Lê Dân, phóng viên đài RFA
Tình trạng khan hiếm công nhân sau những ngày Tết từ nhiều năm qua đã thành nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Năm nay khung cảnh ảm đạm đó lại tái diễn và có chiều nặng nề hơn với các cuộc đình công của 500 công nhân công ty Astro, 1200 công nhân giày Giai Hiệp. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày một số nguyên ủy như sau.
Có thể nói, những cuộc đình công hồi trước Tết tại các khu chế xuất và công nghiệp xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh là các diễn tiến chưa từng xảy ra vì có sự tham gia của trên 40 ngàn công nhân.

Nguyên nhân?
Báo chí ghi nhận hiện tượng đó là chỉ dấu cho thấy việc làm tại các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài, tức FDI, tại các khu công nghiệp - chế xuất ở vùng Thành phố Hồ Chí Minh không còn là niềm mơ ước của người lao động các tỉnh như trước nữa.
Tờ Tiền Phong cho là do thu nhập kém, nơi sinh hoạt nhếch nhác lại phải xa nhà đằng đẵng khiến nhiều công nhân có tâm lý "ta về ta tắm ao ta" ngay trong dịp Tết.
Sau đó, do lương chỗ cũ thấp, lại thêm các khu công nghiệp, khu chế xuất mới liên tục mọc lên, thu hút lao động từ mọi miền nên có hiện tượng công nhân bỏ việc hàng loạt tại thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận.
Một giới chức Việt Nam quản trị công ty FDI ở khu chế xuất Sóng Thần cho biết: "Thuờng thì công nhân một số công ty may hay đổi công việc vào dịp sau Tết..."
Nhiều công nhân có tay nghề cao cho biết họ sẵn sàng chuyển sang chỗ làm mới nếu mức lương và chế độ phụ cấp hấp dẫn hơn.
Tình trạng thiếu công nhân, hay lao động bỏ việc hàng loạt tại vùng thành phố Hồ Chí Minh như báo chí Việt Nam phản ảnh chỉ là tạm thời, năm nào cũng xảy ra sau Tết, không hẳn là do tác động của các vụ đình công hàng loạt.
Như vậy, do đâu mà xảy ra những phản ứng đồng loạt của công nhân tại các doanh nghiệp FDI hồi trước Tết ?
Phản ứng của giới đầu tư
Tạp chí The Economist, tức Kinh Tế Gia, danh tiếng quốc tế trong số cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai, ở trang 42 đã có bài mang tựa đề "Trouble at the mill" mà chúng tôi xin tạm dịch là "Rắc rối ngay tại xí nghiệp", đã đưa ra một số thông tin và nhận định liên quan.
Bài báo viết rằng giờ đây dù hầu hết các công nhân đã trở lại làm việc, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài hết sức bực bội vì việc sản xuất bị đình trệ và mức lương tối thiểu lại do chính phủ vội vàng nâng cao.
Phòng Thương mại Châu Âu tại Hà Nội gởi một bức thư chua chát cho Thủ tướng Phan văn Khải, nhắc nhở rằng các nhà đầu tư thiết lập doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu vì công nhân ít đình công.
Một giới chức đại diện thương mại Đài Loan tại thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết là không chỉ doanh gia Đài Loan, mà còn người Nam Hàn, Nhật Bản và Singapore cũng bực bội. Nếu cần thiết thì họ sẽ hội ý để bày tỏ nhận định của họ với nhà cầm quyền Việt Nam.
Các vụ đình công hàng loạt nằm trong kịch bản chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản. Mục tiêu là nhằm hạ uy tín của các quan chức phụ trách địa phương có các vụ đình công xảy ra, hoặc để đánh bóng lòng nhân từ của lãnh đạo đối với công nhân.
Bài báo của tạp chí The Economist cho biết phần lớn các vụ đình công trước Tết xảy ra tại các doanh nghiệp Đài Loan, vốn chiếm tới 80% các xí nghiệp FDI tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Câu hỏi tạp chí này đặt ra là lý do vì sao mà nhà cầm quyền không dập tan các cuộc đình công hàng chục ngàn người đó ?
Theo một số nhà quan sát quốc tế thì các vụ đình công hàng loạt nằm trong kịch bản chuẩn bị cho đại hội đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng Tư tới. Mục tiêu là nhằm hạ uy tín của các quan chức phụ trách địa phương có các vụ đình công xảy ra, hoặc để đánh bóng lòng nhân từ của lãnh đạo đối với công nhân, hoặc cả hai mục tiêu đó cùng lúc.
Các giả thuyết khác
Tạp chí The Economist còn nhắc đến giả thuyết khác, nếu nhìn vào quốc tịch của chủ nhân các doanh nghiệp FDI bị đình công nhiều, là Đài Loan. Việt Nam và đảo quốc này đều tranh giành chủ quyền trên vùng Trường Sa và Đài Bắc vừa cho xây một sân bay trên một hòn đảo trong vùng vào ngày 15 tháng Mười Hai. Ít ngày sau là các vụ đình công xảy ra liên tục.
Viên chức Việt Nam quản trị một doanh nghiệp FDI cho biết là không ai tin các vụ đình công hoàn toàn tự phát: "Một số người nói đằng sau các vụ này chắc có lẽ là có một tổ chức nào đó, không phải là tự phát của cá nhân nào trong công nhân mà có thể làm được việc đó… Nói chung thì đó là của bên cơ quan công an điều tra, nhưng chưa có thấy ai báo cáo như thế nào, chưa thấy có thông tin nào chính xác hết."
Bạn nghĩ gì về tình trạng này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn email: vieweb@rfa.org
Bái báo trên tạp chí uy tín The Economist kết luận rằng, biết đâu chừng các công nhân Việt Nam chỉ đơn thuần chán nản với mức lương quá thấp và những ông chủ keo kiệt, mà số người tham gia đình công lại quá đông, không thể nào trấn áp cho hết.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Giờ đây Việt Nam phải học được nhận thức mới. Đó là năng suất cao cũng có nghĩa là phải đón chờ nhiều biến động cao.