đất đai thì cũng còn rất lâu dài mặc dù ai cũng mong muốn bình đẳng, ai cũng mong muốn tất cả những điều tốt đẹp nhưng đụng đến quyền lợi tài sản của người ta thì không phải là chuyện dễ.”

Quí vị và các bạn vừa nghe các thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất của phụ nữ ở Việt Nam ngày nay. Trang Phụ Nữ xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.