Bản tường trình về bạo hành đối với trẻ em tại vùng Đông Á-Thái Bình Dương
2006.10.20
Trường Văn, phóng viên đài RFA
Một số tổ chức thiện nguyện quốc tế và đại diện của các em từ 3 quốc gia New Zealand, Philippine và Việt Nam đã hiện diện trong buổi lễ công bố. Mời quý thính giả theo dõi phần tường trình sau đây của Trường Văn.
Bản tường trình của Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên đưa ra một cái nhìn tổng quát về tầm mức của các lọai bạo hành đối với trẻ em trên toàn thế giới. Trẻ em ở đây phải được hiểu như là các em dưới 18 tuổi, theo như qui định tại điều 1 của công ước về Quyền của Trẻ Em.
Bản tường trình này đứng trên khía cạnh nhân quyền, sức khỏe công cộng và bảo vệ trẻ em để nghiên cứu 5 lãnh vực trẻ em thường bị bạo hành, ngược đãi. Đó là gia đình, trường học, các nơi chăm sóc hoặc giam giữ trẻ em, nơi làm việc và trong cộng đồng xã hội.
Mối liên hệ giữa trẻ em và người lớn thường có căn nguyên sâu rộng trong truyền thống gia đình và những sự bất bình đẳng giữa nam và nữ đã góp phần vào việc tạo nên những bạo hành về vật chất cũng như tâm lý đối với trẻ em.
Phát biểu trong buổi lễ, ông Laurence Ray giám Đốc vùng của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision) phát biểu rằng mọi người đều nghĩ là những hành động bạo lực đối với trẻ em thường phát xuất từ những người ưa thích bạo lực, nhưng thực ra việc này xảy ra trong nhiều lãnh vực của đời sống trẻ em do gia đình, xã hội và quốc gia gây nên.
Các trẻ em bị tật nguyền, hoặc thuộc những nhóm sắc tộc thiểu số cũng như trẻ lang thang, bụi đời, những trẻ em phạm tội đối với luật pháp, những trẻ em tị nạn hoặc vì một lý do nào đó phải sống xa nhà thường dễ bị bạo hành.
Một cuộc nghiên cứu vào năm 2001 trên các trẻ em vùng Đông Á, Thái Bình Dương do Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện cho thấy Phần lớn các em bị cha mẹ đánh vì làm những điều không vừa lòng cha mẹ. Cuộc nghiên cứu vào năm 2005 của Tổ Chức Cứu Trẻ Em (Save the children) cũng đưa ra kết quả tương tự.
Một cuộc nghiên cứu vào năm 2001 trên các trẻ em vùng Đông Á, Thái Bình Dương do Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thực hiện cho thấy Phần lớn các em bị cha mẹ đánh vì làm những điều không vừa lòng cha mẹ. Cuộc nghiên cứu vào năm 2005 của Tổ Chức Cứu Trẻ Em (Save the children) cũng đưa ra kết quả tương tự.
Các hành vi bạo động
Việc dùng các hình phạt bằng roi vọt bị luật pháp Trung Quốc, Thái Lan, Philippine và Việt Nam nghiêm cấm. Tuy nhiên, các hình phạt lọai này vẫn còn phổ biến và được chấp nhận như là một hình thức kỷ luật tại hầu hết các nước trong vùng kể cả những nước đã có luật bãi bỏ.
Ông Anupama Rao Singh, Giám đốc khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của UNICEF khuyến cáo các chính quyền trong vùng phải hoàn tất nghĩa vụ của mình là ngăn ngừa cũng như lại lọai bỏ hoàn toàn các hành vi bạo động đối với trẻ em bởi vì theo Công Ước về quyền trẻ em, tất cả các trẻ em đều có quyền được bảo vệ chống mọi hành vi bạo hành cũng như lạm dụng.
Phát biểu trong buổi lễ, em Hoàng Thị Huệ cho biết em tham gia vào câu lạc bộ truyền thông trẻ để xuyên qua báo chí và đài phát thanh chuyển ý thức về chống bạo hành đối với trẻ em cho người lớn cũng như cho các bạn nhỏ tuổi.
Em Huệ cũng thông báo là hiện nay tại Việt Nam đã có một đường dây nóng để các em có thể báo cáo cho các giới hữu trách về tình hình bị bạo hành của các em.
Hai em Michael Sheehan Bendall đại diện cho New Zealand và Lorell Limbang của Philippine cũng nêu lên những họat động của các em trong những chiến dịch chống các hình phạt bằng roi vọt trong học đường và gia đình cũng như việc bãi bỏ các trang Web về tình dục của trẻ em trong các quán cafê internet.
Trường Văn tường trình từ Bangkok.
Thông tin trên mạng:
- Violence Against Children
- The United Nations Secretary-General's Study on Violence against Children
Những bài liên quan
- UNICEF: Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cung cấp nguồn nước sạch
- Thực trạng trẻ em lang thang trên đường phố VN
- Mỗi năm có 27 ngàn trẻ em Việt Nam chết vì tai nạn
- Tình hình các trại trẻ mồ côi tại Việt Nam
- Vẫn còn hàng triệu trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng
- Tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Cambodia vẫn tiếp diễn nghiêm trọng
- Việt Nam cố gắng bảo đảm an toàn cho chương trình tiêm chủng ở trẻ em
- Hội nghị về nỗ lực chống tệ buôn người trong tiểu vùng Mekong tại Cambodia