Gia Minh, phóng viên đài RFA
Ngày hôm qua, vòng thi chung kết cuộc thi Robocon Châu Á- Thái Bình Dương lần thứ VI với chủ để Khám phá Hạ Long đã kết thúc tại Hà Nội. Hai đội đại diện cho Việt Nam từ đại học Bách Khoa Đà Nẵng và Đại học Công nghiệp Hà Nội không giúp giữ được danh hiệu vô địch mà Việt Nam giành được trước đây. Đội Trung Quốc giành chức vô địch kỳ thi năm nay.

Thắng thua là lẽ thường trong mỗi cuộc chơi. Tuy nhiên, sau mỗi lần như thế người tham gia rút được những bài học gì?
Ngay sau ngày thi đấu, chúng tôi liên lạc với một số thành viên đại diện Việt Nam để hỏi về điều đó cũng như ý kiến của một số người quan tâm đến cuộc thi chế tạo Robocon Châu Á- Thái Bình Dương.
'Biết người, biết ta; trăm trận trăm thắng', đó là câu mà người ta thường nhắc đến mỗi khi tham gia một cuộc tỉ thí nào đó. Trần Thanh Tuấn, thành viên đội BKDC thuộc Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, nói về cuộc thi vào ngày hôm qua:
“Đội Trung Quốc thực tế hơn chúng ta vì họ chuẩn bị chu đáo về mặt kỹ thuật, tâm lý thi đấu. Họ điều khiển robot hoàn toàn bằng điện tử quan sát chứ không dò đường như bình thường. Đầu tư của họ nhiều hơn. Tuy nhiên trên sân thi đấu còn có yếu tố ngẫu hứng và may mắn nữa.”
Bài học kinh nghiệm
Trong suốt những vòng thi đấu Robocon trước đây hay vào ngày hôm qua, rất nhiều khán giả Việt Nam háo hức theo dõi những con robot di chuyển trên sàn thi đấu; họ có ý kiến ra sao?

Một bạn đang du học tại Trung Quốc nay về nghỉ hè ở Hà Nội nhận xét: "Trung Quốc có tiến hơn chúng ta." Nguyễn Hải Linh, cựu thành viên của đội Bách Khoa Thành phố Sài Gòn, từng giành chức vô định Robocon, bày tỏ ý kiến: "Mỗi năm đều có những đổi thay trong đề thi."
Còn những người hướng dẫn cho sinh viên Việt Nam chế tạo robot để tham gia dự thi thì có những nhận định ra sao?
Thầy Trần Minh Chính của Đại học bách Khoa Đà Nẵng nhận xét: "Các sinh viên của chúng tôi đã thi đấu thông minh và cống hiến những điều mà khán giả công nhận. Bài học kinh nghiệm thì phải từ từ mới rút ra được. Tuy nhiên hôm qua ở Hà Nội mưa lớn quá, các đội đều phải lo bảo quản robots."
Thầy Hùynh Văn Kiểm thuộc Đại học Bách Khoa Tp Hồ Chí Minh cũng có ý kiến: "Theo tôi đây không phải là cuộc thi đấu mà là một cuộc chơi. Tuy nhiên cũng cần phải có phần thưởng lớn hơn; nhưng cũng đừng vì giải thưởng mà có suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Vừa chơi vừa có thể 'phiêu lưu' là điều đáng nói."
Được biết tham dự giải Vô địch Robocon châu Á - Thái Bình Dương 2007, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam có 19 đội của 18 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Robocon là cuộc thi do Hiệp Hội Phát thanh và truyền hình Châu Á- Thái Bình Dương, gọi tắt là ABU, tổ chức. Sự kiện diễn ra hằng năm này khởi sự từ năm 2002. Mục tiêu nhằm khích lệ khả năng sáng tạo và sử dụng công nghệ của sinh viên các trường đại học, cao đẳng thuộc các nước Châu Á- Thái Bình Dương.
Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chuơng trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.