Những chuyện ‘cười ra nước mắt’ trong việc duyệt xét tác phẩm văn học VN
2006.10.22
Tam Nguyên & Nguyễn An, RFA
Theo các qui định về việc ấn hành các tác phẩm văn học tại Việt Nam, trước khi một tác phẩm văn học ra đời, nó phải được trải qua nhiều ggia đoạn gian nan, bởi nhà văn phải vật lộn trên từng câu chữ, hình tượng… sau đó là đến khâu kiểm duyệt, xuất bản. Trong chương trình Văn học Nghệ thuật kỳ này, Nguyễn An trao đổi với nhà văn Tam Nguyên ở trong nước về những chuyện “cười ra nước mắt” trong quá trình nhà xuất bản xét duyệt tác phẩm.
Nguyễn An: Thưa nhà văn Tam Nguyên, chúng tôi được biết qua dư luận độc giả, là nhiều khi tác phẩm bị từ chối in lại là những tác phẩm hay. Là một nhà văn gần gũi với sinh hoạt xuất bản trong nứơc, ông thấy điều ấy có đúng không, và nếu đúng thì lý do tại sao?
Tam Nguyên: Trước khi một tác phẩm văn học ra đời, nó phải được trải qua một thời gian khá dài nung nấu những tư tưởng chủ đạo và kết cấu tình tiết, ví như quá trình thai nghén của một bào thai. Tiếp đến là giai đoạn cũng không phải ngắn để diễn đạt những gì được định hình bằng lời văn cho một tập sách cụ thể.
Đây là giai đoạn cực kỳ gian nan, bởi nhà văn phải vật lộn trên từng câu chữ, hình tượng… cũng như quên ăn mất ngủ cho việc đổi mới hình thức thể hiện, chọn lựa bút pháp, thủ pháp; Sao cho những áng văn có sức lột tả, lôi cuốn và có sức truyền cảm mạnh. Giai đoạn này có thể ví như sự vượt cạn của một sản phụ để đưa con mình vào đời.
Chỉ thông qua đọc những trang bản thảo, các biên tập viên dù có cả tâm lẫn tài, cũng chỉ hy vọng cảm thụ và cảm thông được 70 - 80% sự cực nhọc và thâm ý nghệ thuật của nhà văn, và tối thiểu những biên tập viên ấy trước đó phải là những nhà văn có thâm niên.
Trong đội ngũ biên tập viên ở Việt Nam, phẩm cấp ấy chỉ thấy rất thưa thớt. Số còn lại đều mới chỉ qua đại học văn khoa hoặc ngôn ngữ khoa, thậm chí giáo viên toán, giáo viên tiểu học có chút ít khiếu văn chương, có dăm ba truyện ngắn đăng rải rác trên báo, hoặc một số sinh viên mới tốt nghiệp được cha mẹ bỏ tiền ra chạy việc ở nhà xuất bản - nơi vẫn được xem là cao sang. Với năng lực ở phẩm cấp ấy làm sao thẩm định được tiểu thuyết của các nhà văn dày dạn.
Nguyễn An: Như vậy một câu hỏi phải đựơc đặt ra là, với trình độ thấp, tay nghề non, thì mấy ông bà biên tập viên này làm hỏng hết việc sao?
Tam Nguyên: Không hẳn như thế. Tiêu chuẩn đề bạt vào ban biên tập được đưa lên hàng tối ưu là đảng viên. Thẩm định một tác phẩm, việc được coi trọng và coi là tiên quyết là lấy đèn đỏ soi chiếu để tìm ra những điều cấm kỵ, lấy đó để yêu cầu tác giả cắt bỏ hoặc sửa chữa cho phù hợp với Nghị quyết của Đảng về văn học nghệ thuật. Còn nghệ thuật thể hiện chẳng được lưu tâm mấy.
Trên thực tế, chẳng ai đủ năng lực cảm thụ và nhận thức một cách thấu triệt, nhất là những tác phẩm tâm huyết, bởi như vẫn có câu "văn là người" mà người thì đâu dễ hiểu. Họ tự cho mình đ• là biên tập thì có quyền yêu cầu này nọ ở tác giả, thậm chí còn ngông hơn: nếu không sửa, cắt xén văn thì không còn là biên tập nữa.
Quá quắt hơn, mấy cô biên tập viên mới nhập môn đã “điếc không sợ súng,” dám đè văn của các tác giả cây đa cây đề sửa cả từ, dấu chấm phảy… khác nào trong trường học, trò chấm bài cho thầy.
Ở Hải Phòng, có một ông tổng biên tập cậy quyền để gạch xoá và sửa bừa của một nhà văn cứng bút, khiến tác giả phải lên tiếng bảo vệ mình. Khi đuối lý, ông ta đã phải viện đến việc làm vô học thuật là lớn tiếng và dọa trả lại bản thảo.
Nguyễn An: À như vậy là ông này mặc dù trong làng văn, nhưng lại muốn dùng võ đây.
Tam Nguyên: Không hiểu sao người như thế lại được dung nạp vào một lĩnh vực mà những hành vi thiếu tế nhị, khiêm nhường, trọng thị, mềm dẻo và thiếu tính học thuật… đều bị coi là khí độc. Hành vi dạng ấy chỉ tồn tại ở những xí nghiệp có công nhân bị chủ phạt đày nắng cả giờ.
Với tình trạng biên tập viên như thế, chỉ những bản thảo minh hoạ cho đường lối biện pháp chính trị, né tránh mọi vấn đề gai góc, thối rữa, sâu mọt của xã hội là được nâng đỡ và dễ được duyệt in. Và đương nhiên, những tác phẩm có nội dung ngược lại hẳn đã bị từ chối. Có thể kể ra vài trường hợp: thơ của Vi Thuỳ Linh, Hoàng Hưng, tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp...
Nguyễn An: Xin cám ơn nhà văn Tam Nguyên, và xin hẹn Quý thính giả tiếp tục theo dõi câu chuyện này trong mục Tạp chí Văn học Nghệ thuật của đài Á Châu Tự Do.
Các tin, bài liên quan
- Hội luận giữa 2 nhà văn trong nước về những trăn trở của người cầm bút (phần 2)
- Hội luận giữa 2 nhà văn trong nước về những trăn trở của người cầm bút
- Vấn đề kiểm duyệt tác phẩm văn học tại Việt Nam
- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 4)
- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 3)
- Mạn đàm với nhà văn Nguyễn Đình Toàn
- Mạn đàm với nhà văn Phan Nhật Nam
- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 2)
- Bài viết của nhà văn Tam Nguyên về Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa