Ngân hàng Phát triển Á châu khuyến cáo chất thải phải được xử lý ngay từ gốc


2006.05.23

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong thời gian qua có rất nhiều hội thảo quốc tế diễn ra, cảnh báo về hiểm họa thiếu nước dùng, mà nguồn nước sẵn có lại bị phung phí do ô nhiễm. Lê Dân tìm hiểu thêm về sự kiện này và trình bày một cố gắng của nước ngoài giúp Việt Nam về phương diện cung cấp nước dùng cho dân.

SaigonRiver200.jpg
Sông Sài Gòn. AFP PHOTO

Hôm thứ Năm, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết hiện nay có khoảng 60% dân số được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nhưng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn thì chỉ có 20% dân số Việt Nam được hưởng mà thôi.

Không chỉ riêng Việt Nam

Khó khăn này không chỉ riêng Việt Nam mới phải chịu. Hồi đầu tháng, tại Hội nghị Thượng đỉnh Á châu-Thái Bình Dương về Môi trường do Ngân hàng Phát triển Á châu ADB tổ chức tại thành phố Melbourne ở Úc, chuyên gia Kallidaikurichi Seetharam cảnh báo rằng vào năm 2015 toàn khu vực sẽ không còn có thể cung cấp đủ nước dùng cho dân số của họ, nếu không kiên quyết đối phó và chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Số liệu về người nghèo và người chết do thiếu nguồn nước sạch không ngừng gia tăng. Theo ông, nguồn nước sẵn có từ sông, suối, hồ ao của nhiều nước trong vùng từ nhiều thế kỷ qua đã bị ô nhiễm do thói quen của người sử dụng. Điển hình nhất là việc phóng uế xuống nước, như các loại cầu cá ở Nam Bộ.

Chuyên gia Seetharam cho rằng các chất thải của con người cần phải được triệt để xử lý ngay từ gốc và không để chúng hòa tan vào nước dùng. Phân người khó tiêu hủy hơn là phân thú vật và càng lâu hơn khi hòa vào nước. Do đó mà từng cộng đồng nên tiến hành xây dựng nếp sống mới, dùng cầu tự hoại.

Một vấn đề lớn khác cũng được nêu ra là chất thải công nghiệp. Trong một lần khảo sát khoa học mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số đo được ở các trạm sông Sàigòn, sông Đồng Nai đều không đạt tiêu chuẩn nước loại A dùng cho các nhà máy cấp nước, thậm chí còn vượt quá tiêu chuẩn loại B từ 1,7 đến 8,6 lần.

Ở các tỉnh tình hình cũng không khá hơn. Nhiều nhà máy vô tư hướng giòng nước thải ra sông rạch, bất chấp màu đen ngòm hôi thối. Cư dân quanh các nhà máy xay lúa còn chịu cảnh trấu trôi lềnh bềnh, gây ô nhiễm cả vùng rộng lớn. Một người dân Tân Châu cho biết: “Các doanh nghiệp không chuẩn bị tư thế để làm chỗ chứa cho kịp. Thành thử buộc phải xả thôi.”

Với con số do bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam mới đưa ra là có khoảng 60% dân số được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nhưng nước sạch theo đúng tiêu chuẩn thì chỉ có 20% dân số được hưởng mà thôi, thì vấn đề cung cấp đủ nước sạch để dân dùng xem chừng rất nan giải.

Xét cho cùng, tự thân các khu công nghiệp không có lỗi. Lý do là khi các dự án đầu tư của họ đệ nạp và được cấp phép, hệ thống xử lý nước thải bao giờ cũng là tiêu chí hàng đầu bắt buộc. Nhưng không hiểu vì sao rồi những khu công nghiệp, khu chế xuất tại nhiều tỉnh lại không áp dụng đúng mức ?

Điển hình như tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới có 5 trong tổng số 14 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng Nai thì còn kém hơn, chỉ 3 trong tổng số 17 khu công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải.

Quản lý không hiệu quả các nguồn vốn trợ giúp

Nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đã hết sức quan tâm đến nhu cầu thiết yếu này của Việt Nam. Điển hình như Ngân hàng Thế giới đã trợ giúp cả 100 triệu đôla cho chương trình cung cấp nước dùng cho Việt Nam, thế nhưng hiệu quả thì không cao, không khác mấy với các dự án ODA xưa nay. Một chuyên viên nước ngoài từ Hà Nội nhận xét. “Hai mươi phần trăm các dự án của Ngân hàng Thế giới không được quản lý tốt.”

Một trong những nước châu Âu quan tâm trợ giúp người Việt Nam đã đưa ra dự án cung cấp nước dùng cho cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long với 13 tỉnh thành. Sau khi thảo luận với phía chính phủ Việt Nam, con số này được thu lại còn 4 hoặc 5 tỉnh, lý do chủ yếu có lẽ là do ngân sách khá khiêm tốn là 20 triệu Euro, so với con số 100 triệu đôla của dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ thì không thấm vào đâu.

Tuy nhiên điểm mới là dự án không những giúp về xây dựng, mà còn giúp chính phủ Việt Nam về quản lý, độc lập hoàn toàn với phía cấp viện, để điều hành hiệu quả một công ty cấp nước. “Đây là một điểm khá mới mẻ để chính quyền thật sự độc lập tìm ra những cách áp dụng quản lý hiệu quả một nhà máy cấp nước.”

Bà cho biết thêm rằng đây chỉ là một dự án nhỏ nhằm cung cấp nước dùng cho những người chưa có khả năng tiếp cận và đặt cơ sở trên nhu cầu thật sự, chứ không chú trọng nhiều đến mục tiêu phát triển theo kế hoạch.

Đối với những bức xúc về việc nhiều dự án nước ngoài trợ giúp Việt Nam bị quan chức cấp cao rút ruột, bà cho biết đó là vấn nạn của Việt Nam và phải do người Việt Nam cùng chính phủ của họ giải quyết, trước khi những quốc gia bè bạn nản lòng.

Một người dân thôn quê ở đồng bằng sông Cửu Long dù rất mong muốn được hưởng nước dùng sạch sẽ, không ô nhiễm, nhưng vẫn tỏ ra thông cảm với những nỗ lực của nhà nước. “Thành thử ra mình thấy chánh quyền cũng hết sức là khổ, mà cũng không biết làm sao để giải quyết cái khâu này.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.