Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 2)


2007.10.07

Minh Thuỳ, thông tín viên đài RFA

VoDacDanh200.jpg
Nhà báo Võ đắc Danh (Photo của Võ đắc Danh) >> Xem hình lớn hơn

Nhà báo Võ Đắc Danh, cũng là nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu, là tác giả của những Bút ký nổi tiếng: Nỗi Niềm U Minh Hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên.

Qua các bút ký anh trình bày rất sống động những việc thật với những con người thật, đó là những nông dân miền tây suốt đời lam lũ trên cánh đồng để rồi bị trắng tay vì chính sách qui hoạch ruộng đất của nhà nước. Những doanh nghiệp dựa thế lực Đảng và nhà nước “ăn theo” chủ trương qui hoạch đã lấy đất, lấy nhà ngưòi dân, đẩy nông dân vào đường cùng.

Tuần trước Minh Thùy đã giới thiệu về anh Võ đắc Danh. Hôm nay mời quí vị nghe tiếp phần 2 bài phỏng vấn về tâm tư của một nhà báo trong nước qua 25 năm theo nghề viết:

Tác phẩm của Võ đắc Danh:

- Nỗi niềm U Minh hạ – Tập bút ký -NXB Trẻ-2001 - Đồng cỏ chát – Tập bút ký-NXB Trẻ-2004 -Thế giới người điên – Báo SGTT-NXB Trẻ-2006 -Thực hiện trên 20 bộ phim tài liệu. - Giải thưởng Liên hoan phim việt Nam lần thứ 12 (1999) với phim tài liệu Con Trâu - Hiện đang công tác tại báo Saigon Tiếp thị.

Minh Thùy: Mới đây anh lại làm phóng sự “Vĩnh biệt làng gốm cổ” (đăng trên báo Saigon Tiếp thị online) cho biết làng gốm lâu đời ở Bình dương đang có nguy cơ phá sản cũng vì chủ trương qui hoạch của nhà nước, theo anh thì chủ trương này có thuận lợi gì, cho ai? Và làm thiệt hại gì cho ngành thủ công và người thợ thủ công ở Bình Dương?

Võ Đắc Danh: Tôi nghĩ là tự thân loạt phóng sự “Vĩnh biệt làng gốm cổ” vừa rồi đã trả lời câu hỏi của chị. Nói tóm lại thì việc giải tỏa 237 lò gốm cổ Bình Dương, cái được thì chưa nhìn thấy, chưa thuyết phục nhưng cái mất thì rõ ràng quá lớn lao. Đằng sau hàng trăm chủ lò bị phá sản, hàng ngàn thợ thủ công bị thất nghiệp nó còn là khoảng trống về văn hoá, về tình cảm con người, về bản sắc có một không hai của một vùng đất.

Minh Thùy: Anh tự nhận mình là "nông dân cầm bút", sau ba tập Bút ký Nỗi Niềm U Minh hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên, anh có gặp khó khăn gì trong nghề nghiệp, và anh có vẫn tiếp tục viết như vậy nữa không?

Võ Đắc Danh: Thật sự ngoài việc bị tịch thu thẻ nhà báo vì bài phiếm luận thì hầu như tôi không gặp khó khăn gì đáng kể trong hoạt động nghiệp vụ. Một điều dẫn chứng thuyết phục là 3 tập bút ký của tôi là sự tập hợp các bài đã được in trên các báo. Hơn 25 làm nghề tôi đã sống và viết như thế nào thì tôi vẫn tiếp tục sống và viết như thế đấy. Tôi tự nhận mình là “người nông dân cầm bút”, điều đó không có nghĩa là chỉ để chia sẻ thân phận của người nông dân mà tôi cho đó là món nợ phải trả.

Tôi nhớ hồi năm rồi tôi đi thực tế trong nhà thương điên Biên Hòa, tình cờ tôi gặp bút tích của nhà văn Nguyễn Ngu Ý, trong đó ông than thở có câu là: “Mấy tháng nay không làm được gì, chỉ sống nhờ hạt cơm của nhân dân”. Phải nói tôi thật sự bàng hoàng khi đọc câu chữ như vậy, một người điên mà còn biết xót xa mặc cảm khi ăn hạt cơm của nhân dân, huống hồ là chúng tôi, những người được xem là tỉnh táo.

Minh Thùy: Anh có thể nói thêm về nhà văn Nguyễn Ngu Ý này, một chút về cuộc sống của ông này.

Võ Đắc Danh: Ông này là nhà văn hoạt động cùng thời với Sơn Nam và Bình nguyên Lộc trước năm 75 ở Saigon. Ông bị tâm thần nằm ở nhà thương Biên Hoà, một bức thư lúc ông nằm bệnh viện gửi ra cho bạn bè, ông nói nhiều vấn đề nhưng mà trong cơn điên loạn như thế mà ông còn biết xót xa là mấy tháng qua không làm được gì chỉ sống nhờ vào hạt cơm của nhân dân. Mình thấy đó là một người điên quá tử tế, huống gì mình là người cầm bút được xem tỉnh táo thế này mà không biết chia xẻ với thân phận những người làm ra hạt gạo hạt lúa.

Minh Thùy: Tôi cảm thấy nếu nhà văn Nguyễn Ngu Ý viết được những câu như vậy thì ông là người tỉnh táo lắm chứ chưa hẳn bị tâm thần đâu.

Võ Đắc Danh: Chuyện đó tôi cũng chưa biết. Nói thật ra thì cái tỉnh hay cái điên, hoặc là ai tỉnh ai điên trong cuộc đời này đôi khi cũng khó nói lắm.

Minh Thùy: Trong tập bút ký Thế Giới Người Điên thì nội dung anh viết về chuyện gì?

Võ Đắc Danh: Tôi viết tập này lúc tôi sống ở Saigon cho nên tôi chia xẻ với nông dân ở ngoại thành Saigon hay nông dân ở miền đông. Gần đây sự xáo trộn về đất đai làm cho những gia đình đổ vỡ hạnh phúc, mất đi luân lý truyền thống, tôi viết xoay quanh chủ đề như vậy.

Minh Thùy: Trong cuộc đời làm báo thường xuyên viết bút ký anh có tâm tư gì trong khi viết không?

Võ Đắc Danh: Tôi chỉ thấy mình kém tài, không đủ tài năng để nói được những điều mình cần nói.

Minh Thùy: Khi nhìn thấy những cảnh khổ của người nông dân và những điều bất công trong cuộc sống như vậy, anh có hình dung ra phương hướng nào có thể giúp giải quyết được vấn đề này không?

Võ Đắc Danh: Hồi lúc tôi mới tham gia làm báo tôi cũng có ảo tưởng đó. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của người làm báo có thể góp phần làm cho đời sống tốt hơn. Một bài báo can thiệp vào một vấn đề xã hội tôi nghĩ là để cho những người có trách nhiệm phải nhìn lại, và cuối cùng sau hơn 25 làm nghề tôi nghiệm ra một điều là: Cái đó chỉ là ảo tưởng. Cho nên điều tôi nghĩ mình cần làm hiện nay là chia xẻ với nỗi đau của đồng loại thôi, chứ không hy vọng điều đó. Mình có nghĩ ra thì cũng chẳng ai nghe.

Minh Thùy: Những phóng sự của anh bao giờ cũng lấy từ nguyên mẫu trong cuộc sống thì có hoàn cảnh nào làm anh phải chạnh lòng, phải suy nghĩ sâu xa hơn, mà anh cảm thấy mình bị bó tay trước tình hình hiện nay.

Võ Đắc Danh: Nhiều chứ chị, mà nói chung hầu như là bài nào cũng vậy, khi mình tiếp cận với đời sống luôn luôn cảm thấy mình bất lực, có đôi khi mình cảm thấy mình hèn đi, vì đứng trước một sự thật mà mình không giúp được gì, trong khi đó thì người dân họ ảo tưởng về nhà báo rất nhiều.

Họ tưởng đâu nhà báo đến có thể giúp họ giải quyết vấn đề mà cuối cùng mình làm cho họ thất vọng, thì mình cảm thấy mình hèn lắm, rồi mình thấy khổ tâm.Tôi lấy thí dụ như trường hợp chị Hấn trong bút ký Chuyện Cũ trong tập Đồng Cỏ Chát. Chị bị mất nhà mà trường hợp của chị có đầy đủ chứng cứ. Nhưng vì nhà của chị bị mất là một cán bộ đang ở, nên mình không cách nào giúp chị được, mình chỉ nói lên sự thật như thế. Thấy chị khổ quá thì mình cũng dành dụm tiền giúp chị chút đỉnh để chia xẻ vậy thôi.

Minh Thùy: Và trong 25 năm làm báo anh thường viết bút ký thì có trường hợp nào làm cho anh có hy vọng, có trường hợp nào đem lại chút niềm tin cho anh trong những vấn đề này?

Võ Đắc Danh: Cái đó cũng nhiều, nhưng là niềm tin ở con người, ở những người nông dân sẵn sàng bán cả đất đai cho con đi học Đại học, để đời con có được cuộc sống tốt hơn đời cha. Có những người mẹ, người cha thương binh đã hái từng cọng rau, bắt từng con cá đi mỗi ngày năm ba cây số đi bán để nuôi cả đàn con học Đại học. Đó là những niềm tin rất lớn để mình tin vào con người.

Minh Thùy: Chứ không có trường hợp nào nhà nước hay những người doanh nghiệp đầu tư đã thực hiện đúng đắn chính sách để người dân không bị thiệt thòi làm cho anh thấy hy vọng hơn không?

Võ Đắc Danh: Cái đó thì đến giờ này tôi chưa cảm nhận được, chỉ có vài lần mình viết về những người từng có công với nước với dân mà họ sống khổ quá, thì sau bài viết đó chính quyền có giúp đỡ họ phần nào.

Minh Thùy: Vừa rồi tôi đọc phóng sự của anh trên Người Việt online (Bút ký: Nơi Ấy Bây Giờ) đến đoạn anh kể về tình trạng của ông Bảy Liên xô, tôi thấy đau khổ thế nào, một người rơi vào tình trạng phải sống lẩn lút trong bóng tối. Anh kể là anh phải đi vô cái xóm để tìm ông Bảy không khác gì dưới thời Pháp thuộc phải đi tìm một người du kích lẩn trốn trong đó.

Võ Đắc Danh: Sau này tôi viết hồi ký về khoảng thời gian đó hấp dẫn lắm, cách đây 19 năm rồi. Lúc đó tôi mới cưới vợ, bà xã mới mang bầu, đi thì không có tiền, tôi phải xuống người quen ở dưới chợ cá, tôi vay 20.000 đồng, bà xã đang bệnh, bị sưng bàn chân bị viêm tắt tĩnh mạch không đi đâu được, tôi để cho bà xã 10.000 mà tôi vay bạc 30 phân. Tôi mang theo 10.000 tôi đi, với cái máy ảnh, mấy cuộn phim.

Khi xuống dưới đó hết tiền rồi tôi mới đi chụp hình dạo, rồi gửi tàu đò ra chợ rửa hình, xong người ta mang hình về, mình giao hình lấy tiền để có chi phí ở tiếp, nhưng mà đâu có yên, viết xong rồi, tạp chí Văn ở thành phố in 2 kỳ, vừa xong là bị hăm bắt. Tình trạng đời sống nông thôn đến giờ vẫn còn nhiều vấn đề.

Minh Thùy: Theo anh thì xã hội bây giờ có khá hơn lúc trước không?

Võ Đắc Danh: Tôi nghĩ là cái sự phát triển thì có, điều đó mình không thể phủ nhận được nhưng có điều là nó chuyển từ cực đoan này qua cực đoan khác, từ nền kinh tế bao cấp chuyển qua thị trường nên có những sự biến động không lành mạnh ở buổi giao thời. Cho nên người giàu thì cũng nhiều, mà những người giàu không rõ nguồn gốc thì rất nhiều. Còn đại bộ phận nông dân thì vẫn nghèo và càng nghèo.

Minh Thùy: Cám ơn nhà báo Võ đắc Danh đã trả lời buổi phỏng vấn hôm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.