Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kinh doanh ngày nay

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào tháng 7 vừa qua, một tổ chức phi chính phủ mang tên International Finance Corporation, trụ sở ở Washington D.C, Hoa Kỳ đã xuất bản một tài liệu mang tên Voices of Vietnamese Women Entrepreneurs, xin tạm dịch Tiếng Nói Của Các Nữ Doanh Nhân Việt Nam.

VuthiTuHang200.jpg
Bác sĩ Vũ thị Tư Hằng, chủ nhân bệnh viện tư Bình Dân ở Đà Nẵng. Hình của Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Theo nghiên cứu của tổ chức này thì càng ngày, vai trò của các phụ nữ trong kinh doanh càng trở nên quan trọng và đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những sự thành công của họ, vẫn có những sự cản trở khó có thể vượt qua. Trang Phụ Nữ kỳ này xin dành để nói đến vai trò của họ trong kinh doanh qua lời tâm sự của một số chị em.

Một vài nữ doanh nhân tiêu biểu

Từ trước đến nay, một số người vẫn cho rằng phụ nữ thường chỉ có khả năng kinh doanh nhỏ như mở tiệm may, buôn bán đồ tạp hoá, trông coi các cửa tiệm nữ trang, v..v.. Nhưng trên thực tế, hiện nay ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của xã hội, một số các công ty lớn, vốn đầu tư hàng tỉ đồng, là do các phụ nữ làm chủ.

Chẳng hạn, công ty thực phẩm Thuận Phát, chủ nhân là bà Trương Lan Anh, vốn đầu tư hơn nửa triệu đô la, công ty xuất khẩu hải sản Phú Thạnh, chủ nhân là bà Phan Thị Minh Tuệ, hàng năm, tổng giá trị xuất khẩu khoảng 4 triệu đô la.

Ngoài lãnh vực thực phẩm, có người còn mở bệnh viện tư và trở thành người tiên phong trong lãnh vực này như bác sĩ Vũ thị Tư Hằng, chủ nhân bệnh viện tư Bình Dân ở Đà Nẵng, hàng năm, thu nhập của bệnh viện khoảng gần nửa triệu đô la. Vào đầu năm nay, bác sĩ Tư Hằng đã khai trương thêm bệnh viện tư thứ hai của mình với hy vọng thu nhập trong năm đầu sẽ là 2 triệu đô la.

Khó khăn về thời gian vì phụ nữ phải mất thời gian sinh đẻ, nuôi con cái, ít nhất là 10 năm. Thời gian đó không được học hành và phấn đấu vươn lên. Vì vậy, nam giới họ tiến hơn phụ nữ tới 10 năm. Về mặt sức khoẻ thì nam giới lợi hơn mình, và chất thép thì cao hơn. Mặc dù là bệnh viện tư, hoạt động 10 năm qua, nhưng đứng về góc độ kinh doanh thì cũng vẫn thua nam giới về mặt sức khoẻ.

Vừa rồi chỉ là một vài nữ doanh nhân tiêu biểu mà trong khuôn khổ của chương trình, Phương Anh xin giới thiệu đôi nét về họ. Theo tài liệu nghiên cứu của tổ chức International Financial Corporation, thì tất cả 473 nữ doanh nghiệp ở Việt Nam mà họ đã phỏng vấn đều tin rằng cho đến bây giờ, nam giới vẫn có ưu thế hơn phụ nữ trong vấn đề kinh doanh, nhất là về thời gian như bác sĩ Vũ thị Tư Hằng, chủ nhân bệnh viện Bình Dân ở Đà Nẵng phát biểu:

“Khó khăn về thời gian vì phụ nữ phải mất thời gian sinh đẻ, nuôi con cái, ít nhất là 10 năm. Thời gian đó không được học hành và phấn đấu vươn lên. Vì vậy, nam giới họ tiến hơn phụ nữ tới 10 năm. Về mặt sức khoẻ thì nam giới lợi hơn mình, và chất thép thì cao hơn. Mặc dù là bệnh viện tư, hoạt động 10 năm qua, nhưng đứng về góc độ kinh doanh thì cũng vẫn thua nam giới về mặt sức khoẻ.”

Nhưng theo chị, dù vậy, phụ nữ vẫn có được chút lợi thế phần nào vì: "Bù lại, phụ nữ thì lại cần cù hơn, siêng năng hơn, phát triển một cách chắc chắn, có ưu điểm là cần cù, chịu khó hơn nam giới. Tính tình lại dịu dàng hơn nên dễ đối ngoại trong kinh doanh, có lợi hơn nhiều."

Riêng đối với chị Nguyễn thị Bình, một nhà khoa học, nay là chủ nhân của Công Ty Hạt Giống Đông Tây ở Việt Nam, trụ sở ở Hóc Môn, thì cho rằng:

“Là một nhà khoa học, ra doanh nghiệp thì phải học rất nhiều, không phải chỉ là nghiên cứu không mà phải ứng dụng để làm cho ra được sản phẩm, để có tiền nuôi nhân viên và đầu tư tái trở lại cho việc nghiên cứu và để làm được chuyện đó rất khó.”

Tự tin vào sức mình

Theo chị, điều làm cho các phụ nữ thành công trong thương trường là biết đi tìm “con đường chánh đạo”, và nhất là phải biết tự tin vào sức của mình, chị nói:

“Trong thiền, nó có cái chánh đạo, làm doanh nghiệp hay làm bất cứ cái gì đều phải tìm cho được cái chánh đạo của mình là cái gì. Vì dụ như doanh nghiệp nghiên cứu về giống của mình, thì chánh đạo là làm “chất lượng” vì giống rất quan trọng đối với nông dân. Những doanh nghiệp thành đạt thì thường đi đúng vào con đường của mình, họ focus vào chính sản phẩm của mình.

Có một điều là tôi rất tự tin vào kiến thức của mình. Thí dụ như khi ra làm, thì tôi nghĩ là tại sao người ta ở ngoài, người ta cạnh tranh được, còn tại sao mình ở trong nước mình mà mình không cạnh tranh được? Cái đó là điểm mấu chốt, vì cái gì mình cũng sợ thì đâu làm được cái gì nữa…

Nhất là về nông nghiệp, mình ở trên đất của mình thì mình sẽ hiểu đất của mình, sẽ hiểu khách hàng của mình, tức là nông dân, người ta như thế nào, trình độ canh tác của người ta tới đâu. Khi mình hiểu, mình có ý định phục vụ người ta, mình sẽ biết làm thế nào để vừa ý người ta hơn. Vấn đề khác nữa là mình phải học thêm, phải khai thác thế nào để mình làm…Cái khó là phải biết cách học, phải biết từ cấp thấp rồi mới lên cấp cao được.”

Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm về kinh nghiệm của chị trong những năm tháng kinh doanh, chị tâm sự:

“Bài học thì rất nhiều bài học, nhưng có một bài học lớn nhất là đừng tự ti, và cũng đừng tự phụ. Đừng tự ti là mình thấy mình nghèo nên không dám cạnh tranh. Và cũng đừng tự phụ là nước mình rừng vàng bể bạc, hay là cần cù…nếu mình dựa vào đó cũng được nhưng phải phối hợp hai cái, nước mình có giầu, thiên nhiên có ưu đãi đến đâu chăng nữa mà không có kiến thức thì cũng không làm được cái gì…”

Cũng theo ý kiến của chị, từ ngày xưa, phụ nữ đã có một vai trò quan trọng trong kinh doanh, nhưng vì tập quán của Việt Nam, nên lúc nào cũng muốn mình chỉ đứng phía sau tham gia, chị nói:

“Do văn hoá của mình nên phụ nữ lúc nào cũng đẩy đàn ông ra trước, mặc dù việc làm của phụ nữ nhưng do sự hy sinh của phụ nữ, nên không “show” ra. Từ trước đến nay, vai trò của phụ nữ không thay đổi…Văn hóa của mình, giáo dục người phụ nữ rằng làm vì sự nghiệp của chồng con. Việt nam có câu “Đằng sau sự nghiệp thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng của một người phụ nữ” chứ không bao giờ đàn ông thành công một mình cả.”

Phải biết nắm lấy cơ hội

Có nhiều bài học trong kinh doanh, nhưng đối với Alan thì quan niệm rằng muốn thành công thì phải tạo cho mình một giấc mơ và mình biến giấc mơ thành hiện thực. Khi thành hiện thực rồi thì có những cái thúc đẩy mình làm. Khi mình bước ra làm kinh doanh thì nắm bắt được những cơ hội tốt và phát triển nó. Làm cái gì cũng vậy, mình phải tin tưởng, sớm hay muộn thì nó sẽ phát triển.

Cô Alan Dương, 30 tuổi, chủ nhân cửa hàng trang trí nội thất Moisaque Living Room nổi tiếng ở Hà Nội, xuất khẩu hàng trang trí cho các công ty tầm cỡ quốc tế như Neiman Marcus ở Hoa Kỳ, Shanghai Tang ở Hồng Kông…cũng đồng quan điểm và cho rằng

“Alan tiếp cận với nhiều phụ nữ thành công đóng vai trò quan trọng trong kinh tế, nhận thấy rằng, ngày xưa, chỉ có lác đác khoảng 1, 2% nhưng bây giờ thì 5, 10, 20 % phụ nữ xuất hiện. Vai trò của phụ nữ ngày xưa hay bây giờ thì cũng vậy thôi, chẳng qua là ngày xưa người ta chưa được ghi nhận, đến bây giờ thì khác đi một chút, họ đi vào thế giới của người đàn ông hơn, lãnh vực kinh doanh nhiều hơn, được ghi nhận hơn vì xã hội mở cửa.”

Mặt khác, cô quan niệm rằng điều tất yếu để thành công trong thương trường là phải biết nắm lấy cơ hội và phát triển nó, cô nói:

“Có nhiều bài học trong kinh doanh, nhưng đối với Alan thì quan niệm rằng muốn thành công thì phải tạo cho mình một giấc mơ và mình biến giấc mơ thành hiện thực. Khi thành hiện thực rồi thì có những cái thúc đẩy mình làm. Khi mình bước ra làm kinh doanh thì nắm bắt được những cơ hội tốt và phát triển nó. Làm cái gì cũng vậy, mình phải tin tưởng, sớm hay muộn thì nó sẽ phát triển.”

Tuy nhiên, cô cũng cho rằng, những nữ doanh nhân thành công cũng sẽ bị thiệt thòi nhiều về khiá cạnh tinh thần, vì:

“Vì quá bận việc bên ngoài nên không có nhiều thời gian để chăm sóc những người thân của mình hay có thời gian với gia đình. Cho nên, mình phải điều hoà giữa cuộc sống cá nhân và công việc, phải điều tiết một cách cân bằng. Có những người phụ nữ thành công trong xã hội bây giờ lại nghĩ là kém may mắn hơn những phụ nữ bình thường.

Đối với Alan, khi còn trẻ, mình đặt công việc lên hàng đầu, nhưng về lâu dài, thì gia đình vẫn phải là hàng đầu vì nếu không có gia đình hạnh phúc, thì mọi thứ làm được sẽ đều là con số không, vì tiền bạc không đem lại hạnh phúc.”

Thưa qúi vị và các bạn, một điều không thể phủ nhận được rằng số lượng phụ nữ Việt Nam ngày nay đã và đang góp mặt trên thương trường ngày càng nhiều và hầu hết đều đạt được sự thành công đáng kể. Nhưng bên cạnh đó, họ vẫn còn gặp ít nhiều trở ngại khác như không có thời gian chăm sóc gia đình và con cái, thiếu mạng lưới hỗ trợ.

Đa số đều phải kiên nhẫn, chịu khó, tự mày mò học hỏi một mình, tự tìm ra phương án phát triển cho sự nghiệp của riêng mình, để từ đó, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Đó là điểm son rất đáng quí của họ, phải không thưa quí vị và các bạn? Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn vào kỳ sau.