Quấy rối tình dục: Nạn nhân phải tự bảo vệ mình
2006.04.21
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Từ bao lâu nay, một vấn đề tế nhị và ảnh hưởng khá quan trọng trong đời sống chúng ta, nhất là đối với chị em phụ nữ. Đó là chuyện bị quấy rối tình dục nơi công sở.
Hầu hết, chúng ta đều im lặng chịu đựng vì miếng cơm manh áo. Liệu nói ra, có ai tin mình không? Hay lại bị cho là chính tại lỗi của mình mà ra? Đến một lúc nào đó không chịu đựng nổi thì đành phải xin nghỉ việc hay tìm cách thuyên chuyển công tác. Trang Phụ Nữ kỳ này xin đề cập đến việc quấy rối tình dục này.
Vào năm 2003, ở Việt Nam, lần đầu tiên có một cuộc hội thảo “Phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở” được tổ chức ở Hà Nội và rất thành công. Báo chí lúc bấy giờ cũng có những bài viết về tình trạng này và nêu ra những trường hợp cụ thể.
Vấn đề tế nhị
Nhưng từ đó đến nay, chuyện này hình như lại chẳng ai nhắc đến. Thậm chí có người lại cho là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam ngày nay. Trong khi đó, ở các đường dây tư vấn, càng ngày, các nhà tâm lý lại càng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu và Ứng Dụng Khoa Học về Giới, Gia Đình, Phụ Nữ và vị thành niên, hiện phụ trách về đường dây tư vấn Linh Tâm, cho biết:
“Ở Việt Nam, chuyện quấy rối tình dục còn đang là vấn đề người ta rất ngại đụng chạm đến. Theo tôi, chuyện quấy rối tình dục ở Việt Nam là nhiều chứ không phải ít, có điều là chưa có bất kỳ một tổ chức hay cơ sở nào, một trung tâm nào có thể hỗ trợ cho việc chống lại quấy rối tình dục này một cách thực sự mạnh mẽ.”
Ở Việt Nam, chuyện quấy rối tình dục còn đang là vấn đề người ta rất ngại đụng chạm đến. Theo tôi, chuyện quấy rối tình dục ở Việt Nam là nhiều chứ không phải ít, có điều là chưa có bất kỳ một tổ chức hay cơ sở nào, một trung tâm nào có thể hỗ trợ cho việc chống lại quấy rối tình dục này một cách thực sự mạnh mẽ.
Một nạn nhân, xin được dấu tên, hiện đang sinh sống ở Sàigòn cho biết rằng, cô năm nay 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học về ngành ngoại ngữ, cô được nhận làm trong một công ty mua bán bảo hiểm của người Việt Nam. Sau khi đi làm được một tuần thì:
“Ông xếp đó là trưởng phòng của em. Ông ta khoảng gần 40… Ông tìm cách nói chuyện, mời đi ăn uống, rồi nói là nếu muốn được thăng chức trong công việc thì có thể “chiều” ổng…Ổng ta làm ra vẻ vô tình nhưng mà thực tình là ổng cố ý, ông ấy đưa đồ gì cho mình thì ông ta nắm luôn tay của mình. Thay vì ông ta cầm thứ mình đưa, thì ông ta lại cố sao cho đụng vào tay mình…Em sợ quá và bỏ chỗ làm đó luôn… “
Một trường hợp khác, chị Hội, hiện sinh sống và làm việc ở bang Virginia, Hoa Kỳ thì kể lại: “Tôi được nghe nói ông bác sĩ đó không đứng đắn, cũng bờm xờm với những người làm ở trong đó, nhưng tôi không nghĩ là ông ta có thể làm chuyện đó với tôi bởi vì tôi lớn tuổi hơn ông ta, và gia đình vợ của ông ta quen rất thân bên anh rể tôi…
Một hôm, ngồi ăn cơm giờ lunch, ông ta viết chữ I, hình trái tim, và chữ You, hỏi rồi tôi có hiểu không?...Rồi ông ta cứ nói những câu bóng gió…có lần tôi bị đụng đầu vào cây đèn nơi phòng làm việc, ông ta bảo là lại đây, ổng hôn chỗ đụng đó cho hết sưng. Lần khác, tôi đứng ở counter, ông ta lấy tay quàng vào sau eo tôi.
Tôi bèn nói là tôi không thích đùa như vậy. Ông ta trả lời rằng: nếu tôi chống đối thì sẽ có ngày ra khỏi đây sớm…Có hai phụ nữ Việt Nam…cô đó bị trước và nói với tôi, rồi một người Spanish, một cô người Mỹ..cũng bị.”
Đang phổ biến
Theo lời của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, hiện đang cộng tác với nhiều chương trình cố vấn tâm lý ở Sàigòn, và cũng đang giảng dậy khoa tâm lý trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, thì cho rằng:
“Chuyện quấy rối tình dục hiện nay đang phổ biến, đang xảy ra ở các công ty, các xí nghiệp…Tất cả những nhà tâm lý hay xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề này. Riêng bản thân tôi, thì trong một tháng tôi tư vấn làm thế nào để ứng xử trong khi bị quấy rối tình dục thì cũng có khoảng một chục cuộc gọi, chiếm khoảng 10%.
Tôi nghĩ chuyện quấy rối tình dục sẽ gia tăng khi mà quan hệ giao tiếp trong tính khuôn phép bị xem nhẹ, và cuộc sống càng hiện đại thì càng có chuyện quấy rối tình dục, vì bản thân chuyện này cũng đa dạng lắm…có những người cho rằng nắm tay khi người ta không cho phép, đâu có phải là quấy rối tình dục, hoặc là nhìn ngó người ta mang tính chất gọi là hơi “sắc”, hơi lạnh, quá gần, quá sát…
Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối. Hoặc ở Việt Nam vốn tồn tại một câu nói: làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, nên rất nhiều người nghĩ là đàn ông quấy rối đàn bà là chuyện bình thường.
Thông thường, các hành động người ta thường làm là nắm tay, hay khều khều, vỗ mông… Đặc biệt là cái nắm tay. Ví dụ trình ký một hồ sơ hoặc là đưa một giấy biên nhận thì bị xếp nắm luôn cả tay…”
Hậu quả vô cùng tai hại
Đối với tiến sĩ tâm lý Võ Hải Hạnh, hiện đang hành nghề ở Houston, Hoa Kỳ, thì cho rằng việc quấy rối tình dục sẽ có ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Bà giải thích:
Nếu mình chỉ gặp người đó có một lần và không bao giờ gặp nữa, nhưng phải đối diện hàng ngày trong công ăn việc làm, thì nó gây ra ảnh hưởng tâm lý rất sâu xa…Nạn nhân có thể bị khủng hoảng, nằm mơ, luôn luôn sống trong sự hồi hộp, sống trong gông cùm vô hình, họ rất đau khổ và muốn thoát ra, nhưng vì cơm ăn áo mặc, họ phải đối diện hàng ngày mà không có một phương cách nào để giải toả….
Có những trường hợp bị rờ mó, cưỡng ép tình dục mà nạn nhân phải âm thầm đau khổ, họ cảm thấy nhơ nhớp, như họ phải bán thân để có phương tiện sống còn, họ cực kỳ đau khổ và muốn quyên sinh, nếu không ai phát hiện hoặc có một phương cách giải thoát cho nạn nhân. ”
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Thanh Sơn cũng đồng quan điểm: “Họ rất khó chịu và đặc biệt rất sợ người quấy rối tình dục, hay sợ hãi. Chẳng hạn như bị nắm tay chút mà la lên thì có hai khuynh hướng xảy ra: thứ nhất, mọi người sẽ cho là làm như trong sạch lắm, phải mồi chài, người ta mới tấn công mình. Thứ hai là nếu để người ta biết mình bị quấy rối tình dục thì sẽ ngượng ngùng và xấu hổ. ”
Chị Nguyễn Thanh Thuỷ, một chuyên viên trị liệu tâm lý, hiện cũng đang làm việc ở Houston, thì cho rằng, việc quấy rối tình dục có thể sẽ dẫn đến chuyện hiếp dâm và điều đó, nếu xảy ra thì hậu quả vô cùng tai hại. Chị cho hay: “Nó bị ảnh hưởng rất nặng vì trước hết, người đó có thể cảm thấy rằng danh dự mình bị chà đạp…Có những nỗi sợ vì bị đe doạ, như mất việc. Nói ra, thì bị người khác đổ thưà do mình có những cử chỉ không đứng đắn hay là mình đã làm một cái gì đó để cho người khác người ta xách nhiễu mình.
Khi bị xách nhiễu lần đầu tiên, họ bị shock, họ không biết phải hành xử như thế nào, rất hoang mang, có nhiều sợ hãi, nên im luôn và chờ xem chuyện này có ngừng hay không…Thế là cứ cái đà đó đi lên, người xách nhiễu nghĩ là nạn nhân dễ cho mình đàn áp. Hậu quả rất tai hại, có nhiều người sau một thời gian họ không làm được gì hết thì họ bị trầm uất, quyên sinh, thiếu tự tin, gia đình và con cái sẽ bị ảnh hưởng, mất vui…”
Nó bị ảnh hưởng rất nặng vì trước hết, người đó có thể cảm thấy rằng danh dự mình bị chà đạp…Có những nỗi sợ vì bị đe doạ, như mất việc. Nói ra, thì bị người khác đổ thưà do mình có những cử chỉ không đứng đắn hay là mình đã làm một cái gì đó để cho người khác người ta xách nhiễu mình.
Luật pháp và dư luận
Hiện nay, ở châu Á, đã có nhiều nước lên tiếng chống nạn quấy rối tình dục nơi công sở như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc…Nhưng ở Việt Nam, mặc dù tình trạng quấy rối tình dục ngày càng tăng, nhưng vẫn chưa có một luật lệ nào cụ thể. Bà Nguyễn Vân Anh cho hay:
“Ở Việt Nam, chẳng có ai bị đi tù hay ai bị một hình phạt nào đấy của pháp luật về quấy rối tình dục, chủ yếu các nạn nhân vẫn bị thiệt thòi nhất, vì quan niệm cho rằng chắc là ăn mặc hở hang, hay là lẳng lơ, làm điều gì đấy, nên mới bị quấy rối. Hoặc ở Việt Nam vốn tồn tại một câu nói: làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, nên rất nhiều người nghĩ là đàn ông quấy rối đàn bà là chuyện bình thường.
Hiện giờ có một dự thảo luật chống bạo hành trong gia đình với phụ nữ và luật bình đẳng giới mà vẫn chưa xong…Nhưng cũng chưa thấy đề cập đến chuyện quấy rối tình dục, mặc dù trong luật pháp cũng đề cập đến chuyện này, nhưng cũng chẳng có ai mà lại đưa ra toà về chuyện này, trừ phi bị hiếp dâm mà thôi. ”
Còn tiến sĩ Huỳnh Thanh Sơn thì phát biểu: “Cho tới thời điểm này, luật pháp Việt Nam chưa có luật về tội quấy rối tình dục…Thậm chí dư luận còn nói là không có lửa làm sao có khói, chắc phải mồi chài, đong đưa lắm nên người ta mới làm như vậy.
Trước tiên là phải xuất phát từ phía công sở, từ những doanh nghiệp, phải có nội qui cái đã…Khi nội qui đã bắt đầu nghiêm túc rồi thì những nhà nghiên cứu XH, những nhà làm luật mới cụ thể hóa như thế nào là quấy rối tình dục, vấn đề này phải có thời gian.”
Tự bảo vệ
Trước khi có luật pháp bảo vệ thì hãy tự bảo vệ mình. Phải dứt khoát với thái độ sàm sỡ, và cũng phải hiểu là những người quấy rối tình dục là những người có hành vi sai trái, vi phạm vào quyền phụ nữ, chứ không phải những người bị quấy rối là những người có lỗi.
Vậy trong khi chờ đợi có một luật lệ cụ thể và rõ ràng, thì chị em phụ nữ phải làm sao, nhất là những nạn nhân? Bà Nguyễn Vân Anh đề nghị:
“Trước khi có luật pháp bảo vệ thì hãy tự bảo vệ mình. Phải dứt khoát với thái độ sàm sỡ, và cũng phải hiểu là những người quấy rối tình dục là những người có hành vi sai trái, vi phạm vào quyền phụ nữ, chứ không phải những người bị quấy rối là những người có lỗi.
Nếu hiểu được như thế thì sẽ giảm đi được sự xấu hổ để có thể tố cáo, để những người khác sẽ không bị rơi vào tình trạng như thế nữa. Nếu chúng ta dấy lên một phong trào chống lại những kẻ quấy rối tình dục thì những kẻ đấy cũng phải chùn tay.”
Tiến sĩ tâm lý Võ Hải Hạnh cũng cho lời khuyên và cho rằng người quấy rối tình dục là kẻ bịnh hoạn, cần phải được chữa trị:
“Đó là một dâm tánh và là một cái bịnh của tâm lý học và có phương pháp chữa trị đàng hoàng. Khi mình im lặng thì họ lại tưởng mình thích điều đó và đồng loã, không phản ứng gì hết và họ tiếp tục tìm hết nạn nhân này đến nạn nhân kia để thoả thích cái dâm tính của họ. “ Với tiến sĩ Huỳnh Thanh Sơn: “Tự mình phải bảo vệ lấy mình, trong giao tiếp hay ứng xử phải đặt ra giới hạn. Có một số người đã quá thoải mái trong vấn đề quan hệ và giao tiếp. Đó cũng chính là mồi nhử cho người ta tấn công.
Bản thân người phụ nữ cũng phải hiểu rõ như thế nào là quấy rối tình dục…và đừng để chuyện quấy rối tình dục này âm ỉ sâu trong suy nghĩ của mình, cuối cùng mình mặc nhiên thừa nhận nó…”
Vừa rồi là tâm sự của các nạn nhân bị quấy rối tình dục và ý kiến của các chuyên gia tâm lý. Mong rằng chị em phụ nữ chúng ta sẽ rút tiả được những kinh nghiệm quí báu để tự bảo vệ cho chính bản thân mình trong việc phòng chống quấy rối tình dục. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Chị Trần Thị Hằng, chuyện cổ tích giữa đời thường
- Quan niệm dạy con ngày nay
- Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn Vinh Vẻ Đẹp Người Phụ Nữ Việt Nam
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ đi làm
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động
- Chloe Đào, giấc mơ đã thành sự thật
- Hội nghị về phụ nữ do NGO tổ chức tại New York
- THÔNG BÁO
- Bạo lực gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam
- Tấm lòng bác ái của Sơ Mai Thị Mậu
- Ích lợi của việc cho Con bú sữa Mẹ
- Bà Correta Scott King, ý nghĩa của tình yêu
- Thực trạng các thẩm mỹ viện tư nhân hoạt động vượt các quy định cho phép
- Ngày Lễ Tình Yêu ở Việt Nam
- Vợ chồng cãi nhau: Hậu quả và ảnh hưởng
- Sinh hoạt của phụ nữ Việt Nam trong các ngày Tết
- Vấn đề xin con nuôi ở Việt Nam