Tình trạng sạt lở bờ sông ở Cần Thơ

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở địa bàn Cần Thơ hầu như thường xuyên xảy ra, mà gần đây nhất – hồi mùng 10 tháng 6 vừa rồi, 10 căn nhà cặp bờ sông Trà Nóc sập chìm hoàn toàn.

FloodHouse150.jpg
Lũ lụt gây nhiều thiệt hại cho đời sống người dân. AFP PHOTO

Báo điện tử Cần Thơ cho hay khu vực Cần Thơ hiện có 100 điểm sạt lở. Trả lời Thanh Quang, ông Thiều Quang Thái, Phó Giám Đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ trước hết cho biết nguyên nhân gây nạn sạt lở như sau:

Ông Thiều Quang Thái: Nguyên nhân thì có nhiều, bởi vì vùng đất Miền Tây này là đất yếu, đất bồi và yếu, rồi bị dòng nước chảy xóay lở. Điều này theo luật tự nhiên vận động của dòng sông thôi, đó là thứ nhất.

Thứ hai là hoạt động xây dựng nhà ở ven sông rạch của Miền Tây này cũng thường xuyên, khá phổ biến. Lúc trước bờ sông ít bị sạt lở vì nhà xây ven sông là nhà tạm thôi, nghĩa là người ta cất bằng cừ tràm, rồi lợp bằng tôn, dừng bằng lá…thì vật liệu xây cất như vậy nhẹ, và bờ sông không chịu sức tải nhiều.

Nhưng sau này người dân có tiền, họ đổ nền bê tông, xây tường, thậm chí lên lầu nữa, trong khi vùng ven sông rạch thì chân đất yếu, rồi quá trình nước chảy, thủy triều lên xúông bào mòn, xói lở đất. Thêm vào đó có những lúc mưa lũ, thành ra mỗi năm xảy ra tình trạng xâm thực, lở dần dần, rồi tải trọng nhà thì chất lên nhiều, nên đất dễ bị sụp lở.

Hiện nay TP Cần Thơ và các đạ phương chủ trương phải di dời hết các dẫy nhà sàn trên sông, tổ chức kè mé lại.

Thanh Quang: Như vậy bây giờ các bờ kè để bảo vệ các bờ sông – những nơi cần được bảo vệ - thì như thế nào ? Có đúng mức chưa ?

Nguyên nhân thì có nhiều, bởi vì vùng đất Miền Tây này là đất yếu, đất bồi và yếu, rồi bị dòng nước chảy xóay lở. Điều này theo luật tự nhiên vận động của dòng sông thôi, đó là thứ nhất.

Ông Thiều Quang Thái: Nói chung khả năng tài chánh tới đâu thì làm tới đó. Những nơi nào bức xúc thì họ làm trước, chỗ nào có nguy cơ sạt lở nhiều thì người ta làm trước. Nhưng dần dần giới hữu trách cũng sẽ dựng bờ kè theo các tuyến sông để bảo vệ những công trình hoặc là các khu dân cư thuộc trong kế họach thực hiện từng năm.

Thanh Quang: Trong thời gian qua, địa bàn Cần Thơ đã xảy ra những vụ sạt lở nghiêm trọng nào ?

Ông Thiều Quang Thái: Nói chung là có sạt lở nhưng không đến mức nghiêm trọng, không ảnh hưởng nhân mạng. Chớ còn Phong Điền với Trà Nóc – tức ở Bình Thủy – hai điểm đó xảy ra sạt lở có sập nhà dân. Còn những điểm khác thì không nghe.

Thanh Quang: Theo nhận xét của ông thì trong thời gian sắp tới, những nơi nào ở địa bàn Cần Thơ cần phải hết sức đề phòng sạt lở ?

Ông Thiều Quang Thái: Nói chung là những nơi có nhà cất ven sông, có công trình kiến trúc nặng cặp ven bờ sông đều phải chú ý hết. Thậm chí tại những nơi không nhà cửa, như ở trên cồn, bị dòng nước xói lở cũng nhiều. Những nơi như vừa nói cần được chú ý bảo vệ.

Thanh Quang: Như vậy, một cách cụ thể thì các cơ quan chức năng đã áp dụng những biện pháp nào để ngăn chận nạn sạt lở ở địa bàn Cần Thơ ?

Ông Thiều Quang Thái: Cũng có nhiều biện pháp, mà trước mắt là giới hữu trách không cho xây dựng công trình cũng như nhà dân ở trên các bờ sông đó. Còn ở những nơi nguy hiểm thì chính quyền cảnh báo cho bà con di dời. Rồi nhà nước cũng có kế họach đầu tư kinh phí để xây lại các bờ kè, bảo vệ những nơi có nguy cơ sạt lở. Công tác như vậy đã làm rồi. Nói chung có những cái đã làm, những cái đang làm và những cái sẽ làm.

Thanh Quang: Cảm ơn ông Thiều Quang Thái, Phó Giám Đốc Sở Tài Nguyên và Mội Trường TP Cần Thơ.