Hương Thanh và Nguyên Lê phối hợp đưa dân ca Việt Nam ra thế giới


2007.08.12

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Bài dân ca Việt Nam mà Thy Nga đang gửi đến quý thính giả, chắc lạ tai đối với nhiều vị, phải không ạ. Vâng, bài “Lý chuồn chuồn” Hương Thanh trình bày theo phong cách “World music” tức Âm nhạc thế giới, cùng với các nhạc sĩ quốc tế.

Courtesy myspace.com/huongthanh

Hương Thanh sống ở Pháp, đi rất nhiều nơi để tham gia những lễ hội World music và trình diễn tại các trung tâm văn hóa. Ngày 14 tháng 9 tới đây, Hương Thanh sẽ diễn tại các lễ hội World music tại Madison, Milwaukee và Chicago bên Mỹ. Kế tiếp là Thượng Hải bên Trung Quốc, Helsinki bên Phần Lan, Fès bên Maroc, … Từ Paris, trong câu chuyện với Thy Nga, Hương Thanh cho biết:

“Chương trình của Thanh về dân ca ba miền có luôn những bài cổ nhạc, Hương Thanh hát không có gì thay đổi nhưng cách phối nhạc là nước ngoài. Với những nhạc sĩ nước ngoài, qua các đàn khác, nó có mục đích pha trộn để mà họ chú ý đến lời ca tiếng hát Việt Nam mình, kéo người ta biết cái nhạc Việt Nam mình, đưa cái nhạc dân tộc mình dễ nghe cho người nước ngoài.”

Thy Nga: Thính giả ở bên Pháp, ở Paris cũng như ở những nơi mà Hương Thanh đến trình diễn, và ở Việt Nam họ dần chấp nhận cái cách trình diễn của Hương Thanh chưa?

Hương Thanh: Thanh diễn đã 15, 16 năm rồi nhưng là trong những buổi quốc tế. Sau này, Thanh diễn ở Paris cách nay 4, 5 năm thì bắt đầu có khán giả Việt Nam đi xem. Hồi xưa, họ tưởng đâu là Hương Thanh hát Jazz ! thành ra bây giờ trước khi hát, Hương Thanh nói cái bài này là nhạc gì, từ miền nào, và Thanh cắt nghĩa luôn bằng tiếng Pháp; hoặc đi qua nước khác thì có người dịch sang tiếng Anh.

Thì rất là văn hóa, những người tới để muốn biết nhạc Việt Nam. Khán giả của Thanh rất là rộng, nhiều nhất là thế hệ sau này. Sanh đẻ bên Pháp, họ chưa bao giờ nghe cái nhạc Việt Nam thuần túy của mình.

“Hò miền Nam” …

Thy Nga: Là con gái của nghệ sĩ Hữu Phước tiếng tăm của sân khấu Cổ nhạc, Hương Thanh được thấm nhuần nghệ thuật này cũng là điều dễ hiểu nhưng trong khung cảnh ở Tây phương thì làm thế nào để theo đuổi và phát triển ngành nghề ấy, Hương Thanh vui lòng chia sẻ với thính giả của Đài.

Hương Thanh: Tại Thanh rất mê cái nghề này. Qua bên Pháp tới bây giờ, ở nhà từ hồi nhỏ tới lớn, lúc nào cũng nghe Cải lương, dân ca. Từ 8 tuổi, Hương Thanh đi học Cải lương. Bên nhà, có những lớp học của những thày dạy riêng. Rồi, Hương Thanh đi học thày Duy Khánh tân nhạc, đi học thày Bảo Thu … thì cứ học nhạc và học chữ.

Đến năm 17 tuổi thì Hương Thanh theo gia đình đi định cư ở Pháp.

Hương Thanh: Lúc đó, Thanh rất buồn, không biết qua Pháp, mình sẽ làm gì? cái nghề này không biết có chỗ hát hay không, nhất là Thanh chưa hành nghề bên Việt Nam nhưng cái may mắn của Thanh là đi với Ba qua bên này thành ra mấy năm đầu, Thanh và Ba đi hát cho những nhà hàng, hát mỗi cuối tuần, và những buổi lễ của người Việt.

Mấy chục năm nay, Thanh không bao giờ ngừng về nhạc cổ truyền và dân ca, lúc nào cũng tiếp tục tới giờ này. Cải lương Thanh học 5, 6 năm tất nhiên Thanh hát tất cả những bài bản Vọng cổ. Về dân ca thì học thày Duy Khánh cũng được 4, 5 năm. Nhờ hát dân ca mà Thanh có sự gặp gỡ những nhạc sĩ nước ngoài.

Thy Nga: Hương Thanh vừa mới nói đến tiếp cận với nhạc sĩ khác thì tôi cũng được biết là sau đó, các bài dân ca do Hương Thanh trình bày, mang âm hưởng mới lạ, là do nhạc sĩ Nguyên Lê. Xin Hương Thanh cho biết thêm về việc này.

Hương Thanh: Cái chuyện gặp gỡ này là vào năm 1994 lúc Hương Thanh đang hát cho một buổi lễ của một nhóm bạn tổ chức Tết, thì Nguyên Lê đi với nhóm bạn nhạc sĩ, nghe Hương Thanh hát. Nguyên Lê tới gặp Thanh, nói là rất thích giọng của Thanh, và hỏi Hương Thanh có thích làm việc với Nguyên Lê không, nhưng mà trước tiên thì muốn Hương Thanh nghe những cái đĩa Jazz, coi có hợp không.

Thy Nga: Thế còn cuộc phối hợp trình diễn với nghệ sĩ Nhật, Mieko Miyazaki cũng đem lại thích thú cho người nghe, thì cơ duyên nào Hương Thanh gặp gỡ Mieko?

Hương Thanh: Mieko hay một số người khác nữa ở xứ khác, là nhờ quá trình mà Hương Thanh làm việc với Nguyên Lê. Thường thường trong cái giới nhạc Jazz như một cái gia đình thì mình làm bạn thêm. Thanh đi rất nhiều nước thì lại có bạn thêm. Thanh bắt đầu từ cái nhạc dân tộc của mình, pha trộn với những nhạc cụ khác thì Mieko cũng là một trong những người bạn mới của Thanh.

Thy Nga: Những bài mà phối hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê thì xin Hương Thanh giải thích thêm cho thính giả hiểu cách trình bày đó.

Hương Thanh: Những chương trình mà Thanh đi diễn ở nước ngoài, ở bên Âu châu này là những chương trình đại diện về nhạc Việt Nam thành ra cái đòi hỏi của những chỗ mà mời Hương Thanh rất khó khăn.

“Cơi giàu” …

Hương Thanh: Nhạc Việt Nam không chỉ có dân ca miền Nam mà có dân ca miền Bắc và miền Trung nữa, đó là cái khó khăn nhất cho Thanh phải làm việc, thành ra mười mấy năm nay, một cái đĩa, Thanh làm rất lâu, là tại Thanh tìm tòi những nhạc dân ca rất xưa bên Việt Nam mà Thanh không muốn hát giống.

Thanh chỉ muốn tập biết, ví dụ những bài Thanh hát Quan họ hay miền Trung (miền Trung thì Thanh có cái may mắn về cách phát âm học với thày Duy Khánh hồi nhỏ) nhưng mà “ầu ơ” thì dễ mà hò Huế thì khó. Nếu mà hát như người miền Bắc cũng không dễ.

“Cơi giàu” tiếp theo …

Kết hợp với những nhạc cụ dân tộc của các quốc gia khác thì Hương Thanh đã trình làng được mấy đĩa ca nhạc rồi?

Hương Thanh: Chỉ có tên Hương Thanh thì được 3 đĩa. Nguyên Lê và Hương Thanh là đĩa thứ tư, Và 3, 4 đĩa nữa với người nước ngoài, những nhạc sĩ Jazz nổi tiếng. Từ nay đến tháng 10, sắp ra đĩa Jazz, cũng của Nguyên Lê và Hương Thanh.

Thy Nga: Và sắp tới, có một cuốn CD nữa do một kênh phát thanh của Pháp chuyên về âm nhạc, tài trợ?

Hương Thanh: Thanh được cái giải thưởng cách nay 2 tháng của France Musique, là đài Radio lớn nhất của nước Pháp. Với cái giải thưởng này, đài Radio sẽ lo cho Thanh tất cả những quảng cáo nói về nguồn gốc của Hương Thanh, và nói về nhạc cổ truyền Việt Nam.

Thy Nga: Họ liệt dòng nhạc mà Hương Thanh trình bày là thể loại World music, Âm nhạc thế giới?

Hương Thanh: Đúng đúng, lúc Thanh được giải thưởng thì có hỏi đài Radio muốn tặng cho Thanh để hoàn thành một cái đĩa với thể nhạc nào? thì họ trả lời là Radio France thường thường chỉ ra những nhạc nào rất là dân tộc, rất là văn hóa, thành ra họ muốn Thanh hát, hoàn thành một đĩa Cải lương. Thanh rất hãnh diện tại vì đó là nguồn gốc của gia đình.

Thy Nga: Sinh hoạt ca nhạc của Hương Thanh hiện nay?

Hương Thanh: Cũng như mười mấy năm vừa rồi, Thanh đi nước ngoài rất nhiều, đó là cái sinh hoạt về nhạc World Music, mình phải đi những cái Festival do họ mời.

Còn Paris, thường thường mỗi lần ra đĩa mới, Thanh mới diễn tại Paris nhưng mà năm nay là năm đầu tiên, Thanh diễn tại Paris rất nhiều, radio cũng nhiều, Thanh nghĩ là nhờ cái giải thưởng của France Musique.

Thy Nga: Mỗi khi đi hát như vậy thì cái phần đệm nhạc là do nhạc sĩ Nguyên Lê?

Hương Thanh: Đàn Guitar là Nguyên Lê. Và cái anh đánh trống là người xứ đen. Cái anh thổi kèn, lại là người Ý, thành ra chương trình của Thanh rất là quốc tế. Nước ngoài họ nghe nhạc dân tộc mình, đối với họ rất lạ.

Họ chưa biết nghe nhạc Việt Nam thành ra cái chương trình mà Thanh đi với Nguyên Lê, với những nhạc sĩ nước ngoài, qua cái đàn khác, nó có mục đích pha trộn để kéo người ta biết nhạc Việt Nam. Thanh có gặp giới trẻ trong những trường đại học thì nói là nhạc Việt Nam hay quá! thành ra Thanh nghĩ nhờ phối nhạc như vậy mà cái thế hệ sau này tìm đến nhạc Việt Nam nhiều hơn hồi xưa nữa.

Thy Nga: Thế còn trong nước nghe thì họ cảm nhận như thế nào?

Hương Thanh: Trong nước thì cách nay 4 năm, theo dạng Culturel, bên Pháp họ gửi Thanh về với cái nhóm Nguyên Lê. Nguyên cả nhóm nhạc sĩ nước ngoài đi diễn cái đềm đầu thì Thanh rất thành công, mọi người tới nói rất lạ, là Thanh vẫn giữ được dòng nhạc Việt Nam. Thì phần lớn do người sọan nhạc rất hay.

Thy Nga: Như vậy để hỏi Hương Thanh là làm sao một người ngoại quốc thể hiện được, nếu mà họ không hiểu ý cái bài đó. Hương Thanh: À, đó mới là cái khó. Mỗi môt bài, Thanh đều phải cắt nghĩa. Nếu bài này phải có một anh thổi kèn, thí dụ bài “Hoa thơm bướm lượn” thì Thanh cắt nghĩa cho anh là cái bài này nói về hoa về bướm, cái ý nghĩa bài này buồn hay vui.

Là những nhạc sĩ rất giỏi về nhạc, họ nghe được cái ý nghĩa của bài, thì tiếng trống chầu trong bài “Dạ cổ hoài lang” cũng như thế. Anh đánh trống Phi châu, cái cách đánh của anh trong những bài buồn trong nước của anh ấy.

“Dạ cổ hoài lang” …

Trong âm thanh bài “Lý ngựa ô” Thy Nga chia tay Hương Thanh, và tạm biệt quý thính giả.

“Lý ngựa ô” …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.