Nhã Trân, phóng viên đài RFA
"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫm đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đuờng này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”.
Hình ảnh êm đềm của những mùa tựu trường vài thập niên trước, ghi lại trong một truyện ngắn có tiếng của nhà văn tiền chiến Thanh Tịnh, vừa trình bày, có lẽ còn vương vấn trong lòng không ít chúng ta.
Xưa nay mùa khai trường thường nói chung như một bức tranh gây nhiều xúc động cho các bậc cha mẹ, để mỗi khi nghĩ đến nhiều người lại bồi hồi nhớ đến một thời điểm khó quên.
Thế nhưng, ít năm gần đây đối với rất nhiều phụ huynh dịp tựu trường dường như mang ý nghĩa phiền muộn nhiều hơn vui sướng. Mỗi lúc nghĩ đến ngày con em một lần nữa bước đến trường, nhiều bậc cha mẹ lòng bỗng nặng âu lo, chán nản.
Mất ăn mất ngủ
Em có cháu học tiểu học. Từ năm lớp 1 đến giờ năm nào học bán trú cũng phải mua những thứ dụng cụ học sinh, với lại [đóng] những thứ tiền linh tinh. Nói chung lắm thứ lặt vặt linh tinh, tiền điện tiền nước [cho nhà trường] các thứ... phải đóng.
Trong Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này Nhã Trân xin trình bày cùng quí vị và các bạn sự kiện mùa khai giảng năm nay, cũng như từ nhiều năm gần đây, đã làm không ít phụ huynh mất ăn mất ngủ.
"Em có cháu học tiểu học. Từ năm lớp 1 đến giờ năm nào học bán trú cũng phải mua những thứ dụng cụ học sinh, với lại [đóng] những thứ tiền linh tinh. Nói chung lắm thứ lặt vặt linh tinh, tiền điện tiền nước [cho nhà trường] các thứ... phải đóng.
Em làm nghề sửa chữa quần áo, lao động phổ thông. Nói chung không đủ thì cũng phải gắng lo cho cháu"
"Tôi có một cháu. Trường cháu là trường Đại Từ, xã Đại Kim [Hà Nội]. Gia đình tôi cuộc sống vất vả, khó khăn, cho nên lo cho con đi học được cũng là vô cùng khó khăn. Cái vấn đề nó tuỳ theo khả năng của từng người. Có người cho là vừa, nhưng những người hoàn cảnh nghèo thì cho là quá lớn"
Tâm trạng của mẹ một học sinh tiểu học ở Hải Phòng, may vá thuê và cha một em ở Hà Nội có thu nhập cực thấp vì việc làm thất thường, mà chúng ta vừa được nghe, cũng tương tự như tâm trạng nhiều phụ huynh thuộc giới lao động, vào những mùa khai trường gần đây.
Căng thẳng của nhiều gia đình
Thưa quí vị và các bạn, thời gian nhập học sau này bỗng trở thành lúc căng thẳng của những gia đình từ đủ ăn đến túng thiếu chỉ vì chi phí cho việc học ngày càng tăng. Đó là bởi ngoài sách giáo khoa và học phí, từ xưa là các phí tổn căn bản và duy nhất, nay lại có thêm nhiều thứ phí khác mà phụ huynh phải trang trải.
Những loại phí này không phải do Bộ Giáo dục-Đào tạo ấn định mà do các trường đặt ra. Mỗi cơ sở giáo dục tự ý qui định nhiều thứ tiền phải nộp. Mức đóng mỗi loại, vì vậy, cũng thay đổi tuỳ theo từng trường. Điểm qua có thể kể như tiền học ngoài khoá, tiền lớp năng khiếu, tiền trang bị cơ sở vật chất, tiền mua đồng phục, tiền lớp … rồi nào là quĩ hội cha mẹ học sinh, quĩ lớp, quĩ khuyến học, quĩ hỗ trợ vật tư nhà trường, quĩ hỗ trợ tiền điện, nước uống, v.v. và v.v...
Điều này được giới giáo chức xác nhận, như lời một nữ giáo sư cấp 3 Nguyễn thị Minh Khai, từng mấy mươi năm trên bục giảng:
Nhiều khi phải chấp nhận. Thật ra mà nói thì mệt mỏi, nói thật mệt mỏi vô cùng. Lắm lúc chán đấy. Chán, nhưng mà bắt buộc vẫn phải lo cho con.
"Bây giờ nhiều lắm, đủ thứ hết. Cấp 3, cấp 2, cấp 1, mẫu giáo... năm nào cũng đóng hết, nhưng năm nào cũng tăng thêm chứ không giảm bớt. Trung bình một em đóng tới 5, 6 trăm ngàn vào đầu năm học. Có năm cả triệu bạc. Có loại tiền đóng cả năm, có loại đóng mỗi tháng. Ví dụ học phí thì mỗi tháng đóng. Còn các thứ linh tinh như cơ sở vật chất thì mỗi năm đóng một lần hoặc hai lần"
Bên cạnh các thứ tiền vừa kể nhiều trường còn tự ý đứng ra thu hộ những món lẽ ra phụ huynh có quyền lựa chọn như bảo hiểm y tế, tiền quĩ đoàn, quĩ đội...
Nhiều gia đình từ đủ ăn đến thiếu thốn đều phải than vãn trước các khoản phí ngoài lề, bên cạnh học phí và sách giáo khoa.
Bức xúc nhất là những gia đình công nhân hoặc những người việc làm không ổn định. Tuy vất vả quanh năm làm thuê làm mướn ngày đêm nhiều gia đình vẫn rất chật vật, khó khăn mới sống qua ngày, chẳng tích lũy gì được. Vì vâỵ, mỗi dịp con trở lại trường thì cha mẹ ăn kém ngon ngủ kém yên, đau đầu với đủ loại phí học. Nếu không thể vay mượn đâu được, họ chỉ còn cách xin chủ tạm ứng lương, điều không phải lúc nào cũng được chấp thuận.
Có phụ huynh nói bị ám ảnh vì lo lắng, và nhiều khi nỗi lo len vào cả giấc mơ. Bà mẹ ở Hải Phòng khổ sở:
“Nhiều khi phải chấp nhận. Thật ra mà nói thì mệt mỏi, nói thật mệt mỏi vô cùng. Lắm lúc chán đấy. Chán, nhưng mà bắt buộc vẫn phải lo cho con”
Đó là vì chỉ riêng các loại phí phụ thu đã bằng cả vài tháng lương của nhiều gia đình công nhân hoặc thu nhập thấp. Để có thể trang trải mọi thứ, các bậc cha mẹ này thường phải mang công mắc nợ nhiều tháng sau đó, và tiết giảm tối đa mọi chi tiêu khác, nhiều khi phải nhịn ăn nhịn mặc, và chỉ dám sắm cho con những món cần thiết nhất, thuộc loại rẻ tiền nhất.
Không thể không đóng
Nói chung là Bộ Giáo dục có rót tiền xuống nhưng mà năm nào cũng hao hụt hết, cũng sửa chữa, nâng cấp trường, thành ra rường nào cũng vậy hết, vì nhà trường đâu có tiền. Nói rằng ngân quĩ giáo dục lớn nhưng thật ra trường được ít lắm. Coi như hiệu trưởng trường nào trường đó tự thân mà vận động, ai làm gì được thì làm.
Đáng nói hơn, các loại phí phụ trội lại còn tăng đều mỗi năm, chẳng khác nào phí học và sách giáo khoa. Tạm may là học phí và sách giáo khoa hiện chưa tăng, thế nhưng nhiều thứ phí khác tăng đột ngột, như tiền bảo hiểm y tế tăng đến 1 phần 3 khiến các bậc cha mẹ một lần nữa mất ăn mất ngủ.
Đa số các trường lại yêu cầu các khoản tiền này phải được nộp ngay trong dịp khai giảng, thường vào buổi họp phụ huynh đầu tiên. Hàng chục món chi phí hỗ trợ, có danh nghĩa rất hợp lý đó lâu nay khiến nhiều phụ huynh điêu đứng, nhất là lại phải đóng chung một lần.
"Những nhà giàu người ta thấy chả đáng bao nhiêu, nhưng những người nghèo thì lo cho con không phải là dễ, không phải là đơn giản. Lo cho con đi học, lo cho con xin vào trường… đã là bao vấn đề phải lo rồi, nhà trường lại còn tạo ra những cái..."
"Những gia đình người ta có điều kiện hơn thì thấy vặt vãnh. Thế nhưng chúng em là dân lao động thành ra thấy vất vả. Cái gì giá cũng cao. Lắm lúc cũng muốn phản ảnh nhưng mà khó lắm"
Trên lý thuyết các khoản này là tự nguyện thế nhưng phụ huynh không thể không đóng nếu muốn con còn được tiếp tục đến lớp. Thế nhưng có trường nhắc nhở hỏi han từng ngày.
Nhiều học sinh đã nhập học cả tuần mà vẫn chưa có sách hoặc tiền học chưa đóng vì cha mẹ không cách nào xoay sở được. Có em về nhà khóc và xin nghỉ học để đỡ gánh nặng cho gia đình.
Nỗi khổ của các gia đình nghèo túng khiến không ít thầy cô chạnh lòng tuy có thể được hưởng phần nào từ các loại phí, quĩ này:
"Phụ huynh than vì các thứ phải đóng là cả một gánh nặng đè lên vai người ta thành ra người ta không chịu được. Lương bổng phụ huynh cũng đâu có bao nhiêu. Hai vợ chồng đi làm không có cách gì nuôi nổi một đứa con. Sự thật nó là như vậy. Lương công nhân viên một tháng là 1 triệu mấy. Hai vợ chồng cho là hơn 2 triệu. Giật gấu vá vai mà cũng khổ sở lắm.
Nhiều gia đình cho con đi học là cả một sự hy sinh. Một đứa trẻ học bán trú mỗi tháng tốn khoảng 7, 8 trăm ngàn, làm sao phụ huynh lo nổi? Đó là những trường bình thường. Còn những trường dân lập, trường quốc tế làm sao lo nổi? Ngừơi ta có miễn giảm, nhưng chỉ miễn giảm cho gia đình con thương binh liệt sĩ”
Quỹ tài trợ của Bộ Giáo dục – Đào tạo
Bây giờ những con em nhà nghèo, những gia đình khốn khổ cần được quan tâm, giúp đỡ. Xã hội bây giờ có nhiều vấn đề tiêu cực lắm. Theo ý tôi nói thì chưa công bằng vì nhà nước có thể chủ trương thì rất là đúng, thế nhưng có sâu sát hay không, mọi người dân có được hưởng, hay chỉ chính sách ở trên thì như thế còn ở dưới thì không làm được thế.
Vì sao các trường đặt ra những thứ phụ thu, gây bức xúc cho gia đình học sinh trong khi đã có quĩ do Bộ Giáo dục-Đào tạo hỗ trợ? Phụ huynh được giải thích là vì tài trợ của Bộ không đủ cho mọi kinh phí của nhà truờng.
Nhã Trân hỏi chuyện hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Sài Gòn. Nhà giáo không muốn nêu tên này thẳng thắn nói:
“Nói chung là Bộ Giáo dục có rót tiền xuống nhưng mà năm nào cũng hao hụt hết, cũng sửa chữa, nâng cấp trường, thành ra rường nào cũng vậy hết, vì nhà trường đâu có tiền. Nói rằng ngân quĩ giáo dục lớn nhưng thật ra trường được ít lắm. Coi như hiệu trưởng trường nào trường đó tự thân mà vận động, ai làm gì được thì làm"
Có dư luận trong giới phụ huynh rằng ngoài chi trả cho vật tư và bảo trì hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng của trường, số tiền thu được dùng để thêm vào lương bổng cho giáo viên. Điều này thực hư thế nào? Vị nữ giáo sư ở Gia Long cũ thừa nhận đây là sự thật, thế nhưng nói rõ rằng số phụ cấp này rất khiêm nhượng vì vậy chẳng giúp gì đáng kể, trong khi hoàn cảnh giới kỹ sư tâm hồn rất bi đát nếu không có nguồn thu nhập nào khác:
"Cái đó nhà trường cũng nói như vậy, là 10% hoặc 20% số tiền phụ huynh đóng góp được dùng để thưởng cho giáo viên. Thì cũng có mà cũng đâu có bao nhiêu. Đời sống giáo viên đâu có nâng cao bao nhiêu. Giáo viên mà không làm nghề khác hoặc không có gia đình yểm trợ thì không cách chi mà sống được.
Nói chung thì đời sống của giáo viên rất là khó khăn. Nhà trường thu tiền [từ phụ huynh] rồi thì mới tăng lương cho giáo viên chứ. Thu để mà tăng, nhưng mà tăng đâu có bao nhiêu”
Các khoản thu tuỳ tiện và trái phép
Cứ mỗi mùa tựu trường gần đây tiếng ta thán về các khoản phụ thu, bên cạnh học phí và sách giáo khoa, lại được phản ánh khắp nơi. Nói chung các gia đình thu nhập thấp rên xiết vì phải nộp thêm nhiều khoản tiền khác ngoài sách giáo khoa và học phí, vốn đã gây nhiều khó khăn cho họ.
Công luận phê phán rằng các khoản thu tùy tiện và trái phép. Tuỳ tiện vì chưa hề được Bộ Giáo dục-Đào tạo phê duyệt. Trái phép vì từng được cảnh báo: từ niên học trước Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội có ra văn bản qui định rằng các khoản này không được thu ngay từ đầu năm mà phải theo từng tháng hay học kỳ. Nhà trường không được thu hộ những loại phí như quĩ phụ huynh, quĩ đoàn, quĩ đội, phí bảo hiểm y tế và phải hoàn trả cho phụ huynh những thứ phí trái phép.
Nguyện vọng của các phụ huynh giới lao động hiện nay là mong những món phụ thu được xem xét, chiết giảm cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đại đa số gia đình thuộc diện chỉ đủ ăn hoặc túng thiếu:
"Bây giờ những con em nhà nghèo, những gia đình khốn khổ cần được quan tâm, giúp đỡ. Xã hội bây giờ có nhiều vấn đề tiêu cực lắm. Theo ý tôi nói thì chưa công bằng vì nhà nước có thể chủ trương thì rất là đúng, thế nhưng có sâu sát hay không, mọi người dân có được hưởng, hay chỉ chính sách ở trên thì như thế còn ở dưới thì không làm được thế”
Nếu quan tâm đến học sinh nghèo, giảm cho học sinh nghèo thì tốt. Tôi mong muốn những người chức trách quan tâm đến người nghèo, chứ chỉ khẩu hiệu không thì chưa đủ, thực tế mới là vấn đề"
Quí vị và các bạn vừa được nghe sự kiện các loại phí phụ trội do nhiều cơ sở giáo dục tự ấn định hiện là gánh nặng quá tải đối với hoàn cảnh nhiều gia đình khiến niềm vui được nhìn con cắp sách đến trường không còn trọn vẹn như xưa.
Trong không khí mùa khai trường năm nay Nhã Trân xin chào tạm biệt. Chuyên mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này cũng xin tạm dừng nơi đây và mời quí vị cùng các bạn đón nghe cũng vào giờ này sáng thứ Ba tuần tới, trên cùng làn sóng phát thanh.