Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong những ngày đầu năm học, báo chí đều loan tin tình trạng sách giáo khoa khan hiếm. Bức xúc nhất là lời tuyên bố của người đứng đầu bộ phận độc quyền in ấn sách giáo khoa, cho đó là "chuyện bình thường". Lê Dân tìm hiểu thêm sự việc và trình bày như sau.

Trong buổi tiếp xúc với báo chí hôm 31 tháng Tám, ông Ngô Trần Ái, giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục, cơ quan độc quyền biên soạn và ấn hành sách giáo khoa cho cả nước, đã giải thích là thiếu sách giáo khoa là bình thường, năm nào cũng có xảy ra.
Gánh nặng cho gia đình
Tình trạng thiếu sách giáo khoa cho năm học mới được ghi nhận tại nhiều địa phuơng trên cả nước, đặc biệt tại một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Phát hành sách tại đây cho biết tình trạng diễn ra lâu nay nhưng năm nay khan hiếm nghiêm trọng bất thường. Tại khu vực miền Trung tình hình đã diễn ra cả tháng nay.
Một trong những lọai đang hiếm nhất là là sách lớp 12. Sách giáo khoa hiện nay vẫn thuộc độc quyền xuất bản của Nhà xuất bản Giáo Dục. Tình trạng thiếu sách lớp 12 năm nay được lý giải là do chương trình cải cách đã áp dụng đến lớp 11 vào năm học 2007 - 2008. Bộ sách lớp 12 năm nay là bộ sách cũ cuối cùng, chỉ còn dùng trong một niên khóa, do vậy đơn vị xuất bản đã in dè dặt vì lo ngại sách sẽ bị tồn đọng.
Tuy nhiên lý đó không đứng vững vì không riêng gì sách lớp 12, mà tình trạng thay sách liên tục kéo dài đã mấy thập niên qua đã là một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một phụ huynh bức xúc nhận xét:
“Hiện nay vấn đề thay sách, nước mình nghèo mà lại thay sách quá nhiều. Cứ mỗi năm mỗi sửa, bổ sung miết, làm cho số người nghèo bắt buộc phải mua sách. Sách người anh học rồi không để lại cho người em học được.”
Hiện nay vấn đề thay sách, nước mình nghèo mà lại thay sách quá nhiều. Cứ mỗi năm mỗi sửa, bổ sung miết, làm cho số người nghèo bắt buộc phải mua sách. Sách người anh học rồi không để lại cho người em học được.
Hầu như tất cả các quốc gia thịnh vượng như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore....không có nước nào xài "sang" như Việt Nam là mỗi năm in mới tòan bộ sách giáo khoa các cấp. Nhiều sách giáo khoa Vật lý, Hóa học của các nước dùng cả chục năm mà vẫn có giá trị. Vậy đâu là nguyên do của tình trạng "xài sang" về sách giáo khoa Việt Nam ?
Theo số liệu thống kê do báo chí Việt Nam thu thập được thì tính tới cuối năm 2006, toàn bộ sách giáo khoa các cấp của Việt Nam in ra đạt 280 triệu cuốn. Con số khổng lồ đó giúp cơ quan nhà nước độc quyền in ấn sách thu về 3,800 tỷ đồng, thu lợi nhuận ít nhất là 240 tỷ đồng.
Độc quyền sách giáo khoa
Trong một lần trao đổi với chúng tôi trước đây, tiến sĩ Ngô Như Bình, người được đại học Harvard mời sang giảng dạy, cũng từng nhận xét rằng:
“Đương nhiên chuyện độc quyền sách giáo khoa là một trong những vấn đề lớn của nền giáo dục Việt Nam trong thời gian vừa qua. Đương nhiên là phải bỏ chuyện độc quyền, phải để cho giáo viên các trường phổ thông trung học, từ cấp dưới lên cấp trên, cấp dưới còn có thể cần ràng buộc, nhưng càng lên cấp cao hơn thì giáo viên càng phải được tự do lựa chọn những sách giáo khoa, giáo trình mà mình sử dụng trong lớp.”
Khi tiếp xúc với báo chí hôm 31 tháng Tám, ông Ngô Trần Ái, giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục, vốn xuất thân là giáo viên Sinh Vật ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, cũng không phải là người xa lạ với chuyện sách giáo khoa, đã đổ lỗi cho việc khan hiếm sách năm nay là ở khâu phát hành.
Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thuận, tổng giám đốc Công ty Fahasa, nhận định với báo chí rằng "tình trạng không cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh trong điều kiện Nhà xuất bản Giáo Dục đang độc quyền việc xuất bản là lỡi của nhà xuất bản, chứ không do nhà phát hành”.
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng do tình trạng độc quyền sản xuất sách giáo khoa mới dẫn đến hậu quả tiêu cực lâu nay. Từ bao năm qua có không ít ý kiến xoay quanh vấn đề sách giao khoa được đưa ra. Từ chuyện nội dung không phù hợp, thiếu chính xác, có khi sai sót trầm trọng, đến giá cả, số lượng phát hành....Một vị phụ huynh học sinh ở Sàigòn than vãn:
Chương trình giáo dục đã có rất nhiều cái gọi là thay đổi, cải cách. Mà cuối cùng cứ đi lòng vòng, không bao giờ đi đến đích.
“Chương trình giáo dục đã có rất nhiều cái gọi là thay đổi, cải cách. Mà cuối cùng cứ đi lòng vòng, không bao giờ đi đến đích.”
Nét mới nhất năm nay về vấn đề sách lại là giá cả. Tin nói là nhiều bậc phụ huynh vẫn trả tiền sách theo giá bìa mà không biết giá sách đã được giảm 5%theo chỉ thị của bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ trung tuần tháng 8 vừa qua, Bộ đã có công văn yêu cầu Nhà Xuất bản Giáo dục tính tóan để hạ giá sách xuống từ 5 đến 10%.
Đến tuần qua, thì cơ quan này nói là đã yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện quyết định giảm giá sách. Đến ngày hôm qua, thì đa số các nhà sách tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh vẫn không niêm yết giá sách đã hạ.
Nhận xét về "chuyện dài sách giáo khoa Việt Nam" một giáo chức, từng là đồng nghiệp của ông giám đốc Nhà Xuất bản Sách Giáo khoa thuộc bộ Giáo dục, nhận xét chua chát rằng:
“Sự độc quyền của bộ Giáo dục trong vấn đề in ấn sách giáo khoa, hay soạn thảo sách giáo khoa có nhiều bất cập lắm rồi. Nhiều người đã nhắc tới vấn đề này là vừa lãng phí, vừa tạo ra nhiều tiêu cực.”
Để tạm kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của một vị tiến sĩ Tóan trong nước, được Hoa Kỳ mời sang giảng dạy tại đại học Boston mới đây trả lời báo chí khi ông về thăm Hà Nội, rằng "nếu có quyền thì ông sẽ thay đổi rất nhiều thứ".