Tân bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đề ra mục tiêu cho năm học mới 2006-2007
2006.08.01
Gia Minh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 31 tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam tiến hành tổng kết năm học 2005- 2006 và đề ra nhiệm vụ cho năm học mới 2006- 2007. Đây là hội nghị tổng kết mà Báo Sài gòn Giải phóng cho là một hội nghị tầm cỡ đầu tiên của ngành này từ sau năm 1975 cho đến nay.
Lý do vì sao có đánh giá đó? Và mục tiêu đề ra cho năm học mới có khả năng thực hiện như mong muốn hay không? Gia Minh tìm hiểu và trình bày vấn đề trong phần sau.
Hội nghị diễn ra tại dinh Thống nhất ở thành phố Hồ chí Minh do ông tân bộ trưởng Bộ giáo dục- đào tạo, Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cùng với các thứ trưởng của bộ và lãnh đạo của 64 tỉnh thành phố tham dự. Bên cạnh đó còn có các vị là nguyên bộ trưởng giáo dục đào tạo suốt những thời kỳ qua, cùng đại diện ban khoa giáo TW tham dự.
Khách mời ngoài những nhân vật chức năng còn có những tên tuổi từng lên tiếng đấu tranh chống tiêu cực trong ngành giáo dục vừa qua như các thầy Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây, thầy Đoàn Dụng từ Quảng Ngãi và Đức Vịnh từ An Giang.
Năm vấn đề lớn
Ông tân bộ trưởng giáo dục đã nêu ra năm vấn đề lớn của ngành tại hội nghị tổng kết, mà ông cho là những căn bệnh giáo dục Việt Nam: Tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, phương pháp dạy- học, đời sống giáo viên, sách giáo khoa và thiết bị dạy học.
Ông cũng chỉ ra bốn lãng phí trong ngành đó là lãng phí sức lực và thời gian của học sinh, sức lực- tiền bạc của phụ huynh, công lao thầy cô giáo, lãng phí chung của xã hội.
Theo đánh giá của ông bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thì tình trạng đó dẫn đến ba suy thoái: thứ nhất là suy thoái trong học sinh, suy thoái đạo đức liên quan đến thầy cô giáo, và góp phần làm suy thoái xã hội.
Sau khi đã chỉ ra những vấn đề của ngành giáo dục- đào tạo Việt Nam trong những năm qua thì ông tân bộ trưởng giáo dục- đào tạo chính thức phát động một phong trào mới cho năm học sắp tới là 'Nói không với tiêu cực trong thi cử và căn bệnh thành tích trong giáo dục'.
Từ kế họach hai không vừa nêu, sắp đến sẽ cho tiến lên thực hiện một không thứ ba là 'không đọc- chép' trong giảng dạy.
Thuận lợi
Đối với kế họach thực hiện các mục tiêu mà bộ trưởng đưa ra thì qua phiếu thăm dò có 17/ 56 Sở cho rằng có khó khăn để thực hiện, trong khi đó có 39 sở cho rằng thuận lợi. Chính ông Bộ trưởng cho rằng có thuận lợi vì chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội để làm giáo dục dễ hơn lúc này.
Ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là vì muốn con cái đi học, phụ huynh sẵn sàng trả nhiều tiền cho giáo dục. Rồi nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng muốn đầu tư, đóng góp vào ngành này. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân thì chưa bao giờ khả năng phối hợp giáo dục quốc tế thuận lợi như hiện nay.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một người họat động trong lĩnh vực giáo dục lâu nay, có một số ý kiến tương đồng với ý kiến của bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, nhất là trong lĩnh vực đóng góp kinh phí để có thể xã hội hoá giáo dục:
“Hiện nay số người tự lo để du học tăng nhiều. Trong nước,cần phải tăng thu học phí. Còn đối với những đối tượng nghèo học giỏi thì có chính sách học bổng. Học bổng không nên trao cho con nhà giàu học giỏi…”
Khi nào cũng vậy ai mới lên cũng muốn có làm được điều gì, thế nhưng thực tế không phải chỉ mình ông mà làm được. Về khả năng thay đổi thì thực tế cuộc sống, và yêu cầu của người dân buộc phải có đổi thay…Sắp đến khi vào sân chơi WTO thì mọi chuỵện tự khắc phải có chuyển đổi … Vấn đề là ngành giáo dục Việt Nam thay đổi như thế nào.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Ngọc Trà, từ thành phố Hồ Chí Minh, thì ngành giáo dục có quá nhiều vấn đề mà nguyên nhân trước hết đó là thiếu một triết lý giáo dục: “Ngay cả những nhà làm giáo dục cũng chưa có một mục tiêu rõ ràng là đào tạo ra con người thế nào? Đó là một triết lý giáo dục thiếu vắng ở Việt Nam.”
'Hồng' hơn 'chuyên'
Có một thời gian dài, nhất là sau năm 1975, câu khẩu hiệu thường thấy trên tường các lớp học là 'Tiên học lễ, hậu học văn' bị xoá hẳn. Chủ trương phải có những con người 'hồng' hơn 'chuyên' dưới mái trường xã hội chủ nghĩa một thời được đề cao. Phẩm chất chính trị được coi trọng hơn thực tài dẫn đến tình trạng nhiều người có năng lực lại không được sử dụng.
Thế rồi gần đầy do yêu cầu khách quan của cơ chế thị trường và nhu cầu hội nhập, thực tế đó lại khiến nhiều người bằng cách này hay bằng cách khác phải kiếm cho bằng được một tấm bằng để trụ lại trong cương vị của họ. Như vậy tình hình 'mua bằng' diễn ra.
Ông Phan Văn Bé, giám đốc Sở giáo dục- Đào tạo tỉnh Đắc Nông, phát biểu tại hội nghị vào ngày 31 tháng 7, cho rằng 'một ông quan chỉ cần có cái bằng trung học bổ túc, muốn lên chức mua thêm cái bằng đại học tại chức, muốn lên nữa mua thêm 'cái cao cấp chính trị', thế là ngủ ngon…' Và ông kết luận ngành giáo dục tiếp tay cho cả xã hội tiêu cực.
'Nói không với tiêu cực và căn bệnh thành tích trong giáo dục' là một câu khá ngắn, lâu nay ở Việt Nam cũng có câu' Nói không với ma túy', một câu còn ngắn hơn; thế nhưng để thực hiện cho được điều đó có thể nói là một việc 'thiên nan, vạn nan'. Giáo sư Lê Ngọc Trà có nhận định về khả năng thực hiện những việc tốt đẹp mà ông tân bộ trưởng giáo dục đề ra:
“Khi nào cũng vậy ai mới lên cũng muốn có làm được điều gì, thế nhưng thực tế không phải chỉ mình ông mà làm được. Về khả năng thay đổi thì thực tế cuộc sống, và yêu cầu của người dân buộc phải có đổi thay…Sắp đến khi vào sân chơi WTO thì mọi chuỵện tự khắc phải có chuyển đổi … Vấn đề là ngành giáo dục Việt Nam thay đổi như thế nào. ” Thường một đất nước phát triển càng cao bao giờ nền giáo dục của nước đó cũng ở một cấp độ tương đối khá hoàn chỉnh, thông qua một quá trình dài thực hiện những chính sách phù hợp về mặt giáo dục con người.
Hẳn nhiều người ở Việt Nam vẫn còn nhớ câu 'Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm'; hay câu 'Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm'. Từ chỗ không có thầy ' đủ tâm, đủ tầm', dẫn đến nhiều thế hệ mất 'căn bản cả về mặt đạo đức và kiến thức', tạo ra bao hệ lụy trong xã hội Việt Nam lâu nay.
Những bài liên quan
- Ý kiến của phụ huynh trong vấn đề giáo dục hiện nay
- Gian lận thi cử đã trở thành một vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam
- Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân với mục tiêu lập lại kỹ cuơng trong ngành giáo dục
- Thi tuyển đại học tại VN: 95% thí sinh có điểm dưới trung bình
- Kiến thức về lịch sử của học sinh đang ở mức báo động
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 20-7-2006)
- Khoảng 1,000 học sinh huyện Ðức Trọng có thể không có không có lớp học
- Thầy Đỗ Việt Khoa: Hơi thất vọng về cách xử lý của tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân
- Đợt 1 tuyển sinh đại học 2006: gian lận thời @
- Ngành giáo dục Việt Nam sẽ thật sự đổi mới sau 10 năm tới
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 2)
- Làm gì để giải quyết tận gốc những tiêu cực học đường?
- Gian lận thi cử tại Việt Nam, căn bệnh trầm kha (phần 1)
- Giới trẻ Việt Nam ngày nay thiếu hiểu biết về giới tính và an toàn tình dục
- Việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả
- Nạn gian lận thi cử ngày càng phổ biến ở Việt Nam
- Thí sinh không nhận được giấy báo hay lỡ bị mất vẫn sẽ được dự thi đại học
- Phỏng vấn anh Ngô Ðức Thành về tình hình dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam
- IVCE sẽ tổ chức 6 kỳ hội thảo liên tiếp về du học tại Việt Nam
- Việt Nam sửa đổi một số điểm quan trọng trong quy chế tuyển sinh
- Lưu xá La Vang cho nữ sinh nghèo ở Việt Nam
- Quy mô phát triển của Đại học Cần Thơ
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Ý kiến của một sinh viên về nền giáo dục Việt Nam hiện nay
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 5-5-2006)