Câu chuyện những người con lai thành công tại Hoa Kỳ


2005.11.01

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Thưa quí vị và các bạn, cách đây không lâu, trong một kỳ phát thanh, Phương Anh có gửi tới quí vị câu chuyện của những người con lai Mỹ, hiện định cư ở Hoa Kỳ và đang sống trong hoàn cảnh vô cùng đáng thương.

SurvingTwice150.jpg
Hình bìa cuốn sách Surviving Twice (Sống Sót Hai Lần) của bà Trin Yarborough.

Bên cạnh những người con lai không may này, có những người cũng cùng cảnh ngộ, cũng mang hai dòng máu như họ, và cùng đặt chân đến Mỹ theo chương trình Home Coming Act- tức theo đạo luật trở về quê quán do chính phủ Mỹ ban hành vào năm 1989, vượt qua bao khó khăn và trở ngại, đã thành công trên xứ người.

Để ghi lại cuộc đời và những kinh nghiệm trên mảnh đất quê cha của họ, bà Trin Yarborough, một nhà báo Mỹ, hiện cư ngụ tại Los Angeles, California, đã khổ công nghiên cứu và tiếp xúc với họ, rồi viết lại thành cuốn sách mang tựa đề Surviving Twice- xin tạm dịch là Sống Sót Hai Lần.

Trong chương trình hôm nay, mời quí vị và các bạn nghe những tâm tình của tác giả và các nhân vật có thật trong cuốn sách này.

Tác giả Trin Yarborough

Bà Trin Yarborough sinh trưởng và lớn lên ở tiểu bang Texas. Chồng bà đã từng giữ chức Thống Đốc tiểu bang Texas từ năm 1960 đến năm 1968. Thời gian này, khi giúp chồng làm việc, bà từng chứng kiến nhiều vấn đề nghiêm trọng xảy ra tại bang này như nạn nghèo đói, sự phân biệt màu da…Sau khi trở thành nhà báo, tuy không biết nhiều về cuộc chiến Việt Nam, nhưng bà rất quan tâm đến hậu quả của nó để lại.

Khi về chuyển về vùng Los Angeles sinh sống và làm việc, trong một dịp rất tình cờ, bà đã có cơ hội gặp gỡ những người con lai này và nảy ra ý định viết một cuốn sách về họ. Bà kể lại:

Hầu hết tất cả những người con lai đều bị đối xử rất tệ, ngay cả ở Việt Nam cũng như khi đến Hoa Kỳ, do đó, họ không tin tưởng ai cả, nên rất khó để họ bộc lộ những sự thật.

"Tôi là một nhà báo tự do và khi tôi làm việc cho nhiều tờ báo khác nhau, chẳng hạn như tờ Los Angles Time, tôi rất quan tâm đến văn hóa của những người đến nước Mỹ từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những người di dân.

Do đó, khi tôi sửa soạn viết về nhạc pop Việt Nam ở Little Saigon, tôi gặp Randy, Louis Nguyễn và những người con lai khác mà tôi đã nêu trong cuốn sách của tôi. Các câu chuyện của họ rất đặc biệt và làm tôi rất chú ý. Thế là tôi quyết định tìm hiểu về họ và viết cuốn sách này.

Khi tôi tiến hành, có rất nhiều thử thách đã đến với tôi mà tôi không thể hiểu nổi. Điều thứ nhất, tôi phải làm việc với họ qua người thông thông dịch, có những người tôi phải làm việc mấy năm trời ròng rã, thật là khó để kết hiệp chặt chẽ với những người con lai nếu phải làm việc qua người thông dịch.

Thứ hai, sau khi tôi nghe họ kể chuyện xong, tôi phải hỏi đi hỏi lại, tìm cách kiểm chứng lại lời của họ. Chính vì vậy, tôi phải cần thời gian để họ hiểu tôi nhiều hơn vì đa số đều có lòng nghi ngờ tôi ngay bước đầu. Và tôi cũng phải đến Việt Nam để làm việc, để thẩm định về những điều họ nói.

Do đó, tôi càng gặp nhiều thử thách hơn nữa. Vì ở Việt Nam, một số người đã nghi ngờ tôi, không hiểu tại sao tôi là một nhà báo, từ đất nước Mỹ xa xôi, lại đến Việt Nam để tìm hiểu về gia đình của những người con lai đã định cư ở Hoa Kỳ, để làm gì?

Cho nên, phải nói là tôi đã gặp rất nhiều, rất nhiều trở ngại. Thứ ba, hầu hết tất cả những người con lai đều bị đối xử rất tệ, ngay cả ở Việt Nam cũng như khi đến Hoa Kỳ, do đó, họ không tin tưởng ai cả, nên rất khó để họ bộc lộ những sự thật."

Câu chuyện của ca sĩ Randy

Trong cuốn sách này, bà Trin đã ghi lại những câu chuyện thương tâm cùng sự vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh của những người con lai khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Một trong những người ấy chính là Randy, người ca sĩ tại quận Cam, bang California. Theo lời anh kể lại,

Tên thật của em là Trần Quốc Tuấn, lúc em còn nhỏ thì sống ở cô nhi viện và được má nuôi xin về ở vùng Cẩm Hà, tuy nhiên, má nuôi em lại rất là ngựơc đãi em, cho nên em cảm thấy sống với má nuôi lại là một điều rất bất hạnh cho em.

"Tên thật của em là Trần Quốc Tuấn, lúc em còn nhỏ thì sống ở cô nhi viện và được má nuôi xin về ở vùng Cẩm Hà, tuy nhiên, má nuôi em lại rất là ngựơc đãi em, cho nên em cảm thấy sống với má nuôi lại là một điều rất bất hạnh cho em.

Bà ấy xin em về để đi chăn bò, trồng khoai, cắt lúa, làm những công việc nặng nhọc ở trong nhà…Bà má nuôi em giống như một người ở đợ thôi, sự thương yêu hầu như không có… nên mỗi khi em có lầm lỗi gì thì bà ấy có những cử chỉ, những hành động đối xử với em không phải là người nữa…

Khi em bị bà ấy đánh đập quá thì em bỏ nhà đi, ra ruộng, đào những củ khoai hay ăn ổi Tây trừ cơm, và ngủ trong những miếu hoang, hay trong những mả voi, hay chuồng của những con bò, vì về nhà thì sợ bà ấy đánh nữa...

Khi có tin đồn những người con lai được đi Mỹ, bà má nuôi bán anh cho một gia đình khác với giá là 3 cây vàng, lúc đó là năm 1983, nhưng họ vẫn gửi anh ở lại với bà má nuôi. Đến năm 1989, vì bị hành hạ quá nhiều, nên anh xin về ở với gia đình người đã mua anh để mong có một cuộc sống khá hơn, nhưng:

"Cũng giống hệt như bà má nuôi em mà thôi…vì họ thấy sốt ruột quá, mua em từ năm 1983 mà mãi đến 1989 vẫn chưa thấy gì hết…Cho đến 1990 thì em được qua Mỹ và đi cùng với gia đình đã mua em. Bước chân tới Mỹ một hai tuần thì đã có sự hắt hủi rồi…Khi em mới qua, em ăn rất nhiều, thì bà ghép form đi cùng mới nói là mày ăn nhiều vậy? Rủi tiền trợ cấp nó cúp thì lấy gì mà ăn.

Sau khi em nghe bà ấy nói vậy, em rất buồn và xin chia tiền trợ cấp, em có được 180 đồng, 100 để trả chỗ ngủ ở phòng khách và 80 còn lại để em xài một tháng, và cộng thêm được 40 đồng tiền food stamp."

Với số tiền ít ỏi mà Randy có được, ngoài giờ đi làm kiếm thêm, anh vẫn cố gắng đến trường mỗi ngày. Khi có dịp rảnh rỗi, anh đi chơi với bạn bè, hát karaoke. Được sự khuyến khích của bạn bè, anh tham gia cuộc thi hát Karaoke, anh kể lại:

"Lần thứ nhất em được giải an ủi, lần thứ hai em được giải nhất, ban giám khảo lúc bấy giờ gồm có nhạc sĩ Nguyễn Hiền, cố nhạc sĩ Thu Hồ, nam ca sĩ Anh Tuấn, với cuộc thi khoảng 60 người. Sau đó thì được cố nhạc sĩ Thu Hồ giới thiệu cho trung tâm Hải Âu…Từ đó, em mới bước vào ngành ca hát."

Đến đây, mời quí vị thưởng thức một đoạn trong bài Nó, của nhạc sĩ Lê Anh Bằng do Randy trình bày: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Anh Châu Thanh Sơn

Đa phần những người con lai đều có những hoàn cảnh rất là khó để vượt qua trong những ngày còn nhỏ, thứ nhất là cái xã hội chà đạp nên người ta mất rất nhiều nghị lực… Chính vì những cái sức ép đó nên phải cố gắng lướt qua, sau khi lướt qua thì hy vọng nó sẽ đem cho mình sự vững mạnh trong đời sống của mình.

Một người con lai khác, tên là Châu Thanh Sơn cũng được bà Trin ghi lại trong cuốn sách của mình, cho biết:

"Em sinh ra tại Tháp Chàm, sau đó, khoảng 4, 5 tuổi thì mẹ em chuyển lên khu nhà máy điện Đa Nhim, tỉnh Thuận Hải. Vào thời điểm sau năm 1975 thì thời điểm đó rất là khổ cực…Vào khoảng năm 1984, tức lúc đó em khoảng 14, 15 tuổi thì tư tưởng em lúc nào cũng muốn đi qua Mỹ để tìm cha. Cho nên, em lo chạy chọt giấy tờ từ năm 1984 đến năm 1989 thì em được qua Mỹ.

Khi mới qua Mỹ, em đi học và cuối tuần thì em đi bán ở chợ trời… Khoảng 1 năm sau thì em quen biết với một người bạn Mỹ, trước hết, họ là thầy giáo để dậy em học tiếng Anh, thấy em rất serious để học nên ông ta để dành thời gian dạy cho em."

Theo lời anh kể lại, sau khi có một chút vốn tiếng Anh kha khá, anh bắt đầu ghi danh vào học nghề làm dàn đồng xe tại trường đại học cộng đồng và đi làm, rồi bổ túc giấy tờ để mẹ anh và các anh chị em cùng mẹ khác cha với anh cũng được qua Mỹ.

Trong thời gian này, anh đi mua những chiếc xe cũ, bị hư hỏng và đem về tân trang và sửa chữa lại rồi bán. Năm 1994, trong dịp về Việt Nam thăm bà con, anh đã gặp người thiếu nữ cùng quê và quyết định kết hôn một năm sau đó. Trước khi vợ anh đến Hoa Kỳ, thì anh đã chuyển sang nghề làm móng tay và làm chủ một tiệm. Sau vài năm làm ăn khấm khá, anh lại chuyển sang nghề địa ốc và hành nghề ở vùng California, anh cho biết:

"Sau khi em lấy được bằng địa ốc thì thời điểm đó giá nhà đang lên, và bắt đầu em theo con đường địa ốc. Em ở Cali thì rất là thoải mái. Bây giờ em cũng có được 2 Unit nhà ở Cali, em cũng mua đất, trả bằng tiền mặt, tương đối thì em rất là thoải mái…nhưng Cali thì em không có thích sống, em thích chỗ nào yên tịnh để cho con em học, nên tụi em mới mua thêm căn nhà ở Florida này."

Khi hỏi anh có suy nghĩ gì về bản thân mình khi nhìn lại quãng đời đã qua, anh nói:

"Đa phần những người con lai đều có những hoàn cảnh rất là khó để vượt qua trong những ngày còn nhỏ, thứ nhất là cái xã hội chà đạp nên người ta mất rất nhiều nghị lực… Chính vì những cái sức ép đó nên phải cố gắng lướt qua, sau khi lướt qua thì hy vọng nó sẽ đem cho mình sự vững mạnh trong đời sống của mình.

Em cảm thấy mãn nguyện cho chính cuộc đời của em là như vậy. Chính vì những ngày khó khăn đó, em đã cố gắng bước qua và chính vì vậy mà em đã có nghị lực rất là mạnh."

Tâm tình của tác giả

Mời các bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Trở lại với tác giả cuốn Surviving Twice – tức Sống Sót Hai Lần, khi được hỏi vì sao bà lại quyết định khổ công trong suốt mấy năm trời để hoàn thành cuốn sách này, bà nói:

"Tôi mong rằng những người Việt Nam, không phải là con lai Mỹ, sẽ nhận ra rằng những người con lai này đã chịu nhiều đau khổ, họ đã bị khinh rẻ, từ khi còn thơ ấu và cho đến bây giờ… Tôi hy vọng rằng những người cha Mỹ của họ sẽ nghĩ lại những gì họ đã làm, họ đã để lại hậu quả đắng cay cho con cái của họ.

Thật là tiếc, vì hầu hết những người con lai không tìm thấy cha ruột của mình…Một đôi khi tìm được thì những người cha đó lại không muốn nhìn đứa con của mình. Tôi hy vọng những người Mỹ đang làm chính sách sẽ biết đến hoàn cảnh của những đứa trẻ sinh ra từ chiến tranh.

Và điều quan trọng hơn cả là hiện nay, có rất nhiều người con lai Mỹ luôn mang mặc cảm về chính bản thân họ và tôi muốn giúp họ xóa đi sự mặc cảm ấy.

Tôi biết rất rõ, tận đáy lòng của họ, họ luôn buồn bã, và tôi mong rằng họ sẽ mạnh mẽ hơn để hiểu rằng có rất nhiều điều, chúng ta không thể nào kiểm soát nổi… và họ đang có rất nhiều cơ hội và đời sống tốt đẹp hơn ở Hoa Kỳ."

Vừa rồi là những tâm tình của bà Trin Yarbrough, tác giả cuốn Surviving Twice, - Sống Sót Hai Lần, cùng hai nhân vật trong cuốn sách ấy. Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.