Mừng lễ Vu Lan Phật lịch 2550
2006.08.07
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Cuối tuần này, Đại lễ Vu Lan Phật lịch 2550 bắt đầu được cử hành tại nhiều chùa ở các nơi trên thế giới. Theo đạo Phật và truyền thống văn hóa Việt Nam, Vu Lan là lễ báo đáp công ơn cha mẹ, đồng thời là mùa xá tội vong nhân, thể hiện tinh thần từ bi của Phật giáo đối với chúng sinh; và tình người của dân tộc mình.
Thày Thích Đồng Thọ ghi lại “Vài suy nghĩ về ngày lễ Vu Lan”, Trường Văn xin trích đoạn gửi đến quý vị như sau: “Hai chữ “Vu Lan” được hình thành từ công hạnh cứu mẹ đầy cảm động của ngài Mục Kiền Liên do đó, lễ Vu Lan mang một ý nghĩ lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn….”
Vu Lan như là một tấm gương sáng cho mọi người có dịp soi lại mình, một người con, và tôn vinh sự hiếu hạnh của đạo làm người.
Qua đó, chúng ta còn góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc bởi Vu Lan, hiện thân của hiếu hạnh, đã được un đúc qua bao thế hệ theo tinh thần Phật giáo và truyền thống văn hóa Việt Nam …” “Ơn nghĩa sinh thành” nhạc bản của Dương Thiệu Tước, hợp ca thiếu nhi …
Cũng trong Thư viện Hoa Sen, Thy Nga đọc thấy bài “Vu Lan Huế” của Thái Kim Lan rất cảm động nên xin trích đoạn và nhờ Nhã Trân trình bày, để chia xẻ cùng quý thính giả:
“Mục Kiền Liên Bồ Tát nhìn thấu suốt mấy cõi trời, vén màn vô minh, và với lòng thương mẹ, đã nhìn thấy mẹ đang bị trừng phạt trong chốn A tì. Bà đã sống thiếu lòng nhân ái vì vậy bị đày đọa trong địa ngục tối tăm.
Hai chữ “Vu Lan” được hình thành từ công hạnh cứu mẹ đầy cảm động của ngài Mục Kiền Liên do đó, lễ Vu Lan mang một ý nghĩ lớn là báo ân cha mẹ, đồng thời còn bao hàm ý nghĩa tìm về cội nguồn, là biết ơn và báo ơn…
Mục Kiền Liên đi vào địa ngục tìm mẹ, chẳng khác chi Orphée của thần thoại Hy Lạp đi tìm người yêu trong cõi chết, hay một nghệ sĩ ôm đàn lang thang muôn kiếp qua nhiều cõi ngân hà để một ngày vào độ trăng rằm, chay đàn cứu độ những kẻ đọa đày trở lại thế gian. (Orphée hay Orpheus, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, là một nghệ sĩ có giọng ca và tiếng đàn mê hoặc cả những thú hoang, cũng như sỏi đá và cây cỏ. Nhờ thế, Ophée thuyết phục được những vị thần ở dưới điạ ngục cho phép Eurydike, người vợ thân yêu đã chết trở lại cõi trần với chàng.)
Tôi đã hiểu được qua Vu Lan, chữ Hiếu gắn liền với chữ Thương, không hạn hẹp mà rộng mở cho vô lượng chúng sinh: “tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân” Vu Lan được cảm nhận như là một lễ tôn giáo rất gần gũi với con người, gần gũi như tình mẹ thương con, con thương mẹ, như mưa ngoài sông, như trăng lên đầu ngõ, như tiếng nhạc lạ lùng trên sóng nước.
Đồng thời, Vu Lan cũng là cơ hội cho con người trên thế gian có thể vượt giới hạn của mình trên bước đường chuyển hoá để giải phóng cho mình và cho người. Bằng hạnh lực của chính mình, con người có thể “xá tội vong nhân” …
Cho nên, ý nghĩa của Vu Lan bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, tưởng như sẽ không thấu hiểu hết được đối với những trí óc còn non nớt hoặc ngu muội, nhưng có lẽ sự diệu kỳ của bước chuyển hóa “xá tội đổi nghiệp”, đổi nghiệp “bát cơm lửa” thành nghiệp “bát cơm lành” bỗng thành đơn giản.
Sau mấy tháng kiết hạ giữ giới và chiêm nghiệm quán tưởng, rằm tháng Bảy là ngày trăng tròn đầu tiên được xem là ngày giác ngộ giải phóng cho tất cả chúng sinh từ con người giới hạnh đến những con người tha hóa, từ con người đang sống trên thế gian cho tới những hồn ma bóng quế trong chốn ngục tù tối tăm …
Với tình thương Mẹ, Mục Kiền Liên đã thực hiện cơ hội giác ngộ thành Phật mở rộng đến những cõi âm ti, đem từ bi và hy vọng đến những nơi vô vọng nhất của con người … cho nên, lòng người náo nức niềm vui khi nghĩ rằng những người khuất mặt đang chờ ngày cửa ngục được mở rộng để trở lại nhân gian …
Tôi đến các chùa lễ Phật, mỗi lần cúi lạy là một lần gần thêm với mẹ đã xa cách nghìn trùng, mỗi lần đem cơm cho những kẻ khốn cùng là một cơ hội chuyển chén than thành cơm trắng ngọt ngào ở nơi cõi xa nào đó …”
“Bông hồng cài áo” ca khúc không thể thiếu vào mỗi mùa Vu Lan, Anh Dũng đang gửi đến quý thính giả …
Bài mang tựa đề “Bông hồng cài áo” do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1962 gây xúc động cho bất cứ người nào đọc, và là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết nên bài hát cùng tên.
Cho nên, ý nghĩa của Vu Lan bao trùm cả vũ trụ nhân sinh, tưởng như sẽ không thấu hiểu hết được đối với những trí óc còn non nớt hoặc ngu muội, nhưng có lẽ sự diệu kỳ của bước chuyển hóa “xá tội đổi nghiệp”, đổi nghiệp “bát cơm lửa” thành nghiệp “bát cơm lành” bỗng thành đơn giản.
Cũng từ bài viết ấy, nghi thức cài hoa lên áo thiện nam tín nữ đến lễ chùa vào dịp Vu Lan, được phổ biến tại Việt Nam, bông màu đỏ cho người còn mẹ, bông màu trắng cho người đã mất mẹ.
Tục lệ này, thưa quý vị, bắt nguồn từ lễ “Mother’s Day” bên Mỹ. Chuyện rằng Anna Jarvis mong muốn vinh danh mẹ cô, là người đã từng tìm cách lập ra “Ngày hữu nghị của các bà mẹ” như một phương cách để hàn gắn những đổ vỡ đau thương của cuộc nội chiến.
Bà qua đời vào năm 1905 mà chưa thực hiện được ý nguyện. Vào giỗ mẹ năm 1908, Anna đến thành phố Grafton thuộc tiểu bang West Virginia, thuyết phục nhà thờ nơi bà từng dạy giáo lý, làm lễ tưởng niệm mẹ cô. Đó là vào Chủ Nhật 10 tháng 5, 1908, Anna mang hơn 500 đóa carnation (cẩm chướng, loài hoa mà mẹ cô ưa chuộng) đến tặng người dự lễ.
Theo truyền thuyết Ki-tô giáo, những giọt nước mắt của đức Mẹ khi theo chân Chúa Giê-su trên đoạn đường vác thập tự giá, tuôn rơi xuống đất thì hóa thành những đóa cẩm chướng.
Bông cẩm chướng màu trắng biểu trưng cho sự thanh khiết của tình Mẹ, Anna cài lên áo những người đã mất mẹ. Cẩm chướng màu đỏ thì được cài lên áo những người còn mẹ trong đời. Buổi lễ rất cảm động, là yếu tố thêm nữa thúc đẩy Anna theo con đường mà mẹ cô đã vạch ra, là vận động lập ra ngày lễ vinh danh các bà mẹ trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Đó là nguồn gốc của nghi thức cài hoa lên áo, theo sự truy nguyên của anh Khổng Trọng Hinh. Thế nhưng, người Việt vốn chuộng và quý hoa hồng nên dịp đại lễ Vu Lan, đa số lại cài hoa hồng, chứ không phải là cẩm chướng.
Tuy nhiên, hoa nào, màu nào cũng chỉ là biểu tượng. Điều cốt yếu là lòng thành tâm do đó, Thy Nga vẫn muốn, qua làn sóng phát thanh, gửi đến quý vị thính giả, những bông đỏ thắm vào dịp Vu Lan mặc dù biết rằng không phải người nào cũng có được niềm hạnh phúc là còn mẹ còn cha.
Màu đỏ thắm thiết sẽ mang lại chút ấm áp cho người không còn diễm phúc đó nhưng biết rằng hình ảnh về mẹ, về cha, tình thương yêu ấy vẫn mãi trong lòng mình, và còn mãi với thời gian. Đóa hoa đỏ cũng nhắc mọi người trong chúng ta rằng các lễ Vu Lan êm đềm nhất, chính là những khi ta được sống bên mẹ, bên cha.
Lưu Bích đang hát đến quý vị, ca khúc mang tên “Mẹ” với lời của Nguyễn đình Toàn, nhạc của Nguyễn Linh Diệu.
tiếp nối là Thiên Kim với ca khúc “Người cha” …
Và trong âm thanh ca khúc “Mẹ yêu” Võ Tá Hân phổ ý thơ Cát Biển, với sự trình bày của Nhóm Hoa Giấy, Thy Nga xin kết thúc chương trình. Chúc quý vị hưởng mùa lễ Vu Lan trong an lạc.
Những bài liên quan
- Trịnh Hưng và các nhạc bản đượm tình quê hương
- Biển sóng tình em
- Giới nghệ sĩ Việt Nam và Bóng đá
- Ole! Ole! Ole!
- Ca khúc mùa Hạ
- Father’s Day, ngày Lễ Cho Cha
- Nghệ thuật Ca trù (tiếp theo)
- Nghệ thuật Ca trù
- Tâm tình Mỹ Lan vào giỗ đầu của Nhật Trường Trần Thiện Thanh
- Hoàng Trọng, “Vua Tango” của nhạc Việt Nam
- “Mother’s Day” Lễ cho Mẹ
- Đón mừng Phật Đản, Phật lịch 2550
- Tâm tư của thế hệ trẻ sinh tại hải ngoại qua âm nhạc
- Vũ điệu Tango
- Chiếc áo dài Việt Nam qua những thăng trầm
- Trang phục dân tộc Việt thời xưa
- Nhạc từ dòng thơ Thanh Tâm Tuyền
- Thơ nhạc Hoàng Thượng Dung
- Tình yêu trong thời đại mới
- Mừng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ
- Các khúc hát tình tự quê hương (phần 2)
- Thôn làng Việt Nam
- Mừng Valentine, lễ hội Tình Yêu
- “Bonjour Vietnam” và Phạm Quỳnh Anh
- Đi lễ chùa Hương