Hôn nhân “sống thử” của sinh viên Việt Nam ngày nay
2006.11.07
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Sự tiến bộ của xã hội Việt Nam ngày nay,đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân rất nhiều, nhất là quan niệm về tình yêu trong giới trẻ. Ở thôn quê, gia đình nào cũng cố gắng dành dụm để cho con lên thành phố tiếp tục ăn học. Những sinh viên này vì xa nhà, cô đơn, lại mới lần đầu tiếp cận với cuộc sống ở đô thị và có lẽ vì không có sự quản lý của cha mẹ nên dễ dàng hơn trong tình cảm.
Vì thế, từ chuyện góp gạo thổi cơm chung, dần dà dẫn đến chuyện sống như vợ chồng chỉ là một bước ngắn. Trong thời gian gần đây, tình trạng này càng ngày càng phổ biến nhiều hơn, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hiện tượng này được giới sinh viên gọi là “tình yêu sống thử”. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin dành để nói về việc trạng này.
Chuyện không đơn giản
Theo lời của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, hiện là giảng viên trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, và cộng tác với một số trung tâm tư vấn, thì trong một cuộc khảo sát bỏ túi tại TPHCM trong giới sinh viên do ông thực hiện vào năm 2005 vừa qua, số sinh viên đang “sống thử” khoảng 5%. nhưng hiện tượng này càng ngày càng lan rộng. Ông cho hay: “Thời điểm sau những năm 1990, thì ở VN có hiện tượng mà người ta gọi là tình yêu “ bếp dầu”. Bắt đầu thì nấu cơm chung, rồi gần nhau, đến lúc đó thì có sự chung sống. Tuy nhiên, nếu nói là sống thử và nhiều là bắt đầu khoảng sau năm 2000.
Đa phần là những em này là ở dưới tỉnh lên thành phố vì các em ở thành phố thì có sự kiểm soát của gia đình rồi. Xa nhà thì trống vắng, cô đơn, lạc lõng nên họ đến với nhau… Và họ đến với nhau thì nghĩ đơn giản thôi, để chia xẻ niềm vui nỗi buồn. Lúc đầu, họ cũng không nghĩ tạm ứng cho nhau về mặt tình dục đâu, nhưng dần dần họ quyết định kiểu “sống thử.””
Cũng có quan niệm cho rằng, chuyện sống thử cũng có lợi vì sau một thời gian tìm hiểu, chung sống với nhau, nếu không hợp thì chia tay, đường ai nấy đi. Thậm chí, có bạn còn cho rằng, đã sống trong thế kỷ 21, chuyện sống thử như vợ chồng là điều bình thường. Thế nhưng, điều này thật không đơn giản, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói tiếp:
“Tôi cho rằng những sinh viên sống thử đều không có lợi mà toàn là hại bởi vì tương lai, việc làm…Điều nữa là khi sinh viên quyết định sống thử thì họ bị áp lực nhiều thứ, chẳng hạn như họ không biết vấn đề tránh thai, có thai ngoài ý muốn, bản thân người nam cũng bị áp lực và người nữ cũng bị áp lực, rồi phải đi tự giải quyết. Sinh viên mà, cho nên đời sống tự chăm sóc cho mình còn hạn chế…
Thời điểm sau những năm 1990, thì ở VN có hiện tượng mà người ta gọi là tình yêu “ bếp dầu”. Bắt đầu thì nấu cơm chung, rồi gần nhau, đến lúc đó thì có sự chung sống. Tuy nhiên, nếu nói là sống thử và nhiều là bắt đầu khoảng sau năm 2000.
Cái hại không chỉ xảy ra về mặt sức khỏe mà còn xảy ra về mặt tinh thần, điều này ai cũng nhận thấy. Có những trường hợp chúng tôi tiếp cận thì biết có những sinh viên phải bỏ học luôn, họ không thể nào tiếp tục sống ơ thành phố nữa vì người yêu đã phụ.
Hoặc một mình cô ấy phải đi phá thai, trong khi đó thì anh chàng kia vẫn tiếp tục đi học bình thường và từ chối trách nhiệm. Cũng có những trường hợp có sinh viên chấp nhận sống chung với bạn gái, nhưng tiêu xài càng lúc càng lớn, và lại đua đòi, tìm mọi cách để có tiền…Đó là những hậu quả hết sức tai hại.”
Hai mặt của vấn đề
Để tránh sự phiền trách của cha mẹ, các cặp sinh viên sống thử thường mướn hai phòng, nhưng chỉ ở một phòng mà thôi, phòng tránh cha mẹ bất ngờ từ quê lên thăm. Đó là chưa kể tình trạng nam sinh viên thuê phòng trọ ở ngoài, và nữ sinh viên ở trong ký túc xá, nhưng hầu như đến chăm nom và săn sóc mỗi ngày cho nam sinh viên.
Để tìm hiểu ý kiến của các bạn sinh viên về việc “sống thử” như thế nào, Phương Anh đã liên lạc với một số bạn sinh viên ở TPHCM và Hà Nội. Bạn Cường, hiện là sinh viên trường Khoa Học Xã Hội Nhân Văn cho biết:
“Theo em thì việc sống thử ở sinh viên không tốt lắm, không phù hợp với truyền thống ở Việt Nam. Bởi vì việc sống thử như thế phát sinh nhiều vấn đề lắm, và không thể lường trước những hậu quả, và tuổi của sinh viên, thanh niên thì trang bị một số kiến thức rất hạn hẹp, nên phát sinh nhiều vấn đề, nó sẽ ảnh hưởng tới việc học.”
Một bạn sinh viên trường Đại Học Sư Phạm TPCHM thì cho rằng các sinh viên ngày nay đều có quyền tự do lựa chọn lối sống cho riêng mình. Việc sống thử chẳng qua là cũng để tiết kiệm trong chi phí hàng ngày, nhưng cũng có mặt trái của nó, và dĩ nhiên sẽ trái với đạo đức của Việt Nam. Anh nói:
“Theo em sống thử là quan điểm của cá nhân mỗi người. Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, mặt tốt và xấu. Theo quan điểm của người Á Đông nói chung phải tôn trọng thuần phong mỹ tục, không nên làm trái những gì được coi là chuẩn mực đạo đức.”
Theo em sống thử là quan điểm của cá nhân mỗi người. Vấn đề nào cũng có hai mặt của nó, mặt tốt và xấu. Theo quan điểm của người Á Đông nói chung phải tôn trọng thuần phong mỹ tục, không nên làm trái những gì được coi là chuẩn mực đạo đức.
Một bạn nữ sinh viên trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội thì lại đồng tình với chuyện “sống thử” nhưng lại cho là hãy nên chờ đến những năm cuối của thời sinh viên thì tốt hơn. Vì lúc ấy, dẫu sao đã tìm hiểu một thời gian và sau khi sống thử, học xong, ra trường, có công ăn việc làm thì sẽ tính tới chuyện hôn nhân. Cô nói:
“ Em nghĩ là có thể có tình cảm phát triển nhưng mà em nghĩ là sau chừng độ một hai năm học, tức là năm thứ ba trở lên thì có thể như thế được, nhưng nếu mới năm thứ nhất, thứ hai, thì không nên như thế!”
Riêng bạn Hoàng Anh, đang theo học tại trường Đại học Kinh Tế, thì cho biết rằng chuyện sinh viên sống thử đã có từ lâu và trở thành chuyện bình thường trong giới sinh viên. Cô cho hay:
“Chuyện này em thấy cũng hơi nhiều. Bây giờ có một số sinh viên bồ với nhau và sống thử với nhau rồi người ta mới cưới nhau. Theo em người Á Đông thì không nên, phương Tây thì họ khác. Họ sống với nhau trong một thời gian, học xong thì họ chia tay. Em không đồng tình lắm cho quan niệm này, có lẽ tại em “cổ lỗ sĩ”, nhưng em thấy cò thời gian tìm hiểu thì vẫn hay hơn, sống thử trong một thời gian rồi chia tay thì không hay lắm.”
Tình yêu và hôn nhân
Trở lại với tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, ông cho hay, hiện nay, tại các trường đại học, đã thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện về giới tính, giáo dục về tình dục và sinh sản…Đây cũng là điều giúp cho các bạn sinh viên có thêm kiến thức trong cuộc sống, nhất là tình yêu và hôn nhân. Nhân đây, tiến sĩ Sơn cũng cho biết ý kiến về việc nên hay không nên “sống thử” với các bạn sinh viên. Ông nói:
“Người ta nói trong tình yêu phải có niềm tin, phải có sự an toàn thì người ta mới chung sống với nhau. Khi chưa có niềm tin và an toàn mà mình tạm ứng thì rất nguy hiểm. Trong cuộc sống, nếu mất niềm tin thì mất tất cả. Nếu mình gặp một người đàn ông đã phụ tình rồi, nếu gặp một người khác thì chúng ta cũng sẽ không còn tự tin. Đó là yếu tố về tâm lý.
Ở phương Tây người ta “sống thử” để người ta thiệt, còn mình là thử để mà “thử” thì không nên. Thử mà không cảm thấy an toàn, thử mà không thể tiến tới thì thử làm gì
Điều thứ hai nữa là những biến cố xảy ra trong đời sống “sống thử” nó quá mạnh, mạnh đến mức nó là một ấn tượng khó phai, nên trong cuộc sống mình rất khó tìm được một chỗ nào thế vào chỗ đã mất, nếu cuộc chung sống đó không thành.
Điều thứ ba nữa, là khi chúng ta sống thử như thế, chưa có gì gọi là bảo đảm, nói đúng hơn là không có gì ràng buộc cả, về đạo đức, về luân lý, về dư luận, về luật pháp cũng không. Đó là điều rất nguy hiểm. Còn về mặt tâm lý của phụ nữ người ta vẫn cần một bến đỗ.”
Ngoài những hậu quả tai hại về tâm lý, chuyện sống thử còn dẫn đến tệ nạn phá thai ngày càng tăng ở các bệnh viện phụ sản. Các chuyên gia tâm lý đã khẳng định rằng quan hệ như thế sẽ làm cho nữ giới thiệt thòi rất nhiều, nhất là khi lỡ có thai và phải đi nạo thai, không những ảnh hưởng về tâm lý mà còn liên quan đến vấn đề sức khoẻ.
Mặc dù dư luận không hoan nghênh và rất nhiều các chuyên gia tâm lý lên tiếng về chuyện này nhưng việc sống thử trong sinh viên vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Tóm lại, việc sống thử đang là mối nguy hại cho giới sinh viên ngày nay, nó trái ngược hẳn với truyền thống Á Đông của Việt Nam từ trước đến nay, như lời của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn than thở:
“ Ở phương Tây người ta “sống thử” để người ta thiệt, còn mình là thử để mà “thử” thì không nên. Thử mà không cảm thấy an toàn, thử mà không thể tiến tới thì thử làm gì!”
Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin chấm dứt nơi đây. Mong rằng quí thính giả, nhất là các bạn trẻ sẽ rút ra bài học nho nhỏ cho chính mình trước khi quyết định chọn tình yêu sống thử. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp qúi vị trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Nhóm bạn trẻ H.A.T. và các hoạt động từ thiện
- Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam
- Con số học sinh bỏ học tại vùng ĐBSCL gia tăng
- Ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học
- Trung tâm La Strada - nơi giúp đỡ nạn nhân bị buôn người ở Ba Lan
- Báo chí Việt Nam và chuyện bên lề cuộc thi Hoa hậu Thế giới
- Sự nhầm lẫn đáng tiếc của Học Viện Quan Hệ Quốc Tế
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Nghi vấn gian lận trong kỳ thi tú tài