Tình trạng sa mạc hoá ảnh hưởng đến đời sống của hơn 20 triệu nông dân Việt Nam


2007.07.11

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào cuối tháng sáu qua, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tiến hành hội nghị quốc gia triển khai chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hoá.

drought_farmer200.jpg
Một cánh đồng bị khô hạn nặng ở tỉnh Vĩnh Phúc.AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Theo thống kê của cơ quan này thì hiện Việt Nam có hơn 9 triệu héa ta đất bị hoang hoá. Trong số 9 triệu héc ta đất hoang hoá vừa nêu có hơn năm triệu héc ta chưa sử dụng và hai triệu héc ta đang sử dụng bị thoái hoá nặng. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 20 triệu nông dân Việt Nam đang sống nhờ vào hoa màu, lợi tức do đất đai mang lại.

Trong chuyên mục Khoa học & Môi trường kỳ này, Gia Minh mời quí thính giả và các bạn cùng theo dõi vấn nạn sa mạc hoá tại Việt Nam.

Mỗi khi nghe đến hai từ sa mạc, hầu hết chúng ta đều nghĩ đến những bãi cát nắng cháy ở Phi Châu hay những vùng khô hạn không mưa gió. Rất ít người Việt cho rằng có những khỏang sa mạc tại miền đất mà họ luôn cho là xum xuê với bao cây cối, sông ngòi.

Thế nhưng theo ông Hứa Đức Nhị, viên chức Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn thì khái niệm sa mạc hoá rộng hơn:

“Quan nịêm về sa mạc hoá rộng hơn. Chống sa mạc hoá là chống suy thoái đất. Nếu không sử dụng đất đúng thì giảm năng suất.”

Một người dân tại vùng Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi trước đây bị chiến tranh tàn phá khá nhiều, cũng có nhận xét về tình hình đất đai hoang hoá, và trở nên thoái hoá tại đó như sau:

“Đất cằn đây cũng nhiều, đất đỏ thì vài năm cũng hết do mình bón phân hoá học nhiều; và cũng do thời tiết phần nhiều.”

Bà Phạm Minh Thoa, Cục phó Cục Lâm Nghiệp đưa ra những thông tin liên quan tình hình sa mạc hoá tại Việt Nam, qua cuộc trao đổi với chúng tôi sau đây:

Bà Phạm Minh Thoa: Có nhiều tác động dưới nhiều dạng do con người gây ra như canh tác thiếu bền vững, du canh du cư, phá rừng mất rừng. Hạn hán ngày càng nghiêm trọng hơn. Khai thác các nguồn khoáng sản thiếu kiểm soát chặt chẽ về tác động môi trường cũng gây hoang hoá. Ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Nhiễm mặn, nhiễm phèn ở các vùng ven biển. Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm; rồi sạt lở.

Gia Minh: Những điều đó đã thấy và có luật nhưng sao ngày càng nghiêm trọnng?

Bà Phạm Minh Thoa: Nhận thức của các cấp và người dân là chưa đầy đủ. Đầu tư cũng còn hạn chế, ví dụ đầu tư các trạm quan trắc để đánh giá cũng thiếu… Việt Nam cũng chưa có hệ thống theo dõi thống nhất. báo cáo thì 10 năm mới có một báo cáo nên không kịp thời.

Việc đào tạo nhân lực đội ngũ kế cận còn hạn chế. Chính sách thì xây dựng tương đối đầy đủ nhưng thực thi thì chưa bắt kịp nhu cầu cụ thể.

Gia Minh: Nhận thấy thế rồi thì có đề ra những hành động cụ thể ra sao?

Bà Phạm Minh Thoa: Chúng tôi đã xây dựng khung lô gic cho năm từ 2007 – 2010. Có 4 dự án: thứ nhất là chống thoái hoá đất ở ven biển nam trung bộ; thứ hai là dự án chống hoang mạc hoá ở Quảng Bình; thứ ba là dự án quản lý cảnh quan lâm nghiệp dễ bị tổn thuơng bởi hoang mạc hoá & phòng chống thiên tai; thứ tư là dự án tăng cường năng lực văn phòng quốc gia thực hiện công ước chống sa mạc hoá.

Gia Minh: Nhận thức của người dân là còn thấp vì cuộc sống thì cơ quan chức năng có làm gì cho họ?

Bà Phạm Minh Thoa: Chúng tôi có nhận đuợc đề xuất của các cơ quan tập huấn nghiên cứu, đào tạo; các hiệp hội ngành nghề và các địa phuơng về vấn đề này. Chúng tôi rất quan tâm đến xây dựng bộ sổ tay hường dẫn kỹ thuật để hướng dẫn nhân rộng một số mô hình canh tác bền vững cho địa bàn bốn vùng ưu tiên. Người ta loay hoay tìm cách mưu sinh và phát triển bền vững, nên chúng tôi phải sớm phổ biến cho họ.

Gia Minh: Ai là tác giả của bộ sổ tay đó?

Bà Phạm Minh Thoa: Chúng tôi nhận đuợc dề xuất của các cơ quan nghiên cứu đào tạo, các hiệp hội ngành nghề và chúng tôi thấy có một số đề xuất hay.

Trước tình hình đất đai ngày càng thoái hoá do người sản xuất cố vắt kiệt đất, và không biết bảo duỡng qua việc sử dụng mỗi lúc một nhiều thêm những lọai hoá chất mạnh, gây hại cho đất; anh Ba Bổn, một nông dân tại An Giang có ý kiến:

“Người ta nói vậy chứ đất không thoái hoá nếu biết sử dụng hợp lý, còn bây giờ người ta dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật; những lọai chế phẩm khác đưa vào nông nghiệp. Trước bệnh ít nay bệnh nhiều. Lương thực nuôi sống con người, nếu biết tận dụng điều đó thì nông dân mới tiến bộ.”

Hằng năm Liên hiệp Quốc dành ra một ngày mang tên 'Ngày thế giới chống sa mạc hoá'; đó là ngày 17 tháng sáu. Chủ đề năm nay là Sa mạc hoá và biến đổi khí hậu- một thách thức tòan cầu. Theo tính toán thì hiện có chừng một tỷ con người thuộc 100 quốc gia trên trái đất đang phải đối diện với nguy cơ sa mạc hoá.

Từ năm 1998, Việt Nam trở nên một trong 134 quốc gia thành viên của công ước chống sa mạc hoá.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.