Trần Thanh Hiệp
Tại Việt Nam từ trước Tết đến nay, đã xảy ra một loạt các cuộc đình công quy mô lớn, tại các xí nghiệp vốn nước ngoài cũng như vốn trong nước, tại miền Nam cũng như tại miền Trung, miền Bắc.

Để tìm hiểu thêm ý nghĩa của hiện tượng bất thường này, BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris. Đây là phần thứ nhất của cuộc trao đổi, mời quý thính giả theo dõi.
Một biến cố làm rung chuyển cả chế độ
Nguyễn An: Kính chào Luật sư Trần Thanh Hiệp. Ở VIệt Nam từ trước Tết đến nay, đã xẩy ra một đợt đình công lây lan từ các doanh nghiệp, có vốn nước ngoài đầu tư, sang các doanh nghiệp có vốn trong nước. Hiện tượng này chưa từng thấy dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay ? Luật sư nhận xét thế nào về đợt đình công này?
Trần Thanh Hiệp: Nếu tại Pháp, là nước tôi đang ở, mà phải bàn về đình công thì chắc chỉ để xét xem có phải quyền đình công của các nghiệp đoàn cũng như giới giới lao động Pháp quá lớn hay không.
Ở Việt Nam, một đợt đình công chỉ mới diễn ra và kéo dài không lâu hơn 10 ngày, với sự tham gia của trên 50.000 công nhân, mà một quan sát viên quốc tế về lao động người Thụy Điển, bà Elin Gauffin, thành viên Ủy Ban Công Nhân Quốc Tế Thụy Điển, đã nói đó là một biến cố làm rung chuyển cả chế độ, thì tất đã phải có những lý do rất đặc biệt.
Một quan sát viên quốc tế về lao động người Thụy Điển, bà Elin Gauffin, thành viên Ủy Ban Công Nhân Quốc Tế Thụy Điển, đã nói đó là một biến cố làm rung chuyển cả chế độ, thì tất đã phải có những lý do rất đặc biệt.
Theo tôi, những lý do này đã được bà Elin Gauffin vô tình tóm lược trong một nhận xét khác nữa của bà, theo đó công nhân tại Việt Nam thuộc thành phần bị bóc lột nhất thế giới. Tôi cho rằng muốn nhận diện cho đúng thực chất của hiện tượng đình công vừa xảy ra tại Việt Nam thì không nên chỉ quan sát hời hợt ở bên ngoài, đồng hóa nó với những tranh chấp lao động thuần túy như ở các nước dân chủ tự do.
Mà phải dõi theo mạch bóc lột này, tìm hiểu ở Việt Nam, ai đã bóc lột công nhân tàn tệ và đã bóc lột như thế nào. Nếu nhìn vấn đề dước góc độ bóc lột đó thì đình công tại Việt Nam là một vấn đề chính trị xuất phát tự bản chất chính trị của một chế độ, nói là xã hội chủ nghĩa nhưng kỳ thực trong đó nạn người bóc lột người còn ghê khiếp hơn ở các chế độ tư bản.
Không phải thuần túy lao động
Nguyễn An: Xin Luật sư giải thích rõ thêm tại sao đình công ở Việt Nam, theo Luật sư, là một vấn đề chính trị chứ không phải thuần túy lao động? Xin được nhắc với ông rằng, yêu cầu của công nhân trong các cuộc đình công này tương đối giống nhau, nghĩa là đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.
Trần Thanh Hiệp: Đúng là theo các yêu sách chính thức đã được nêu lên trong các cuộc đình công thì đối tượng của cuộc tranh chấp chỉ là vấn đề lương tối thiểu. Nhưng đó chỉ là những lý cớ chính thức mà công nhân đưa ra để đình công mà thôi. Nên nhớ rằng công nhân và người lao động ở Việt Nam không có quyền tự do đình công như ở các nước dân chủ.
Luật lao động ở Việt Nam chỉ cho phép nói tới đình công trên cơ sở thuần túy lao động và bắt buộc có hình thức tranh chấp tập thể thông qua công đoàn. Nhưng ở Việt Nam không có công đoàn tự do, chỉ có công đoàn do Đảng chỉ đạo. Bà chủ tịch của Tổng công đoàn Lao động là một Trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản.
Cho nên chỉ thấy những yêu sách tối thiểu được đưa ra mà thôi. Nhưng khi đình công nổ ra người ta mới nhận thấy còn có nhiều yêu sách không chính thức về đủ mặt chính tri, kinh tế, xã hội văn hóa nữa. Bởi vậy tôi cho rằng phải vượt lên trên các yêu sách chính thức để nắm bắt được bản chất đích thực của đợt đình công đầu năm nay.
Dưới góc đô quan sát này, theo tôi có bốn lý do để nói rằng thực chất của đình công ở Viêt Nam là một vấn đề chinh tri. Thứ nhất, Việt Nam là một nước cộng sản nên không có loại quan hệ lao động thuần túy như ở các nước không cộng sản. Bởi muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản nên Đảng cầm quyền cộng sản đã làm cách mạng vô sản tức là chính trị hóa mọi quan hệ lao động, xã hội, nói là để đưa tất cả những người lao động lên làm chủ đất nước và chấm dứt nạn người bóc lột người.
Vì vậy để hiểu được hiện tượng đình công ở Việt Nam thì không thể coi đó chỉ là những tranh chấp lao động thuần túy. Thứ hai, trên đại thể ở Việt Nam quyền tư hữu phải nhường chỗ cho quyền công hữu. Do đó không có địa chủ, tá điền cũng như không có chủ nhân, công nhân, vì trên lý thuyết, ai cũng là chủ cả. Việc sử dụng lao động không nhân danh quyền lợi kinh tế mà nhân danh quyền lực chính trị cho nên trên nguyên tắc vấn đề đình công không có lý do để nhất thiết phải được đặt ra.
Luật lao động ở Việt Nam chỉ cho phép nói tới đình công trên cơ sở thuần túy lao động và bắt buộc có hình thức tranh chấp tập thể thông qua công đoàn. Nhưng ở Việt Nam không có công đoàn tự do, chỉ có công đoàn do Đảng chỉ đạo. Bà chủ tịch của Tổng công đoàn Lao động là một Trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản.
Thứ ba, tuy chiếu lệ, quyền đình công được pháp luật dự liệu nhưng trên thực tế quyền này, cũng như tất cả mọi nhân quyền khác chỉ có trên hình thức mà thôi. Thứ tư, vậy nếu đã xảy ra đình công thì tất phải là hậu quả của đường lối chính trị sai lầm không đáp ứng nhu cầu sinh sống của người lao động. Trong chừng mực đó, người ta có cơ sở để lập luận rằng đình công ở Việt Nm là một vấn đề chính trị.
Hậu quả của đường lối cai trị sai lầm
Nguyễn An: Thưa luật sư, ông vừa nói đình công là hậu quả của đường lối cai trị sai lầm của Việt Nam. Xin được hỏi ông rằng, sai lầm như thế nào?
Trần Thanh Hiệp: Tôi tưởng chúng ta chẳng cần bàn luận dông dài về những sai lầm của ý thức hệ cộng sản. Ngày nay sự phá sản của nó đã là một sự thật lịch sử hiển nhiên rồi. Tôi chỉ xin đứng về mặt thực tế mà nhận định : Tình trạng công nhân Việt Nam bị bóc lột nhất thế giới là một thất bại nặng nề và không thể biện minh được của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Nguyễn An: Như vậy, phải chăng để giải quyết vấn đề đình công ở Việt Nam, không thể không có một giải pháp chính trị ?
Trần Thanh Hiệp: Đúng vậy. Cần một giải pháp chấm dứt thứ chính trị bóc lột người lao động.
Nguyễn An: Cảm ơn Luật sư Hiệp. Chúng tôi xin tạm ngưng cuộc trao đổi tại đây và sẽ tiếp tục thảo luận với Luật sư về đề tài này trong chương trình phát thanh tối nay/sáng mai.