ADB công bố kế hoạch hợp tác nhằm ngăn chận hiểm hoạ cúm gia cầm

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Tại cuộc họp báo hôm nay ở Bangkok, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB công bố kế hoạch hợp tác quan trọng với các tổ chức trong vùng và quốc tế nhằm ngăn chận hiểm hoạ cúm gia cầm, giữa lúc virut cúm gà H5N1 đang trên đà lây lan sang nhiều nơi trên thế giới, và tiếp tục hoành hành đáng ngại ở khu vực Châu Á. Từ Bangkok, Thanh Quang gởi về bài tường thuật sau đây.

BirdFlu150.jpg

Hôm nay, thứ Năm, Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB công bố kế hoạch mệnh danh là “Sự Hợp tác Chiến lược Phòng Chống Dịch Cúm Gia Cầm tại Châu Á”, qua đó, ADB sẽ phối hợp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, Tổ chức Lương Nông Quốc tế FAO và Tổ chức Y tế Thế giới WHO để khẩn cấp ngăn chận dịch bệnh.

Hiểm hoạ

Lên tiếng với giới truyền thông quốc tế ở Trụ sở Thường Trú ADB tại Bangkok, ông Indu Bhushan, Viên chức điều hành lực lượng đặc nhiệm của ADB về phòng chống bệnh cúm gia cầm lưu ý rằng, dưạ trên ước lượng của Tổ chức y tế Thế giới về mức tử vong khoảng 7 triệu người do đại dịch cúm gây ra, cuộc khảo sát của ngân hàng ADB dự đoán mức tổn thất tại khu vực Châu Á lúc đó có thể lên tới 297 tỷ mỹ kim/một năm.

Ông Indu Bhushan cho biết rằng để ngăn chận hiểm hoạ này, ADB công bố sẽ xúc tiến một nỗ lực phối hợp quan trọng với ASEAN, FAO và WHO để giúp tất cả những nước thành viên của ADB ngăn chận dịch cúm gia cầm.

Với ngân khoảng do ADB cùng Nhật bản tài trợ tổng cộng 38 triệu đôla, kế hoạch vừa nói sẽ đáp ứng nhu cầu khẩn cấp là giúp ngăn chận đà lây lan của virut cúm gà H5N1 trong số gia cầm, cũng như tăng cường khả năng phòng chống một đại dịch có thể xảy ra trong khu vực.

Khi được hỏi về tình hình dịch bệnh này tại Việt Nam, ông Indu Bhushan của ADB nhận xét kinh nghiệm phòng chống dịch cúm gia cầm tại Việt Nam rất tích cực. Trong 3 tháng qua, chưa có báo cáo nào về ổ dịch mới, hay người nào mắc bệnh cúm gà. Theo ông Bhushan, thì điều đó chứng tỏ Việt Nam nghiêm chỉnh và kiên quyết ngăn chận dịch bệnh, dù virut cúm gà hiện đang trên đà lây lan ở nhiều nơi, nhất là do loài chim thiên di.

Hiện diện tại cuộc họp báo, tiến sĩ Hà ChangChui, Phụ tá Tổng Giám đốc Tổ chức Lương nông Quốc tế FAO, và là đại diện của cơ quan này tại khu vực Châu Á-TBD, cũng bày tỏ lạc quan về kế hoạch hợp tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong khu vực. Ông nhấn mạnh rằng virut H5N1 tiếp tục hiện diện tại nhiều nước Á Châu sau khi bắt đầu hoành hành nghiêm trọng ở Việt Nam hồi đầu năm 2004. Và hiện chủng nguy hiểm này đang lây lan sang Châu Âu, Châu Phi.

Vẫn còn là một ẩn số

Tiến Sĩ họ Hà nói tiếp hiện giờ, Trung Quốc và Việt Nam đang thực hiện chiến dịch quy mô chủng ngừa gia cầm, nhưng vẫn chưa thật sự ngăn chận được dịch bệnh qua phương cách tiêu hủy hay chủng ngừa gia cầm.Tại Thái Lan, mặc dù bệnh cúm gà được ngăn chận trong khu vực chăn nuôi công nghiệp, nhưng vẫn chưa ngăn chận được ở những nơi nuôi cá lẻ.

Tại Indonesia, nỗ lực ngăn chận dịch bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp chủng ngừa hay tiêu hủy gia cầm, nhưng vẫn không mang lại thành công. Tại Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, và cả Miến điện, ngày càng có nhiều báo cáo về bệnh cúm gà. Và dịch bệnh gây quan ngại không những trong vùng, mà còn trên toàn thế giới.

Tiến sĩ họ Hà nhận dịp này bày tỏ tin tưởng rằng kế hoạch hợp tác chiến lược phòng chống dịch cúm gia cầm vừa nói sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh trong khu vực – về mặt kinh tế lẫn xã hội.

Tiến sĩ Azmi Mat Akhir, Phụ tá đặc biệt của Tổng thư ký ASEAN và đặc trách về dịch cúm gia cầm cho biết rằng các nước Châu Á, kể cả Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonesia, là những nơi tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm, trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại Malaysia và Miến Điện rất cao. Tiến sĩ Akhir tin rằng vùng Đông Nam Á có thể được xem là trung tâm bệnh cúm gà, và từ đây, dịch bệnh lay lan sang các lục địa khác.

Tiến sĩ Akhir nhấn mạnh hiện giờ virút H5N1 đã hiện diện ngay trước cửa, mà chúng ta vẫn chưa chắc rằng chúng ta có chuẩn bị chu đáo hay chưa để tự vệ, nhất là vào khi virut H5N1 vẫn còn là một ẩn số.

Cần nỗ lực phối hợp chung

Cũng hiện diện tại cuộc họp báo ở Bangkok, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Thái Lan, tiến sĩ William Aldis, sau khi phân tích về sự nguy hiểm của virút H5N1 cùng ảnh hưởng của nó về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đã kết luận rằng hiểm hoạ này không thể do một tổ chức, cơ quan, quốc gia nào ứng phó được, mà phải cần tới nỗ lực phối hợp chung, có hệ thống, để ngăn chận virút lay lan trong đàn gia cầm và đồng thời, trên con người.

Kế hoạch Hợp tác Chiến lược Phòng chống Dịch Cúm Gia cầm tại Châu Á sẽ giúp Ủy ban điều hành ASEAN tăng cường vai trò điều phối các chương trình trong khu vực và những kế hoạch ngăn chận dịch bệnh.

Kế hoạch này thuộc trong khuôn khổ thảo luận tại hội nghị cấp cao diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng Giêng vừa rồi, nơi cộng đồng thế giới cam kết đóng góp 1 tỷ 900 triệu đôla để chống bệnh cúm gà.

Tưởng cũng cần nhắc lại là virút cúm gà H5N1 hiện tiếp tục hoành hành tại nhiều nước Châu Á, và đang lây lan sang Nam Á, Châu Âu, Châu Phi. Nhiều trường hợp virút lây sang người đã được phát hiện tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq. Các chuyên gia tin rằng virút H5N1 có nguy cơ biến thể để lây từ người sang người, tạo nên một thảm hoạ cho nhân loại.

Thanh Quang tường thuật từ Bangkok, Thái Lan.