Gia Minh, phóng viên đài RFA
Đối với nhiều gia đình thuần nông Việt Nam, chính lối mòn canh tác được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đôi khi làm cho nhiều người nông dân không gặt hái được thành quả so với sức lao động mà họ phải bỏ ra.

Để có thể thích ứng với tình hình mới, nhiều nông dân Việt Nam đang cố gắng học hỏi, tiếp thu những phương pháp canh tác khoa học. Một trong những người có được thành công trong họat động nông nghiệp của mình là ông Đỗ Quí Hạo, hiện ngụ tại ấp Hiệp Lợi, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Trong chuyên mục Sáng kiến & Đời sống tuần này, mời quí thính giả và các bạn cùng nghe câu chuyện không ngừng học hỏi để nắm bắt kỹ thuật mới trong canh tác của nhà nông Đỗ Quí Hạo.
Gốc gác nhà nông
Hiện sinh sống và canh tác ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thế nhưng xuất thân của ông Đỗ Quí Hạo là từ tỉnh Thái Bình ở đồng bằng Sông Hồng. Gốc gác con nhà nông dân vất vả và học hành chưa hết cấp hai như lời kể của ông sau đây:
“Hai mươi năm trước, gia đình rất nghèo có lúc phải đi mót lúa, cày cuốc thuê, đào đất thuê, vác lúa thuê công đoàn. Trình độ văn hóa thì chưa hết lớp bảy.”
Tuy thế sau khi vào lập nghiệp tại Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, với quyết chí và lòng yêu cây trồng, ông đã tự mày mò học hỏi, rồi đi học lại để xong chương trình lớp 12 để có thể hiểu được các đề tài về cây trồng được trong những sách của các chuyên gia.
Hai mươi năm trước, gia đình rất nghèo có lúc phải đi mót lúa, cày cuốc thuê, đào đất thuê, vác lúa thuê công đoàn. Trình độ văn hóa thì chưa hết lớp bảy.
Sau quá trình vừa học vừa thực hành trên đồng ruộng của mình, ông Đỗ Quí Hạo lại tìm đến giảng đường các trường đại học trong vùng như Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm Sài Gòn, Đại học An Giang để xin học dự thính.
Công sức bỏ ra của ông đã được bù đắp bằng những thành công mà nhiều báo chí trong nước đã loan cũng như theo như trình bày của ông:
“Như trên cây dưa hấu tôi tìm ra các tác nhân gây bệnh là các lọai nấm. Từ chỗ biết chính xác thì chữa trị kịp thời. Tôi cũng pha chế thành công phân bón lá với các hàm lượng vi lượng cần thiết cho từng thời kỳ.
Khoai lang thì tôi áp dụng biện pháp để tránh dư lượng kháng sinh khi mà Việt Nam hội nhập quốc tế. Dịch bọ hà gây hại mạnh nhất cho khoai lang. Trước đây tôi có cộng tác với Trung tâm khoa học tự nhiên quốc gia, được giáo sư Nguyễn Công Hào giao cho một số chế phẩm sinh học là bẫy dẫn dụ 'pheromol'.
Sau khi giao cho tôi dùng bẫy này để điều tra mật độ trên khoai lang thì tôi dùng để đi qua các luống khoai để dẫn dụ trùng lên. Chiều mát thì cho người đi và thấy lên từng bầy thì cắm cây làm mốc để sáng hôm sau đào lên để làm giảm quần thể bọ hà trên ruộng của mình, một lần làm thế thì giảm đến 80%.
Ngoài ra còn có phương pháp bấm ngọn. Phương pháp này tạo nên tầng tán lá để quang hợp tốt hơn và đường dẫn tinh bột ngắn nên củ khoai to hơn.”
Thành quả đạt được
Đánh giá về những thành quả mà ông Đỗ Quí Hạo đã đạt được, giáo sư Nguyễn Công Hào, trưởng Phân viện hóa học các hợp chất thiên nhiên tại Sài Gòn có đánh giá:
Về phương pháp dẫn dụ sinh học hoàn toàn vô hại đến môi trường. Phương pháp này là tiên tiến và đang dùng ở môt số nơi trên thế giới. Ở Việt Nam thì dùng ở Lâm Đồng, Kiên Giang, Tp Hồ Chí Minh…trên đối tượng các con côn trùng khác nhau.
“Về phương pháp dẫn dụ sinh học hoàn toàn vô hại đến môi trường. Phương pháp này là tiên tiến và đang dùng ở môt số nơi trên thế giới. Ở Việt Nam thì dùng ở Lâm Đồng, Kiên Giang, Tp Hồ Chí Minh…trên đối tượng các con côn trùng khác nhau.
Biện pháp này do chúng tôi nghiên cứu và đưa vào cho nông dân áp dụng. Người ta nói đến gương của ông Đỗ Quí Hạo là do phổ biến hạn hẹp.”
Truởng trạm khuyến nông huyện Hòn Đất nói về những thành quả của người nông dân Đỗ Quí Hạo:
“Ông Hạo có ruộng khoai lang khoảng 8 héc ta. Ông có một phòng với một số dụng cụ như kính hiển vi, sách vở,hóa chất ông thử nghiệm với côn trùng và phân bón, mà các báo nói hơi tô điểm một chút là phòng thí nghiệm.
Thành công của ông là đột phát trong việc sử dụng bẫy 'pheromol; từ đó giúp cho năng suất tăng lên. Ông cũng đưa giống khoai mới vào trồng. Thành công dưa hấu của ông cách đây năm năm là ứng dụng màng phủ.
Qua thành công của ông Hạo thì chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm là chọn những người nông dân dám ứng dụng cái mới để phổ biến những phương pháp mới.”
Hiện nay ông Đỗ Quí Hạo là chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Khuyến nông Xã Mỹ Hiệp Sơn. Theo lời ông cho biết thì ông luôn cố gắng phổ biến những kinh nghiệm canh tác của mình cho người nông dân trong vùng; tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn do đôi lúc phương pháp mới không đạt hiệu quả như mong muốn, mà người dân thì không thể mang vụ mùa của họ ra để làm thí nghiệm.
Nhiều người nói đến việc tận dụng Internet để truyền bá kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cho bà con nông dân; thế nhưng ông Đỗ Quí Hạo thừa nhận là do trường truyền ở vùng ông còn quá chậm và cuộc sống khó khăn của người dân làm họ phải đầu tắt mặt tối, ngay cả những tờ rơi, chỉ dẫn mà cơ quan khuyến nông hay các doanh nghiệp phát không cho họ vẫn không có giờ mà đọc thì chuyện truy cập Internet để học hỏi kinh nghiệm vẫn còn xa vời.
Do vậy ông phải lên thành phố để truy cập Internet rồi mang các tài liệu về cho mọi người cùng xem.
Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.