Nhận định về làn sóng đình công tại Việt Nam (phần 2)
2006.03.08
Trần Thanh Hiệp
Tại Việt Nam từ trước Tết đến nay, đã xảy ra một loạt các cuộc đình công quy mô lớn, tại các xí nghiệp vốn nứơc ngoài cũng như vốn trong nứơc, tại miền Nam cũng như tại miền Trung, miền Bắc.. Để tìm hiểu thêm ý nghĩa của hiện tượng bất thường này, BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris.

Kỳ trứơc, luật sư Hiệp cho rằng phải có một giải pháp chính trị cho các cuộc đình công này. Đây là phần thứ hai của cuộc trao đổi, chủ đề thảo luận sẽ là khía cạnh pháp lý của các cuộc đình công.
Nguyễn An: Trong cuộc trao đổi vừa qua, Luật sư đại ý nói rằng muốn giải quyết đình công ở Việt Nam, cần phải tìm một giải pháp chính trị. Như vậy, biện pháp của Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cao một lúc 40% mức lương tối thiểu có phải là một giải pháp chính trị hay không?
Ls Trần Thanh Hiệp: Biện pháp của Thủ tướng Khải tăng mức lương tối thiểu ấy không phải là một giải pháp vì nó không có khả năng giải quyềt được vấn đề then chốt là tình trạng công nhân ở Việt Nam bị bóc lột tới mức mà bà Elin Gauffin nói là “nhất thế giới”.
Cho đến nay, tình trạng bóc lột này vẫn được kìm giữ trong bóng tối, nhưng đợt đình công vừa qua đã vạch trần nó ra trước ánh sáng của dư luận trong và ngoài nước. Tôi cho rằng chừng nào còn bóc lột, nhất là bóc lột hết cỡ như ở Việt Nam, thì nhất định là đình công sẽ tiếp tục dưới hình thức này hay hình thức khác.
Khía cạnh pháp lý
Một quan sát viên quốc tế về lao động người Thụy Điển, bà Elin Gauffin, thành viên Ủy Ban Công Nhân Quốc Tế Thụy Điển, đã nói đó là một biến cố làm rung chuyển cả chế độ, thì tất đã phải có những lý do rất đặc biệt.
Nguyễn An: Luật sư đã nhấn mạnh trên bóc lột. Ai cũng biết rằng ở Việt Nam chính quyền nằm trong tay “liên minh giữa các giai cấp công nông với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” như có ghi trong điều 2 của Hiến pháp hiện hành. Và chính quyền này được điều 4 của Hiến pháp ấy đặt dưới sự lãnh đạo của “đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam” tức là Đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy nói có bóc lột chẳng hóa ra công nhân lại bóc lột công nhân sao?
Ls Trần Thanh Hiệp: Sự cách biệt giữa ngôn từ và thực tế là điều thông thường dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và ngày càng phổ biến. Tôi tưởng khỏi cần phải bàn luận nhiều thêm nữa để giải thích một cách lý thuyết vì sao tôi đã đưa lên hàng đầu vấn đề bóc lột. Tôi chỉ khởi đi từ một sự thật cụ thể là ở Việt Nam công nhân và nói rộngthêm ra nữa, người lao động đã và đang bị bóc lột.
Tôi xin minh xác là tôi dựa vào từ điển của Hà Nội để định nghĩa chữ bóc lột là “lấy không sức lao động của người khác vì lợi riêng của mình, bất chấp mọi lẽ phải, tình cảm, đạo đức”. Theo số liệu của thống kê, từ nhiều nguồn khác nhau, thì lương tối thiểu của người lao động tại Việt Nam - chưa tới 2 mỹ kim một ngày.
Một thứ lương chết đói quá tồi tệ, so với các nước phương Tây đã đành nhưng thậm chí còn kém cả bốn nước trong vùng là Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và Cămpuchia.
Thật vậy, mức lương tối thiểu một giờ của công nhân các nước tư bản phương Tây cao gấp 5 lần lương tối thiểu một ngày của công nhân ở Việt Nam. Còn ở trong vùng thì lương tối thiểu của công nhân ở Việt Nam thấp hơn mức lương ở Cămpuchia 21%, thấp hơn mức lương ở Trung Quốc 43, 4% và chỉ bằng một nửa của mức ở Thái Lan và Philippines.
Nên nhớ rằng công nhân ở Việt Nam được đánh giá tương đối cao về tay nghề chuyên môn, chưa kể những đức tính siêng năng làm việc, chịu khó, kiên nhẫn và biết tôn trọng kỷ luật v.v...
Như vậy công nhân ở Việt Nam đã bị “mất không” một phần sức lao động của mình, tức là “bị bóc lột” một cách trắng trợn. Hiện tượng là một sự thật khách quan và hiển nhiên, không cần bàn cãi nữa. Nếu có điều gì cần nói thì chỉ là phải tìm hiểu xem ai đã “lấy không” sức lao động ấy và lấy như thế nào, lấy tới đấu, bằng cách nào?
Một cuộc khảo sát nghiêm túc những yếu yếu tố thẩm lượng trên sẽ không thể không đưa tới kết luận nào khác hơn là đình công tại Việt Nam cần phải gỉai quyết bằng một giải pháp chính trị.
Ai bóc lột công nhân VN?
Luật lao động ở Việt Nam chỉ cho phép nói tới đình công trên cơ sở thuần túy lao động và bắt buộc có hình thức tranh chấp tập thể thông qua công đoàn. Nhưng ở Việt Nam không có công đoàn tự do, chỉ có công đoàn do Đảng chỉ đạo. Bà chủ tịch của Tổng công đoàn Lao động là một Trung ương ủy viên của Đảng Cộng sản.
Nguyễn An: Theo cách nhìn của Luật sư, thì ai là người đã bóc lột công nhân ở Việt Nam?
Ls Trần Thanh Hiệp: Ở Việt Nam, không còn những bóc lột qui mô nhỏ như thời xưa nữa vì địa chủ và tư sản mai bản cũng như tư sản dân tộc đã bị Đảng Cộng sản tận diệt từ cuối thế kỷ trước. Chỉ có bóc lột đại qui mô thôi.
Nhưng không phải ai cũng có được khả năng bóc lột ấy, nhất là Nhà nước hiện đang cầm quyền đã và đang theo đuổi chính sách kinh tế thi trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng.
Dưới chế độ ấy thì tư nhân không ai có thể bóc lột đại qui mô được cả. Chỉ những ai có quyền và có khả năng sử dụng đại qui mô lao động của công nhân và người lao động thì mới có khả năng bóc lột đại qui mô. Và người sử dụng lao động ấy không là ai khác hơn người quản lý các tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Tức là Đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về tình trạng công nhân và người lao động Việt Nam bị xếp loại vào thành phần bị bóc lột nhất thế giới hiện nay.
Bị bóc lột trực tiếp trong khu vực kinh tế quốc doanh và bóc lột gián tiếp trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đảng này vừa là chủ nhân bóc lột vừa là trung gian cập rằng cho tư bản ngoại quốc bóc lộ. Công nhân và người lao động ở Việt Nam là nạn nhân một cổ mang hai ách bóc lột.
Vậy Đảng cầm quyền phải trả lời và sẽ trả lời ra sao về tình trạng này, trước công nhân và người lao động? Nếu câu trả lời của Đảng đương sự không thỏa đáng thi lịch sử sẽ có cách trả lời của nó để sớm chấm dứt cảnh người bóc lột người thậm tệ đã kéo dài quá lâu rồi.
Nguyễn An: Luật sư vừa mở ra một viễn vọng không lấy gì làm tươi sáng lắm. Như vậy chẳng hóa ra đình công cư tiếp diễn, người công nhân cứ một cổ hai tròng như ông vừa nói hay sao? Phải chăng vì vậy mà luật sư đã nêu lên sự cần thiết của một giải pháp chính tri?
Ls Trần Thanh Hiệp: Như ta đã thấy, sự bóc lột nói trên là hậu quả trực tiếp của đường lối đổi mới đem định hướng xã hội chủ nghĩa mà biến chế kinh tế thị trường, dùng sức lao động của nhân dân cùng với tư bản, kỹ thuật ngoại quốc để duy trì và củng cố địa vị độc quyền cai trị cho Đảng cộng sản.
Đợt đình công đã nổ ra đầu năm nay khởi đầu tại những địa bàn có doanh nghiệp với vốn đầu tư ngoại quốc ở miền Nam hiện còn đang tiếp diễn tại khu vực quốc doanh ở miền Trung và miền Bắc là thuốc hiện hình cho thấy sự khẳng định về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ là một cường điệu tuyên truyền bất chấp sự thật.
Nguyễn An Xin cảm ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp.
Các tin, bài liên quan
- Nhận định về những cuộc đình công xảy ra hàng loạt tại Việt Nam (phần 1)
- Ai sẽ nắm chức tổng bí thư đảng trong nhiệm kỳ sắp tới?
- Ông Lê Hồng Hà nhận định về bài viết của ông Nguyễn Đức Bình (phần 1)
- Vai trò của liên đoàn lao động tại Việt Nam
- Đi chợ Tân Thanh ở Lạng Sơn
- Chuyện dài về nạn quan quyền chiếm đất tại Việt Nam
- Nhà báo Bùi Tín tổng kết những đóng góp ý kiến về Dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội 10
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 3)
- Công an bố ráp những người chờ khiếu kiện đang ở tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng
- 8 công nhân thiệt mạng trong một vụ nổ hầm mỏ ở Quảng Ninh
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 2)
- Phỏng vấn Tiến sĩ triết học Trần Văn Ðoàn (phần 1)
- Tiến sĩ Phan Ðình Diệu bàn về một hướng ra cho Việt Nam
- Tiến sĩ Phan Ðình Diệu góp ý với Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội 10
- Nguyên nhân của làn sống đình công lan rộng trên toàn quốc
- Sinh viên Việt Nam du học tại Pháp đóng góp ý kiến vào bản dự thảo báo cáo chính trị đại hội X
- Giới báo chí được nhắc nhở phải “thông tin có liều lượng” về các cuộc đình công
- Vì sao những vụ đình công qui mô lớn gần đây liên tục xảy ra?
- Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Bản dự thảo báo cáo chính trị Đại hội X thiếu trung thực (phần 2)
- Doanh nhân trong nước nhận xét gì về tình trạng đình công lãn công hiện nay?
- Tiếng kêu cứu của những gia đình tại tỉnh Bình Dương đã được lưu tâm
- Chủ tịch Trần Đức Lương xin lỗi các doanh nghiệp Nhật Bản về việc công nhân đình công
- Dịch vụ viễn thông và điện thoại ngày càng phát triển tại Việt Nam
- Công nhân các khu công nghiệp ở Đồng Nai và Tây Ninh tiếp tục đình công
- Nông dân Quảng Nam phải phá quế trồng các lọai cây khác