Giáo dục Giới Tính tại Hoa Kỳ


2007.11.06
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Tuần qua, mục Câu Chuyện Hàng Tuần đã đề cập đến việc giáo dục giới tính tại Việt Nam. Qua ý kiến của một số nhà chuyên môn, của phụ huynh và của chính các em học sinh, vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam vẫn còn hết sức xa lạ và xa rời thực tế.

BoyEducation150.jpg
Cậu bé đang nghe giảng bài ở trường ở Shishmaref, Alaska, hôm 27 -9- 2006. AFP PHOTO

Đây là một trong những nguyên nhân làm cho giới trẻ không biết tự kềm chế bản thân mình, dẫn đến việc quan hệ tình dục một cách bừa bãi. Đồng thời, tạo nên quan niệm tình dục một cách lệch lạc. Chính vì thế, hậu quả là càng ngày tình trạng phá thai càng cao và nguy hiểm hơn cả là lứa tuổi phá thai ngày càng nhỏ.

Trong khi đó, ở các nước phương Tây, nhất là ở Hoa Kỳ, việc giáo dục giới tính đã được chú ý và đưa vào hệ thống giáo dục từ lâu. Ngay ở bậc tiểu học, bắt đầu vào lớp 3, các em học sinh đã được các thầy cô giáo hướng dẫn một cách căn bản về giới tính. Trong chương trình hôm nay, Phương Anh mời quí vị nghe việc giáo dục giới tính cho học sinh tại Hoa Kỳ như thế nào?

Thái độ của phụ huynh

Trước hết, để tìm hiểu thái độ của phụ huynh và ngay chính các em học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ về giáo dục giới tính như thế nào, Phương Anh đã hỏi thăm em Phạm Nguyễn, đang theo học một trường trung học tại Houston, Texas, và được em cho biết:

“Lớp sexual education ( giáo dục giới tính) thì bắt đầu học ở high school, lớp đó là cho extra credit, để nếu cần ra trường sớm. Lớp đó không cần thiết, muốn lấy thì lấy.”

Theo lời em cho biết, có những học sinh muốn tự tìm hiểu thì chỉ việc đến thư viện của trường để đọc và lúc nào cũng có các chuyên gia giúp, em nói:

Vấn đề phái nam, phái nữ cũng là một vấn đề nên được nói đến trong học đường bởi vì cha mẹ phải lo kinh tế gia đình. Học đường đóng một vai trò rất quan trọng vì đa số thời gian trong ngày các em ở trường học.

“Vô thư viện để mượn sách và có các tutor (các giáo viên dậy kèm) sẽ hướng dẫn và giúp mình.”

Chị Thu Hằng, một phụ huynh có hai con đang theo học lớp 5 và lớp 7, cư ngụ tại Orange County, bang California, rất tán đồng việc giáo dục giới tính cho học sinh. Chị cho biết ý kiến:

“Vấn đề phái nam, phái nữ cũng là một vấn đề nên được nói đến trong học đường bởi vì cha mẹ phải lo kinh tế gia đình. Học đường đóng một vai trò rất quan trọng vì đa số thời gian trong ngày các em ở trường học.

Tuy nhiên, học đường cần phải cân nhắc các nội dung bài học và làm sao cho các em có ý niệm, khái niệm đúng đắn về quan hệ nam nữ, cần biết làm sao tránh những người lợi dụng về quan hệ tình dục, hiểu biết làm thế nào để tránh bệnh về tình dục.. vì đó là điều quan trọng nhất cho các em trong tương lai.”

Theo lời của cô giáo Nguyễn Bảo Vy, hiện đang dậy môn Sức Khoẻ tại trường Trung Học Andrew Hill ở San Jose, bang California thì:

“Ở Mỹ, khi các em học về giới tính thì bắt đầu học từ lớp 3, nhưng các em còn nhỏ nên chỉ dậy các em sự khác biệt giữa con trai và con gái, theo lứa tuổi của các em thì từ từ lên lớp 9 thì dậy nhiều hơn và có những điều cha mẹ không nói thì Vy sẽ dậy cho các em điều đó.

Khi bắt đầu dậy, thì gửi thư về nhà cho phụ huynh và nói với phụ huynh là sẽ dậy cho các em về chương trình giới tính. Phụ huynh có thể vô để coi xem lịch trình dậy cho các em như thế nào. Nếu cha mẹ không muốn con mình học thì mình có thể vô lấy tài liệu đó để mình về dậy cho con ở nhà và những ngày có bài thi trắc nghiệm thì các em sẽ vô lớp để lấy các bài thi đó.

Trong các giờ học đó, thì các em sẽ đi vô thư viện để làm những bài mà cha mẹ giao cho các em. Từ lớp 3 cho đến lớp 6 thì chia ra, con gái và con trai học riêng. Con trai học về bộ phận của con trai, con gái thì học về bộ phận của con gái, chứ không học chung. Đến lớp 7, lớp 8 thì đôi khi học chung, lớp 9 thì học chung với nhau.”

Khi được hỏi về thái độ của phụ huynh Việt Nam về việc các con em của mình tham dự lớp học về giới tính, cô giáo Bảo Vy cho biết rằng trong 9 năm giảng dậy, các phụ huynh gồm các sắc dân khác nhau, đều rất tán đồng việc giáo dục giới tính cho các em. Cô nói:

Các em phương Tây thì rất thoải mái và có những lúc hơi đi quá xa. Các em Việt Nam thì mắc cở và không muốn hỏi, nhiều khi trong gia đình, phụ huynh không muốn nói chuyện với các em. Nếu Vy không dậy các em thì các em sẽ tìm trên internet hay là trong sách báo.

“Trong suốt 9 năm qua, chưa một phụ huynh nào mà không muốn cho con em của mình ra khỏi lớp của Vy hết. Thường thường, lớp có từ 30 đến 35 em. Đó là lớp 9. Nhưng các em ở lớp 6, 7, 8 thì số học sinh khác, ít hơn.

Các học sinh là người Mỹ, người Mễ Tây Cơ, người Việt Nam, khi học cũng hơi mắc cở khi nói đến các vấn đề như các bộ phận trong người và các bộ phận đó có chức năng gì. Nhưng để tránh cho các em mắc cở thì có một hộp ý kiến, các em viết những câu hỏi bỏ trong hộp đó và cuối giờ học thì Vy mở hộp và trả lời cho các em.”

Thái độ của học sinh

Về phiá học sinh, theo lời cô cho hay, những em người Mỹ, người Mễ Tây Cơ thì rất thoải mái và tự nhiên trong việc học tuy có đôi chút xấu hổ. Trái lại, có lẽ xuất phát từ tập quán và quan niệm của người Việt, nên các em Việt Nam thường rất rụt rè và không có thái độ tích cực trong việc phát biểu ý kiến hay đặt câu hỏi trong giờ học. Cô nói:

“Các em phương Tây thì rất thoải mái và có những lúc hơi đi quá xa. Các em Việt Nam thì mắc cở và không muốn hỏi, nhiều khi trong gia đình, phụ huynh không muốn nói chuyện với các em. Nếu Vy không dậy các em thì các em sẽ tìm trên internet hay là trong sách báo.

Nhiều khi những tin tức đó sẽ không tốt, không lành mạnh và không đúng. Khi các em Việt Nam học được thì chính các em quay lại nói với Vy rằng: nếu cô không dậy điều này thì con không biết vì ở nhà không ai nói với con hết.

Ở nhà, người Việt Nam mình thường không nói những điều này nhiều. Điều vui nhất là các em nói rằng các em biết những điều nào đúng và điều nào sai, điều nào không nên làm. Việc này rất tốt cho các em vì chúng nó học được từ trường thay vì trên mạng internet hay trong sách báo.”

Cũng theo lời của cô, vì cha mẹ các em không đề cập đến vấn đề giới tính, nên khi các em vào tuổi teen, cơ thể đang phát triển và muốn tìm hiểu thì nếu không được hướng dẫn đúng đắn sẽ gây những hậu quả khó lường. Cô nói tiếp:

“Bản tính của người Việt Nam mình là không nói ra những điều này, nếu mình không dậy thì các em sẽ học từ nơi khác và với tuổi 14, 15 thì các em sẽ tò mò, vì cơ thể các em đang phát triển, mà khi các em thấy người bạn của mình, hay phim ảnh , trên internet có những bài viết mà các em không hiểu được chính về giáo dục giới tính thì các em sẽ đi sai, hậu quả rất khó lường. Vy chỉ thấy một điều khó là các thầy cô giáo phải quen với môn học và nói chuyện được với các em.”

Ngoài ra, có những dư luận cho rằng ở các trường trung học tại Hoa Kỳ, việc khuyến khích các em xử dụng thuốc ngừa thai hay bao cao su. Điều này thực hư ra sao, cô giáo Vy trả lời:

“Từ trung học trở xuống thì không hề cho bao cao su, chỉ có ở những trường đại học mà thôi. Ở một số trường họ có cơ quan y tế tình nguyện đến để giúp các em sức khoẻ cho các em. Và có luật là nếu các em nói chuyện gì thì những người đó không được gọi về nhà để báo cho cha mẹ.

Khi các em qua đây, thời gian đầu tình tính vẫn còn giống ở Việt Nam nhưng sau đó thì các em laị bắt chước những em ngoại quốc nhưng lại không bắt chước những điều tốt. Có những em có bạn trai, bạn gái quá sớm, 14, 15 tuổi mà bắt đầu quan hệ tình dục lại không biết kềm giữ và đi quá xa.

Thí dụ, các em nói rằng các em đã quan hệ tình dục thì những cơ quan y tế sẽ chỉ cho các em đi thử máu để xem có bị bệnh hay không,hoặc cho các em các bao cao su. Còn thầy cô thì không bao giờ cho cả.”

Lời nhắn nhủ

Cũng theo lời cô Bảo Vy cho hay, hiện nay, theo thống kê của cơ quan Sức Khoẻ và Gia Đình thì có đến 70% các em học sinh trung học đã có quan hệ tình dục. Con số thống kê bao gồm cả học sinh Á Châu. Về thực trạng đáng báo động này, riêng với học sinh Việt Nam, cô cho biết:

“Khi các em qua đây, thời gian đầu tình tính vẫn còn giống ở Việt Nam nhưng sau đó thì các em laị bắt chước những em ngoại quốc nhưng lại không bắt chước những điều tốt. Có những em có bạn trai, bạn gái quá sớm, 14, 15 tuổi mà bắt đầu quan hệ tình dục lại không biết kềm giữ và đi quá xa.

Cha mẹ lại không để ý, hoặc nhiều khi các em nói xạo để đi chơi, đến nỗi các em mang thai. Vì thế, giáo dục giới tính rất quan trọng. Nếu cha mẹ không quan tâm thì các em sẽ làm những điều quá trễ.”

Cô cho biết thêm rằng, trong giờ học, ngoài việc hướng dẫn các em về giới tính, các bộ phận sinh dục trong cơ thể con người cùng các chức năng của nó, sự thụ thai…v..v… cô còn dậy cho các em làm thế nào để tự kiềm chế bản thân, nhất là cách ngăn ngừa khi gặp trường hợp bị đòi quan hệ tình dục. Cô nói:

“Vy nhấn mạnh nhất là các em phải đợi cho đến ngày các em lập gia đình. Nếu không, các em sẽ không còn sự trinh trắng để trao cho người chồng của mình. Các em phải biết tôn trọng thân thể của mình vì nếu không sẽ có những hậu quả không lường được là mang thai, có con, hay là đi tới chuyện phá thai…rồi mang những bệnh suốt đời.”

Một điều quan trọng nhất mà cô giáo Bảo Vy luôn muốn nhắn nhủ các em học sinh là:

“Là một cô giáo dậy về giáo dục giới tính, thì Vy thấy một điều quan trọng là các em phải bảo vệ sự trong trắng của các em cho đến ngày các em sẽ gặp người mà các em lập gia đình. Tại vì không ai có thể cho mình sự trong trắng hết.

Cái đó là các em được ban cho khi vừa sinh ra cho đến khi lớn lên. Người ta có thể cho người phối ngẫu, người vợ tương lai của mình tiền bạc, xe cộ, cho tất cả mọi thứ nhưng chỉ có một cái mà không ai có thể cho được đó là sự trong trắng của mình.”

Quí vị vừa theo dõi những thông tin về vấn đề giáo dục giới tính cho các em học sinh tại Hoa Kỳ. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.