Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục "Sức khỏe và Đời sống" của đài Á Châu Tự Do sáng thứ sáu hàng tuần. Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức khoẻ và đời sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.

Có những căn bệnh tuy không phải là nan y nhưng cũng gây cho người bệnh cảm giác hết sức khó chịu và bất lợi trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, điển hình như bệnh hắc lào, theo tên gọi dân gian ở miền Bắc, mà miền Nam thường gọi là lác. Đây là một loại bệnh nhiễm ngoài da thường gặp do các loại vi nấm gây ra.
Với môi trường khí hậu nóng, ẩm, rất thích hợp cho sự phát triển của vi nấm, ở Việt Nam, căn bệnh này đã trở nên khá phổ biến, đặc biệt tại những vùng nông thôn, những nơi có điều kiện sinh sống và lao động không đảm bảo vệ sinh.
Theo thống kê, số bệnh nhân bị nhiễm vi nấm ngoài da tại Việt Nam khá cao, đứng thứ hai trong số các bệnh điều trị ở những trung tâm chuyên khoa da liễu, chỉ sau bệnh chàm.
Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” hôm nay có cuộc trao đổi với bác sĩ Thọ, chuyên khoa da liễu hiện đang hành nghề trong nước, để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng ngừa và phương pháp điều trị đối với căn bệnh này. Mời quý thính giả theo dõi:
Bác sĩ Thọ: Nguyên nhân chính của bệnh hắc lào do một loại vi nấm ngoài da, thường phát sinh ở những vùng da ẩm ứơt có lông như nách, bẹn và thường xảy ra ở những môi trường sinh hoạt ẩm ướt, không được vệ sinh, nhất là vùng nông thôn.
Cho nên, những bệnh nhân hắc lào thừơng đựơc các bác sĩ chuyên khoa ngoài da khuyên không nên dùng khăn ứơt, quần áo ứơt hoặc các vật dụng lau mình khi dùng một lần rồi nên giặt sạch phơi khô trước khi sử dụng lại.
Đường lây bệnh chủ yếu là do da tiếp xúc với môi trừơng ẩm. Đáng lưu ý là bệnh có thể lây từ ngừơi này qua người khác khi dùng các vật dụng cá nhân chung như quần áo, khăn…
Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ các triệu chứng giúp nhận biết căn bệnh này ra sao?
Bác sĩ Thọ: Dấu hiệu đầu tiên là bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa, nổi những hồng ban mụn nước ở những vùng da bị nhiễm nấm. Lúc ban đầu, các vùng da đó xuất hiện những mụn nứơc do vi nấm gây ra. Sau đó từ từ lan dần ra theo dạng ly tâm cho nên dân gian thường hay gọi là "lác đồng tiền".
Trà Mi: Nếu không đựơc chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như thế nào thưa bác sĩ?
Bác sĩ Thọ: Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh sẽ ngày càng lan rộng. Ngoài vùng da bị nhiễm ban đầu sẽ từ từ lây lan ra toàn thân và kèm theo nhiều triệu chứng rất khó chịu cho bệnh nhân như ngứa, có khi bị bội nhiễm, bị nhiễm trùng ngoài da, dẫn tới tình trạng viêm da bội nhiễm do vi nấm.
Điều cơ bản đối với bệnh này là cần phòng ngừa và chữa trị ngay từ ban đầu. Nếu điều kiện sinh hoạt và làm việc trong môi trường ẩm ứơt như nông dân ở các vùng đồng bằng thì sau khi lao động nên lưu ý tắm rửa sạch sẽ, lau khô. Nếu có những biểu hiện ngứa nên dùng các dựơc phẩm kháng nấm ngay từ ban đầu để bệnh không lây lan.
Trà Mi: Xin được hỏi thăm kỹ hơn về các phương pháp điều trị bệnh hắc lào?
Bác sĩ Thọ: Điều quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa bệnh không xảy ra và tránh tái phát. Thứ nhất, không dùng khăn tắm, khăn mặt hay quần áo ướt. Về thuốc thì các loại thuốc kháng nấm thông thường và ít có tác dụng phụ hiện nay như ketoconazol hoặc là bôi tại chỗ hoặc dùng đường uống toàn thân kháng nấm. Để điều trị hiệu quả, tránh bộc phát và lây lan, vấn đề phòng ngừa và giữ vệ sinh da vẫn là quan trọng hàng đầu.
Trà Mi: Loại thuốc bác sĩ vừa nhắc tới có cần toa bác sĩ hay bệnh nhân có thể tự tìm mua ở quầy thuốc?
Bác sĩ Thọ: Dĩ nhiên phải cần đến sự chẩn đoán xách định bệnh của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ cho đơn thuốc điều trị thích hợp với từng bệnh nhân. Khi bệnh nhân tự đoán bệnh và tìm thuốc chữa trị có khi không chính xác, không đúng bệnh thì việc điều trị không kết quả.
Trà Mi: Bệnh nhân cần lưu ý điều gì khi dùng thuốc?
Bác sĩ Thọ: Thuốc bôi cần thoa ngày 2 lần ở những vùng da bị bệnh. Yêu cầu cơ bản là giữ cho vùng da đó không bị ẩm ứơt. Đối với các loại thuốc kháng nấm thì điều cơ bản là không được dùng rượu bia trong thời gian dùng thuốc.
Còn quan niệm kiêng cữ các thức ăn gây dị ứng như đồ biển, thịt gà, thịt bò…đối với bệnh hắc lào thì quan niệm này không đúng vì đây là căn bệnh do vi nấm ngoài da gây ra chứ không phải là do dị ứng gây nên. Cho nên, bệnh nhân hắc lào không cần phải kiêng cữ các loại thức ăn.
Trà Mi: Dân gian xưa có bài thuốc dùng lá muồng, lá ô môi hoặc xương rồng để bôi lên các vùng da bệnh. Những biện pháp này có gây ra biến chứng gì không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Thọ: Vì thời xưa chưa có những thuốc kháng nấm thì bà con có thể dùng các bài thuốc dân gian từ lá cây cũng có tác dụng tức thời. Tuy nhiên, đối với các phương pháp này, khi đã có những triệu chứng thuyên giảm rồi thì không thể tiếp tục dùng lâu dài, có thể gây biến chứng như nhiễm trùng da hay bội nhiễm. Cơ bản vẫn là lưu ý giữ gìn vệ sinh cá nhân để tránh bệnh tái phát.
Trà Mi: Xin cảm ơn thời gian bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.
(xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.
Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn trong một đề tài mới, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.