Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Tuổi Trẻ online mới đây đăng bài mang tự đề “Bảo hiểm y tế tự nguyện. Ai cũng than phiền”. Báo này cũng trích dẫn lời ông Bùi Đức Tráng, phó giám đốc bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng, những bức xúc của đại biểu hội đồng nhân dân đặt ra, chưa gay gắt bằng phản ứng của người dân đối với việc làm của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Vì sao dân chúng than phiền và có phản ứng mạnh đối với dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện? Xin mời quý vị nghe thêm chi tiết qua phần trình bày của Đỗ Hiếu, kèm với lời phát biểu của hai công nhân từ Saigon về vấn đề này.
Phần đông người tham gia vào chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện là dân nghèo và thường lên tiếng kêu ca về mức chi phí đóng góp để mua thẻ y tế tự nguyện với giá quá cao và cứ tăng dần trong thời gian tới.
Theo các báo thì sự đau khổ nhất và nỗi âu lo chồng chất trước mắt của người dân hiện giờ là những người từng tham gia chương trình bảo hiểm y tế từ nhiều năm qua theo diện cơ quan hay đoàn thể, nhưng từ đây sẽ không còn được mua bảo hiểm y tế tự nguyện nửa, mà phải chờ cho đủ 10% số dân trong khu phố, phường xã, ấp, quận lúc ấy mới được giải quyết tập thể .
Bà Hiền, một công nhân ở Gia Định cho phóng viên đài chúng tôi biết những khó khăn trước mắt, vì tiền đóng để mua bảo hiểm tự nguyện cứ tăng mãi, người dân đã nghèo khó, rổi đây lại càng chật vật hơn.
Dịp này bà cũng so sánh về quyền lợi của những người được hưởng chương trình y tế bắt buộc do cơ quan đài thọ chi phí, so với sự đối đải dành cho bệnh nhân tự bỏ tiền túi mua thẻ bảo hiểm tự nguyện.
Theo ông Bùi Đức Tráng, phó giám đốc bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh thì, trước đây tại thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 300 ngàn người tham gia chương trình y tế tự nguyện, nhưng đến nay chỉ còn 500 người tham gia.
Mặt khác, bà Hương phó chủ tịch ủy ban nhân dân Tân Bình cũng nói rằng, việc thực hiện chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện hiện nay rất khó khăn, vì vào những năm trước người dân tham gia đông đảo, nay thì con số đó chẵn còn bao nhiêu và không đủ 10% theo điều kiện quy định để được mua bảo hiểm từ tiền túi của riêng mình.
Khi được hỏi về sự khác biệt giữa hai loại bảo hiểm tự nguyện và bắt buộc, ông Nam, một công nhân ở quận Bình Thạnh giải thích với đài ACTD chúng tôi như sau.
Ông Nam cũng trình bày về những thủ tục phức tạp và nguyên tắc rắc rối mỗi khi cần đến sự can thiệp và bồi hoàn chi phí sau khi bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe, hay vừa trải qua một ca giải phẩu, như bản thân ông đã gặp cảnh đó.
Tại cuộc họp của hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới đây, các đại biểu cũng phát biểu rằng, dân chúng kêu ca về mức chi phí tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện quá cao, các đối tượng nghèo không làm sao có đủ số tiền lớn một lần, để mua bảo hiểm y tế tự nguyện được. Việc chi trả còn gây lắm phiền hà cho người bệnh hoạn vì phải chời đợi quá lâu.
Chuyện bất hợp lý đó đã được ông Nam xác nhận trong cuộc trao đổi với phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi. Ông cũng nói thêm rằng, người dân trong nước không mấy tin tưởng vào bất cứ chương trình bảo hiểm y tế, xã hội nào mà nhà nước chủ trương.
Được biết, một số bệnh viện như Từ Dũ, Ung Bướu, Gia Định, Bình Thạnh, Hóc Môn, Củ Chi cũng thường than phiền về quy định thủ tục quyết toán bảo hiểm y tế chậm trể, nhiêu khê và rất phức tạp, gây khó khăn thêm cho công tác chữa trị, vì đã thiếu nhân viên, với số bệnh nhân quá tải, nay còn phải dành thời giờ và nhân lực cho công tác kế tóan vô lý ấy.
Về chuyện khó tin nhưng có thật thì báo chí cũng đưa ra thí dụ cụ thể khi nói rằng, bệnh nhân bị ung thư mà cần phải chờ cho đủ 36 tháng mới được huởng 50% thuốc ung thư ngoài danh mục là bất công và vô lý. Ba năm sau bệnh nhân ung thư mới được huởng thuốc đặc trị thì còn mấy ai sống sót, thưa quý vị có trách nhiệm về y tế và xã hội.